(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên thân mình Tổ quốc đang liền da, kín miệng nhưng vẫn còn lại nỗi đau không thể nguôi ngoai của những thân nhân liệt sỹ, nhất là những gia đình chưa biết con em của mình hiện nằm lại ở nơi nào. Tôi và gia đình mình cũng không thể nguôi ngoai trước nỗi đau này. Người anh hy sinh thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mặc dù hàng chục năm qua, gia đình đã cất công tìm kiếm khắp nơi mà không có manh mối gì.

 

Ý định đi tìm anh vẫn thôi thúc từ lâu nhưng nay, tôi mới có điều kiện thực hiện. Trong tay tôi chỉ có tờ giấy báo tử mang tên Nguyễn Văn Sửu, năm sinh, cấp bậc, chức vụ, ngày hy sinh được ghi đầy đủ, cả quê quán: Xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đơn vị: “Đại đội 7, đoàn 20 - KB”, nơi hy sinh “Tại mặt trận phía Nam”.Tôi đã liên hệ với Bộ CHQS tỉnh để xin trích lục hồ sơ thông tin liệt sỹ Nguyễn Văn Sửu nhưng không có. Trong quá trình tìm kiếm tôi đã phát hiện 7 trường hợp liệt sỹ quê ở tỉnh Hòa Bình nhầm lẫn thông tin, đã thông báo cho địa phương và thân nhân liệt sỹ biết.

 

Khoảng 3 tháng sau, tình cờ tôi đọc trên báo Văn nghệ Hòa Bình có bài “Theo dấu chân người lính” của tác giả Nguyễn Xuân Chiến viết về Trung đoàn Cửu Long, tôi   chú ý đến cụm từ “E20, Quân khu 9”. Tôi ngờ ngợ chẳng lẽ đây là đoàn 20, vì trong quân đội thường gọi trung đoàn là “đoàn”? Tôi đến gặp ông Chiến, ông khẳng định  E20 Quân khu 9 chính là “đoàn 20” mà tôi đang cần tìm. ông Chiến đã cung cấp cho tôi một số CCB của E20 hiện còn sống ở tỉnh, trong đó có ông Bạch Quốc Khánh, Chủ nhiệm CLB hưu trí tỉnh. Gặp ông Khánh, tôi biết thêm nhiều chi tiết khá quan trọng, nhất là thời điểm đó E20 hoạt động ở vùng Rạch Giá.

 

ông Khánh nối điện thoại cho tôi gặp ông Lâm Ngọc Đề ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang cũng là CCB E20. ông Đề cho tôi biết đã giúp đỡ nhiều trường hợp đưa hài cốt liệt sỹ từ Kiên Giang về ngoài Bắc. Nhưng trong số liệt sỹ của E20 mà ông Đề nắm được không có tên liệt sỹ Sửu. Còn hai CCB ở tỉnh Hòa Bình là ông Bùi Thanh Vân ở xã Dũng Phong (Cao Phong) và ông Ngần Văn Khơi ở xã Xăm Khòe (Mai Châu). Thông qua Trưởng công an xã, tôi có được số máy điện thoại của ông Vân nhưng ông Vân không biết liệt sỹ Sửu ở đơn vị nào. Thật may mắn cho tôi, anh Ngần Văn Quang, con trai ông Khơi hiện là Phó công an xã Xăm Khòe. Tối hôm đó, tôi nhận được điện thoại của ông Khơi:

- A lô! Cháu muốn tìm liệt sỹ nào?

 

- Cháu chào ông! Cháu muốn tìm liệt sỹ Nguyễn Văn Sửu quê ở Lương Sơn ạ. - Tôi trả lời.

 

- Sửu quê ở xã Liên Sơn, nhập ngũ tháng 2/1968 phải không?

 

Tôi sững cả người, tim tôi đập mạnh:

 

- Dạ vâng, đúng đấy ạ.

 

- Thế này nhé, Sửu, Lương Sơn hy sinh ở ấp Sáu Đình, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá. Lúc nào cháu lên đây ông cho xem sổ ghi chép đầy đủ nhé.

- Đại đội 7 của ông thuộc tiểu đoàn mấy ạ? Có đúng là hy sinh ngày 28/12/1971 không ạ?

 

- Không phải Đại đội 7 đâu mà là Đại đội 17 DKZ trực thuộc Trung đoàn, ngày hy sinh thì ông chỉ nhớ là cuối năm 1971 để ông về xem sổ mới biết được.

 

- Cháu cảm ơn ông ạ! Mấy ngày nữa cháu lên thăm ông sẽ hỏi chi tiết thêm ạ.

 

Trời đất, báo tử nhầm lẫn thế này có thánh tìm được, chiến tranh mà. Tôi lên mạng vào trang “Người đưa đò” của bác Nguyễn Sỹ Hồ mới đăng danh sách liệt      sỹ của 4 nghĩa trang thuộc tỉnh Kiên Giang còn 6 nghĩa trang nữa, trong đó có huyện An Biên thì lại chưa đăng. Tôi gọi điện cho ông Đề ở Hòn Đất, ông Đề nhận lời đi An Biên nhưng còn lu bu sạ lúa và chờ cưới xong đứa cháu mới đi được. Tôi đã gửi đơn đến Phòng Chính sách Quân khu 9 và Đội K92 của Tỉnh đội Kiên Giang nhưng đều được trả lời là không có thông tin về các liệt sỹ nói trên.

 

Theo tuyến xe khách Hòa Bình - Cun Pheo, tôi có mặt tại nhà ông Khơi (xã Xăm Khòe - Mai Châu). Sau cái bắt tay và nét mặt rạng rỡ, ông Khơi rít một hơi thuốc lào rồi tập tễnh đi sang mở cánh tủ lấy ra một quyển vở học sinh đã cũ đưa cho tôi tờ giấy đã ố vàng. Đó là bản danh sách Đại đội 17 DKZ,  có 40 người, chắc còn thiếu đâu một tờ nữa, ông Khơi bảo tất cả chỉ có một tờ thôi. Tôi đọc lướt nhanh đã thấy họ tên Nguyễn Văn Sửu, năm sinh, quê quán, ngày nhập ngũ..., đúng là anh Sửu tôi đây rồi. Tôi hỏi kỹ về địa điểm anh tôi hy sinh, ông Khơi xé vội tờ lịch, lấy bút phác họa cái sơ đồ, tôi nhìn theo nét bút kéo dài thành vệt, đây là thị trấn Thứ Ba (ở An Biên tính từ sông Cái Bé trở vào người ta đặt tên cho mỗi con kênh cắt ngang theo thứ tự từ thứ nhất đến thứ bảy), kẻ dọc là kênh Sáng Xẻo Rô, song song với nó giáp biển phía tây là kênh Chống Mỹ do quân và dân ta đào vào những năm 60 dài hơn 30 km từ rừng U Minh đổ ra sông Cái Lớn. Vị trí mà anh Sửu hy sinh là giao cắt giữa kênh Chống Mỹ     và kênh Thứ Sáu, thuộc ấp Sáu Đình, xã Đông Thái cũ (nay là xã Nam Thái). Khi đó, ông Khơi là Phó đại đội trưởng nên chỉ biết triển khai phương án tác chiến, nếu có chiến sỹ hy sinh thì đã có bổn phận làm công tác tử sỹ do Chính trị viên phó Đại đội đảm trách nên ông không rõ việc chôn cất liệt sỹ ở đâu.

 

Trở về tôi tìm cách liên lạc ngay theo các địa chỉ quê quán trong danh sách của ông Khơi, mong tìm gặp được những người còn sống và thân nhân các liệt sỹ để đối khớp như: ông Hà Văn Páy ở xã Tân Pheo - huyện Đà Bắc, đã rời quê vào sống ở xã YaPiơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; ông Hà Văn ềm ở xã Tòng Đậu - Mai Châu và một số người khác nhưng do tuổi tác và   thời gian đã không giúp các ông nhớ lại được gì. Duy chỉ có ông Lê Thiện ý ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương - Thanh Hóa, khi đó là Chính trị viên phó đại đội, ông Y còn khá minh mẫn kể với tôi về những trận chiến đấu của Đại đội 17 DKZ suốt từ năm 1970 ở Tri Tôn - An Giang đến năm 1972 ở An Biên - Rạch Giá nhưng vẫn chỉ là chung chung, quên nhớ lẫn lộn. Để chắc chắn ông ý có biết liệt sỹ Sửu không, tôi đã gửi qua địa chỉ E-mail của cháu gái ông tấm hình anh Sửu và ảnh chụp danh sách C17 do ông Khơi cung cấp. Hai ngày sau tôi nhận được điện thoại ông ý cho biết những nội dung đó là hoàn toàn chính xác. Tiếp đó tôi đã tìm cách liên lạc được với thân nhân của các liệt sỹ khác.

 

Với những thông tin có được, tôi quyết định khởi hành đi miền Tây Nam Bộ. Nơi tôi đến trước tiên là Phòng Chính sách - Quân khu 9. Hôm đó rất không may là có đám tang đồng chí Phó tư lệnh quân khu nên không gặp được ai. Tôi hành trình về huyện An Biên, ông Đề và cháu Vân Anh đợi tôi ở một cây cầu bắc qua kênh Sáng Xẻo Rô, đó là một cây cầu hình vòng cung, chắc là để ghe, xuồng qua lại được dễ dàng. Từ thị trấn Thứ Ba đi xã Nam Thái chừng mười cây số, chúng tôi qua nhiều cây cầu như thế và đến được UBND xã. Tiếp chúng tôi là các ông Phó Chủ tịch UBND, Xã đội trưởng và Chủ tịch Hội CCB. Sau khi bàn luận thống nhất các chi tiết tôi được anh Huỳnh Văn Tài, Xã đội phó trực tiếp đưa tôi đi tìm gặp những người biết việc.

 

Gần hết 1 ngày ngồi sau xe Hon đa, qua nhiều cây cầu nhỏ, luồn lách vào các ấp, gặp và hỏi chuyện cả thảy 9 người già, hầu như không ai còn nhớ được gì, cũng có người nhớ mang máng nhưng lẫn lộn trận này, trận kia. Trời gần tối theo lời chỉ dẫn của ông Hai Chiến, nguyên là Huyện đội phó những năm trước giải phóng, chúng tôi đến gặp ông Trần Tuấn Minh ở ấp Sáu Đình. Một điều gây bất ngờ đối với tôi là ông Minh nhớ rất rõ cả 3 trận hy sinh của 7 liệt sỹ mà trong tay tôi có sáu giấy báo tử (không có giấy báo tử của liệt sỹ Tuân do ông Khơi ghi sót dòng nên không rõ quê quán). ông Minh kể rành rọt từng trận: “Hy sinh trước Tết Nguyên đán là anh Minh quê Bắc Cạn và anh Tuân quê Hà Nam Ninh tại vị trí gần ấp Đồng Giữa, đưa về chôn ở gần miếu Hoàng tử cùng 9 ngôi mộ trước đó. Khoảng hai chục hôm sau thì anh Bầu quê Yên Bái, anh Sửu và anh Chất quê Hòa Bình đi trinh sát trên kênh Thứ Sáu, ngược chiều với xuồng của địch do tên Ba Be chỉ huy, trời tối chúng quát hỏi địa phương hay chủ lực? Nếu là địa phương (dân quân du kích như tụi tôi) thì chúng bỏ qua vì là người cùng xã, nếu là bộ đội chủ lực thì chúng tìm cách tiêu diệt. Mấy ảnh trả lời là địa phương nhưng lại nói giọng miền Bắc nên chúng phát hiện ra là quân chủ lực, chúng để xuồng đi qua chừng dăm mét, quân ta tưởng là an toàn, bất ngờ tên Ba Be xả súng bắn chết cả 3 người. Hôm sau dân phát hiện báo đơn vị lấy xác đem chôn ở bờ chuối thuộc vuông nhà ông Giỏi. Còn anh Cương quê Hà Nam Ninh và anh Thành quê Hòa Bình hy sinh sau tết trong ấp. Hôm đó, địch càn vào, đơn vị rút ra ngoài dàm giáp biển, hai ngày sau mới lấy được xác, chôn tại khu nghĩa địa của ấp, nay là vị trí của trụ sở ủy ban xã.” Tôi giở ra 6 tờ giấy báo tử chia thành từng cặp và đúng khớp ngày hy sinh ghi trong từng giấy cho ba trận như lời ông Minh kể. Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả thông tin tôi cần tìm đều nằm ở trong đầu người CCB có cái trán hói này. ông Minh cho biết cả 3 khu mộ này sau giải phóng đều được móc (cất bốc) về nghĩa trang liệt sỹ của huyện đặt ở xã Đông Thái cách đó hơn 10 km. Đội bốc cất mộ liệt sỹ của xã Đông Thái hồi sau giải phóng có 5 người, chỉ còn sống một người, đó là bà Huỳnh Thị Rạng, năm nay bà đã gần 80 tuổi. Tiếp chúng tôi, bà kể rõ việc “móc” đủ 3 hài cốt liệt sỹ ở bờ chuối vuông ông Giỏi đưa về nghĩa trang huyện nhưng không liệt sỹ nào có di vật gì thể hiện được danh tính.

 

Ngày hôm sau, chúng tôi đến gặp ông Lê Văn Tạo, quản trang Nghĩa trang liệt sỹ huyện An Biên, lật đi lật, lại danh sách hơn một nghìn ngôi mộ nhưng không có tên của liệt sỹ Sửu và 6 liệt sỹ của C17 hy sinh cuối năm 1971, ông Tạo đã chỉ cho tôi khu vực chôn cất các liệt sỹ chuyển từ Nam Thái đến. Tôi đi từng hàng một khỏi sót lọt, hơn 100 ngôi mộ vẫn không hề có một chút thông tin gì. Cuối cùng, tôi đành trở ra thị trấn mua chút hoa quả, tiền, vàng mã cùng bánh thuốc lào mang từ nhà, đem vào đặt lễ ở Đài Tổ quốc ghi công, kêu tên các anh lên nhận xuống dưới đó chia đều cho đồng đội.

 

Vậy là sau hơn một năm trời, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, các CCB còn nhiều chi tiết không thể kể hết ra đây được, tôi đã đến được địa danh, tìm ra từng trận đánh mà các anh đã dũng cảm hy sinh. Không những tìm được nơi hy sinh của anh mình, tôi đã giúp cho thân nhân của 6 liệt sỹ khác hy sinh ở đây biết được nơi an nghỉ của con em họ, cả 6 gia đình trước đó đều không hề biết một chút thông tin gì về các liệt sỹ. Hôm nay, tôi đến Nghĩa trang liệt sỹ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, nơi các anh, các chị yên nghỉ hơn 40 năm bên đồng đội để thắp cho các anh, các chị những nén tâm hương. Lòng tôi nhẹ nhõm vì đã làm được một việc vô cùng khó khăn, tưởng chừng như không thể làm nổi để nói với các anh, các chị rằng: Tổ quốc và nhân dân đời đời nghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ, cầu cho linh hồn các anh, chị ở nơi miền xa thẳm mau siêu thoát.

 

 

 

                                            Bút ký của Nguyễn Tiến Lợi

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Khu phố tất niên

(HBĐT) - Những năm gần đây, hoạt động liên hoan tất niên khu phố, tất niên xóm khá phổ biến tại các khu dân cư trên địa bàn TP Hòa Bình. Không chỉ là dịp gặp gỡ, tụ họp cuối năm, liên hoan khu phố còn giúp gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình cảm láng giếng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi khu dân cư.

Lãng đãng chiều cuối năm

(HBĐT) - Chiều. Nắng sóng sánh như mật. Nắng mùa đông không gay gắt như mùa hạ chỉ đủ làm cho nụ hoa rung rinh cười và chú ong xinh xinh chui từ nhị hoa vừa hé ngó ngó, nghiêng nghiêng rồi chao mình sà sang nụ hoa khác cũng vừa chúm chím nở. Nắng không phải len lỏi trên những cành lá khẳng khiu nhưng vẫn dừng lại nô đùa cùng vài chiếc lá đã nhuốm vàng còn sót lại. Một sự chiu chắt giữa cái hanh khô của mùa đông.

Tấm lòng cô giáo vùng cao

(HBĐT) - Ngày nào cũng vậy, cứ 5h là chị dậy chuẩn bị cho cuộc hành trình vào với học sinh thân yêu. Cuộc hành trình lặp đi, lặp lại đã mấy năm rồi, vậy mà chị không thay đổi. Mọi người đều khuyên chị nên trở về thành phố cho đỡ vất vả lại được gần con nhưng chị không chịu. Đã chót gắn bó với những đứa trẻ vùng xa này rồi, chị không nỡ xa chúng. Sáng chị dậy sớm lo mọi thứ sẵn sàng cho con, rồi dặn dò bà cho cháu ăn để đến lớp, còn chị lên đường. Con đường từ nhà đến trường đã quá quen thuộc, đi đoạn này chị có thể hình dung ra đoạn sau, đến những khúc cua hay những “ổ gà, ổ voi” trên con đường rẽ vào trường. Cứ thế, chị cảm nhận con đường như được rút ngắn hơn, đến với những gương mặt ngây thơ, đôi mắt mở to ngơ ngác như nhanh hơn.

Nơi “nàng tiên” thức giấc

(HBĐT) - Những làng quê xinh đẹp, yên bình, tự trong sâu thẳm ngân ru những thanh âm linh thiêng của núi rừng, khúc thường rang, bộ meẹng tha thiết bên mái nhà sàn nghiêng nghiêng. Một thành phố trẻ trung, tươi mới, náo nhiệt mà không xô bồ, thơ mộng bên dòng Đà Giang xanh trong, mềm mại như suối tóc nàng tiên, nơi “công trình thế kỷ” ngày đêm cung cấp nguồn điện cho cả nước. ấy là tỉnh ta - cửa ngõ của miền Tây Bắc xinh đẹp - nơi đây đã và đang có những bước chuyển mình với diện mạo mới, phát triển, ổn định, xinh đẹp hơn giống như một “nàng tiên đang thức giấc”.

Cơn gió mát lành

(HBĐT) - Mặt trời đã ngả về hướng tây, những tia nắng xiên chéo vào gáy ông Lạng. Bình thường, vào giờ này, chả mấy khi ông ló mặt ra ngoài trời. Với cả, ông còn đang lúi húi chuẩn bị cám bã cho đàn lợn đang dụi mõm kêu đói phía sau nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục