(HBĐT) - Mưa xối xả như cái vòi hoa sen mà gã chồng tôi ngày trước hay quên chuyển chế độ trong toilet khi tôi vào rửa tay. Dãy phố đang sầm uất bỗng bất lực nhìn nước mưa tràn trề từ mái nhà xuống đường, xuống miệng cống. Mưa. Bốn mươi tuổi cũng đâu ngờ được mưa lúc nào. Vẫn quên mang theo mấy cái áo đi mưa, vẫn quên nhìn cơn phía núi xa để gọi chuyến taxi chỉ tốn mấy chục bạc cho ba mẹ con.
Gió giật tung những tấm tôn sau khi đã đá văng
những cái biển hiệu hai chân của các nhà nằm la liệt. Tôi không còn nhận ra cái
tên ấy là của vợ chồng con cái nào nữa, tất cả đều lạ hoắc. Những bác Hải, bác
Khánh đã xanh cỏ ngoài nghĩa trang, cô Thúy, cô Thoa đã bán nhà về quê cũ. Mưa
bong bóng sụt sùi nhắc tôi nhớ cái Lan, cái Thảo của tôi đã theo chồng về miền
quê xa lắm… chỉ còn một ngôi nhà vẫn thế, nằm thụt vào trong khiêm nhường.
Gió đã ngớt nhưng mưa vẫn mau, các hãng taxi lần lượt
gọi điện cáo lỗi không có xe đến nhận điểm. Những chiếc taxi đang chạy lăng
xăng trên đường đều đã chật ních khách. Trời chiều phố núi nhanh tối, tôi nhìn
lối đi tắt theo những bậc thang lên đê thì chỉ chừng hai mươi mét là đến nhà
ông bà ngoại của lũ trẻ. Ngày xưa xuống phố chơi mà gặp mưa thế là tôi chạy
ngược dốc đê về nhà. Nhà tôi trên mặt đê, đi vòng mất nửa cây số, nhưng leo
đường tắt thì mấy bước chân. Sau này khi đã là một thiếu nữ, tôi không dại tắm
mưa cho ướt sũng mà nhảy cóc từ mái hiên này sang mái hiên khác. Đến lúc không
thể tìm thấy một mái hiên tiếp theo, tôi dừng lại một quán chè, quán cho thuê
truyện, một đứa bạn cùng lớp, có khi ăn mì tôm rồi nằm khoèo với nhau tán gẫu
đến tạnh mưa mới về. Mưa, tán gẫu, vèo cái hết thời con gái.
Nấn ná một chút, nhìn nước đã ngập lên mép hè, đã ra
khỏi nhà mấy tiếng đồng hồ, con bé Nga đang nhăn nhó kêu đói. Những đứa con của
một người đàn bà đơn thân không có thói quen nhũng nhiễu đòi quà vặt thay cơm.
Giờ này, nếu có Thắng, anh sẽ cõng trên lưng một đứa và chạy băng lên những bậc
thang kia.
Ngày ấy, có một lần mưa như thế nhưng sét đánh khét
lẹt trên cột điện, tia lửa bung như pháo hoa làm đôi chân láu lỉnh của tôi run
bần bật trước khi mềm nhũn ra. Không thể chạy ngược lại, ngoảnh lại, quán
truyện tranh đã đóng cửa. Đúng lúc tôi thấy tim mình như đang nhảy ra khỏi lồng
ngực không còn giữ nhịp cho những mạch máu thì trước mặt tôi là một người con
trai thư sinh, tay cầm một chiếc ô hoa xinh xắn mà những người phụ nữ hay che.
Ném nốt về phía anh cái nhìn đầy kiêu hãnh và cảnh giác, anh nói gì tai tôi ù
đi trong tiếng sấm, nhưng tôi vẫn lắc đầu. Cái ô bỗng hướng về phía tôi, che
trên mái tóc kiêu hãnh không chịu ướt mưa cũng không cần sự giúp đỡ đầy rắc
rối.
Không cho đưa về, không nhận lời mượn cái ô nhưng tôi
làm thinh nhận một lời giao ước. Hai tay tôi bịt tai để không phải nghe tiếng
sấm sét, tôi cắm đầu chạy trong khi Thắng cũng gập chiếc ô xuống lặng lẽ chạy
theo tôi. Sau này, cảm giác làm tình, làm tội một người mới làm tôi dằn vặt.
Còn lúc đó, sự lẩn thẩn ấy làm tôi chỉ có một cảm giác rất bâng quơ. Tôi dừng
lại trên cái dốc đê ướt nhoét, hơi nghiêng đầu nhìn lại phía sau, nhìn bóng Thắng
ướt sũng trong mưa như muốn nói: "Thế, thôi anh”.
Sau này, không có cơn mưa nào đến mỗi khi chúng tôi
gặp nhau. Chỉ có những ngày rét cắt da, cắt thịt, tôi cuống quýt tìm bàn tay
Thắng vì cái hơi ấm sau lớp chai sần. Những khi ấy, anh chỉ khẽ gọi tên tôi,
gọi như để nhắc anh đang nghĩ đến tôi: "Lê”
Tôi ít khi hỏi về công việc của anh, chỉ biết cuối
chiều, anh hay từ văn phòng công ty bảo hiểm bước xuống. Đó là một ngôi nhà hai
tầng cũ kỹ, trước kia là thư viện của nhà máy, sau này là cửa hiệu sách nhân
dân. Những năm đói kém, mẹ sai tôi vác rá xuống nhà dì dưới phố vay gạo, lúc về
vẫn có cuốn sách úp trên rá.
- Giờ thì, người ta bắt đầu lo những rủi ro nên nghề
bảo hiểm sống được - Thắng nói khi thấy tôi nhắc đến cái dòng chữ "Thư viện”
đắp nổi vẫn hiện lên mờ mờ trên tường ngôi nhà.
- Tại sao người ta cứ phải bóp mồm, bóp miệng để đưa
tiền cho các anh rồi sống với một niềm tin vào sự bù đắp khi những rủi ro?
- Vậy tại sao em vẫn thích đọc sách và làm thơ? -
Thắng tháo cặp kính, lau vào chiếc áo phông màu vàng nheo đôi mắt dài dại hỏi
tôi.
- Em thích sự chia sẻ, quan tâm, một chút gì bay bổng,
lãng mạn nhưng em chỉ tin vào những gì đảm bảo cuộc sống cho mình.
Thắng đeo lại cặp kính, anh nhìn xa xăm, nhưng tôi
biết đôi mắt ấy chỉ dừng lại trên cái gọng đã sờn tróc. Con người thường hay ám
ảnh bởi những vết ố, vết sẹo, vết xước gần với mình nhất.
Sau này, tôi không có ý lánh mặt anh nhưng sau khi thi
đỗ vào một trường đại học, tôi ít về. Vẫn nhớ những sáng mùa hè mát rượi bóng
cây dưới phố, xanh um cỏ trên đê bên dòng Đà Giang. Vẫn nhớ cái quán chè rẻ và
ngon của cô Thúy, món bánh gối của bác Hải. Có lần xuống xe, tôi kiêu hãnh khua
đôi guốc cao tôn dáng thanh thanh của mình bước trên phố. Thắng bước từ công ty
ra nheo mắt chào, tôi cười đáp lại bước qua anh. Có cái gì đó như gió đã ngừng
thổi, tim ngừng đập hay trái đất ngừng quay ở điểm giao cắt ấy? Tôi tiếc vì
suốt cái thời yêu thơ và đọc sách chưa bao giờ cầm bút viết một dòng vu vơ nào
về những bâng khuâng ấy…
- Mưa, bao giờ hết hả mẹ?
Câu nói của thằng Lợi làm tôi giật mình như một người
vừa nằm mộng. Tôi lục điện thoại trong túi sách để xem giờ. Có mấy cuộc gọi
nhỡ, nhìn ba số cuối, tôi biết đó là ai. Thêm mấy cái tin nhắn chưa đọc: "Đi
đâu nhớ mang ô không bọn trẻ lại ốm. ốm thì sốt. Sốt thì bỏ ăn…”. Vẫn căn bệnh
lải nhải, nói dai của Nam,
tôi chẳng buồn xóa, đợi hộp thư đầy rồi Delete tất cả.
Giờ tôi phải về. Mấy mẹ con tôi chỉ còn nước đi tắt
lên đê. Có những con đường ta không được chọn nhưng mỗi lần bước chân lên bằng
những tâm thế khác nhau. Những bàn tay bé nhỏ bắt chước tôi bịt tai và cắm cúi
chạy. Chúng chạy vì bấy lâu nay, trong vòng tay của bà mẹ như đôi cánh mẹ gà,
chúng chưa hề được gấp gáp, lo âu như thế bao giờ. Đôi cánh ấy luôn giang rộng,
tưởng chừng rất rộng mà thực ra chưa khi nào đủ một chỗ khô ráo cho chúng.
Những chú gà con không hề ngoái lại nhìn về phía sau nên chúng không hề thấy.
Phía sau tôi, Thắng vừa bước từ căn nhà hai tầng cũ kỹ ấy xuống, vẫn chiếc ô
hoa màu hồng. Tôi còn nhớ, có lần anh kể chiếc ô là tất cả những gì còn sót lại
trên đường trong một lần mưa, thành phố mất điện, người yêu cũ của anh đã cố
tìm về nhà và không may rơi xuống hố ga mà người ta quên đậy nắp… Thắng đã đem
chiếc ô ấy theo mình đến thị xã miền núi này, giờ nhìn anh vẫn vậy tuy có phần
gầy hơn, cặp kính nhựa làm tôi không thể nhận ra anh đã đeo nó bao lâu lúc tôi
đi ngang qua. Gió vẫn thổi thông thốc, tim vẫn đập và trái đất chắc vẫn đương
quay khi tôi bước qua anh vì tôi đã là người phụ nữ hai con. Mưa thì cứ mưa từ
thời con gái.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
(HBĐT) - Đứng giữa đất Mường, ta cảm nhận rõ những điều thiêng liêng và huyền diệu bởi đâu đây vẫn còn những dấu tích được nhắc đến trong những áng mo. Tiếng chiêng ngân vang kể cho ta nghe những điều bí ẩn trên mảnh đất này. Nhưng, xứ sở này cũng vô cùng bình dị và mộc mạc như bông lúa chín vàng dưới chân núi Cột Cờ, ruộng vườn biếc xanh bên dòng sông Bôi, những mái nhà sàn yên ả trên đất Mường Vang... Thật khó để lý giải về cội nguồn văn hóa của một dân tộc.
(HBĐT) - Bố tôi là con một và ông trẻ chỉ có 1 con là cô Leng nên cô cũng được coi như thành viên của gia đình tôi. Từ nhỏ, cô đã ăn ở nhà tôi nhiều hơn nhà cô ở cuối vườn. Nhiều người lầm tưởng bố tôi và cô là anh em ruột. ông nội thấy thế chỉ cười cười.
(HBĐT)- Được nhóm cử
là trưởng nhóm các thành viên đi làm từ
thiện ở xã P, ông XX phấn
khởi lắm. Lần này, chắc chắn được phát biểu, được lên ti-vi, báo đài. Vì thế, ông
mất 5 đêm để soạn sẵn bài phát biểu khoảng 3 trang khá lâm li, thống thiết.
Cuối bài còn có một chùm lục bát khoảng 10 câu nói về quá trình quyên góp, ủng
hộ của tổ của các gia đình. Ông cũng quan tâm đến phần "khánh tiết”: Nào chuẩn
bị quần áo của nhóm, có lô-gô, sắc màu rực rỡ; tóc tai, giày dép cũng được tề
chỉnh. Rồi mất 2 ngày để tính toán mua bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết
cho bà con, nay cả nhóm đã hòm hòm công việc. Cứ thế là lên đường thôi…Nhưng
ông thấy vẫn chưa ổn. À, suýt nữa quên mất, còn công tác tuyên truyền nữa nhỉ…Đã
mời báo đài chưa?
(HBĐT) - Giữa trưa nắng nóng, đang ngủ thì nghe âm thanh tin nhắn… teng, teng… Gì đấy, sao lại có tin nhắn vào lúc này vậy? Tin nhắn của anh bạn cùng học phổ thông. Nghe có vẻ mùi mẫn đây: Đã nhận được đĩa CD ca nhạc của cậu H.H. chưa? Cả thị trấn nhà mình đang rôm rả nghe đây này. Trên "Iu -Tu-bì” và " Phây búc” cũng có đấy… xem đi…