(HBDT) - Ông Bình ngồi ở bậc thềm mái hiên, đôi mắt đăm đăm nhìn về cuối con ngõ dài có cây bưởi già còn sót lại một vài quả cuối mùa. Hình như ông có ý chờ đợi ai thì phải. Nhấp ngụm trà xanh vàng sánh, ông đặt cái bát nhỏ xuống cạnh tách trà màu cánh dán rồi lại thẫn thờ. Ở một góc sân, mẹ con đàn gà mon men đến quanh mẹt đậu đen mà bà Thân, vợ ông phơi. Cạnh bờ giếng, chú mèo mướp mắt ngó nghiêng, mải mê đuổi theo đôi cánh bướm đang vẽ vòng quanh mấy bông mướp vàng thoảng thơm hương mật.
Mới sáng ra, trời đã nắng như nung. Không một ngọn gió. Giọng ông Bình sốt ruột:
- Sao giờ này mà chưa tới nhỉ? Hay là…? Một hơi thở nhẹ phát ra từ lồng ngực, đôi mắt ông Bình chùng xuống, buồn buồn, nghĩ ngợi.
- Bình ơi…! Tớ tới rồi này…! Từ ngoài ngõ vọng vào giọng ồm ồm, vui khỏe. Mới nghe, ông Bình đã biết ngay là ông Hòa. Ông liền nhổm dậy, khập khiễng bước ra đón bạn. Miệng tóm tém cười, lòng ông Bình vui như mở hội.
- Cậu đến rồi! Sáng giờ, tớ trông mãi. Tớ sợ cậu không đến.
- Đã hẹn nhau là phải đến chứ. Đến để được gặp nhau. Trời còn cho khỏe. Còn đi. Còn gặp. Còn vui. Nghĩa tình chúng mình, làm sao có thể dễ quên cho đặng! Vẫn mũ cối đội đầu, vẫn bộ quân phục một thời lính chiến tuy đã sờn màu và đôi dép tổ ong loang màu đã cũ, ở tuổi 80, ông Hòa vẫn cứ hoạt bát, nhanh nhẹn chẳng khác anh tân binh ngày nào mới mười tám, đôi mươi. Đặc biệt là cái cách xưng hô của hai người lính già. Cứ tớ tớ, cậu cậu. Nghe thôi cũng đủ biết tâm hồn, tinh thần họ hãy còn trẻ lắm!
Ông Bình và ông Hòa là người cùng tỉnh, khác huyện. Họ từng sát cánh bên nhau suốt 10 năm trên chiến trường miền Nam thời chống Mỹ và cũng đã hơn 40 năm làm bạn với nhau giữa thời bình. Tình cảm giữa họ đến giờ vẫn thắm thiết, bền chặt.
Bà Thân bưng lên đĩa bưởi chín vừa bổ. Bà niềm nở một "bác Hòa”, hai "bác Hòa” khi trò chuyện với bạn chiến đấu của chồng:
- Em nói, thể nào bác Hòa cũng sẽ sang. Thế mà nhà em cứ lo. Nghe vợ phân trần, ông Bình cười khà khà.
- Thì tại chúng tôi đã quy ước với nhau. Năm nào vào ngày này, cũng sang thăm nhau mà. Đấy, năm ngoái, tôi sang nhà Hòa rồi. Năm nay, cậu ấy lại sang nhà mình. Ông Bình phấn chấn giãi bày.
- Thế mà cũng hơn 40 năm rồi cậu nhỉ? Chúng mình bây giờ… đứa nào đầu cũng bạc phơ bạc phếch hết cả. Răng cũng đã cái còn cái mất. Thời gian lằn dọc trên thân thể, sức khỏe và cả những bước đi… Ông Hòa thủng thẳng sau khi nhấp xong ngụm trà.
Bà Thân đon đả xuống bếp nhóm lửa, chuẩn bị bữa trưa. Còn ông Bình và ông Hòa thì vừa uống trà, ăn bưởi vừa trò chuyện rôm rả. Những câu chuyện cũ chuyện mới, dẫu nhắc đi nhắc lại chẳng biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn cứ hào hứng, vẹn nguyên như mới kể lần đầu.
Đã hơn 40 năm làm bạn giữa thời bình, vậy mà cứ mỗi lần gặp nhau, ông Bình và ông Hòa vẫn chung một sở thích, một suy nghĩ và việc làm. Họ lật giở những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian của cả hai, cùng ôn lại những kỷ niệm một thời chinh chiến. Trận đánh nào, địa điểm nào, đồng đội của họ là ai, quê quán ở đâu, ước mơ của mỗi người là gì, ai còn, ai mất, mất trong hoàn cảnh nào… họ nhớ đến từng chi tiết. Rành rọt. Rõ ràng. Lúc hào sảng, lúc lắng đọng, lúc vui, lúc buồn, lúc hồ hởi, lúc lại trầm ngâm. Cũng có những khoảng lặng, chẳng ai nói với nhau một lời...
Họ kể về chính mình, về đồng đội. Hồi ấy, nếu không có ông Bình thì ông Hòa giờ đã là người thiên cổ rồi. Trong trận càn quét của địch, ông Hòa bị đạn găm vào đầu, sượt ngang ngực. Choáng váng, ông lịm đi, không còn biết gì nữa. Ông Bình đến kịp, cứ thế cõng bạn chạy đi, chạy đến khi gặp được đồng đội giúp đỡ mới thôi. Sau thời gian dưỡng thương, ông Hòa tiếp tục quay trở lại chiến trường để chiến đấu. Những ngày cuối của tháng Tư lịch sử, ông Bình và ông Hòa vẫn sát cánh bên nhau. Họ vừa là tình đồng chí, đồng đội, vừa là tình đồng hương, tình anh em. Những ngày cuối của chiến dịch mùa xuân lịch sử, ông Bình chẳng may vướng phải mìn, bàn chân phải bị dập nát. Và rồi chính ông Hòa đã cõng ông Bình về tuyến sau dưỡng thương, chăm sóc ông Bình cho đến khi ông hồi phục lại. Tình đồng đội của hai ông là thế. Khi khó khăn hoạn nạn, vẫn đồng cam, sát cánh. Khi đã bình yên tiếng súng, cuộc sống đỡ khó khổ, vẫn chẳng bao giờ xa cách nhau.
Ông Bình và ông Hòa năm nào cũng hẹn gặp nhau vào đúng những ngày tháng 7. Là bởi tháng 7 đối với họ có rất nhiều điều đặc biệt. Họ sinh vào tháng 7. Cả hai nhập ngũ vào tháng 7. Trở thành đồng đội của nhau vào cuối những ngày tháng 7. Rồi thì có những người đồng đội kề vai sát cánh bên họ đã ngã xuống cũng vào tháng 7 năm ấy, để quê hương được mãi mãi xanh màu, để cuộc sống được bình yên như ngày hôm nay. Và ngày họ cùng nhau trở lại chiến trường xưa, đưa những người đồng đội đã hy sinh trở về với quê hương, xứ sở cũng là những ngày mưa tháng 7.
Năm nào cũng vào những ngày tháng 7, ông Bình và ông Hòa lại cùng nhau đến nghĩa trang, nơi những người đồng đội của hai ông đang yên nghỉ. Cả hai đều mặc bộ quân phục của lính. Giản dị. Trang nghiêm. Họ thắp nhang, chắp tay nguyện cầu. Họ nghiêng mình trước những ngôi mộ liệt sỹ có tên và cả những ngôi mộ liệt sỹ chưa có tên. Họ ngồi lại bên những người đồng đội của mình, cùng ôn lại chuyện ngày xưa. Họ kể cho nhau nghe về sự đổi thay của quê hương, đất nước… Nụ cười, nước mắt cứ thế quyện hòa, nghẹn ngào. Rồi họ nắm chặt tay nhau. Cái nắm tay run run của tuổi xế chiều. Đôi mắt rưng rưng nhớ về những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Hai tiếng đồng đội thiêng liêng mãi vẹn tròn, mãi được khắc ghi. Đó không chỉ là cách những người lính già như ông Hòa, ông Bình sống trọn vẹn nghĩa tình, mà đó còn là tình đồng đội thiêng liêng, cao đẹp, đáng được trân quý.
Truyện ngắn của An Viên
Truyện ngắn của Thu Đình
"Ba ơi, mẹ ơi! Vy ơi!”. Hân ríu rít, miệng nhoẻn cười tươi tắn. Tay con bé đưa lên vẫy vẫy, trong khi đôi mắt nó vẫn đang nhắm nghiền. Có lẽ nó đang hạnh phúc trong giấc mơ đẹp đẽ của riêng mình.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương