Lâu không về quê ngoại nên khi nghe ông nhắn về, lòng bỗng thấy lo lo, bất an. Y như rằng vậy. Gặp ông ở đầu làng, nụ cười của ông nhẹ bẫng và đầy tâm trạng: "Sao về một mình vậy? Năm nay nhà ông phải "sẻ” vườn cho nhà Cải rồi”. Nhà Cải đây là cháu nội của anh trai ông ngoại tôi. ở quê hay gọi là "anh trên, em dưới” đấy. Gần gũi, máu mủ ruột rà. Chỉ có điều anh trai của ông đã qua đời khá lâu. Hồi đó, nghe như có người góp ý với hai anh em là: đất đai, nhà cửa cha ông để lại nên phân định rành rẽ, "yêu nhau rào dậu cho kín”. Đời mình đã đành, đời con cháu sau này, nếu không rõ ràng sẽ sinh phức tạp. Có cảm giác như là điều tiên đoán nhưng vì 2 anh em lại cho rằng: Người nhà mà, gì mà phải sòng phẳng quá thế. Mất đi tình cảm anh em. Quan niệm, suy nghĩ sẽ dần đổi thay theo thời gian, thời cuộc!?... Nên giờ mới có chuyện như vậy. Nhìn dáng đi của ông lầm lũi khuất trước vào ngõ, cảm giác se se trong lòng. Ngoài đồng, gió thổi lồng lộng và khu vườn của ông chao chát bởi đàn chim lạ đến làm tổ…

Khu vườn - đất của cha ông để lại cho anh em ông ngoại khá rộng nhưng chỉ phân định ang áng như từ cây bưởi, cây hồng bì kia là của nhà anh Cải. Còn từ cây đào cổ kia đến dãy cây trám kia là của ông ngoại tôi. Mấy chục năm qua, mọi chuyện yên ổn, ấm áp và yên bình. Suốt thời học sinh và cả thời sinh viên, không năm nào, anh em chúng tôi lại không về thăm ông. Thích nhất là cảnh cả nhóm đạp xe đạp dọc theo những triền đê rồi ngoặt qua con suối đầu làng để đến nhà ông. Có mấy cây số kia thôi mà thấy thích thú vô cùng nhất là lần đầu được bố mẹ thả lỏng cho tự đi cùng nhóm bạn cùng tuổi đến nhà ông vào mùa bưởi, mùa cam chín. Chúng tôi mê đi khi đi dưới những dãy bưởi, dãy cam đang vào mùa thu hoạch. Sắc vàng ruộm, hương vị bay trong không gian và nhất là được chén thoải mái… thật chẳng có gì bằng.

Thỉnh thoảng cũng có lái buôn vào mua nhưng gì thì gì ông cũng dành vài cây để cho các cháu hái và thưởng thức. Mùa nào thức ấy, vườn nhà ông đã trở thành điểm đến của lũ cháu nội, cháu ngoại nhầng nhầng tuổi nhau.

ông cũng từng là giáo viên trường làng hay đọc sách, báo, biết cả chữ nho và chút tiếng Pháp nên thời đó cũng được coi là trí thức làng rồi. Nghe nói, vì một lý do nào đó liên quan đến quan niệm về "lý lịch” nên đường đi nước bước của ông không được hanh thông.

Nhưng chưa bao giờ thấy ông cay cú điều gì. ông vẫn hay bảo ban lũ chúng tôi: "Trước mỗi bất trắc cũng đều phải bình tâm. Có khi lại được trưởng thành vì tình huống không được vui đó”. Mỗi lần chơi cờ cùng bạn, ông vui lắm. Nét cười sáng lên từ ánh mắt, nụ cười và mái tóc đang dần bạc của ông. ông thắng trận nào, bao giờ cũng "đúc rút kinh nghiệm cùng đám trẻ mới học đánh cờ là chúng tôi”. ông bảo: "Chơi cờ cũng có triết lý đấy”. Nhưng chúng tôi quan tâm gì chuyện ấy, cứ ào ào như tuổi thơ vậy.

Thực ra, anh Cải, đường đường là trưởng họ đấy chứ. Nhưng cũng là người lành tính, không thích tranh luận. Có thể đấy cũng là điểm yếu của anh. Từ ngày chị Cải về làm dâu, anh Cải càng ít nói tợn.

Khổ nỗi, như thiên hạ nói: thế nào mà được anh, được ả, được cả đôi bên. Anh đã ít nói, chị càng ít nói hơn. Thành ra chị hết sức bí ẩn và khó hiểu (theo quan điểm hồi đó của chúng tôi). Lần đầu anh dẫn chị từ một bản làng vùng kinh tế về, cả buổi chị nói đúng 5 câu (đấy là các bác, các thím đại diện họ nhà trai hỏi han, phỏng vấn và tiết lộ thế). Có câu thứ 5 thế này: "Khi con là con cháu trong nhà, con và anh Cải phải luôn luôn thống nhất mới đủ sức gây dựng gia đình được. Vợ chồng phải biết nghe nhau”. Mớ tóc xoăn và cắt rất ngắn của chị được giữ đến tận bây giờ. Chị bảo với anh Cải: "Thích thế thì để thế” khi anh góp ý với chị. ít nói thế nên câu nào đã "phát” chị không hề xem lại. Các bác, các thím cũng khen nhưng lại thở dài: "Người vợ mà ít nói thế kể ra nhà cửa cũng yên chứ cứ loảng xoảng cũng đau đầu”. Theo lời bác cả: Tuần thứ nhất, chị về làm dâu "cai” được cho anh Cải chuyện đêm đêm đi đánh bài quỳ, bôi nhọ nồi hay uống rượu suông với mấy anh hàng xóm.

Được quá đi chứ. Tuần thứ 2, anh Cải phải biết đi xe máy và chị trực tiếp tập lại cùng anh. Thực ra là anh từng đi nhưng sau lần say rượu, lộn cổ xuống suối, gẫy chân, anh sợ hẳn. Xa gần chỉ xe đạp. Chị bảo thế là cổ, lạc hậu "Người ta còn đi ô tô ầm ầm, đến xe máy không đi thì còn ra thế nào”. Cho nên một chiều, chị áo ba lỗ, quần soóc lửng áp tải anh Cải đi xe máy khiến cả xóm xôn xao. Mấy buổi tập, cả xóm chẳng mấy khi nghe chị nói mà anh cứ lên xe lao vèo vèo. Không nói nhưng mọi sự điều khiển đều bằng ánh mắt. Chả thế mà có lần vừa nghe anh nói "Mệt, không đi”, chiếc xe đã suýt nữa bị đá văng xuống suối. Một lần đang có anh bạn rượu gọi anh dừng lại làm chén cho khí thế, thế mà chỉ bằng một ánh mắt, anh tỉnh hẳn luôn. Không dám nhận lời…

Mới năm sau, mọi chuyện cũng đã khác. Một ngày, chị Cải dành hẳn nửa buổi đi khắp khu vườn của 2 anh em ông ngoại tôi. Về, chị buông thõng câu: "Không được, cứ nhập nhằng thế nào ấy”. Không biết anh và chị bàn thảo chuyện gì mà vào một ngày khá đẹp trời, 2 vợ chồng xin có ý kiến với gia đình ông ngoại. Chung quy là chị chốt: Việc xưa nay phải đổi, theo như sổ đỏ nhà cháu thì khu đất nhà, đất ở của nhà cháu "hụt” 50 mét ông ạ. Nên cháu xin đính chính”… Cũng không quá ồn ào câu chuyện này, vì ông ngoại tôi không có ý kiến gì, chỉ nói rằng nếu anh chị quyết lấy nhượng lại cho ông, vì miếng đất đó được ông trồng cây chăm tưới mấy chục năm nay. Nhiều cây đã có quả, có hoa rồi. Còn anh Cải thì ữ hừ với ông "Cháu không muốn thế”, ông gắt: "Cháu cũng phải bộc lộ quan điểm chứ. Mấy chục năm yên ổn, từ ngày cháu lập gia đình, thay đổi nhiều quá”.

Họp gia đình, ông ngoại cho rằng: Về lý, cháu Cải nó đúng đấy. Máy đo hiện đại thế mà. Sau khi bộ phận chuyên môn địa chính làm xong các thủ tục, chị Cải đã thuê thợ đến đào đào, lấp lấp và dựng lên bức tường cao vút. Đứng bên sân nhà ông không nhìn thấy từ đường nhà tổ cũ nữa. Nhưng ông buồn, cả nhà ông buồn. Chiều nay, ông nhìn sang dãy cây đào cùng những cây cảnh giờ nằm bên đất nhà anh chị Cải với ánh mắt thật lạ: lưu luyến, băn khoăn và hy vọng. ông bảo: Chỉ mong vợ chồng anh Cải đừng vội phá. ông sẽ nhờ người đến bứng hết các gốc đào đã có hoa được 2 năm nay và những cây cảnh đang dần bén đất để trồng lại phía vườn nhà. Chúng tôi biết ông không tiếc mấy chục mét đất phải chuyển cho nhà anh Cải nhưng ông có buồn vì những gì đã diễn ra xung quanh câu chuyện khu vườn của cha ông để lại.


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Chuyện đầu làng - cuối phố: Sông có khúc, người có lúc...

(HBĐT) - Quán nước chè bà Mây mấy bữa nay lại đông khách đến ngồi vào những buổi chiều tối. Một phần mùa đông, nghĩ đến chén nước trà nóng hôi hổi bên những ông bạn chơi cờ, những nhà "bình luận” thể thao, xổ số… kể ra cũng thú. Nhưng mấy vị thích ẩm thực chè chén còn thích ngồi nữa bởi bà chủ quán nước dạo này ít nói hơn và ưu tư lạ… Vẫn là bà khởi xướng:

Lửa mùa đông

(HBĐT) - Ở lạnh mà cứ phải nhen được lửa lên bằng những mẩu gỗ nhom nhem bằng những chiếc lá bàng, bằng những tờ báo cũ cũng được, lửa làm bàn tay ấm dần. "Không có lửa làm sao có khói”, không có khói thì lam sao đôi mắt được cay xè nhớ về ký ức.

Mùa cúc họa mi

(HBĐT) - Vậy là cái lạnh đầu đông đã về, năm nay mùa đông về muộn hơn. Vẫn biết là sẽ về mà sao vẫn thấy nôn nao nhớ. Lặng lẽ tiễn hương sữa còn sót lại của mùa thu nồng nàn đầy nuối tiếc.

Nghĩ về người thầy với sự nghiệp trồng người

(HBĐT) - Người thầy, nét nghĩa đầu tiên của danh từ này dành chỉ người được đào tạo có năng lực sư phạm. Đời của mỗi người ai cũng có thầy, số lượng thầy phản ánh sự học của ta.

Vì bà con vùng mưa lũ...

Hơn nửa tháng nay, câu chuyện mưa lũ, sạt lở, chết người, nhà trôi luôn là chủ đề được bà con phố X. quan tâm. Câu chuyện bên bàn trà hay bên bàn bóng, sân dưỡng sinh, sàn "đăng - sing”… gì cũng quay lại chuyện thời sự: điểm A., điểm B. đã lấy được thi thể các nạn nhân hay chưa. Chú phóng viên trẻ kia bị lũ cuốn đã tìm được xác. Thương quá. Chính phủ đang làm các thủ tục truy tặng bằng khen.

Những cơn mưa đi vắng

(HBĐT) - Giàn mướp nhà tôi năm nay khá sai quả. Nhờ nắng, nhờ gió đất ngoại ô hào phóng mà màu xanh cứ từng ngày lan tỏa rồi dệt kín giàn tre khô khốc mà mát rượi một khoảng sân nhà. Đâu cũng được vài bữa canh cua nấu mướp, rau đay nhưng thích nhất là khoảng râm mát để những giò phong lan bung nở. Hoa quyện vào hương trà, nhập vào từng con chữ, mơ hồ xa xăm trong tiếng chim họa mi… chỉ còn thiếu "miếng” mưa là đủ cho một bức tranh tâm trạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục