(HBĐT) - Người thầy, nét nghĩa đầu tiên của danh từ này dành chỉ người được đào tạo có năng lực sư phạm. Đời của mỗi người ai cũng có thầy, số lượng thầy phản ánh sự học của ta.
Không ai có thể nhớ hết khuôn mặt, tên thầy của quãng đời đi học, song tình nghĩa trong lòng học trò nghĩ về thầy ở mức độ khác nhau vẫn luôn nguôi nhớ.
Làm thầy là làm nghề dạy học, nghề thanh cao, thanh bạch nhưng chẳng mấy thanh nhàn.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 được Đảng, Nhà nước lấy làm kỷ niệm để tôn vinh ngày giáo dục, đội ngũ giáo giới. Nhưng truyền thống trọng thầy đã có hàng ngàn năm là giá trị của văn hiến Việt Nam. Người thầy trong tâm thức của mỗi người luôn giữ ơn cha mẹ, nghĩa với thầy là đạo lý căn bản, là đạo làm người, là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc ta.
Ở đời, mỗi con người sống đúng mực, tròn bổn phận người công dân hiếu thảo với cha mẹ, ông bà biết trân trọng thầy là sự biểu thị của người công dân có giáo dục văn hóa, người giữ được nề nếp gia phong.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được phát huy. Bác luôn đánh giá rất cao vai trò của người thầy với xã hội. Bác nói: Những thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất”.
Để xứng đáng phẩm cách của người thầy theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tập trung vào ba yếu tố làm nên phẩm cách người thầy là tâm hồn, kiến thức, phương pháp sư phạm. Tâm hồn người thầy cần thể hiện lòng yêu thương vô hạn, quý mến và tôn trọng con người. Tâm hồn người thầy giáo luôn trong sáng, lối sống lành mạnh, có sự yêu thương học sinh và đồng nghiệp. Chính nhờ tâm hồn, lòng yêu thương ấy mà mỗi lời giảng của thầy mới thấm sâu vào tâm trí học sinh thành những hình ảnh đẹp trong hành trang bước vào đời của mỗi người.
Khi lên lớp giảng dạy, người thầy phải giữ gìn phẩm cách trước học sinh, nhiệt tình truyền thụ hết kiến thức theo sách giáo khoa, giáo án. Không cắt xén để dạy thêm mang tính thương mại thì phẩm cách người thầy sẽ bị hạ thấp. Người thầy phải lấy lòng nhân ái mà cảm hóa học sinh lấy sự uyên thâm của thầy mà thu hút sự ham học của học sinh. Cuối cùng, người thầy khi dạy phải lựa chọn phương pháp truyền đạt cho học sinh. Đối tượng học sinh tùy từng vùng dân tộc mà có phương pháp truyền đạt. Mỗi giờ giảng là sự gợi mở, sự khuyến khích. Việc đánh giá cho điểm học sinh phải công bằng, khách quan. Thầy không vô tư sẽ đánh mất uy tín của mình trước học sinh.
Trong cuộc đời làm thầy có những hoàn cảnh khó khăn nhưng mới rồi các thầy ở Mai Châu, Hòa Bình, sáng chiều lên lớp, tối ra sông, ra suối bắt con cá, con tép để trưa mai có thêm thức ăn cho các lớp bán trú. Hay cô giáo mầm non ở vùng có suối hễ có mưa là phân công ra bờ suối cõng các cháu về trường.
Sự gian nan, phấn đấu của các thầy cho sự nghiệp trồng người là vô hạn thấm nhuần lời Bác dạy:
"Vì sự nghiệp mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Thật đáng trân trọng biết bao những thầy, cô đang ngày đêm cần mẫn lên vùng cao "gieo chữ”. Những thầy giáo đã nghỉ hưu không còn đứng lớp nhưng vẫn giữ nhiệt huyết tham gia hội cựu giáo chức, tiếp tục góp xây sự nghiệp trồng người. Thế mà mới đây có ý kiến đội ngũ nhà giáo phải được tổ chức lại "hợp đồng” đặt ra ngoài biên chế làm các nhà giáo hoang mang nhưng khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đội ngũ giáo giới trở lại yên tâm.
Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thiết nghĩ, người thầy giáo phải luôn rèn luyện phẩm cách không ngừng học tập nâng cao tính sáng tạo trong truyền thụ phấn đấu làm người thầy giáo tốt như lời Bác Hồ dạy: "Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Tùy bút của Văn Song