Truyện ngắn của Bùi Huy
Bà Phen nằm ốm mệt, lử đử nửa năm nay, bỗng hôm nay lại thấy nhúc nhắc đi lại được. Cả nhà mừng. Nhưng người có kinh nghiệm lại lo lo, cái kiểu này, khéo lại là "điềm” thì nguy. Nhưng bác Cả đã gạt đi: "Bà thế là mừng, chứ nếu xảy ra chuyện gì… thì cũng là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Bà cũng trên 80 tuổi rồi!”. Bác nói thế và quay đi, không kịp để vợ và con dâu nhìn thấy trong khóe mắt có chút ngấn lệ. Ra pha chẻ mấy khúc tre mà hồn vía để đâu ấy.
Nhà có 3 anh em. Chú Út đi chiến trường K từ năm 1978 và từ đó không bao giờ trở lại nữa. Mấy năm trước, thi thoảng bà Phen còn nhắc tên nhắc tuổi chú, mỗi lần lại thở dài, mắt nhìn xa xăm, rồi phân trần kiểu độc thoại: "Nó mà lấy vợ, giờ chắc cũng con đàn, cháu đống rồi nhỉ. Con Leng xóm bên… cũng đã lấy chồng rồi. Biết làm thế nào. Con mình thì biền biệt. Họ ở thế còn mang tội hơn…”. Thế mà 2 năm gần đây, bà cứ lặng thinh như chẳng có gì liên quan đến ai. Vợ chồng bác Cả đôi khi cố tình nhắc tên chú Út mà bà cứ như là đang nhắc đến ai ấy. Mắt bâng quơ, nhìn mông lung về phía dãy đồi, dãy núi sau nhà. Mà phía ấy, mây trắng, mây xanh dồn ứ, trôi dạt hết đỉnh núi này đến đỉnh đồi khác. Ngày còn nhỏ, thằng Út hay đứng ở góc sân, nhìn hình mây mà đoán giống máy bay, giống ô tô hay tàu hỏa…
Thế mà cách đây nửa năm, một hôm, bác Cả đang rào mảnh vườn phía đồi thì cậu con cả hộc tốc chạy đến tìm. Việc gì thế?
- Bố ơi, bà đang đòi bố về gấp, cứ đòi bố đưa ra thăm đồng Bãi Lau. Chả biết thế nào nữa…
Ừ, Bãi Lau… Bác Cả chạy về. Ôi giời, bà Phen đã chuẩn bị nón mũ, túi dết, gậy chống như là đang chuẩn bị đi sơ tán chạy máy bay năm nào, hay có chuyến đi đâu xa ấy.
- Thế bà sang đó làm gì, nắng nôi thế này?
Bà Phen chọc chọc đầu gậy xuống sân nhà: Còn đi đâu nữa. Sang đó xem thằng Út đã cày xong chưa. Nắng thế này, khát nước. Ai đã mang nước cho nó chưa?
Thảo nào mà túi đồ nghề của bà có đủ cả chai nước, gói cơm nhỏ, muối vừng… Chẳng biết bà chuẩn bị lúc nào nữa. Bác Cả gạt đi:
- Bà ơi… chú nó đã cày xong rồi, đang chuẩn bị thả trâu. Bà cứ nghỉ ngơi, ăn uống, chú khắc về.
Bác Cả nói mà giọng nghèn nghẹn. Nói cái điều mà biết chắc không bao giờ xảy ra đối với mẹ già lại là điều bất nhẫn. Nhưng biết làm sao.
Bà bắt luôn câu đó: Thế à, thế cả nhà dọn cơm ra để chờ nó về cùng ăn. Bát canh cá kho khế phần nó nhiều hơn nhé.
Bác Cả nhìn ra phía đồng Bãi Lau. Ngút ngàn xanh và ngút ngàn nắng. Buổi trưa, chẳng có bóng người. Xa xa cuối đồng là dòng sông đào nhỏ, nước chảy hiền hòa. Hai bên bờ là những cây gạo đang mùa rũ bông trắng trời. Ngày nhỏ, chính bác đã dạy chú Út tập bơi (sau nhiều ngày cho chuồn chuồn cắn rốn mà không thành công). Hồi 7 tuổi chú đã nói như người lớn: Không biết bơi, sau này lớn đi bộ đội làm sao mà vượt sông, đánh trận anh Cả nhỉ. Ngày nhỏ, chú Út có tiếng là bạo gan, sẵn sàng nhảy từ cành gạo xa nhất xuống dòng nước (bảo để thử thách lòng dũng cảm); hay màn cưỡi trâu phi như ngựa trên triền đê khiến bao người trố mắt. Cũng có vài lần ngã đau nhớ đời, nhưng chú cũng nhanh thích ứng, nên chuyện đó không còn là vấn đề gì. Ngày đó, miền Nam đang vào hồi ác liệt nhất. Thanh niên xóm trên làng dưới nườm nượp ra trận. Bác Cả nếu không bị khèo tay trái, chắc cũng lên đường. Đám trẻ con như chú Út không có súng như dân quân, nhưng cũng rủ nhau chặt những cành cây to, chắc làm gậy; cũng tập trận giả, hành quân, lên đồi trực chiến như các chú, các anh.
Chú Út thừa hưởng đầy đủ những nét đẹp của bố: to cao, rám đen, mạnh khỏe. Mười tám tuổi, cánh tay vạm vỡ của chú như thay bác Cả làm hết những việc nặng nhọc của gia đình. Chú Út sau này còn bơi giỏi hơn cả anh Cả, mấy vòng bơi đi, về sang bờ bên kia không là gì đối với chú. Tóc chú cứng như rễ tre, cắt cua bốc nhìn rất bướng và ngầu. Nhưng mắt chú thì hiền, ánh nhìn luôn cười. Thế nên, nhiều cô gái trong vùng có vẻ mê. Nhưng chú chỉ quan tâm đến cô Leng ở xóm bên, chuyện ấy hai gia đình đều biết, nhưng cũng chưa có cơi trầu cau gì cả. Và chuyện họ hứa hẹn điều gì, chỉ có họ biết. Vì ngày liên hoan cho chú Út đi bộ đội, cô Leng, hòa lẫn vào đám người đến chúc mừng, chia tay, mắt khóc, mắt cười như mọi người… Tuy thế, mọi người trong gia đình đều quý mến cô, coi như một người thân. Ngày bà Phen ốm, mấy đêm liền chú Út, cô Leng và bác Cả đi đặt ống lươn, soi cá… nấu cho bà bát cháo cá, cháo lươn thơm lừng. Ăn 2 lần là lại sức.
Cánh đồng Bãi Lau, chú Út thuộc từng đoạn suối, ngòi nước, đoạn nào cá sông hay dạt vào mùa nước. Nhìn ánh mắt chú thật vui khi khoe với cả nhà những con cá ngạnh ươm vàng câu được. Trước ngày chú đi bộ đội, chú vẫn đi cày thửa ruộng sát sông đào. Bà Phen ra đưa nước cho con, đứng trên bờ nhìn con chăm chỉ, cần mẫn với đường cày thẳng tắp, vạm vỡ mà nước mắt dâng tràn… Một ngày nắng đủ vàng, đủ gió nhẹ để 2 mẹ con vừa tắm táp cho trâu, vừa trò chuyện về những ngày sắp đến. Vâng, con phải đi bộ đội thôi mẹ, ngày cả nước đánh Mỹ, con còn nhỏ. Giờ biên giới Tây Nam đang nóng bỏng, con phải đi. Lần này, xóm mình có thằng Bi, thằng Ton, thằng Hậu… Mọi người đang phấn chấn… Cánh đồng Bãi Lau, nơi có đồng cỏ xanh mướt, nơi bao đứa trẻ của xóm từng thả trâu, tắm sông cùng các bạn đã vắng bóng chú Út từ ngày nắng ấy…