(HBĐT)-Hai năm rồi mới lại xuống phố và cũng lâu rồi không đến nơi này. Không phải là không nhớ, không lưu luyến khung trời ấy, nhưng với anh, cảm giác giống như đó là của để dành, là báu vật, nên không dám chạm đến. Bởi chạm đến, sẽ phải gặp lại bao điều đáng trân trọng, từng da diết chảy trong huyết quản. Vả lại, phần ký ức ngọt ngào ấy đâu phải riêng anh nắm giữ. Còn bạn bè, còn bao nhân chứng của một phần đời thanh xuân ấy nữa chứ. Nhưng lần này… Sau bao biến cố cuộc đời. Anh đã trở lại…
Vẫn chuyến xe buýt ấy đỗ xuống cổng cư xá năm nào. Từng nhóm, từng nhóm các bạn trẻ tầm mười tám, đôi mươi trẻ trung, tự tin xuống xe, rảo bước vào khuôn viên. Khác anh hồi đó là họ ăn mặc thời trang hơn. Còn anh, 5 năm đại học duy chỉ một áo khoác to xù mua từ thời cuối cấp 3. Áo sơ mi thì lỗi mốt, lỗi đường cắt may do bà chị mới mở tiệm may tặng. Cũng chả hề hấn gì, vì được đi học là niềm vui quá lớn để anh tạm quên đi những hạn chế liên quan đến mình… Vừa bước vào cổng, một làn hương dịu mát ập đến. Mùi hoa ngâu nơi sân trường ngan ngát bay trong không gian. Mùa này, trời xanh, nắng vàng nhẹ, cộng với mùi hương đượm ký ức ấy, khiến lòng người lâng lâng. Ừ, những khóm ngâu năm nào, nay to rộng, xòe tán và sẫm màu hơn…
- Ối anh Sơn, phải anh Sơn không? Có tiếng chào từ một người phụ nữ đứng tuổi từ quán nước chè ở góc sân cư xá.
Không bất ngờ, vì quán này quá quen thuộc. Bất ngờ vì không phải là bà Lân mà có lúc vui miệng mọi người thường gọi là "bu Lân", "u Lân"… Ôi trời, Trà… con gái đầu của u Lân. Thay đổi nhiều quá. Vết nám trên mặt đã được công nghệ làm đẹp tẩy đi, nhưng khuôn mặt và nụ cười hiền không hề thay đổi. Bán hàng tạp phẩm cho sinh viên, họ chưa đề nghị đã ghi sẵn vào "nhật ký cắm quán" cùng lời nhắn: "Nhớ trả cho u em… Không u em mắng em". Gọi là quán cho sang mồm, chứ hồi đó đáng đồng tiền, bát gạo nhất là tích ủ chè ngâu của gia đình đã được đám sinh viên nâng tầm "ngon nhất phường", kèm theo là mấy lọ bánh rán, kẹo lạc, thuốc lá cuộn… Mùa hè thêm nước sinh tố, nước đỗ đen đá. Thế mà vui tấp nập từ sáng tinh mơ đến đêm, nhất là vào mùa hè, mùa thi. Đói quanh năm, đêm xuống uống ấm chè cùng cả nhóm, và được u cho chịu mấy chiếc bánh rán đã nguội là đêm đó học ôn đến 1 - 2 giờ sáng…
- U Lân đâu em? Anh hỏi nhẹ mà thấy lòng nghẹn lại. Ký ức tràn về. Trà cúi mặt, hình như rơm rớm nước mắt:
- Nửa năm nay, u về quê dưỡng bệnh ở cùng cậu út. Không khí ở làng quê hợp với u nên không muốn lên cùng vợ chồng em nữa… Nhưng u bảo vẫn nhớ quán, nhớ nhà trên này…
Ừ, ngày ấy, Trà cũng là cô sinh viên ngành thư viện cùng trang lứa với anh. Bố mẹ lên phố lập nghiệp từ sớm nên cũng tạm gọi là con gái phố phường, chẳng quen mấy chân lấm tay bùn. Nhưng Trà lại có nhiều điều đáng để con gái phố học tập, chẳng hạn như hiền lành, khéo đan lát, nấu nướng… Điều mà cô học từ mẹ - một công nhân may mặc về hưu. Có điều u Lân và Trà không biết được, đó là trong ký ức đám sinh viên, "quán u Lân", nói như ngôn ngữ hiện nay là một thương hiệu. Hồi đó, cứ thật thà bán hàng và ngày ngày cuộc sống đạm bạc. Thích nhất là dù chỉ là các món dân dã dành cho đám sinh viên ít tiền, nhưng đồ gì cũng phải có nguồn gốc, sạch sẽ. Nhìn u tỉ mẩn nhặt từng bã trấu trong lúc chọn chè, pha chè hay lúc u phơi hoa ngâu, hoa nhài mới thấy cẩn thận làm sao. Cốc chén sạch sẽ tinh tươm. Nhiều lúc, đám sinh viên thắc mắc, giữa chốn đông như chợ thế này, u làm thế để mua việc à? U cười như được mùa: "Các con như con…, đời nào u làm ù xọe cho xong. Cái ăn, cái uống vào miệng, phải làm tử tế". Cho nên cái lần em Trà pha chè bằng nước sắp sôi, chẳng nhanh chân có khi u cho cái véo tím tay. Mỗi trưa, mỗi tối hè, tiếng u lanh lảnh hành lang: "Các con mua cho u nào", rồi lại như dỗi dằn: "Lại nợ u à, thế thì lấy gì nuôi con". Thấy đám chúng nó nhăn nhó vì nhà chưa gửi kịp "viện trợ”, u lại thở dài, cười cười. Cái áo cũ màu hoa cà năm đó của u thấp thoáng từng góc cầu thang khiến nhiều nhiều người nhớ…
Với anh, chàng trai miền sơn cước không hiểu sao lại được u Lân quan tâm hơn nhiều người khác. Có thể anh cũng là người chu đáo. Lần nào xuống cũng có quà cho u, khi thì quả mận hậu, hay mắc cọp, chút chè quê… Lần đó, chuẩn bị về Tết mà anh không có nổi tiền mua vé ô tô, u dốc lợn tiết kiệm đưa cho anh. Năm thứ 3, anh bị trận ốm nặng, u chẳng mấy lần mang cháo thịt băm cho anh còn gì. U cười cười: "Ăn đi cho khỏe, còn chuẩn bị ôn thi… Mà sau này làm con rể u nhé”. Anh cảm động quá, chẳng nói nên lời và coi đó như lời nói đùa. Nhưng nhiều lần u sai Trà mang lên cho anh khi nửa cân đường, mấy quả chanh, khi thì hộp bánh rán hay cốc sinh tố tận phòng khiến đám bạn xì xào. Đêm vắng, người mới ốm dậy thường mềm lòng, nhưng với anh lúc đó đã nhắc giờ cho Trà về kẻo muộn. Nhìn bóng dáng của cô ấy khuất sau cầu thang, anh cũng giật mình cùng câu hỏi: "Có phải mình đang lợi dụng lòng tốt ai đó?". Mối quan hệ của anh với gia đình u Lân, với Trà quá vô tư, nhưng u sao lại đối đãi khác thường… Nhất là khi đám bạn đùa bỡn "làm rể u Lân chuột sa chĩnh gạo. Đỡ phải về nơi rừng xanh núi đỏ”, anh thấy rằng mọi chuyện nên dừng ở đó vì anh đã có bạn gái ở quê nhà... Phải dứt khoát. Từ đó, "nhật ký quán” không còn tên anh nữa… dù anh vẫn cùng cả nhóm vào ngồi quán u uống trà, trò chuyện… Ánh mắt của u Lân buồn buồn cũng khiến anh suy nghĩ khá nhiều. Nhưng không thể khác…
Nay anh trở lại, cũng là để cảm nhận và thẫm đẫm câu chuyện tình cảm một thời ấy. Trong trẻo quá đỗi khiến anh mềm lòng như muốn khóc. Chỉ đáng trách mình sao ngần ấy thời gian không trở lại gặp u một lần. Nhưng dẫu sao, anh đã về đây ngồi uống trà ngâu, gặp Trà của ngày hôm nay và cảm nhận gió thu đã man mác tràn ngập khắp khuôn viên cư xá.
Truyện ngắn của Bùi Huy
(HBĐT)-Thời gian lặng lẽ trở mình. Đường về nhà trong thẳm sâu ngày tháng tròn đầy trái tim người xa quê. Bình dị đấy, vẫn là con đường đẹp nhất. Đi muôn phương thầm mong được trở lại. Từng bước chân hằn lên theo bóng thời gian, kỷ niệm mãi đọng lại dịu dàng trong lòng ngập tràn nắng thơm, mùi cỏ dại tan trong nắng sớm, những khóm hoa mua, hoa sim ven đường bung nở hồn nhiên vẻ đẹp giao hòa. Nhiều thứ hôm qua đã lùi sâu và chìm khuất. Xa rồi tuổi nhỏ, cô gái ngày nào mới nhận ra vẻ đẹp của làng quê đổi mới.
(HBĐT) - Một tháng nay, ông nội tôi có vẻ mệt, thất thần đứng ngồi không yên. Đôi khi hay gọi lẫn bố tôi là "thằng Tân, thằng Đức à…". Bố ướm lời định cho đi khám bệnh thì ông gạt đi. Buổi chiều, ông hay ra đầu ngõ nhìn hướng con đường quốc lộ hun hút dẫn về Nam. Thỉnh thoảng ông lại đưa tay lên phía túi ngực trái. Mẹ nói nhỏ với bố: "Chắc chắn ông đang nhớ về chú Tân". Nhưng không hẳn thế, ông nói với bố: "Khả năng mấy hôm nữa nhóm thằng Đức đến thăm nhà mình". Ôi, ông nói gì vậy? Lâu rồi cả nhà đã biết thêm tin gì của chú Đức và các chú từng về đóng quân nơi đây đâu?… Nhìn dáng ông còng còng đi đi lại lại ngoài ngõ, đứng rất lâu dưới cây bưởi mà chú Tân trồng trước khi nhập ngũ, mẹ tôi hình như đã khóc…
(HBĐT) - Mẹ trở thành người thiên cổ đã 45 năm rồi. Mẹ không biết chữ dù mẹ là con ông đồ. Không biết chữ nhưng mẹ biết đường ăn, lối ở. Suốt những năm các con đi học ở trọ trên huyện, trên tỉnh, mẹ vẫn chăm lo cho các con chu đáo. Thứ bảy, chủ nhật các con về rồi lên trường mẹ gói đùm cho bát gạo, gói cá nướng, chai tương. Mẹ cởi bao thắt lưng đưa cho con mấy đồng bạc lẻ không quên dặn dò:
(HBĐT) - Mùa thu về, từng giọt nắng óng ả sang mùa, đậm đà hương sắc. Vẻ đẹp của nắng thu tĩnh lặng đọng trong ánh mắt mọi người.
(HBĐT) - Ông Tân giật mình tỉnh dậy, người đẫm mồ hôi. Ông lặng lẽ bước xuống giường đi ra ngoài cửa. Ngồi tựa lưng vào hiên, ông đưa bàn tay nhăn nheo nổi đầy những đường gân xanh lần nắn từ đầu gối xuống ống chân. Vừa nắn vừa đấm nhẹ nhẹ. Ông ngửa mặt nhìn những ngôi sao đêm có vẻ chăm chú lắm nên khi bà Thành ra ngồi bên, ông vẫn không hề hay biết. Bà cất tiếng nhè nhẹ: