(HBĐT) - Không có việc làm, vài năm gần đây, tình trạng người dân tại nhiều xã ở huyện Mai Châu vượt biên trái phép tìm việc làm diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, sau khi vượt biên mới thấy đó không phải là "miền đất hứa", không như trong tưởng tượng và những lời "hứa ngọt” từ những kẻ môi giới. Sang đến nơi, nhiều người muốn trở về. Nhưng đó cũng không phải là chuyện dễ. Hậu quả không chỉ bản thân họ phải gánh chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến người thân, gia đình và xã hội.


Lực lượng Công an xã Nà Phòn (Mai Châu) tuyên truyền, vận động anh Hà Văn Th ở xóm Xăm Pà vừa trở về từ Trung Quốc, không tiếp tục xuất cảnh trái phép lao động chui. 

Nhiều làng quê nghèo ở huyện vùng cao Mai Châu vốn dĩ thanh bình, yên ả. Nhưng từ khi rộ lên phong trào sang Trung Quốc lao động chui đã trở nên quạnh hiu. Trong căn nhà xập xệ ở xóm Đồng Uống, xã Mai Hạ, 2 đứa trẻ nhường nhau từng cọng rau trên mâm cơm đạm bạc. Không còn vẻ hồn nhiên, thơ ngây, trên khuôn mặt là sự ủ rũ trông thật xót xa. Bởi lẽ, bố chúng, anh Khà Văn Ch (SN 1990) - trụ cột của gia đình đã mất trong vụ tai nạn lao động, khi liều lĩnh nghe theo lời hứa về một viễn cảnh tươi đẹp của những kẻ môi giới để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm lao động. Chị Đinh Thị Ngh - vợ anh Khà Văn Ch cho biết: Cách đây 2 năm, anh theo người quen đi xuất khẩu chui sang Trung Quốc. Sang đến nơi không như mình nghĩ, công việc vất vả, nay đây, mai đó, mọi người phải lao động cật lực, không có ngày nghỉ mà tiền công rẻ mạt. Khi đi, cả 2 vợ chồng đều mong đây là cơ hội để đổi đời. Nhưng không ngờ, đó là lần anh ấy đi xa nhất cũng là chuyến đi cuối cùng. 

Cũng giống như Khà Văn Ch, vì mưu sinh, nhiều người trong độ tuổi lao động ở Mai Châu, thậm chí cả những người có tuổi đã bất chấp mọi cảnh báo, tin vào lời hứa hẹn về một viễn cảnh việc nhàn, lương cao, ổn định ở xứ người. Thế nhưng, sự giàu có đâu chưa thấy, ở nơi tưởng chừng "miền đất hứa” ấy họ đã phải cam chịu cuộc sống khốn khổ, tủi nhục, thậm chí là bỏ mạng nơi đất khách. Chị Hà Thị H (SN 1978), xóm Nà Mèo, xã Nà Phòn chia sẻ: Không như những gì người ta nói với mình, sang đến nơi thực tế hoàn toàn khác. Ở bên đấy, những người lao động chui hoàn toàn không thể lường trước được rủi ro, nguy hiểm. Thường xuyên phải lao động trong điều kiện độc hại, bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, nhiều trường hợp còn bị chủ nợ quỵt lương. Khi có đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng nước sở tại, lao động phải trốn vào rừng hoặc các hầm chứa. Thậm chí nhiều phụ nữ bị bắt cóc, trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, bị ép làm gái mại dâm... Sang bên đấy, họ bắt mình phải tự tìm chỗ ở, chủ không bao ăn, ở. Làm việc cật lực đủ số giờ, làm hơn giờ nhưng đến tháng vẫn không được trả lương, bị chủ sử dụng quát, chửi mắng. Ở đó, chúng tôi phải chịu đủ mọi nỗi tủi nhục.

Trung tá Triệu Văn Thắng, Đội phó Đội An ninh - Công an huyện Mai Châu cho biết: Theo thống kê, tính đến ngày 15/2, toàn huyện có 39 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Có 20 trường hợp đã trở về địa phương, trong đó 12 người bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ, đẩy đuổi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi Trung Quốc lao động chui là do tại địa phương người lao động không có việc làm, lại bị nhiều đối tượng môi giới rủ rê, lôi kéo bằng thủ đoạn vẽ ra viễn cảnh đi có lương rất cao nên nhiều người đã tin và đi theo.

"Xuất phát từ thực tế trên, để ngăn chặn tình trạng người dân địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc, thời gian qua, Công an huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này” - trung tá Triệu Văn Thắng chia sẻ thêm. Đồng chí Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để người dân hiểu và nhận thức rõ, cảnh giác trước sự rủ rê, lôi kéo của đối tượng xấu, cũng như những nguy cơ khi xuất cảnh chui sang Trung Quốc làm lao động, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các xã tăng cường tuyên truyền thông qua nhiều kênh, từ hệ thống chính trị xã hội đến các diễn đàn, cuộc họp xóm, tổ liên gia tự quản. Ngoài ra, dựa vào đặc thù từng địa bàn để xây dựng chương trình, kế hoạch hướng nghiệp, đào tạo nghề phù hợp cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu việc làm để người dân có thêm nhận thức về thị trường lao động, nắm bắt được các cơ hội và việc làm, có nhu cầu đi xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch. Thời gian tới huyện sẽ phối hợp với các ngành, các cấp, tổ chức tín dụng quan tâm hỗ trợ vốn, nhất là đối tượng hộ nghèo, khó khăn, ưu tiên các nguồn vốn vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.


Thu Hường (Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)

Các tin khác


Tạo bứt phá cho phát triển du lịch huyện Mai Châu

(HBĐT) - "Xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 30/8/2016 (NQ 06). Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bứt phá mạnh mẽ cho sự phát triển của du lịch huyện Mai Châu trong 3 năm qua.

Hương vị Tết của đồng bào Thái

(HBĐT) - Khi những ngày Tết cổ truyền của dân tộc cận kề cũng là thời điểm khắp các bản làng đồng bào dân tộc Thái Mai Châu "dậy mùi” thơm cay nồng của thịt, cá ướp các loại gia vị rừng được đồ chín hoặc sấy khô trên bếp than hồng. Cùng với đó là xôi ngũ sắc được nấu từ loại nếp nương dẻo thơm, béo bùi tạo nên mùi vị "không lẫn vào đâu được”. Những món ăn truyền thống ấy đã trở thành một phần hương vị Tết của đồng bào nơi đây.

Ngọt bùi bánh dày người Mông

(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, bản làng người Mông tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu) lại vang lên tiếng giã bánh dày. Năm nào cũng vậy, bà con đồng bào dân tộc tại tấp nập, quây quần bên chiếc cối giã bánh, tạo nên những chiếc bánh dày tròn trịa, mềm mại, thơm ngon. Với người Mông, bánh dày vừa để cúng tổ tiên vào các dịp lễ, Tết, vừa là món ăn đãi khách, nhất là những khách quý đường xa đến thăm bản.

Hang Kia - mùa xuân đến sớm

(HBĐT) - Ở đâu đó "cánh cửa” mùa xuân chưa hé mở nhưng ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), sắc xuân đã tràn ngập trên mỗi bản làng, con đường và trong từng nếp nhà. Sương mờ giăng lối, mưa bụi lất phất bay trong sắc thắm hoa đào, trắng muốt hoa mận, cùng tiếng nói cười ríu rít của những chàng trai, cô gái xúng xính váy, áo mới dạo chơi khiến bản Mông thật đẹp, lòng du khách cũng chộn rộn, xốn xang.

Trao 245 suất quà Tết cho bà con huyện Mai Châu

(HBĐT) - Trong 2 ngày 10 - 11/1, Hội Chữ thập đỏ huyện Mai Châu cùng các nhà hảo tâm đã tổ chức trao 245 suất quà cho bà con 3 xã Hang Kia, Pà Cò, Tân Sơn trong chương trình tặng quà Tết Canh Tý 2020.

Trao 513 suất quà cho bà con nhân dân xã Noong Luông

(HBĐT) - Trong 2 ngày 11 - 12/1, Công ty Cổ phần Công nghiệp Đại Á phối hợp cùng Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh thăm và tổ chức chương trình thiện nguyện tại xã Noong Luông - nay thuộc xã Thành Sơn, huyện vùng cao Mai Châu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục