Cái ngày chú Út đi bộ đội, chúng tôi không được đưa tiễn vì còn phải đi học. Nhưng về nghe cha mẹ kể thì đúng là cuộc chia tay thời chiến. Bao cung bậc tình cảm diễn ra trong một sáng. Bùi ngùi, xúc động, thiêng liêng… Người nhà thì muốn cuộc chia tay dài ra, nhưng mọi chuyện diễn ra gấp gáp. Thanh niên ra trận ai cũng hào hứng, cười nói rộn ràng. Nhưng người thân, miệng cười đấy mà mắt đã rưng rưng. Nghe mẹ nói: ông nội và bố chỉ ôm chầm lấy chú chút ít, còn bà nội và mẹ thì nước mắt ngắn dài, khóc thành tiếng, rồi dúi vào tay con, tay em nắm cơm nếp nương chuẩn bị từ đêm và những đồng bạc lẻ cuối cùng. Tiếng loa thì trầm hùng tiếng nhạc… Lúc những chiếc xe tải xé gió lao đi, chở trên đó những người chiến sỹ trẻ, bao ánh mắt nhìn theo chan chứa. Chiến tranh, chân cứng đá mềm các con nhé… tiếng bà nội thì thầm trong gió, trong tiếng nấc…
Chiều đó, là một buổi chiều dài nhất trong những năm tháng tuổi thơ của chúng tôi. Ông và bố, trừ lúc hút thuốc lào thì đúng là những pho tượng. Im ắng nhìn về con đường xa hút về phía Nam. Chỉ có mẹ tạo ra một số tiếng động, âm thanh cùng đàn gà, đàn lợn trong vườn. Nhưng bà nội thì đi đâu không rõ. Bữa trưa bà cũng chẳng ăn cơm… Tận sẩm tối, sau khi đi qua 2 bãi chăn thả trâu bò, một bến sông mà chú Út hay đi vớt bèo cho lợn, đến bờ suối trong núi mới thấy bà đang ngồi giặt quần áo. Dòng nước chảy ào ạt, bà chẳng để ý gì…Có một vài bộ quần áo của bà và của chú mà bà cứ giặt đi, giặt lại suốt. Chỉ khi tiếng chúng tôi ời ời gọi bà mới ngẩng lên. Bà không còn khóc nữa, nhưng mắt quầng, sưng húp…
Bà nội không phải là người gốc ở đây. Bà ở dưới xuôi, lên trên này 3 năm thì đặc là người miền núi từ trang phục, tiếng nói. Đã thế, bộ váy bà mặc còn khéo, còn đẹp hơn khối người. Riêng mớ tóc dày và dài chấm gối thì bà giữ; chỉ khi về già có tuổi, rụng dần thì mới ngắn ngủn như hiện nay. Bà về làm dâu, ngôi nhà của ông nội như thêm một loa phóng thanh. Nghe nói hồi đầu, các cụ nội và họ hàng thấy khó chịu, nhưng càng ở lâu càng thấy bà nói cái nào ra cái ấy. Ngay như chuyện ông nội đi uống rượu hay say và không chịu ăn cơm, đã phải bỏ hẳn. Nghe bố bảo, bà nói suốt, đến mức ông ngán, giảm rượu hẳn. "Có phải hồi trẻ bà nói đến nghìn câu một ngày phải không ông?”- có lần chúng tôi bạo mồm hỏi ông thế. Ông ậm ừ cười cho qua. Mẹ thì gắt lên: "Liệu hồn, bà mà nghe thấy thì đừng trách”. Còn nghe nói, bố tôi mà không bị bà "trị” cho thì chẳng những hay rượu chè, bù khú, mà cái "tính” nặng lòng với bạn gái cũ cũng phải chừa… Nhiều người đi đêm qua khu rừng Quạ thì sợ vãi ra dù đi cả đoàn, nhưng riêng bà nửa đêm chạy đi tìm thầy lang xóm bên về chữa bệnh cho cụ bị khó thở cấp cứu. Nghe bảo: Ông ở nhà dìu cụ ngồi, còn bà tay cầm dao, tay cầm bó đuốc, phần phật lao đi trong đêm đường rừng. May mà gặp thầy gặp thuốc… Chuyện về bà đại loại là thế… Nhưng từ dạo chú Út đi bộ đội vào Nam, bà như một người khác. Ít nói, trầm tư hẳn… Ngày thứ 2, bà họp gia đình: "Nhà này, vườn này đã thuộc về anh chị Cả. Thằng Út đi việc nước, chưa vợ con, chưa nhà cửa… nên khu vườn bên đồi tôi khai khẩn được phải dành cho nó…”. Các buổi chiều, trong khi bố mẹ tôi cấy hái ngoài đồng và thỉnh thoảng lên đồi trực chiến thì ông bà trần lưng làm vườn. Anh em chúng tôi cũng thả trâu ngay bên cạnh. Có lần bà thì thầm cùng chúng tôi: Không biết chú Út hành quân đến đâu rồi. Rồi bà quay đi phía khác, tay vung mạnh hơn những nhát cuốc. Lẫn trong mồ hôi ròng ròng, chúng tôi hình như thấy cả nước mắt. Tôi chạy lại bên ông: Hình như bà khóc. Ông lầm bầm: Cứ cái gì nhắc đến chú là bà lại… Ông cũng thở dài thườn thượt. "Hôm nọ thấy mấy tập sách của chú và đống cù quay chú làm cho các cháu, bà ngồi lặng đi. Khóc nhiều thế, người ra trận nóng ruột, bước bị vấp” - Ông nói thêm. Hết một năm đầu, cả nhà được 2 lá thư của chú, thấy ghi là Vĩnh Linh. Nửa năm nay, không thấy gì cả. Bà cứ lẩm bẩm một mình hoài vì không có tin của chú. Những lúc đó, tìm bà chỉ có thể là sang vườn. Bà lại vun, lại tưới, bón phân cho những cây bưởi, cây sấu, cây mít, cây na… Ông gắt bên chái vườn: "Cây bưởi hồng này, ngày hôm nay bà tưới 3 lần rồi đó. Nhiều quá ủng rễ đó!”. Bà à ừ, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ…Vào năm mà vườn na đã có những nụ hoa đầu tiên và hoa bưởi, hoa sấu lấp ló sau vòm lá non, không ngày nào bà không nhắc chú Út. 3 năm nay, không có tin tức gì cả. Chiến trường thì xa quá. Qua đài, ta thắng trận này, trận kia mà vui mừng và sốt ruột. Năm đó, bà cũng ngoài 70 rồi, tự dưng người cũng xọp hẳn đi. Bà lại lần giở đống quần áo của chú ra giặt giặt, phơi phơi: "Về để nó còn mặc chứ”. Nhìn dây quần áo của chú phần phật trong gió mà nhớ chú quá chừng. Rồi đống sách vở cũng được sắp xếp lại. Hôm nọ, bà bảo mẹ chúng tôi: "Xem xem liệu có đánh tiếng con Len cho chú Út được không?. Mấy hôm nay, đêm nào mẹ cũng mơ thấy thằng Út”. Mẹ tôi cười rổn rảng: "Chú nhà mình có mấy người thích đấy bà. Không lo ế đâu”… Đêm nay, trăng sáng trắng bạch. Cả nhà lại phải dậy đi tìm bà vào lúc nửa đêm. Ông nhận định: Chắc sang vườn thôi… Chạy sang. Từ xa, chúng tôi đã thấy bà thơ thẩn đi lại dưới những cây bưởi đang mùa hoa. Đến gần, thoảng trong gió nghe thấy tiếng bà thì thầm. Như là tiếng hát, như là lời ru, như lời tâm tình. Chú Út hồi nhỏ chăm học, biết làm việc nhà rất sớm để đỡ đần mọi người. Còn biết làm mẹ vui lúc mẹ yếu mệt. Biết thổi sáo bài dân ca mà mẹ thích nghe. 5 năm rồi… Con đi chiến trận, sao không ghi thư về cho mẹ. Bao giờ con về. Để còn lấy vợ, gây dựng cuộc sống, sinh con đẻ cái tiếp nối ông bà, mẹ cha chứ… Tiếng lá rì rào, tiếng bà như tỉnh như mơ, hòa vào hương vườn dưới trăng. Mọi người đều muốn chạy đến với bà, nhưng ông ngăn. Ông bảo: Đêm nào mà bà chẳng trò chuyện như thế. Lúc tỉnh đã đành, cả đêm lúc ngủ mơ cũng thằng Út, thằng Út… Gần như cả đêm đó, ông, bố mẹ và chúng tôi thức cùng bà dưới trăng, bên khu vườn cây lá đang vươn tán và mùi hương dâng lên khiến lòng không yên. Chúng tôi thì thầm gửi trong gió: Chú Út sẽ về với ông bà, với đám cháu yêu này. Chú nhé…