Cuối xuân sang hè, hoa nở rộ nhất. Hoa mong manh trong gió, như mây bay, như ai bỏ quên, vương vãi theo dọc dài đất nước. Những bông hoa nhỏ như có, như không đã in vào ký ức tuổi thơ tôi tự lâu lắm. Dù hoa có mặt ở khắp nơi nhưng mỗi lần thấy hoa tôi như gặp lại miền quê thuần khiết, yên bình và những năm tháng ấu thơ của mình. Tôi ngắt một bó hoa cắm vào chiếc bình gốm Chu Đậu, căn phòng trở nên dịu dàng và làm tôi vơi bớt nỗi chênh vênh.
Nếu không sinh ra từ làng quê chắc tôi không cảm nhận được sự thuần khiết và vẻ đẹp mong manh của loài hoa dại này. Hoa mọc tự nhiên không cần chăm sóc của con người. Hoa nở cũng thầm lặng và khi tàn cũng lặng thầm như thế. Hoa mạnh mẽ và nở ở bất cứ nơi đâu, xóa đi những nham nhở nơi bãi đất trống. Cây sống được ở mọi địa hình: bên bờ đá, bãi cát, gò cao, đất hoang, triền đê, nhiều nhất là bờ mương và vệ đường… Dù môi trường có nghiệt ngã, xuyến chi vẫn phát triển. Những bông hoa nhỏ xinh, tươi tắn, lung linh bên bờ nước tô điểm cho đồng xanh mênh mông. Hoa làm sáng lên bức tranh cuộc sống; khoe sắc cùng đất, trời, làm lòng người xao xuyến…Hoa ngân rung những nốt nhạc, dạt dào cảm xúc. Hoa xuyến chi, có năm hoặc sáu cánh màu trắng bao quanh nhụy vàng. Hoa tàn, các hạt nhỏ dài bằng đầu tăm trong mỗi nhụy di chuyển theo gió đi đến những vùng đất mới nảy nở, sinh sôi. Màu trắng trong trẻo gắn với thời học trò hồn nhiên vô tư với biết bao trò chơi, bao kỷ niệm. Hoa mạnh mẽ như những đứa con nhà nghèo lam lũ mà khỏe mạnh. Khi hoa tàn, các hạt có múi gai như chờ sẵn bám chặt vào ống quần người đi qua như muốn lưu giữ mãi những kỷ niệm êm đềm.
Xuyến chi làm bạn với người dân quê một nắng hai sương nên sắc màu cũng thuần khiết, bền bỉ với thời gian. Hoa không phải là vật để trang trí được nâng niu mà gần gũi, thân quen với sự tảo tần, cực nhọc. Màu trắng nhẹ nhàng, mong manh của hoa làm cho ta gợi nhớ đến tình yêu chung thủy, dại khờ của người con gái với tình yêu đơn phương chờ người yêu mãi vô tình. Có điều chi chắc chắn, tình yêu có đấy rồi cũng bỏ ta đi như áng mây bay qua, cho lòng ta xót xa khôn cùng. Cớ sao con tim lạ lùng còn mãi đợi chờ, mãi nhớ thương, hy vọng. Chạnh lòng khi gặp màu hoa xưa cũ, còn níu bao kỷ niệm rong rêu xa vời. Một loài hoa có sức sống mãnh liệt, luôn khát khao đi tìm hạnh phúc. Dẫu cho gặp muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt để vươn lên tìm sự quan tâm dù biết là mong manh. Hoa vô tình cho ta một triết lý cuộc sống. Những ký ức tuổi thơ dù buồn vui cũng thường khó phai. Tuổi hồn nhiên vụng dại, tôi thèm được chân trần cùng bạn bè trên cánh đồng miên man hoa xuyến chi ngước nhìn theo cánh diều no gió. Được ngồi nhặt gai xuyến chi dính đầy gấu quần của mẹ. Tôi thương hoa lặng lẽ bám vào đất cỗi cằn nép mình bên lối đi. Dù đẹp thì vẫn là cỏ dại. Những vạt hoa bị phát đi đổ ngã đầy đường và được gom lại thành đống nằm phơi dưới nắng. Bị đốt thành vạt tro tàn, vậy mà chẳng bao lâu lại có một kiếp hồi sinh kế tiếp. Mạnh mẽ hơn, cây non mới mọc lên rất khỏe, những cành non mỡ màng vươn cao. Chẳng bao lâu, những bông hoa lại rung rinh khoe sắc chấp chới cùng bầy bướm ong đồng nội. Đồng quê thoáng đãng, bước chân mỗi người cũng trở nên bình tĩnh, khoan thai.
Trên cánh đồng, dáng mẹ tôi cùng những người phụ nữ đang cặm cụi gieo trồng. Quá trình khai hoang, mở đất của mẹ đã hoàn thành để tiếp tục một mùa vụ mới. Tôi tiếc những bông hoa trắng ngả nghiêng nằm đầy trên bãi đất. Mồ hôi mẹ đẫm lưng làm màu áo thẫm lại. Lúc ấy, tôi đâu hiểu được hết những vất vả, cực nhọc mà cuộc đời mẹ phải trải qua. Mẹ vẫn tảo tần và tin vào tình yêu cuộc sống, tin vào những mầm non mong manh trong cỏ cây. Mẹ vẫn đang gieo niềm hy vọng rằng chúng sẽ tốt tươi, đơm hoa kết trái. Tình yêu thương, niềm hy vọng của những người mẹ như loài hoa nhỏ kia, luôn tồn tại trong cuộc sống này.
Hôm nay, đi trên con đường quê giờ đã khang trang rộng rãi hơn, hai bên vệ đường vẫn những bông hoa nhỏ vẫy chào tôi. Như còn đây, trên con đường ấu thơ xưa tôi vẫn cùng mẹ đi, tôi gặp các bà, các chị tất tả ngược xuôi. Qua khu chợ quê, những hàng bạch đàn và xà cừ cổ thụ không còn. Tôi vẫn thấy toàn là phụ nữ đang tất bật bán mua bên những quầy hàng. Gốc cây cổ thụ nhẵn lì tôi vẫn ngồi trông hàng và ngóng mẹ trong các buổi chợ phiên đâu còn. Nay cánh đồng quê thẳng cánh cò bay đã bị xé lẻ. Những "bờ xôi ruộng mật” đón các dự án làm cho cánh đồng xác xơ. Người quê bỏ ruộng đi làm công ty tăng ca đến tận tối mịt mới về. Tôi nhớ đến những đêm đông lạnh giá, những sớm mùa hè đầy sao đã thấy lấp loáng sáng ánh đèn trên những thửa ruộng. Tôi còn vẳng nghe đâu đó tiếng bước chân trên bờ cỏ năm nào. Hạt xuyến chi như vẫn còn bám đầy quần áo. Trong xốn xang cuối mùa xuân, gió lao xao trong khúc hát giao mùa. Trước những hình ảnh đang hiển hiện trước mắt, tôi bỗng thấy trong những công việc bình thường của bao bà mẹ hàng ngày lại đang dệt nên bức tranh muôn màu của cuộc sống hôm nay. Mẹ với rất nhiều công việc đồng áng, việc nhà còn phải chạy đua với cỏ dại mùa xuân. Mùa này cỏ dại lên nhanh lắm. Cây gì dù nhỏ bé nhất cũng sẵn sàng nở hoa. Mẹ không đợi đến khi chúng kết quả, hạt sẽ bay đi tứ tung không thể nào đuổi kịp. Xuôi cánh đồng là lối ra bến đò ngập trời xuyến chi nở rộ, bạt ngàn hoa đón tôi trở về. Tiết trời cuối xuân ấm áp, mùa xuân đem đến cho đất trời một sự trong sáng tươi xanh, cho muôn cây nở hoa, còn những người mẹ lại luôn đem về mùa xuân ấm áp, cho chúng ta đến được bến bờ yêu thương. Lặng thầm như những vạt hoa quê mùa.
(HBĐT) - Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, đẹp như hương thầm của cô gái mới lớn, nhẹ nhàng và quyến rũ. Mùa xuân, tiết trời trong lành, mát mẻ nhưng sáng sớm hay đêm về vẫn cảm nhận được cái se lạnh mơn man. Nơi thôn quê - những "khu phố” của làng quê ta thường tìm được cảnh yên ả, thanh bình mỗi sáng mai thức dậy. Sương xuân dịu dàng đọng lại nơi cỏ cây, hoa lá, trên ngọn lúa xanh mướt đang bén rễ vươn mình đón ánh bình minh. Và đâu đó, những người con xa quê thường nhớ nhung, lưu luyến và trở về mỗi khi có dịp để được thả hồn với "bờ ao, giếng nước, sân đình”, tìm về với tuổi thơ và sự bình yên nơi tâm hồn.
Nhà tôi ở khu tập thể được cơ quan phân cho từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày đó, cách đây ngót nghét gần 30 năm, 2 dãy nhà tập thể cấp 4 quay mặt vào nhau. Trước mặt là khoảng sân rộng chừng 5 m, nhà nào tổ chức cưới hỏi hoặc có việc gì thật thuận tiện vì không phải thuê mượn địa điểm mà tình làng, nghĩa xóm lại trở nên khăng khíthơn. Trẻ con thời đó tha hồ vui đùa, chơi những trò chơi dân gian chúng thích dưới khoảng sân rộng của khu tập thể. Những gia đình sinh sống ở đây đều công tác cùng cơ quan. Nhớ lại những ký ức đã qua mà lòng thấy xao xuyến.