(HBĐT) - Tôi có người anh tham gia quân đội năm 1968, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mấy chục năm qua, ngoài tấm bằng "Tổ quốc ghi công”, gia đình chỉ còn lưu giữ duy nhất tờ giấy báo tử mang tên Nguyễn Văn Luyện, sinh năm 1937, quê quán xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, đơn vị: "Tiểu đoàn bộ 8 - KB”, hy sinh "tại mặt trận phía Nam”. Chị tôi cùng các cháu đã cất công tìm kiếm khắp nơi, kể cả đường tâm linh, ngoại cảm nhưng tất cả đều vô vọng.


Tôi có ý định tìm mộ anh từ lâu, nhưng đến nay mới có điều kiện thực hiện. Liên hệ với Phòng Chính sách - Bộ CHQS tỉnh xin trích lục hồ sơ quân nhân hy sinh, tôi biết thêm về tên đơn vị: "Trung đội vận tải thuộc Tiểu đoàn bộ 8, Trung đoàn 101 Phước Long - B2” và nơi hy sinh: "Tại chân núi Thái Sơn”. Thêm chừng đó là rất quý nhưng cũng chưa nói lên được điều gì bởi không rõ Trung đoàn 101 thuộc sư đoàn nào, còn núi Thái Sơn ở bên Trung Quốc. Nhờ có mạng Internet tiện lợi cho việc tra cứu, tôi đã truy cập hàng trăm trang website, ghi lại tất cả những tư liệu liên quan để đối chiếu. Cuối cùng, tôi cũng tìm được một tài liệu liên quan đến Trung đoàn 101, đó là Trung đoàn Trần Cao Vân được thành lập và nằm trong đội hình Sư đoàn 325 từ thời chống Pháp.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do yêu cầu nhiệm vụ, từ một Trung đoàn 101 được tổ chức thành nhiều trung đoàn, riêng Trung đoàn 101D được thành lập ngày 20/9/1965, sau này nhập vào Sư đoàn 1 bộ binh và đổi tên thành Trung đoàn 1. Khớp nối các tài liệu liên quan tôi có được hành tung của Trung đoàn 1 bộ binh. Cuối năm 1969, trung đoàn chuyển từ miền đông Nam Bộ qua Cam pu chia, sau đó tìm cách vượt kênh Vĩnh Tế vào vùng Bảy Núi, thuộc tỉnh Long Châu Hà (nay là tỉnh An Giang).

Hầu hết các đơn vị bộ đội ta muốn đi sâu xuống vùng Hậu Giang, Rạch Giá, Cà Mau... đều từ đất Cam pu chia vượt kênh Vĩnh Tế sang Bảy Núi, đóng quân, chiến đấu ở chiến trường này rồi đi tiếp.

Về Bảy Núi, trung đoàn nhanh chóng ổn định tổ chức lực lượng để triển khai hoạt động chiến đấu mở rộng địa bàn. Ngày 14/1/1970, Đại đội 4 đặc công của trung đoàn tấn công vào căn cứ biệt kích Ba Xoài nằm trong hệ thống phòng thủ của địch. Với quyết tâm cao và bằng kỹ thuật đặc công, Đại đội 4 đã bí mật đột nhập bất ngờ tấn công căn cứ. Trong thời gian rất ngắn đã diệt gọn tiểu đoàn huấn luyện biệt kích với hơn 300 tên, trong đó có 9 tên Mỹ. Tiếp đó là trận đánh lớn vào quân trường Chi Lăng, phòng thủ quy mô nhất của địch ở "vùng 4 chiến thuật”, nơi huấn luyện hàng nghìn binh lính bổ sung cho các đơn vị trong toàn vùng. Mở đầu chiến dịch, Đại đội 4 đặc công chịu trách nhiệm tập kích Núi Két, là "chốt điểm” trên cao rất hiểm trở, có nhiệm vụ án ngữ con đường độc đạo vào quân trường Chi Lăng và phía tây nam của thị xã Châu Đốc. Đêm 23/3/1970, Đại đội 4 nhận nhiệm vụ và phân công ba đồng chí: Trần Văn Đông, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Cót ôm 20 kg thuốc nổ bí mật tiếp cận cao điểm. Trước địa thế vách đá dựng đứng, cả ba đồng chí dũng cảm, mưu trí đứng trên vai nhau như một chiếc thang, đưa thuốc nổ vào hỏa điểm. Nhưng không thể vừa cho nổ, vừa rút ra an toàn, cuối cùng, các anh đã quyết định, một tiếng nổ vang trời, cả ba chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, mở đường cho trung đoàn tấn công vào quân trường Chi Lăng tiêu diệt hơn 1.600 tên địch.

Tiếp tục lần tìm trên mạng tôi đọc được một bài báo của nhà văn Minh Tuấn (Báo Văn nghệ An Giang) viết về một cựu chiến binh của Trung đoàn 101 tên là Lưu Đinh Mùi quê tỉnh Bắc Giang, hiện sống ở ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Tôi liên lạc với ông Mùi, ông cho biết hồi đó ông là chỉ huy Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 là ông Trịnh Xuân Hòa, hiện ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành. Khi liên lạc với ông Hòa, ông cũng không còn nhớ được gì vì thời gian quá lâu, ông Hòa cho biết đến ngày 20/9/2015, Ban liên lạc CCB Lữ đoàn 101 hải quân đánh bộ (Trung đoàn 101 cũ) tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống tại thành phố Ninh Bình, hôm đó có nhiều CCB của đơn vị về họp mặt. Đợi đến ngày kỷ niệm, tôi có mặt dự buổi lễ... Giờ giải lao, tôi tranh thủ tìm gặp được một số cựu chiến binh của Tiểu đoàn 8 cũng có người còn nhớ liệt sỹ Luyện ở trung đội vận tải nhưng do thời gian quá lâu không rõ hy sinh ở đâu.

Gần một tháng sau, tôi quyết định lên đường đi miền tây Nam Bộ. Nhớ lời ông Trịnh Xuân Hòa dặn, tôi ghé thăm ông Nguyễn Đình Mậu ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (hồi đó ông Mậu là cán bộ quân lực của Tung đoàn 101). Gặp tôi, ông Mậu cho biết: Liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện lúc hy sinh không còn ở tiểu đoàn bộ nữa mà được điều xuống làm Chính trị viên phó Đại đội 5” ông Mậu mở tủ lấy ra một quyển sách đã ố vàng, cẩn thận lật từng trang như sợ giấy cũ dễ rách. Đây là toàn bộ danh sách cán bộ cấp chuẩn úy trở lên. Đến một dòng ghi đầy đủ họ,tên Nguyễn Văn Luyện, năm sinh, quê quán, người thân đều chính xác, kể cả mục ghi chú có 3 con. ôi! Vậy là điều tôi cần tìm bấy lâu nay lại nằm gọn trong quyển sách này, đúng là anh của tôi rồi. Nhưng tôi lại thắc mắc:

- Sao giấy báo tử lại ghi là ở tiểu đoàn bộ ạ?

ông Mậu giải thích:

- Điều xuống đại đội được ít ngày thì anh ấy hy sinh nên báo về trung đoàn vẫn theo đơn vị cũ. Anh có thể gọi điện đến ông Nguyễn Hữu Thụ ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lúc đó là Đại đội phó Đại đội 5 hiện còn sống.

Tôi gọi điện thoại đến ông Thụ và thật may mắn, ông Thụ biết rất rõ về trận đánh mà liệt sỹ Luyện hy sinh. Đó là trận giữ núi Két ở Thới Sơn. Mỗi ngày một trung đội thay nhau, hôm đó, anh Luyện, Chính trị viên phó đại đội chỉ huy Trung đội 2 giữ chốt, địch dùng pháo và xe tăng tấn công, 6 đồng chí hy sinh, trong đó có 3 đồng chí trên chốt không lấy được xác, liệt sỹ Luyện hy sinh dưới chân núi, thi hài được đơn vị đưa vào khu vườn xoài của dân an táng chu đáo. Thì ra đây là trận cuối cùng trên chốt núi Két mà tôi đã đọc được ở các tài liệu trước đó.

Tạm biệt thành phố Long Xuyên, tôi lên huyện Tịnh Biên, đến Đội K93, một đơn vị có nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ thuộc Bộ CHQS tỉnh An Giang, trung tá Kal (người dân tộc Khơ me) cho tôi xem danh sách liệt sỹ của E101. Tôi đã thấy ngay dòng ghi liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện với đầy đủ thông tin nhưng lại ở mục chưa tìm thấy hài cốt? Trung tá Kal giải thích:

- Đây là danh sách của Quân khu 9 chuyển về để các địa phương tìm kiếm, quy tập. Có nhiều liệt sỹ trước đó đã được đưa vào nghĩa trang liệt sỹ rồi.

Trước khi sang nghĩa trang liệt sỹ Dốc Bà Đắc đặt tại xã Thới Sơn, tôi đã ghé qua Nghĩa trang liệt sỹ huyện Tịnh Biên đặt ở xã An Phú, nghĩa trang này quy mô nhỏ có khoảng 300 ngôi mộ. Tại đây có bia mộ liệt sỹ Bùi Lý Lâm quê ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình và một ngôi mộ có tên là Nguyễn Văn Tích (không đơn vị, quê quán), có thể liệt sỹ Tích quê ở phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) mà trước đó, thân nhân liệt sỹ Tích đã liên hệ với tôi hỏi về tên đơn vị A11, Đ61C, hy sinh tháng 3/1970 tại An Giang theo giấy báo tử. Tôi nhờ ông Nguyễn Đức Mậu xác định A11 là ký hiệu của đơn vị đặc công do Sư đoàn 1 tăng cường cho Trung đoàn 101. Nếu đúng như vậy, tại nghĩa trang nhỏ này đã có 2 liệt sỹ quê tỉnh Hòa Bình nhưng không có liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện.

Tôi đến nghĩa trang liệt sỹ Dốc Bà Đắc. ông Nguyễn Văn Phúc, quản trang khệ nệ mang ra cả chồng mấy quyển danh sách hơn 3.000 liệt sỹ có danh tính, trịnh trọng đặt lên bàn trước mặt tôi, dáng vẻ của ông Phúc y hệt ông Mậu và Trung tá Kal, khi họ nâng trên tay hồ sơ của những người đã khuất. Tôi chỉ lướt qua những liệt sỹ hy sinh trước ngày giải phóng cũng mất nửa giờ đồng hồ, không tìm thấy thông tin gì về liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện. Tôi cẩn thận xem lại một lượt nữa và phát hiện có 12 liệt sỹ quê tỉnh Hòa Bình nằm ở nghĩa trang này, trong đó huyện Kỳ Sơn 5 người, huyện Tân Lạc 4 người, huyện Kim Bôi 1 người và huyện Lương Sơn 2 người (liệt sỹ Nguyễn Thanh Hùng cùng quê xã Liên Sơn). Trong 3 liệt sỹ mang tên Nguyễn Văn Luyện thì 2 người cùng họ và tên, cùng đơn vị, quê ở An Thụy, Hải Phòng. Tôi nhờ ông Phúc đưa tôi đến ngôi mộ mang tên Nguyễn Văn Luyện. Đây rồi, bia mộ khắc đầy đủ họ và tên nhưng không có thêm một dòng thông tin nào khác, tôi đang loay hoay chụp ảnh bỗng có chuông điện thoại, đầu dây bên kia là đứa cháu tôi (con gái của liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện), cháu vừa nói vừa khóc:

- Chú à! Bố cháu hiện về nói là chú vào viếng thăm mộ bố cháu mà không cúng cho bố cháu thứ gì cả, bố cháu bảo không cần hoa quả, tiền vàng đâu, chỉ cần một bánh thuốc lào, một hộp quẹt và một bộ quần áo nâu để đi lễ chùa thôi.

Quay trở vào tôi thắp hương kêu:

- Anh Luyện ơi! Anh sống khôn thác thiêng, phù hộ cho em tìm được anh để chị và các cháu thỏa lòng mong mỏi. Em đang trên đường đi tìm anh, không biết anh nằm ở nơi nào nên em chưa mua đồ cũng lễ. Lần sau em vào sẽ có thuốc lào, có quần áo nâu cho anh.

Những điều mong muốn của anh thật giản dị, khi còn sống đồng đội chung hơi điếu thuốc lào, còn chuyện đi lễ chùa, cả tỉnh An Giang có gần 70 ngôi chùa thì vùng Bảy Núi này vẫn đang hiện diện 62 ngôi chùa Khơ Me cổ kính, là nơi đã từng nuôi giấu, che chở bộ đội khỏi sự phát hiện của địch, điều đó chắc đã để lại dấu ấn sâu sắc trong các anh, khi đã khuất núi rồi để linh hồn mau siêu thoát chắc là các anh đã tìm đến nơi cửa Phật để nương nhờ.

Anh Luyện ơi! Anh cứ yên nghỉ ở nơi đây, nước Việt Nam mình nơi nào cũng là đất mẹ, nơi nào cũng là quê hương.

 

                                                                                   Nguyễn Tiến Lợi(CTV)

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Ngoại ô xưa

(HBĐT) - Ở thành phố này bấy nhiêu năm, sau bao bận xách va li tới những miền đất lạ, tôi mới nhớ ra ngay kề thành phố mình còn một khu ngoại ô lạ lẫm. Mùa đông, rồi mùa hạ, có bao thứ rau củ xuất hiện trên chiếc đĩa sứ tráng men sáng bóng, những gam màu sinh tố trong li thủy tinh nhưng đã mấy ai biết được mảnh đất ngoại ô nhỏ bé đã phôi thai những sắc màu ấy như thế nào.

Viết cho mùa rực nắng

(HBĐT) - Tháng 5, nắng chói chang đã ngự trị khắp nơi. Bầu trời cao xanh ngắt, ánh sáng trên tán phượng thêm đỏ rực rỡ. Loài hoa gần gũi, thân yêu với tuổi học trò. Hoa chứng kiến giờ phút luyến lưu của bao thế hệ học trò lúc chia tay. Có cuộc chia ly từ khi tóc xanh đến khi có cơ hội gặp nhau tóc đã điểm màu sương.

Chuyện đời thường: Nghe lời mẹ chồng

(HBĐT) - Bà cụ Thiện đang trò chuyện với mấy người thân trong nhà thì chị bán hàng rong buổi sáng cứ thập thò, vẫy cụ ra ngoài cửa. Cụ Thiện bước ra ngoài với thái độ hơi bực, khó chịu: - Lúc nãy mua hàng của chị, tôi đã trả tiền đầy đủ rồi lại còn chuyện gì nữa đây? Chị bán hàng rong sẽ sàng:

Mùa kỷ niệm

(HBĐT) - Tắm xong cơn mưa đầu hè, áo đứa nào cũng lướt thướt, cười ngặt nghẽo vì những trò đùa, rồi đứa nào đứa ấy mất hút vào từng lối mòn, ngôi nhà vắng. Cơn mưa, cơn sốt níu chân tôi với chiếc giường. Một sớm thức dậy nghe bố bảo: “Trường nghỉ học rồi, hôm con ốm là buổi học cuối năm”. Tôi chạy lên đồi, cỏ xanh đã mọc tràn lối đi. Tôi lên sân trường, bao nhiêu hang dế mèn đã xới tung những vạch vôi trắng. Những mái lá lặng thinh trong nắng. 3 tháng nghỉ hè mênh mông, tôi thả hồn vào tiếng ve, thi thoảng nhớ quá lại lên thăm trường gianh tre trên đồi, lục lọi từng ngăn bàn, tìm một thứ gì là dấu ấn của ngày còn đến lớp như: thước kẻ gãy, ngòi bút, mẩu phấn…

Sức hấp dẫn văn hóa người Dao bản Phủ

(HBĐT) - Tàu sắt trọng tải 25 tấn chở chúng tôi cập bến bản Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Bà con người Dao ào ra bến đón chúng tôi, đông nhất là trẻ nhỏ. Các cháu bồng bế, dắt díu nhau cứ sàn sàn như trứng gà, trứng vịt. Cụ Triệu Văn Đờn, 75 tuổi mái đầu bạc phơ nhưng còn rất khỏe. Nắm tay tôi, cụ bảo: “Vào nhà đi”.

Nỗi niềm mùa vụ

(HBĐT) - Nền văn minh lúa nước, mùa vụ, canh tác… là những thuật ngữ trong sách vở giúp tôi hiểu về nông thôn. Thuở bé, giữa nếp nhà giữa miền non cao, đèo dốc, trong gió rừng mát rượi, nghe lời ru của bà, tôi vẫn mơ mơ hồ hồ về quê hương đồng bằng có gốc gác cha ông. Thế là phải đến khi thành một chàng trai, tôi mới khăn gói về đồng bằng, cảm nhận mộc mạc mà sâu lắng của ngàn đời tổ tiên cấy hái, kháng cự và dung hòa với nắng, mưa, trời, đất. Hơi đất ấm phả vào gan bàn chân giúp bước những bước đi tự tin hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục