(HBĐT) - Hồ Hòa Bình - nơi hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên mây nước, phong cảnh hữu tình với nhiều bản làng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, người dân thân thiện, dễ gần với nhiều điểm du lịch hấp dẫn là lựa chọn khó bỏ qua cho du khách muốn thưởng ngoạn, trải nghiệm, đặc biệt trong những ngày hè này.


Hồ Hòa Bình là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Thung Nai là địa điểm lý tưởng cho những du khách yêu thích và muốn tận hưởng nét hoang sơ, vẻ đẹp non nước hồ Hòa Bình. Đến với Thung Nai khá thuận lợi, chỉ cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 25 km và cách Hà Nội khoảng 110 km. Có thể đi đường tỉnh 435 (Bình Thanh - Thung Nai), từ quốc lộ 6 cũ, đến ngã ba chân dốc Cun rẽ vào. Theo hướng này, trước khi đến cảng Thung Nai để du ngoạn, du khách có cảm giác thích thú khi bám dọc theo sông Đà rộng lớn, uốn lượn với hơn 10 km dọc theo núi, lòng hồ xanh mướt ẩn hiện trong cây rừng, đá núi. Thung Nai nằm giữa lòng hồ sông Đà mênh mang, có những đảo đá hay những khu rừng rậm rạp. Thung Nai đẹp đến nao lòng, mặt nước hồ lăn tăn gợn sóng mỗi buổi sớm hay ánh mặt trời nhuộm đỏ một góc trời khi chiều tà.

ở Thung Nai không chỉ có cảnh đẹp mà còn có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa. Bạn có thể đến chợ nổi Thác Bờ vào ngày cuối tuần để cảm nhận đời sống sinh hoạt của người dân vùng hồ. Họ mang đến chợ những sản vật cá, tôm được đánh bắt từ đêm hôm trước hoặc những thứ nông sản sạch phong phú như gà, lợn, mật ong rừng, các loại rau, các loại thuốc quý của người dân mang về làm quá hay để thưởng thức cũng thật thú vị.

Nằm cạnh Thung Nai là đền Chúa Thác Bờ - địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến thăm quan, thưởng ngoạn, vãn cảnh hồ Hòa Bình. Đền Chúa Thác Bờ thờ bà Đinh Thị Vân và một bà người dân tộc Dao ở Vầy Nưa (Đà Bắc) đã vận động nhân dân trong vùng quyên góp lương thực và cùng mọi người chèo thuyền vượt thác, ghềnh đem lương thảo tiếp tế đoàn quân của nhà vua Lê Lợi vượt qua sóng, gió, gềnh thác sông Đà. Sau này người dân lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn hai bà. Đền Bờ đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng.

Đến thăm đền Bờ - động Thác Bờ, du khách có thể tìm hiểu văn hóa, sinh hoạt, sản xuất, cuộc sống người dân địa phương, tận hưởng, thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt của các món cá sông Đà, thưởng thức các đặc sản núi rừng như thịt gà hấp lá chanh, thịt lợn bản địa nướng mật ong bày trên lá chuối, măng luộc, cơm gạo nương, rượu táo mèo, rau rừng đồ chấm lòng cá… mang lại cảm nhận ấn tượng không thể quên sau hành trình khám phá động Thác Bờ.

Không xa đền Bờ, là đảo Dừa. Đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất khu vực hồ Hòa Bình. Khác hẳn với các hòn đảo khác, màu xanh chủ đạo của đảo là hàng trăm cây dừa vươn lên giữa lòng hồ. Chủ đảo đã quy hoạch, đầu tư trồng nhiều loại cây trái phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tổ chức các loại dịch vụ, sản phẩm du lịch có chất lượng, đáp ứng nhu cầu du khách muốn thưởng ngoạn, khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa khu vực hồ Hòa Bình. Hệ thống nhà sàn mang phong cách dân tộc Thái, Mường được bố trí hài hòa có thể đáp ứng cho vài chục người nghỉ lại…

Ngoài đảo Dừa, du khách có thể lựa chọn những điểm du lịch xung quanh như: đảo Cối Xay Gió, đảo Xanh, đảo Ngọc... để có thể trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, thưởng thức những món ăn, các sản vật của địa phương do chính chủ đảo chiêu đãi như: cá hun khói, rau rừng đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng... tất cả đều sạch, để lại dư vị chẳng thể nào quên.

Trên khu vực hồ, du khách có thể đến thăm quan, nghỉ lại ở các bản du lịch cộng đồng còn hoang sơn lưu giữ được bản sắc dân tộc như bản Ngòi, xã Ngòi Hoa; xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đá Bia, xã Tiền Phong… Mỗi nơi mỗi vẻ, bạn có thể ở lại tìm hiểu, tham gia sinh hoạt với người dân, tìm hiểu văn hóa, văn nghệ, đốt lửa trại, thưởng thức các món ăn dân tộc, tắm hồ, bơi mảng, cùng người dân chèo thuyền, đi xe hoặc đi bộ khám phá rừng già; tham gia gặt lúa, đánh bắt cá, tôm, săn bắn, dệt vải, đan lát; đào măng tre, măng luồng…, cùng hòa mình trong hơi thở cuộc sống, sinh hoạt của cư dân, mang lại những ngày nghỉ dưỡng bình yên, hạnh phúc.

                                       Lê Chung

 


 


Các tin khác


Dự án đường tỉnh 435 - cơ hội khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh đã được khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ mở ra cơ hội lớn cho thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình.

“Cú huých” khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất, diện tích gần 160 ha. Hồ Hòa Bình là sự kết hợp hoàn mỹ của thiên nhiên, hoang sơ mà say đắm. Lòng hồ có nhiều đảo nhỏ, có tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, tâm linh…

Sông Đà - Nơi ghi dấu bậc quân vương

(HBĐT) - Ngày nay, con sông Đà không còn dữ dội với 130 thác, 170 ghềnh "đá núi sắc nhọn như nanh vuốt và những cái hút nước cuồn cuộn luồng gió gùn ghè như chực nuốt người”. Con sông hung hãn khi xưa, giờ đã trở nên hiền hòa như một chú sư tử được thuần phục. Giữa lòng hồ mênh mang nước và lồng lộng gió, trên chiếc thuyền máy nổ giòn hướng thẳng tới Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Thác Bờ (xã Vầy Nưa, Đà Bắc), tôi được nghe kể câu chuyện ly kì về một bậc quân vương khi xưa từng phạt đá đề thơ, ghi lại dấu ấn bằng lưỡi kiếm và những vần thơ như chứa gang, chứa thép.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục