(HBĐT) - Cỗ xe ngựa cũ kỹ màu thời gian chợt đưa anh đi về cuối con đường, nơi có thể ngắm ngã ba sông. Nắng cuối ngày đã nhạt dần trên các triền đê. Nhưng phía xa kia, dưới tán phượng hồng rực, đám học sinh đang chí chóe vừa trêu nhau, vừa chụp ảnh lưu niệm. Màu áo trắng học trò… tinh khôi, sáng trong. Anh bỗng thở dài khi nhìn sang bên kia sông… Nhà người ấy còn ở đó hay đã chuyển nơi nào?

Trong sóng nước xanh ngắt, trong nắng chiều nhập nhoạng, gương mặt nữ sinh năm nào hiện lên. Thùy Vân…

Màu áo hoa tím chấp chới bay, sương khói lãng đãng. Câu thơ cũ bật lên trong ký ức: Anh trở về dãy phố thuở em đi/Rồi vội vã đi sang phố khác/ Biết chỗ rơi mà chả dám đi tìm/Đường phố dài như một mũi kim/Xuyên dọc thời tôi thơ trẻ… Từ ngày anh rời thị xã nhỏ bé này về kinh kỳ làm việc, sinh sống, anh thấy mình như một vị khách lạ mỗi khi trở về. Có tin nhắn của con gái lớn: "Bố đi đâu mà vội vàng, không để lại lời nhắn cho con. Về thôi bố…”…

Tiếng vó ngựa lóc cóc như dội vào lòng những bước đi của thời gian, của kỷ niệm. Ngày ấy, anh đã bao lần cùng người ấy ngồi xe ngựa đi dọc bờ sông này. Ngày chia tay thời học sinh áo trắng rồi ngày cả 2 cùng đi học đại học. Bác lái xe ngựa giờ đã già, nhường nghề "gia truyền” cho cậu con trai lớn. Chiếc xe ngựa cuối cùng ở vùng quê này… Chạy trốn hiện tại và lại phải chạy trốn cả ký ức nữa ư? Nếu mỗi cung đoạn của đời người luôn có cái nhìn sáng suốt mọi chuyện thì không bao giờ có những ngã rẽ, những ngả đường bất trắc…

Thời áo trắng mộng mơ ấy, khó có thể gọi là tình yêu mà chỉ là sự cảm mến vu vơ của thời học trò lãng mạn. Anh có thể cũng được gọi là đẹp trai, nhiều tài lẻ. Bài tập thể dục tay không của anh với các động tác khó giờ vẫn được lưu truyền trong giới học sinh trường cũ, nhất là cú nhảy san-tô 2 vòng trên không. Còn Thùy Vân, người chuyên mặc áo hoa suốt thời học sinh (mà anh đếm được cả thảy 12 loại hoa) lại luôn được các bạn trai lớn tuổi hơn để ý. Mái tóc dài, dầy chấm gót tạo cho Vân thương hiệu "Vân tóc dài” ngay cả thời đại học. Bố mẹ chỉ là cán bộ, viên chức bình thường, không có điều kiện cho Vân theo học lớp này, lớp nọ nhưng Vân vẫn nổi bật bởi lực học. Nhưng anh nhận thấy ở bạn ấy một nét khác hơn người khác.

Nhìn bạn ấy điệu đà, tươi tắn mỗi buổi đến trường nhưng không mấy người biết Vân đều phải lên rừng lấy cây chít để bán rồi đan cót thoăn thoắt như ai. Ngày nhà bạn Len ở ngoại vi cháy nhà, chính Vân là người đứng lên trước cả lớp tổ chức mọi người quyên góp ủng hộ. Con lợn nhựa "dùng để làm lộ phí đại học” cũng được dùng đến. Vân, đôi mắt ngời sáng hát đêm văn nghệ năm nào với bài Ma Ma khiến cả thầy, cô và bạn bè ngân ngấn nước mắt. Sau đó, hàng chục lá thư của các chàng được thầm vụng gửi cho Vân (nhưng nghe nói cô không phản hồi bất cứ ai). Giọng hát cao vút như thủ thỉ, sẻ chia ấy theo hành trang bao chàng trai vào đại học. Nhưng anh mới là người trúng số "độc đắc” vì khi vào đại học Vân đã im lặng nhận lời yêu. Ngày ấy, Hà Nội thì đông người nhưng góc phố nào anh cũng chỉ thấy hình ảnh cô bạn phố núi của mình. Người có nước da hơi rám, bước đi vồi vội… Hai trường đại học xa 10 km nhưng tuần nào anh cũng kẽo kẹt xe đạp sang ký túc xá của Vân. Cùng xây mộng tương lai: Học xong sẽ cùng về quê lập nghiệp. Cái ngoéo tay dưới gốc bằng lăng, thơm mùi hương ngọc lan dưới sân KTX năm nào như một minh chứng cho sự quyết tâm của cả 2 người.

Cô gái phố núi (dù bị vây bọc bao chàng trai hào hoa khác) vẫn chỉ chọn anh, người bạn học cũ (có phần nhút nhát và có vẻ như xa lạ với guồng quay thành phố). Năm cuối… lo cho luận văn tốt nghiệp và cuống cuồng, lo lắng cho tương lai (sự nghiệp, tình yêu, nơi chốn gắn bó). Nghĩ đến một ngày cần đến tiếng Anh - sinh ngữ đang hoàng kim trở lại, anh đã theo một "cua” ở trung tâm nọ và gặp Kim, một cô gái có mái tóc xù tinh nghịch, không phù hợp với gương mặt tròn vành vạnh.

Không thể đạt điểm trung bình nếu không "khuyến mại”. Cô đã đoản chân nhưng lại chịu khó mặc quần bò "côn” bó sát. Con một vụ trưởng bộ nọ, năm nào cũng đi "Tây” 6-7 lượt. Thời đó, những thứ như casset Nhật là thứ xa xỉ, hiếm có khó tìm thì Kim ngày nào cũng mang đến cho lớp để nghe băng ngoại ngữ. Những buổi píc-níc, chiếc máy phát nhạc như có hồn nâng bước nhảy vũ quốc tế cho mọi người thêm phiêu hơn.

Buổi sinh nhật định mệnh ấy - thế nào mà anh phải tá túc lại căn hộ chung cư ở khu mới xây dựng (chưa lập gia đình mà Kim đã sở hữu 1 căn hộ như mơ). Lần đầu tiên, anh đã nói dối Thùy Vân để cùng gia đình Kim đi nghỉ ở Đồ Sơn. Lần hai, lần ba… Vân đều tin mà không mảy may nghi ngờ. Chỉ khi cả 2 đã có tấm bằng đại học trong tay và Vân nói đến cái ngoắc tay hôm nào thì anh im lặng thở dài.

Của đáng tội, anh vẫn yêu Vân như ngày nào và thật khổ khi phải có khuôn mặt người tình khi đối diện với Kim. Nhưng Kim đưa ra viễn cảnh: Bố em sẽ sắp xếp cho anh một vị trí ở viện nọ; chiếc hon - da theo đường tàu Vos - cô sẽ là của anh. Em hình như đã được làm mẹ… Tất cả quay cuồng trong đầu anh. Anh đã giấu được chuyện với Kim cho tới tận ngày Vân sắp xếp đồ đạc để về quê, khi Kim xuất hiện đúng lúc 2 người dùng dằng ở cửa ký túc xá. Khóc lóc, lu loa… Vân hiểu ra tất cả, cô dứt khoát không cho anh đưa tiễn, khoác túi đi về bến xe ngay gần đó.

Anh biết rằng, đằng sau bước đi có phần quyết liệt đó là một trái tim đã tan chảy, rớm máu. Hình bóng đó hằn vào trái tim anh đến tận bây giờ. Cho đến nay, anh vẫn khắc khoải vì chuyện đó…

Nhìn bên ngoài cuộc sống mới, bạn học đều có chung nhận định: Anh đúng là gặp may. Cưới vợ, công việc, nhà cửa…, mọi chuyện như mơ, bao kẻ phát thèm.

ừỉ, ban đầu anh cũng có cảm giác an bài: tạm được.

Nhưng sau 2 năm, mọi chuyện thay đổi, nhất là khi Kim sinh con đầu lòng. Cô không muốn anh quan hệ với bất cứ ai, chỉ biết gia đình, vợ con. Một năm, cô chỉ cho phép chồng về thăm quê 1 lần vào dịp Tết. Mẹ vợ, dù không ở chung nhưng tuần nào cũng qua và thể hiện đúng chất của "người cầm quyền”. Mọi sự thay đổi trong căn hộ (dù là đồ đạc, sắp xếp vị trí…), nếu bà không đồng ý thì thôi. Đến Kim cũng không đồng tình nhưng bà đã tuyên bố (dù biết lúc này anh đang ở ngoài hành lang): Con phải thể hiện là người "trên cơ”. Nhà cửa, xe cộ, mọi thứ của bố mẹ cho con, con có quyền… Không gì phải lép vế. "Chó chui gậm chạn”.

Mọi chuyện đều có ngưỡng của nó. Sự chịu đựng của con người có hạn.

Làm lại… làm lại… Câu nói của người bạn thân vang lên bao lần trong tâm thức. Nhưng tiếng bi bô của đứa con gái khiến anh chùng lại đến ngày hôm nay. Những đêm thanh vắng, ký ức lại dội từng đợt, từng đợt…

Qua thông tin bạn bè, anh biết cuộc sống của Thùy Vân ổn; cô lấy chồng, sinh con và an phận như bao người.

Cũng nghe nói, từ ngày về quê nhận việc, chưa lần nào cô trở lại sân khấu nghiệp dư để hát những bài ca thuở nào. Cô vẫn rụt rè hỏi thăm về cuộc sống của anh ở Hà Nội và cô cúi mặt thở dài…

Cũng chính vì thế mới có chuyến ngược thị xã lần này, không phải để gặp lại Vân (vì anh không có quyền) hoặc bạn bè cũ mà chỉ muốn có thời gian để nhìn lại mình, nhìn lại tất cả. Dẫu biết rằng, quãng thời gian đáng sống của đời mình đã trôi qua và anh đang phải đối diện với thực tế trần trụi nhất, cần sắp xếp, gây dựng lại.

Bỗng tiếng cười trong trẻo của con gái yêu vang lên bên tai…


                 Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Nở rộ... “ca sĩ” mạng xã hội...

(HBĐT) - Giữa trưa nắng nóng, đang ngủ thì nghe âm thanh tin nhắn… teng, teng… Gì đấy, sao lại có tin nhắn vào lúc này vậy? Tin nhắn của anh bạn cùng học phổ thông. Nghe có vẻ mùi mẫn đây: Đã nhận được đĩa CD ca nhạc của cậu H.H. chưa? Cả thị trấn nhà mình đang rôm rả nghe đây này. Trên "Iu -Tu-bì” và " Phây búc” cũng có đấy… xem đi…

Mùa hoa phượng tháng năm

(HBĐT) - Hạ về, hoa phượng đỏ ối khắp nơi, hình ảnh gợi nhớ trong ký ức chúng ta về mùa thi đã đến và những dấu ấn kỷ niệm về tuổi thơ. Tuổi học trò trong trắng tinh khôi, đầy ắp hoài bão, ước mơ. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong tôi là quãng thời gian là học sinh sư phạm, học nghề dạy chữ, dạy người. Hoài bão lớn lao đó đã đưa tôi về với mái trường trung học sư phạm 7 + 3 Hòa Bình. Cái tuổi 17, 18 chập chững bước vào đời tập làm người lớn đầy bỡ ngỡ, khó khăn… Khi xa gia đình để tự lập, tự lo. Đó là dấu ấn đầy ý nghĩa không thể nào quên của cuộc đời mỗi con người mà không ai có thể làm lại được.

Hoa xuyến chi và mẹ

(HBĐT) - Mỗi lần nhìn thấy những người lao động bươn chải trên mọi nẻo đường, tôi lại nghĩ đến những bông hoa nhỏ với màu trắng mong manh. Loài cây dại mọc ở khắp nơi thật thân thuộc và có vẻ đẹp bình dị. Hoa xuyến chi.

Chuyến đi cuối cùng

(HBĐT) - Nắng lên, chỗ tường ấy là một khoảng trống mênh mông. Thì bao năm bộ quân phục ông Lãm vẫn treo ở đấy, gài thêm cái mũ cối. Bà Lãm thường kể với con cháu, hôm xuất ngũ ông về, tiện tay. Mà nhà vắng bàn tay đàn ông, cả bốn bức tường cũng chỉ có mỗi cái đinh ấy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục