(HBĐT) - Với đặc thù vùng cao, nguồn nước điều tiết phục vụ sản xuất khó khăn, huyện Mai Châu đã chủ động thực hiện chuyển đổi nhiều diện tích không có khả năng cấy sang trồng các loại cây hiệu quả kinh tế cao như ngô, lạc, rau màu. Trong đó, tập trung chuyển đổi sản xuất các loại rau màu theo hướng an toàn thực phẩm (ATTP) để cung ứng cho thị trường.
Nông dân xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) chuyển đổi đất lúa bị hạn sang trồng rau, đậu thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn thu nhập kinh tế hộ.
Lứa su hào, bắp cải vụ xuân của bà Nguyễn Thị Bình ở xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch được trồng từ trước Tết Nguyên đán. Nếu chăm sóc tốt thì khoảng hơn 1 tháng nữa sẽ đến kỳ thu hoạch, bán ra thị trường. Bà Bình cho biết: "Một số hộ dân trong xóm đã chuyển đổi từ những năm trước theo định hướng phát triển vùng rau đảm bảo ATTP. Hiện có 80% hộ dân trong xóm trồng rau màu chuyên canh". Là một trong những hộ thực hiện sau, bà thấy rõ hiệu quả lại được hướng dẫn quy trình kỹ thuật đầy đủ nên dễ làm hơn, nguồn thu từ nghề nông được cải thiện hơn hẳn so với trồng lúa. Với 300 m2 ruộng thường xuyên bị hạn, bà từng trồng lúa nhưng năm được, năm thua, bình quân chỉ đủ ăn. Từ khi chuyển sang trồng rau, nỗi lo thiếu nước tưới vơi đi, thu nhập mỗi năm từ cây rau cả chục triệu đồng.
Cánh đồng rau màu của xóm Piềng Phung, xã Nà Phòn cũng là một trong những vùng sản xuất ATTP đã hình thành khá lâu của huyện. Để phát triển vùng rau ATTP, môi trường đất, nước phục vụ công tác gieo trồng được kiểm nghiệm độ tin cậy, thích hợp với sự sinh trưởng của rau, không tồn dư hóa chất độc hại. Theo hộ trồng rau Hà Văn Thanh, bà con nông dân đã thuần thục trong thâm canh, tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục để giảm các mầm bệnh, nhất là các vi sinh vật có hại. Trong trường hợp bất khả kháng có thể bón phân hóa học nhưng bà con tự giác tuân thủ quy định, dùng vừa đủ theo yêu cầu từng loại rau, kết thúc bón phân đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch ít nhất 15 - 20 ngày. Lựa chọn và kiên trì với cách làm này, người trồng rau mới giữ được chất lượng sản phẩm, có được thị trường.
Trồng cây rau màu ATTP là cách chuyển đổi hiệu quả được huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhằm cung cấp nguồn rau đảm bảo chất lượng cho thị trường, tốt cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời người làm ra sản phẩm có nguồn thu nhập cao, ổn định hơn. Đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chính từ định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn đã hình thành và nhân rộng hàng chục điểm mô hình sản xuất rau màu đảm bảo ATTP, tiêu biểu tại xóm Hải Sơn - xã Mai Hịch, xóm Piềng Phung - xã Nà Phòn, xóm Cha Long - xã Tòng Đậu, xóm Xuân Tiến - xã Xăm Khòe, xóm Tam Hòa - xã Đồng Tân... Trong đó, vùng rau xóm Tam Hòa - xã Đồng Tân với sự hỗ trợ của tỉnh đã xây dựng thành công mô hình liên kết chuỗi giá trị rau sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo ATTP.
Cũng với tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây rau màu vào trồng trên đất hạn, bà con nông dân đã thực hiện đa dạng chủng loại rau hàng hóa. Bên cạnh các loại rau phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như bắp cải, súp lơ, cà chua, chú trọng trồng một số rau đặc sản, ít có trên thị trường như tầm bóp, su su, cải mèo... Diện tích đã chuyển đổi sang trồng rau màu toàn huyện ở vụ xuân đạt khoảng 98 ha. Sản lượng rau xanh các loại do người dân trồng hiện đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nội huyện. Nhiều diện tích trồng rau ATTP theo hướng sản xuất hàng hóa đã xây dựng được lòng tin và chỗ đứng, bán được giá cao hơn, có sức cạnh tranh tại thị trường trong, ngoài tỉnh, một phần sản lượng được tiêu thụ tốt tại một số điểm thăm quan, du lịch địa phương.
Bùi Minh
(HBĐT) - Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Mai Châu, chúng tôi đến xóm Nà Piềng, xã Nà Phòn gặp CCB Hà Văn Chung - tấm gương không chỉ năng động, nhiệt tình trong công tác Hội mà còn làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi.
(HBĐT) - Ngày 5/2, huyện Mai Châu đã tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị phòng bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra cho 23 trạm y tế và cán bộ thú y của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - "Xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 30/8/2016 (NQ 06). Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bứt phá mạnh mẽ cho sự phát triển của du lịch huyện Mai Châu trong 3 năm qua.
(HBĐT) - Khi những ngày Tết cổ truyền của dân tộc cận kề cũng là thời điểm khắp các bản làng đồng bào dân tộc Thái Mai Châu "dậy mùi” thơm cay nồng của thịt, cá ướp các loại gia vị rừng được đồ chín hoặc sấy khô trên bếp than hồng. Cùng với đó là xôi ngũ sắc được nấu từ loại nếp nương dẻo thơm, béo bùi tạo nên mùi vị "không lẫn vào đâu được”. Những món ăn truyền thống ấy đã trở thành một phần hương vị Tết của đồng bào nơi đây.
(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, bản làng người Mông tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu) lại vang lên tiếng giã bánh dày. Năm nào cũng vậy, bà con đồng bào dân tộc tại tấp nập, quây quần bên chiếc cối giã bánh, tạo nên những chiếc bánh dày tròn trịa, mềm mại, thơm ngon. Với người Mông, bánh dày vừa để cúng tổ tiên vào các dịp lễ, Tết, vừa là món ăn đãi khách, nhất là những khách quý đường xa đến thăm bản.
(HBĐT) - Ở đâu đó "cánh cửa” mùa xuân chưa hé mở nhưng ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), sắc xuân đã tràn ngập trên mỗi bản làng, con đường và trong từng nếp nhà. Sương mờ giăng lối, mưa bụi lất phất bay trong sắc thắm hoa đào, trắng muốt hoa mận, cùng tiếng nói cười ríu rít của những chàng trai, cô gái xúng xính váy, áo mới dạo chơi khiến bản Mông thật đẹp, lòng du khách cũng chộn rộn, xốn xang.