(HBĐT) - Mai Châu là huyện vùng cao có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều hệ thống khe, núi cao, ảnh hưởng lớn tới điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân, UBND huyện đã chủ động các phương án để phòng, chống hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng.
Theo kế hoạch, vụ chiêm xuân năm nay, huyện gieo trồng trên 1.100 ha cây trồng các loại, trong đó, lúa trên 1.008 ha, còn lại là rau màu. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành việc gieo cấy và trồng màu, nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất, tại các địa phương chưa xuất hiện tình trạng thiếu nước; cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Đồng chí Trần Mạnh Tân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ chiêm xuân, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn ngay từ đầu vụ tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý; nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ công trình thủy lợi; nghiêm cấm các hành vi vi phạm việc bảo vệ nguồn nước dự trữ như tháo nước để đánh bắt cá... Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình thủy lợi, chủ động sửa chữa công trình hư hỏng; xây dựng kế hoạch tích trữ, điều tiết nước hợp lý trước khi hạn xảy ra. Tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy.
Hiện, toàn huyện có 9 hồ chứa, 73 công trình mương, bai dâng và 1 trạm bơm. Năng lực tưới thực tế của các hồ đạt 105,5 ha; mương, bai dâng và các công trình khác 992,3 ha. Mức độ đáp ứng của hệ thống thủy lợi so với nhu cầu kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân đạt 90,5%. Ngoài ra, nguồn nước tại hệ thống sông, suối của các xã, thị trấn so với cùng kỳ năm 2020 và trung bình nhiều năm đạt 80 - 90%.
Những năm gần đây, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp được các cấp, ngành và huyện quan tâm đầu tư, xây dựng kiên cố đã giúp nông dân thuận tiện hơn trong việc dẫn nước vào ruộng phục vụ sản xuất. Tỷ lệ kênh mương do huyện quản lý được kiên cố đạt 75%. Chị Hà Thị Thủy, bản Pom Coọng, thị trấn Mai Châu phấn khởi: Kênh mương được xây dựng kiên cố giúp chúng tôi thuận tiện trong việc lấy nước vào ruộng. Từ đầu vụ đến nay, nước tưới đảm bảo, lúa đang thời kỳ làm cỏ, bón phân. Bà con thường xuyên tham gia các chiến dịch làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn vẫn còn một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp như: Hồ Khả, hồ Mó Lầu (xã Mai Hạ); hồ Mỏ Luông, hồ 3/2 (xã Chiềng Châu), hồ Tòng Đậu (xã Tòng Đậu). UBND huyện đã xây dựng kế hoạch để sửa chữa. Trong đó, nguồn ngân sách huyện 500 triệu đồng để nạo vét hồ chứa, bơm điện, bơm dầu. UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, T.Ư hỗ trợ 4,5 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp bai Luông, mương bai Vặn, xã Bao La.
Song song với các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa, kênh mương phục vụ sản xuất, huyện chuyển đổi diện tích cấy lúa nguy cơ bị hạn sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao. Qua khảo sát của các xã, thị trấn, vụ chiêm xuân năm nay, toàn huyện có khoảng 144,1 ha diện tích canh tác ở xa nguồn nước, thường bị hạn được chuyển sang trồng dưa hấu, ngô, lạc, rau các loại. Tiên phong như: Xã Mai Hạ chuyển 35 ha sang trồng dưa hấu, bí đao; thị trấn Mai Châu chuyển 13 ha sang trồng ngô, rau các loại; xã Vạn Mai chuyển 10 ha sang trồng dưa hấu. Việc sáng tạo chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Năm 2020, bà con trồng dưa hấu tiêu thụ tốt, sản phẩm được tư thương mọi nơi về thu mua tại vườn. Thu nhập từ trồng dưa hấu cao gấp 4 - 5 lần cấy lúa, đặc biệt, sản phẩm dưa hấu của huyện đã có tem truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng tin tưởng.
Thu Thủy