Mưa rồi... Cơn mưa bắt đầu bằng mấy hạt to gõ lanh canh trên mái tôn, tiếng gõ mau dần, to dần. Lúc sau, tiếng mưa ù ù át tất cả âm thanh khác, đều đều như tiếng thác chảy. Mới đầu mùa hạ, qua xuân cây vừa thay áo mới. Lá còn non xanh mỡ màng. Nắng đầu hạ chưa thật gay gắt nhưng mưa về cũng như mang niềm vui đến. Cây như reo, lá như cười. Muôn nghìn giọt nước nhảy múa, chuyền qua các tầng lá. Cơn mưa ban trưa làm không khí dịu đi nhanh chóng, chỉ một lát gió đã mát lạnh mơn man. Mưa gột sạch mọi bụi bặm trả lại sự khoáng đạt và tinh khôi cho vạn vật như thể mọi thứ mới bắt đầu. Cơn mưa trưa làm cho giấc ngủ của cha sâu hơn. Lũ trẻ kéo chăn vo tròn bên nhau một cách tự nhiên. Chỉ có mẹ là biết mưa đến khi nào, tan khi nào.
Bọn trẻ chăn bò như tôi khi đó rất thích trời mưa. Buổi sáng đi học. Chiều đến là dong bò đi chăn. Đông vui lắm. Khi trời mưa to, chú bò nào phàm ăn nhất cũng không thể đứng kiên gan mãi ngoài mưa. Dụi mõm xuống cỏ, nước mưa phè ra hai bên mép. Có lẽ nước mưa theo thức ăn vào miệng khiến các chú dễ no bụng nên chỉ một lát là các chú chúc đầu, cúp đuôi lùi lũi tìm chỗ trú. Bầy bê con đỏng đảnh làm bò mẹ cuống quít tìm, đôi khi va chạm xảy ra giữa những bà mẹ nóng lòng lo lắng cho con.
Chúng tôi lùa đàn bò vào khu nhà máy bỏ hoang. Mưa, lũ bò sẽ ngoan ngoãn đứng đợi mưa tạnh, còn lũ nhóc thoải mái leo trèo, chạy nhảy, bày ra đủ thứ trò chơi.., chơi xỉa, trốn tìm, thả đỉa ba ba... Mưa cứ rơi, bọn trẻ cứ chơi… thản nhiên như vậy cho đến khi chập choạng tối, quàng vội chiếc áo mưa mảnh lên vai cắm cúi đi sau đàn bò, con nào con nấy thóp bụng vì đói, khi đó mới thấy lòng nặng trĩu. Thường khi trở về những ngày như vậy lại là mẹ đội vội mê nón chạy ra vườn mía. Mẹ tỉa những cây mía kẹ, bé, bóc một ôm lá mía quăng vào chuồng cho bò nhai cầm hơi, đợi ngày mai mưa tạnh. Đôi chân trần dầm nước mưa, tay túm vạt áo mưa khiến da nhăn nhăn trông hay lắm. Mẹ giục tắm và thay quần áo. Lúc này mới thấy lạnh. Sà vào bên bếp. Nay trời đổ mưa ban chiều. Lúc trưa trời còn xanh lắm nên mẹ không ôm củi vào. Giờ củi ướt, nòm nứa mãi mới chịu cháy vèm, khói cay xè mắt. Mẹ gắng vần nồi cơm kẻo cơm sống. Cha làm việc nặng, tối phải ăn đúng giờ để cha còn nghỉ. Mẹ đuổi mấy đứa lên nhà. Mẹ xoay xoả với những thanh củi ướt. Bữa tối vẫn được bày ra. ấm áp.
Sau những cơn mưa chiều, trăng bao giờ cũng cực sáng. Những giọt nước mưa còn đọng lại trên cành lá lóng lánh dưới trăng. Đêm đẹp huyền bí và kiêu sa... Mưa chiều, tối đến, côn trùng bao giờ cũng hoà tấu. Bản nhạc của đêm mát lịm, trầm mặc. Bản nhạc của sinh sôi. Bản nhạc kéo thời gian chậm lui về sáng. Bản nhạc đồng giao muôn loài… Nghe thật lâu, thật kỹ... mới thấy da diết lắm. Bản hoà tấu cứ thế dịu dàng dìu lũ trẻ vào giấc ngủ. Thế nào đêm nay cũng có đứa ngủ mơ cười khanh khách.
Giờ nhà không còn bếp củi. Cơn mưa kéo dài từ trưa sang chiều, chập tối cũng vừa kịp tạnh. Đèn cao áp bật sáng. Mặt đường nhựa còn loang loáng nước. Nhà cửa hôm nay rất sạch. Cơm tối tinh tươm dọn ra. Bọn trẻ quây quần bên bàn, ăn ngon lành. Lẫn trong tiếng xe chạy, tiếng một chú dế cất bài ca gọi bạn. Tiếng hát run run, mỏng mảnh như mành thưa bị thấm ướt. Chống đũa, bỗng nhớ mùi củi ướt, nhớ bữa tối quây quần bên ngọn đèn dầu... Nhớ da diết những cơn mưa mùa hạ trong hành trình ngày tháng đã xa.
(HBĐT) - Tàu sắt trọng tải 25 tấn chở chúng tôi cập bến bản Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Bà con người Dao ào ra bến đón chúng tôi, đông nhất là trẻ nhỏ. Các cháu bồng bế, dắt díu nhau cứ sàn sàn như trứng gà, trứng vịt. Cụ Triệu Văn Đờn, 75 tuổi mái đầu bạc phơ nhưng còn rất khỏe. Nắm tay tôi, cụ bảo: “Vào nhà đi”.
(HBĐT) - Nền văn minh lúa nước, mùa vụ, canh tác… là những thuật ngữ trong sách vở giúp tôi hiểu về nông thôn. Thuở bé, giữa nếp nhà giữa miền non cao, đèo dốc, trong gió rừng mát rượi, nghe lời ru của bà, tôi vẫn mơ mơ hồ hồ về quê hương đồng bằng có gốc gác cha ông. Thế là phải đến khi thành một chàng trai, tôi mới khăn gói về đồng bằng, cảm nhận mộc mạc mà sâu lắng của ngàn đời tổ tiên cấy hái, kháng cự và dung hòa với nắng, mưa, trời, đất. Hơi đất ấm phả vào gan bàn chân giúp bước những bước đi tự tin hơn.
(HBĐT) - Tôi xóa tên Hạnh khỏi danh bạ điện thoại. Em đã có người yêu, em gọi là bạn trai, người em chọn, em cảm thấy được che chở. Thế là 091234… dễ nhớ rồi cũng cần phải quên. Hình ảnh thùng rác hiện lên rồi biến mất. Mọi thứ không muốn nghĩ đến đều bay vào biểu tượng đó mà tôi không biết nó nằm ở đâu trong các thư mục.
(HBĐT) - Vậy là đã bốn mươi hai năm đi qua kể từ ngày Sài Gòn giải phóng. Năm nay kỷ niệm bốn mươi lăm năm bọn bạn cùng làng, cùng trang lứa lên đường nhập ngũ. Giữa cái nắng mùa hè 1972, sau chiến thắng Quảng Trị, bọn bạn Điền, Vang lại xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.
(HBĐT) - Tháng ba về, xa quê nhớ về ngôi nhà của mẹ. Nhà mẹ ở một vùng quê chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Thời tiết khắc nghiệt thế mà mẹ và dân quê đã một nắng, hai sương để “bắt sỏi đá cũng thành cơm gạo”.