(HBĐT) - Chiều, trời trở rét, dòng người hối hả dưới làn mưa làm cho nhịp sống những ngày cuối năm thêm phần vội vã. Buổi sáng trời còn nắng chang hoàng. Cái nắng xua tan giá lạnh tê buốt của mùa đông. ánh nắng dọi xuống dòng sông Đà thơ mộng, lấp lánh như dát bạc.


Mới đó mà trời đã trở rét. Tiết trời âm u dưới làn mây dăng dăng càng như rét hơn. Nhìn trời mưa lất phất khiến tôi bâng khuâng nhớ thuở còn nhỏ. Cuối năm trời thường rét thấu da. Cuộc sống ngày xưa vất vả nên trẻ thơ cũng thiệt thòi. Quần áo ít, đêm về mấy chị em chen chúc trên giường với chiếc chăn bông cũ không xua được cái lạnh thấu xương, gió lùa từ dưới gầm giường thốc lên rét run. Nhiều hôm cả nhà quây quần bên bếp củi sưởi ấm, nướng khoai, nướng sắn. Cuộc sống khó khăn nhưng tình cảm lúc nào cũng đong đầy, gần gũi.

Thời ấy làm gì có được tivi, tủ lạnh, làm gì có facebook hay kết nối mạng internet như bây giờ. Bởi vậy trẻ con ngây ngô, dại khờ lắm. Dù tuổi còn nhỏ nhưng hầu như đứa nào cũng một buổi đi học, một buổi ở nhà đi kiếm củi, lấy rau lợn, băm bèo, thái sắn hoặc lên nương phụ giúp cha mẹ... Đâu có được cuộc sống đủ đầy như trẻ em bây giờ. Nhà nào có được chiếc tivi đen trắng thì cả xóm cùng kéo đến ngồi chật cả nhà để xem.

Ngày đó, trẻ con chúng tôi chỉ thích Tết. Vào tháng cuối cùng của năm là dịp để đám trẻ con tính từng tuần, đếm từng ngày, có đứa còn gạch chân trong tờ lịch đánh dấu ngày Tết đến. Hồi còn nhỏ, trong ký ức trẻ thơ chúng tôi luôn mong mỏi Tết. Đầu óc ngây thơ đâu đã hiểu được những gì mà người lớn phải lo toan với câu cửa miệng "Lại năm hết, Tết đến nơi rồi” như một sự không trông đợi, ngược lại với những gì lũ trẻ đang mong ngóng.

Giờ đây, tôi lại ao ước được quay trở lại thuở xa xưa ấy. Cái thuở trẻ thơ vô lo, vô nghĩ chỉ mong đến Tết để được mặc quần áo mới, được nghỉ học, được bố mẹ cho đi chơi, được nhận tiền mừng tuổi, kèm theo đó là những lời chúc "hay ăn chóng lớn, chăm ngoan, học giỏi…”.

Nhìn cảnh mưa rơi trong lòng mỗi người thường xao xuyến, lay động. Quy luật của tạo hóa, mỗi mùa thường cho ta một cảm nhận riêng. Bốn mùa, xuân - hạ - thu - đông, mỗi mùa có nét rất riêng để ta cảm nhận. Với mùa xuân - hạ, cây cỏ, vạn vật đều tốt tươi, hoa lá đua nhau khoe sắc, rung rinh trong nắng và gió làm cho ta thêm yêu cảnh vật. Mùa xuân, mùa của chồi non. Ngược lại là mùa thu và mùa đông, mùa của lá rụng, của rét mướt. Mùa xuân đâm chồi nảy lộc thì mùa đông là mùa của lá đổ. Mỗi cơn gió đến là lá lại ào ào rơi. Đi dưới làn sương đêm hay dưới cái lạnh thấu xương, trời mưa lất phất của mùa đông trong đêm tối như cảm thấy lạnh hơn.

Tôi có một thú vui là tối đến thường đi thể dục. Nếu đem so sánh giữa 4 mùa xuân - hạ và thu - đông, tôi thích thưởng thức mỗi khi đêm về vào mùa thu - đông. Mùa này tản bộ dưới những hàng cây thoang thoảng mùi hương thơm của các loài hoa, quả vào độ chín. Nhiều khi tôi như muốn đi chậm lại để thưởng thức, để hít hà hương thơm lan tỏa đâu đây của thiên nhiên. Tôi thấy yêu cuộc sống và yêu miền quê mình đang gắn bó. Và những lúc như thế, trong tôi thường quay ngược lại thời gian và nhớ đến những ký ức thuở xa xưa.

Thuở đó, khi chúng tôi là những cô bé, cậu bé vừa rời ghế nhà trường đi xuất khẩu lao động. Ngày bước chân đến nơi đất khách quê người vào đúng mùa đẹp nhất trong năm. Chúng tôi lạ lẫm làm quen với cuộc sống nơi phương xa nhưng tuổi trẻ nên cũng dễ để hòa nhập. Thời gian thấm thoắt, chưa hết nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, sau 3 tháng, chúng tôi bước vào mùa thu với xào xạc lá rơi hay còn gọi "mùa lá đỏ”. Cây cối ào ào đổ lá để trơ những cành cây khẳng khiu. Rồi mùa đông ập đến với những bông tuyết trắng lất phất rơi.

Mới đầu chúng tôi còn nô đùa, nắm những nắm tuyết lại rồi ném nhau với vẻ thích thú nhưng mùa đông ở đây rất dài, kéo đến 6-7 tháng trong năm, bởi vậy lúc nào cũng ngập trong màu trắng của tuyết. Mùa thu nào cũng đẹp và ở đâu ta cũng cảm nhận được sự thú vị của nó. Mùa xuân - hạ là mùa của đầu năm, mùa của ngày rộng, tháng dài, thảnh thơi, không vội vã. Nhưng mùa đông, mùa của những công việc, mùa mà mỗi người chúng ta đều có những chỉ tiêu để hoàn thành trước khi đón một năm mới. Và mùa đông là mùa hẹn hò đôi lứa, mùa đẹp nhất trong năm, được coi là mùa cưới, mùa của những chàng trai, cô gái xây tổ ấm.

Thời gian vẫn cứ trôi, guồng quay của cuộc sống vẫn chạy đều theo quy luật của tự nhiên. Giờ đây, khi trưởng thành, tôi mới cảm nhận hết được nỗi lo của người lớn khi xưa. Dịp cuối năm là sự tất bất, là những lo toan với bề bộn công việc muốn hoàn thành để chuẩn bị cho một năm mới đầy suôn sẻ. Trong các cơ quan Nhà nước hay đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp… đều phải hoàn thành tất cả công việc trong ngày cuối cùng của năm. Rất nhiều việc cần làm như đánh giá, kiểm điểm, tổng kết cuối năm; quyết toán sổ sách, giấy tờ theo từng loại công việc. Với những tiểu thương buôn bán nhỏ cũng thường dồn vốn đợi cuối năm lấy hàng về bán…

Còn đối với tuổi học trò gần như "chạy đua” với chương trình học kỳ. Cuối năm là dịp để ôn tập, kiểm tra. Từ tiểu học đến THPT hay cao đẳng, đại học đều vào guồng quay của chương trình học. Nào là làm đề cương, nào là ôn tập rồi kiểm tra học kỳ I cũng vào dịp cuối năm. Trong mỗi nếp nhà, mỗi gia đình đều có rất nhiều công việc cần hoàn thành khi chuẩn bị "năm hết, tết đến” như các cụ xưa vẫn thường nói. Nào là chuẩn bị sơn sửa lại nhà, dọn dẹp cho gọn gàng cái bếp, mua sắm đồ dùng trong gia đình… Ngoài ra, cuối năm cũng là dịp để mỗi gia đình, dòng họ lo sửa sang, tân trang lại những phần mộ hay còn gọi là tảo mộ để báo đáp tổ tiên mỗi khi Tết đến, xuân về.

Tản văn của Thúy Ngọc


Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Lửa mùa đông

(HBĐT) - Ở lạnh mà cứ phải nhen được lửa lên bằng những mẩu gỗ nhom nhem bằng những chiếc lá bàng, bằng những tờ báo cũ cũng được, lửa làm bàn tay ấm dần. "Không có lửa làm sao có khói”, không có khói thì lam sao đôi mắt được cay xè nhớ về ký ức.

Mùa cúc họa mi

(HBĐT) - Vậy là cái lạnh đầu đông đã về, năm nay mùa đông về muộn hơn. Vẫn biết là sẽ về mà sao vẫn thấy nôn nao nhớ. Lặng lẽ tiễn hương sữa còn sót lại của mùa thu nồng nàn đầy nuối tiếc.

Nghĩ về người thầy với sự nghiệp trồng người

(HBĐT) - Người thầy, nét nghĩa đầu tiên của danh từ này dành chỉ người được đào tạo có năng lực sư phạm. Đời của mỗi người ai cũng có thầy, số lượng thầy phản ánh sự học của ta.

Vì bà con vùng mưa lũ...

Hơn nửa tháng nay, câu chuyện mưa lũ, sạt lở, chết người, nhà trôi luôn là chủ đề được bà con phố X. quan tâm. Câu chuyện bên bàn trà hay bên bàn bóng, sân dưỡng sinh, sàn "đăng - sing”… gì cũng quay lại chuyện thời sự: điểm A., điểm B. đã lấy được thi thể các nạn nhân hay chưa. Chú phóng viên trẻ kia bị lũ cuốn đã tìm được xác. Thương quá. Chính phủ đang làm các thủ tục truy tặng bằng khen.

Những cơn mưa đi vắng

(HBĐT) - Giàn mướp nhà tôi năm nay khá sai quả. Nhờ nắng, nhờ gió đất ngoại ô hào phóng mà màu xanh cứ từng ngày lan tỏa rồi dệt kín giàn tre khô khốc mà mát rượi một khoảng sân nhà. Đâu cũng được vài bữa canh cua nấu mướp, rau đay nhưng thích nhất là khoảng râm mát để những giò phong lan bung nở. Hoa quyện vào hương trà, nhập vào từng con chữ, mơ hồ xa xăm trong tiếng chim họa mi… chỉ còn thiếu "miếng” mưa là đủ cho một bức tranh tâm trạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục