Chiều nay, đội văn nghệ của anh Tơn có buổi tập duyệt lần cuối để chuẩn bị cho đêm diễn cuối năm của bản nên ai cũng phấn chấn lắm. Đã thế còn nghe nói có cả một nghệ nhân trên huyện về truyền dẫn bài chiêng cổ nên các thành viên đều cố gắng. Lâu lắm, anh Tơn mới lại ngó nghiêng đến chiếc gương đầu hồi nhà để soi ngắm chút, nhưng cầm đến lược, anh lại thở dài. Ngồi thừ ra một chút, anh bỗng thấy điều gì đó như nuối tiếc dâng lên và nhớ ngày chị bế đứa con chung về bên ngoại. Một tuần, hai tuần… và nay tròn một tháng rồi. Cũng vài ba bận anh ngược dốc lên nói chuyện phải trái với chị và ông bà ngoại nhưng chuyện chẳng tiến triển… Chị cứ một mực bảo anh phải "đoạn tuyệt” với đàn địch, với "cô kia”…Anh vò tóc, bứt tai nhưng khó có thể lay chuyển… Thỉnh thoảng ông bà nội tạt qua, thăm hỏi vài câu càng khiến anh rối bời… Mình đã sai gì chứ nhỉ?
Kể ra thì cũng có cả lửa và khói chứ chả oan mấy. Anh từ nhỏ đã được biết đến là người đàn hay, hát giỏi ở bản. Khoản cò ke, ống sáo, đàn bầu, sáo trúc, anh làm tất. Khi nhạc cụ điện tử gia nhập, chính anh là người đầu tiên trong vùng đi sắm chiếc ooc-gan. Chị Làn, vợ anh cũng là người mê hát hò nên chẳng nề hà gì chuyện anh bán trâu, bò đi mua đàn. Vì thế, nhà anh có đủ các loại nhạc cụ và cũng là điểm tập trung của đội văn nghệ. Anh ghi điểm còn bởi giọng hát hay, trữ tình, nhất là các bài hát giao duyên, rằng - thường. Cũng vì lý do đó mà thời trẻ, dù gia cảnh chẳng mấy khá giả nhưng khi gia đình anh lên đặt vấn đề, chị Làn bản trên chẳng phân vân gì cả.
Ngày cưới anh chị, ban nhạc gia đình anh rồng rắn đi rước dâu khiến người dân sống dọc đường cứ gọi là mê tít. Các nhạc công đã tấu những bản nhạc vui khiến đôi trẻ náo nức bước vào cuộc sống mới. Sau này, nhiều đêm trăng thanh, hình ảnh anh Tơn đàn, thổi sáo đệm cho chị Làn hát là hình ảnh đẹp, giăng tơ trong lòng bao cô gái trẻ trong bản mong muốn. Có hôm chị miệt mài bên khung cửi,còn anh lẩy rất nhẹ những âm thanh từ cây đàn bầu…Cuộc sống yên bình và hạnh phúc hơn khi thằng cu Tấn chào đời. Với anh chị, chẳng có gì hơn. Chị cũng chiều anh, chẳng ngăn cấm chuyện đêm hôm đi diễn, giao lưu (dù có buổi chị không có mặt). Tay chị sứt nẻ vì đào rãnh mía, hố trồng cây, còn tay anh dù không trắng nõn nhưng khi múa trên phím đàn chẳng ai ở thị trấn, thị xã nói rằng anh không cùng quê, cùng phố. Có lần chị còn mua cho anh lọ nước hoa khá đắt tiền nữa. Chị bảo miễn anh vui, miễn anh góp niềm vui cho mọi người. Thỉnh thoảng thấy anh lên mạng kết bạn diễn viên nọ, diễn viên kia, chị cũng cười trừ. Nhưng mọi chuyện chẳng hề theo một chiều…
Một buổi chiều, chị Làn đang bóc vỏ mía bên đồi thì cô em gái tìm đến.
- Chị Làn…anh Tơn đi đâu chị biết không?
- Anh đi tập huấn âm nhạc trên huyện mà. Đi từ hôm kia…
- Thật không?… Hôm qua em lên huyện lại thấy anh Tơn đèo ai đó đi chợ. Tập huấn gì ở chợ…
Bó lá mía tuột khỏi tay. Hai chị em tất tả ra về. Chị Làn chưa bao giờ nghi ngờ bất kỳ chuyện gì về anh nhưng sao lại xảy ra chuyện này. Thực hư ra sao? Buổi chiều tối, 2 chị em phóng xe lên huyện. Phố sá đang lên đèn. Tìm về khu trung tâm, nơi anh hay lên mỗi khi tập huấn chỉ gặp một vài người. Họ đều đã biết chị nên nhiệt tình chỉ dẫn.
" Lớp tập huấn đã xong từ hôm qua nhưng anh Tơn ở lại để tập thêm một vài điệu nhảy hiện đại. Đang tập cùng cô ở khu múa”. Phòng tập vẫn sáng đèn, tiếng nhạc dập dìu, lúc sôi động, lúc nhẹ nhàng, quyến luyến. à, "họ” đang tập vũ quốc tế. Người phụ nữ kia có vẻ là người thành phố, quần áo hàng hiệu, tóc tiếc cũng lạ nhưng quả thật là xinh. Trẻ hơn anh Tơn nhiều. Mùi nước hoa đắt tiền dâng hương. Hai người mải mê tập, chị kia dìu anh đi trong tiếng nhạc. Khi đến phần người nam phải bế người nữ kia để xoay vòng trên không, chị không giữ nổi bình tình nữa lao lên. Anh sững người lại… Không có cô em kéo về chắc chị sẽ khóc tại đó. Người ta mong xong việc để về với vợ con, đằng này…ham vui đến thế là cùng. Trong khi ở quê cuối năm, người ta lo mọi chuyện đồng áng cho gọn để còn sắm Tết, lo Tết…còn ở đây cứ mải hát, mải hò. Thôi dẹp hết đàn địch, văn nghệ. Mặc kệ anh, chị thu chìa khóa xe và cùng em gái về trước. Ngay trong đêm, chị đã thu gom tất cả các bộ nhạc cụ của anh dồn vào góc buồng. Này sáo, này đàn này… Nước mắt chị lúc này mới rơi. Cuối cùng anh cũng bắt xe ôm để về trong đêm. Anh bối rối thanh minh, giãi bày nhưng chị không bắt lời. Đó là một đêm tồi tệ nhất trong cuộc sống 2 anh chị. Nhìn đống nhạc cụ vứt lăn lóc góc buồng anh cũng chẳng màng gì nữa. Cuối cùng, chị vẫn lặp lại câu hỏi:
- Anh với chị kia có chuyện gì mà tình cảm thế?
- Công việc chuyên môn thôi mà…Anh muốn có thêm tiết mục cho đội văn nghệ nên nhờ chị phụ đạo…
Người phụ nữ vùng cao vốn dễ tin và cũng dễ mất niềm tin nên mọi lời thanh minh của anh không khiến chị động lòng. Hôm sau, anh Tơn với đôi mắt thâm quầng, lò dò đến trình bày với bác cán bộ văn hóa. Biết chuyện, bác cũng chỉ nói: "ừ, tôi sẽ nói giúp chú nhưng cũng phải rút kinh nghiệm đấy. Chị em họ dễ suy diễn lắm nên phải khéo. Chú có nhớ lần trước không?
ừỉ, lần đó không to chuyện như lần này (vì chị không biết) nhưng mỗi lần nhớ đến anh lại thấy đỏ mặt. Chẳng là đi giao lưu văn nghệ xã bên, đêm lửa trại, có chút men trong người nên khi màn hát đối xong, nghe mọi người hô phải nọ, kia anh đã chẳng ngần ngại "thơm” bạn diễn. Nghe đâu, anh chồng ở dưới lồng lên, nghe nói sau đợt đó, chị kia bị cấm bén mảng đi hát, đi diễn văn nghệ nữa…
Nên đi tập hay thôi, ở nhà thì thêm buồn vì vắng mà đi cũng chẳng hào hứng mấy. Nhưng tiếng chiêng, tiếng sáo đã nổi lên…Nhà văn hóa thôn bản tấp nập hẳn lên. Người hướng dẫn đến…ôi, cô em họ đằng vợ. Cô cũng nhận ra anh. " Em biết chuyện anh chị rồi và em cũng đã nói chuyện với chị… Thằng bé nó nhắc anh suốt đấy”. Anh hồi hộp: "Làn nói sao rồi?”… "Vâng, chốc nữa em nói sau, bây giờ tập đã”. Kèm theo đó là nụ cười.
Bài chiêng có giai điệu khá mới nhưng vẫn tha thiết bởi có tiếng lòng, tiếng sông núi, quê hương cùng không khí quê nhà đang chào một mùa mới. Dẫu vậy, lần đầu tiên đi tập, anh lại thấy rã rời thế này? Lời ca, tiếng hát đâu còn nếu người thân nhất bên mình tìm cách xa lánh? Mình đã sai gì? Làn đã nói gì với cô em họ, trong khi suốt mấy lần lên trên đó, chị chỉ nhát gừng trả lời…Cuối buổi, cô em họ vợ nhắn lại câu khá ngắn: "Chị Làn nói mai anh lên đồi nhà chị để hái lá dong. Thằng bé nó đòi về đấy”. Chẳng đợi mai nữa, chiều tối ấy, xóm thấy anh Tơn phóng xe ngược dốc, chỉ khác là lần này trên vai anh không thấy các nhạc cụ nữa.
(HBĐT) - Đã là tháng mười hai rồi đấy! Nhanh thật! Bạn lại thở dài với điệp khúc quen thuộc đến nao lòng. Mới tháng một, vậy mà…