Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa

Vậy là đã hơn ba mươi năm kể từ ngày ra trường, hôm nay, ông Tâm mới có dịp gặp lại Hồng. Hình ảnh cô sinh viên với tà áo dài trắng và chiếc xe đạp mi-pha màu ngọc bích vẫn còn y nguyên trong tâm trí ông. Còn hôm nay ngồi trước mặt ông, Hồng đã là một thiếu phụ, nét đoan trang trên khuôn mặt ngày xưa ấy phôi pha cùng thời gian lại càng thêm mặn mà, phúc hậu. Dẫu biết từ khi ra trường cùng ở trong thành phố này nhưng vì lĩnh vực công việc khác nhau và ai cũng phải bươn trải cùng năm tháng của thời bao cấp lo cho cuộc sống gia đình nên hai người ít có dịp gặp gỡ. Thầm yêu trộm nhớ mà không dám ngỏ lời để cho người ta đi lấy chồng, bây giờ còn than thân, trách phận làm gì. Nhiều lúc ông tự nhủ với lòng mình như vậy… Nhìn sang phía Hồng, tự nhiên ông thấy bối rối không biết sẽ mở đầu câu chuyện như thế nào thì chị chủ động:

- Em chào anh! Anh khỏe không ạ?

- Chào em! Rất hân hạnh hôm nay lại được gặp nhau. Em vẫn dạy học chứ?

- Em mới nghỉ hưu rồi anh ạ.

ông ngạc nhiên:

- Nghỉ hưu à? Anh không tin. Em làm gì đã đến tuổi.

- Anh nhầm rồi, em nghỉ đúng chế độ đấy. Thời gian trôi nhanh quá phải không anh. Cuộc sống của anh hiện ra sao. Chị và các cháu…? Câu chuyện của hai người bị cắt ngang bởi gia chủ của bữa tiệc bước đến:

- Cảm ơn hai bạn đã có mặt chung vui với gia đình. Hôm qua nghe Hồng nói không biết có đến được hay không mình hơi thất vọng. Hôm nay thì ok rồi. Ta cùng cạn ly nha. à mà này ông bạn phải để mắt tới Hồng nhé. Đừng có vô tâm như thời sinh viên là không được đâu đấy.

Nghĩ là ông Kiên nhắc tới thời trẻ một cách quen miệng vô thức nhưng sau đó, ông Tâm nhận ra nét u buồn thoáng trên khuôn mặt Hồng liền hỏi:

- Sao Kiên lại nói thế? Anh thấy có ẩn ý gì chứ không đơn thuần là nhắc lại chuyện thời sinh viên của chúng mình.

- Không có gì đâu anh. Chẳng qua anh ấy quá nhạy cảm thôi.

Về nhà, ông Tâm thắc mắc mãi về câu nói của Kiên nên đã tìm gặp bạn bè cùng khóa, người ở xa thì điện thoại, ai ở gần thì gặp trực tiếp mới biết hạnh phúc gia đình Hồng tan vỡ. Nhiều lần cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, hàn gắn mãi cũng không xong nên đã chia tay với Thái, chàng sinh viên khoa văn đẹp trai lãng tử ngày nào. Bây giờ con gái của hai người cũng đã học xong sư phạm theo nghề dạy học của mẹ.

Bẵng đi khoảng vài tuần sau hôm mừng tân gia ở nhà Kiên lại một cuộc gặp tình cờ như là duyên phận. Hôm ấy, ông Tâm đi đón cháu ở nhà trẻ thì gặp Hồng. Chị ngỡ ngàng hỏi:

- Cháu nhà anh cũng học ở đây à?

- ừ. Nhưng ít khi anh đón cháu. Hôm nay, bố mẹ nó bận nên phải thay thôi. Nhà Hồng có gần đây không?

- Gần ạ. Em mời anh vào chơi.

Hai người ngồi chơi được một lúc thì thằng cháu ông nằng nặc đòi về. Chả gì bằng mệnh lệnh bọn trẻ con. ông bà vội vã chia tay. Đêm về, ông nghĩ mãi, sao Hồng lại vất vả thế. Phải chăng má hồng phận bạc như các cụ thường nói. Gần đây, con gái lại đi lấy chồng về làm dâu nhà người ta nên Hồng sống có một mình. Nỗi buồn hạnh phúc tan vỡ rồi con gái xuất giá theo chồng kéo dài triền miên theo năm tháng. Cũng may, từ khi nghỉ hưu địa phương tin tưởng họ giao cho làm tổ trưởng dân phố. Lúc đầu thì ngại xong rồi làm cũng thấy vui, thấy quen dần. Đời vẫn vậy, có ở trong cuộc mới biết. Công việc ở khu dân cư cực kỳ bận rộn, phức tạp. Thôi thì thượng vàng hạ cám, vui buồn đủ cả.

Kết thúc nhiệm kỳ hai năm rưỡi, Hồng xin nghỉ nhưng họ lại tín nhiệm yêu cầu làm tiếp. Không nỡ phụ lòng bà con, hơn nữa trách nhiệm đảng viên không cho phép chị từ chối. Nhưng ở nhiệm tiếp theo, mọi việc không được suôn sẻ lắm. Sự kiện đáng nhớ nhất là cơn bão số ba gây sạt lở phía bờ sông, nhà cô giáo Nga mất trắng. Tổ dân phố đứng ra vận động mọi người ủng hộ tiền của, vật liệu để cô dựng lại căn nhà. Không may là gần giáp Tết, mẹ chồng Nga ốm phải nằm viện, gia cảnh càng khó khăn thêm. Cũng đúng dịp ấy Hồng vừa lo xin việc cho con gái hết cả tiền, ủng hộ Nga một tháng lương hưu thì chả giải quyết được gì. Đấu tranh mãi, Hồng quyết định đem chiếc xe đạp mi-pha đi cầm đồ lấy tiền giúp cô ấy lo thuốc thang cho bà cụ. Năm mới sang nhà Nga chúc Tết, nhìn cảnh mẹ con, bà cháu sum vầy, Hồng cũng vui lây.

Dạo này gió heo may thổi từng cơn lạnh giá. Sáng ra đi thể dục, Hồng phải mặc thêm chiếc áo len, mỗi bước đi khớp gối tê nhức, chân lạnh phù nề báo hiệu căn bệnh dị ứng thời tiết. Những lúc như thế Hồng chợt nhớ tới chiếc xe đạp. Giá có nó mà đi thể dục sẽ phù hợp, thuận tiện hơn. Dạo đem cầm đồ vẫn đinh ninh sẽ có ngày chuộc lại chiếc xe nhưng mải lo công việc, đến lúc nhớ ra thì thời gian giao kèo đã hết. Cũng chả trách họ được vì nghề nghiệp và mưu kế sinh nhai. Chiếc xe ở thời ấy giá trị lắm, bây giờ không đáng gì nhưng với chị nó là vật kỷ vật mà bố đã mua cho. Gắn liền với nó còn những niềm vui, nỗi buồn nữa. ước gì có một phép màu để chiếc xe trở lại.

Chiều ba mươi Tết nhà ai cũng mua sắm đầy đủ bánh chưng, dưa hành, rượu, thịt, mâm ngũ quả. Đường phố không còn sôi động náo nhiệt như mấy ngày trước đó. Hồng thắp hương lên ban thờ vừa chắp tay khấn thì có tiếng chuông cửa. Vẫn trong tư thế tay giơ trước ngực, tay còn lại bà mở cửa đón khách. ông Tâm đang dựng xe ngoài hiên:

- May quá em ở nhà. Hôm nay anh không kịp hẹn trước.

Hồng chỉ khẽ gật đầu ra hiệu đang dở công việc. Xong việc, bà quay ra vừa rót nước mời khách vừa giải thích thay cho câu trả lời:

- Em không hay vắng nhà mấy đâu. Suốt ngày quanh quẩn trong "chuồng chim” này thôi. Có việc gì quan trọng hả anh?

- Không! Anh đến chơi thôi… - Ngập ngừng một chút như là để chuyển hướng câu chuyện rồi ông tiếp: Hôm trước, em bảo muốn tìm mua xe đạp để đi thể dục à?

- Vâng! Nhưng em chưa quyết định vì thấy mình có tuổi rồi đi xe thể thao không phù hợp lắm.

- Có sao đâu mình cũng phải theo kịp thời đại chứ em. Mà này, anh hỏi thật nhé. Bây giờ em còn thích xe mi-pha nữa không?

- Có chứ anh. Em thấy xe ấy đẹp, thanh cảnh hợp với phụ nữ. Nhưng thời buổi này có bói cũng không ra.

- Vậy anh tìm được thì sao?

Vuốt nhẹ mái tóc xõa xuống trước mặt, Hồng liếc về phía ông Tâm trách:

- Anh cứ đùa em.

Nhận ra ánh mắt đen huyền đang sánh lên nét mặn mà của thiếu phụ xấp xỉ tuổi lục tuần mà như vẫn còn xoan, không kìm nổi lòng mình, ông Tâm nhích lại gần hơn rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai Hồng giọng thổn thức:

- Hồng ơi, chuyện cái xe đạp sẽ có dịp mình nói sau. Hôm nay anh muốn nói với em một chuyện hệ trọng… Anh!. Hoàn cảnh chúng mình cần được gắn bó… Hãy về ở cùng anh nhé? - Giọng ông ngắt quãng từng từ, từng từ một rồi nhỏ dần để thay vào đó là nụ hôn vội vã. Hồng run rẩy, ngượng ngùng đón nhận:

- Sao anh liều thế! Chả bù cho hồi xưa... Mà không được đâu! Bây giờ mình già rồi còn yêu đương cái nỗi gì, thiên hạ họ cười cho đấy - Hồng khẽ đẩy ông ra trách khéo: Chúng ta đâu còn trẻ. Đúng là Tâm tồ.

"Tâm Tồ” cái tên các bạn đặt cho thời để chỏm hôm nay được nhắc lại làm ông xao xuyến buồn vui lẫn lộn về chặng đường sáu mươi năm cuộc đời bươn chải. ông nhận ra Hồng vẫn còn nhớ kỷ niệm thời thơ ấu hai người từng là hàng xóm của nhau. Như vậy có nghĩa bà ấy vẫn còn tình cảm với mình. ông tự tin hơn nhưng chả hiểu sao lại đột ngột đổi cách xưng hô:

- Vậy thì bà suy nghĩ rồi trả lời tôi chứ Hồng ạ, mình đều có tuổi cả rồi không còn nhiều thời gian mà chờ đợi đâu - Nói xong thì chợt nhận ra là mình vô lý, ông vội thêm: à! Đúng rồi bà đã biết gì về gia cảnh của tôi đâu.

Có vẻ không hài lòng về cách xưng hô thái quá của ông Tâm nhưng vốn là người tế nhị Hồng cười bảo:

- Tự nhiên lại bà bà, tôi tôi, nghe già với lại xa lạ quá. Anh… à… mà ông chứ. ông đừng nói thế em biết cả rồi. Nhưng em hỏi thật nhé, vì sao mà ngần ấy năm ông không lấy vợ đến bây giờ lại định cưới em?

- Anh có lý do riêng và sẽ chỉ nói với ai đã là vợ mình thôi.

- Vậy thì cứ để dành mà nói cho bà nào tốt phúc, em chả dám.

Đàn bà nói không là có. ông nghe bọn trẻ hát thế lâu rồi. Hóa ra Hồng đang yêu. Giác quan thứ sáu của mình kém quá phải cần được bồi bổ tân trang thêm. Tự tin mách bảo giúp ông thêm động lực nắm chặt tay người mình yêu quý:

- Hồng ơi! Dù em có lên chức bà chăng nữa thì em vẫn là Hồng của ngày xưa đúng không nào?

Bà đáp lại trong niềm hạnh phúc dâng tràn:

- Vâng! Em hiểu lòng anh...

Nhìn thẳng vào mắt bà, ông thì thầm:

- Để ghi nhớ giờ phút thiêng liêng này anh sẽ tặng em một món quà. Em sẵn sàng chứ?

Bà đón nhận bằng sự lưỡng lự:

- Tất nhiên rồi nhưng…

ông đáp liền "Ok! Em đợi anh một chút” rồi lấy điện thoại ra gọi cho ai đó.

Hương trên bàn thờ vừa tàn, Hồng mở chai rượu rót vào hai chiếc ly. Tiếng "cạch” vừa vang lên thì cũng là lúc tiếng chuông cửa reo. ông Tâm tự ra mở cửa nhận chiếc xe đạp ai đó vừa đưa đến rồi dắt vào nhà. Giọng trầm lắng run run:

- Đây là quà mừng tuổi năm mới tặng em.

Không giấu nổi niềm vui, bà Hồng thốt lên:

- ôi! Xe mi-pha! Làm sao anh kiếm được?

- Bí mật! -Vừa nói ông Tâm vừa đi về phía ổ công tắc bật thêm bóng điện cho gian phòng sáng hơn rồi bảo:

- Em nhìn kỹ xem chiếc xe này có gì đặc biệt không nào?

Nghe ông Tâm nói vậy, bà Hồng ngờ ngợ nhận ra nét gì quen quen ở chiếc xe liền đến gần rồi thốt lên:

- Đúng rồi! Đây là chiếc xe của em ngày trước. Chỗ này là do một lần em bị ngã vết lõm vẫn còn đây. Kỳ diệu quá.

Chiều muộn. Đường phố vắng lặng lạ thường. Mọi người đã trở về quây quần bên bữa cơm tất niên. Cùng lúc này màn hình ti-vi phát chương trình đặc biệt chào xuân với bao âm thanh, sắc màu rực rỡ. Vậy là mùa xuân đã đến. Lâu lắm rồi năm nay bà Hồng mới có khách vào ngày cuối năm.


Các tin khác


Câu hát ngày mới

(HBĐT) - Đã có chút hanh hao tràn về. Chái nhà sàn, mấy cây mơ, cây mận đã chum chím nụ. Còn cuối vườn, những nụ đào phai đầu tiên đã xuất hiện. Ai cũng nao nao khi nghĩ về không khí những ngày tất bật cuối năm.

Màu tháng một

(HBĐT) - Đất đai cựa mình trong làn mưa bụi lây rây, tháng một bừng lên trong sắc xanh của những chồi, những nụ. Đi giữa đất trời tháng một ta như đang lạc vào miền cổ tích xanh thẳm, nơi đủ đầy tiếng chim ca, hoa thơm và vạn vật sinh sôi.

Đừng vì cái lợi trước mắt

(HBĐT) - Gần đến Tết, lực lượng quản lý thị trường liên tục bắt được những xe chở đồ tiêu dùng, đồ gia dụng, điện tử không có xuất xứ nguồn gốc, giấy tờ, hóa đơn.

Mùa đông trên vùng cao

(HBĐT) - Tiếng gà gáy sáng, phong cảnh núi rừng vẫn chìm trong sương mù đặc quánh, bầu trời trĩu nặng âm u, cảnh sắc trầm mặc yên tĩnh. Người bộ hành cách nhau vài mét đã không thấy rõ mặt. Sương phủ trắng núi rừng mịt mù, sương ùa vào nhà, quấn lấy người đi đường. Những chiếc xe tải, xe khách chở hàng đi chậm rãi như bò trên đường dốc quanh co, ngoằn ngoèo.

“Giàu xổi”

(HBĐT) - Xóm tôi có đủ các thành phần từ công, nông, trí, sĩ đều đoàn kết, thân thiện, chân thành giúp đỡ nhau khi cần. Ngày tôi mới chuyển về sống cũng có phần lạ lẫm bởi cuộc sống chẳng ai để ý đến ai. Đó là suy nghĩ của tôi bởi cuộc sống cứ êm đềm trôi. Rồi nhà chị H. đột nhiên xảy ra chuyện và khi đó tôi biết rằng tình làng, nghĩa xóm ở đâu cũng vậy, là sợi dây gắn kết con người với con người và sợi dây vô hình đó sẽ xuất hiện đúng thời điểm ta cần. Bởi vậy, ở đâu cũng có thứ tình cảm "bán anh em xa, mua láng giềng gần” để ta trân quý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục