(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được đơn kiến nghị của gia đình ông, bà Đoàn Thanh Thái và Nguyễn Thị Huế, xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) phản ánh về những sai phạm trong thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng cơn bão số 2 năm 2016. Ban biên tập Báo Hòa Bình đã cử phóng viên điều tra, xác minh sự việc.



Gia đình bà Nguyễn Thị Huế, xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt năm 2016 không nhận được hỗ trợ.

Chính sách một đằng, thông báo với người dân một nẻo

Theo đơn phản ánh của người dân, ngày 18/8/2016, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch xảy ra lũ quét, nhiều hộ dân ở ven bờ suối Xia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2460, ngày 7/12/2017 về việc phân bổ kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư năm 2017. Tuy nhiên theo người dân, việc triển khai quyết định không đúng theo chủ trương ban đầu, nhiều hộ dân xóm Hải Sơn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, hoàn cảnh khó khăn không được nhận hỗ trợ. Cụ thể, triển khai Quyết định số 2460, ông Đoàn Quang Thường, Trưởng xóm Hải Sơn đã thông báo đến các hộ dân đăng ký nâng cấp, sửa chữa nhà và di dời tái định cư xen ghép. Trong đó, mỗi hộ đăng ký nâng cấp được hỗ trợ 10 triệu đồng, hộ di dời được hỗ trợ 20 triệu đồng. Sau khi đăng ký với trưởng xóm, nhiều hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn lũ năm 2016 đã tiến hành sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống. Là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai, gia đình bà Huế đã vay mượn tiền để nâng cấp nhà nhằm tránh lũ. Bà Huế cho biết: Cuối năm 2017, trưởng xóm đến thông báo gia đình tôi nhanh chóng sửa nhà để tham gia chương trình hỗ trợ. Thời điểm đó, gia đình vô cùng khó khăn nhưng nghe thông báo của trưởng xóm được hỗ trợ, gia đình đã vay mượn, nâng cấp nhà ở, nhưng sau khi làm xong, trưởng xóm lại thông báo hộ gia đình khác, không bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ làm đơn nhận hỗ trợ. Tương tự, mỗi đợt mưa lũ, nhà bà Lê Thị Hương bị ngập nặng nề, nên khi nghe thông báo về chính sách, gia đình bà Hương cũng vay mượn để nâng cấp nhà, đến nay, gia đình bà không nhận được hỗ trợ. Ngoài gia đình bà Huế, bà Hương còn nhiều hộ khác đã nâng cấp, di dời nhà ở nhưng không nhận được hỗ trợ.

Xác minh vấn đề này, phóng viên Báo Hòa Bình đã làm việc với Phòng NN&PTNT huyện Mai Châu. Đồng chí Hà Công Soan, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Phòng đã làm việc với UBND xã Mai Hịch, cho người dân đăng ký thực hiện. Tại xã Mai Hịch có 47 hộ đăng ký tham gia, trong đó có 23 hộ đăng ký di dời, 24 hộ đăng ký nâng cấp. Sau khi rà soát, ngày 26/7/2018, UBND huyện Mai Châu ra Quyết định số 1976 về phê duyệt danh sách và hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình thuộc đối tượng bố trí ổn định dân cư dự án Di chuyển xen ghép xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, trong đó có 21 hộ thuộc diện di chuyển, riêng xóm Hải Sơn có 8 hộ thuộc diện di chuyển. Điều kiện được hỗ trợ là các hộ di chuyển tối thiểu 15 m, có đơn xin đăng ký thực hiện di dân xen ghép. Các hộ hoàn thành việc di dời, có nghiệm thu mới được nhận tiền hỗ trợ.

Nhiều hộ không thuộc đối tượng vẫn được hỗ trợ

Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở xóm Hải Sơn khẳng định, khi quyết định lựa chọn 8 hộ tham gia dự án, xóm Hải Sơn không thông báo chủ trương, chính sách đến hộ dân. Thời điểm được nhận hỗ trợ, tất cả các hộ đều đã hoàn thành nâng cấp, sửa chữa và di dời nhà. Thực tế, nhiều hộ trên địa bàn xóm có di dời và đăng ký di dời với trưởng xóm Hải Sơn nhưng không được lựa chọn để làm đơn đăng ký tham gia dự án di dân tái định cư xen ghép. Ngược lại, nhiều hộ không bị thiệt hại, điều kiện kinh tế gia đình không khó khăn nhưng đã được nhận hỗ trợ từ dự án. Cụ thể, hộ ông Lê Văn Dực đã xây dựng trước thời điểm năm 2016 khi trận lũ diễn ra vẫn có tên trong danh sách hỗ trợ. Hộ ông Nguyễn Văn Quang cách đường hơn 200 m, không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nhưng vẫn thuộc diện được hỗ trợ. Tại buổi làm việc giữa Phòng NN&PTNT huyện, UBND xã Mai Hịch và một số hộ dân xóm Hải Sơn ngày 5/12/2019, lãnh đạo UBND xã Mai Hịch cũng đã thừa nhận, trong 8 hộ được nhận tiền hỗ trợ, có 4 hộ không thuộc diện hỗ trợ vì không di dời gồm các hộ ông Nguyễn Văn Thế, Đoàn Quang Thường, Lê Văn Dực và hộ bà Lê Thị Ái đăng ký nâng cấp tại chỗ.

Tìm hiểu thêm được biết, không chỉ ở xóm Hải Sơn hỗ trợ sai đối tượng mà tại xóm Dến, hộ anh Tạ Văn Thủy đã nhận được 50 triệu đồng hỗ trợ nhưng đến thời điểm hiện nay mới đang xây dựng nhà. Trao đổi về những sai phạm trong công tác hỗ trợ, đồng chí Hà Công Soan, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Qua khảo sát, hộ ông Lê Văn Dực không đủ điều kiện hỗ trợ nên đã có thông báo thu hồi, tuy nhiên, đến thời điểm này, hoạt động thu hồi vẫn chưa được thực hiện. Đối với hộ ông Nguyễn Văn Quang không bị ảnh hưởng lũ vẫn được hỗ trợ, hộ này nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, hộ ông Quang nằm trong khu đất rộng, bằng phẳng, không gần suối, không gần đồi, xung quanh vẫn có nhiều hộ dân làm nhà và sinh sống bình thường. Xóm Hải Sơn đã lấy đất từ khu vực này đổ vào vùng trũng để tạo mặt bằng cho các hộ dân cần tái định cư. Ông Đoàn Quang Thường, Trưởng xóm Hải Sơn xác nhận: Để tạo mặt bằng cho các hộ di dời nhà mới do ảnh hưởng lũ, UBND xã đã quyết định lấy đất khu vực gần nhà ông Quang để tạo mặt bằng.

Như vậy, việc hộ ông Quang thuộc diện nguy cơ sạt lở là không có căn cứ. Trao đổi về việc hỗ trợ, bà Phạm Thị Thúy, vợ ông Nguyễn Văn Quang cho biết: Theo quyết định hộ gia đình tôi được hỗ trợ 20 triệu đồng nhưng thực chất chỉ nhận được 17,5 triệu đồng, có 3 hộ nữa cũng rút lại 2,5 triệu đồng, tôi nghe nói là để hỗ trợ cho hộ khác.

Như vậy có thể thấy, việc triển khai thực hiện dự án di dân xen ghép tại xã Mai Hịch có nhiều sai phạm về việc áp dụng chính sách hỗ trợ không rõ ràng, không công khai minh bạch để người dân nắm rõ. Nhiều đối tượng hỗ trợ sai và những sai phạm chưa được giải quyết một cách thấu đáo, gây bức xúc cho nhân dân. Có hay không việc bớt lại tiền của một số hộ dân được hỗ trợ? Với những bất cập, sai trái trên, người dân mong muốn cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu có câu trả lời và giải quyết dứt điểm tình trạng này.


P.V


Các tin khác


Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hang Kia

(HBĐT) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hang Kia (Mai Châu) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Săn mây trên vùng cao Hang Kia - Pà Cò

(HBĐT) - Nhắc đến Mai Châu, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí du khách sẽ là bản Lác với những cô gái Thái xinh đẹp, duyên dáng hay những điệu khèn, điệu múa đặc trưng của nam thanh, nữ tú dân tộc Mông... Nhưng ít ai biết rằng, huyện Mai Châu hiện trở thành địa điểm săn mây tuyệt vời của giới trẻ. Không cần phải lên tới đỉnh Fansipan (Lào Cai) hay Tà Xùa (Sơn La), đến với 2 xã Hang Kia, Pà Cò du khách sẽ được đắm mình trong biển mây trắng bồng bềnh, thỏa sức trở thành những "thợ săn mây” đích thực.

Cựu chiến binh vươn lên làm giàu từ 100 con chim bồ câu

(HBĐT) - Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Mai Châu, chúng tôi đến xóm Nà Piềng, xã Nà Phòn gặp CCB Hà Văn Chung - tấm gương không chỉ năng động, nhiệt tình trong công tác Hội mà còn làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi.

Huyện Mai Châu: Tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị phòng bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona gây ra

(HBĐT) -    Ngày 5/2, huyện Mai Châu đã tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị phòng bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra cho 23 trạm y tế và cán bộ thú y của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tạo bứt phá cho phát triển du lịch huyện Mai Châu

(HBĐT) - "Xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 30/8/2016 (NQ 06). Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bứt phá mạnh mẽ cho sự phát triển của du lịch huyện Mai Châu trong 3 năm qua.

Hương vị Tết của đồng bào Thái

(HBĐT) - Khi những ngày Tết cổ truyền của dân tộc cận kề cũng là thời điểm khắp các bản làng đồng bào dân tộc Thái Mai Châu "dậy mùi” thơm cay nồng của thịt, cá ướp các loại gia vị rừng được đồ chín hoặc sấy khô trên bếp than hồng. Cùng với đó là xôi ngũ sắc được nấu từ loại nếp nương dẻo thơm, béo bùi tạo nên mùi vị "không lẫn vào đâu được”. Những món ăn truyền thống ấy đã trở thành một phần hương vị Tết của đồng bào nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục