Thư uể oải bỏ chiếc áo xuống chậu quần áo đang phơi dở. Nó bặm môi rồi nặng nề quay vào ngồi phía hiên nhà. Nắng đã lên cao. Có nhiều khi Thư thích nắng, ví nó như những đứa trẻ tinh nghịch. Nó có thể ngồi thật lâu dưới một tán cây chỉ để nhìn những tia nắng lọt qua kẽ lá, nhảy nhót trên nền đất theo chuyển động của lá. Nhưng hôm nay Thư không vui. Thư không thấy ánh nắng đẹp chút nào. Câu nói của ba tối hôm qua còn văng vẳng trong đầu. Lần đầu tiên Thư thấy ba giận dữ như vậy. Ba bảo nó đừng có hão huyền, không thực tế, không biết nghĩ…

- Con gái nên theo học các ngành như ngành y, dược, sư phạm… Mà theo ba, con làm cô giáo là phù hợp nhất. Sau này có thời gian chăm sóc gia đình.

- Ba! Nhưng…

- Nhưng nhị gì nữa?

- Con không thích làm cô giáo. Con muốn trở thành diễn viên.

- Không có diễn viên diễn viếc gì hết. Ba cấm.

Rồi ba nói một thôi một hồi về việc diễn viên đôi khi phải đi xa nhà cả tháng trời. Ừ rằng mỗi nghề lại có cái vất vả riêng. Nhưng diễn viên có khi phải diễn cảnh ôm ấp, đánh đấm… chả ra làm sao cả.

Mẹ Thư sau một hồi im lặng thấy chồng lớn tiếng, con gái thì xị mặt gần khóc liền lên tiếng:

- Anh có khắt khe quá với con không? Mỗi nghề có một đặc thù riêng, có dễ có khó mà anh. Diễn viên cũng vậy, họ diễn là để tái hiện lại cuộc sống. Con nó thích điện ảnh thì…

Ba Thư quay sang mẹ cô, nóinhư gắt:

- Em là mẹ không biết khuyên bảo con mà còn nói như vậy à? Được rồi! Đấy, tùy hai mẹ con. Muốn làm gì thì làm, học gì thì học.

Ba Thư tức giận bỏ dở bữa cơm ra ngoài phòng khách ngồi hút thuốc. Sáng nay, ba đi làm từ sớm, còn chẳng ăn sáng cùng gia đình. Thư biết tính ba, cái gì ba nhất quyết không đồng ý thì không bao giờ nói "tùy hai mẹ con” như vậy đâu. Ba đang thỏa hiệp. Có thể ba sẽ không ngăn cấm nó thi vào trường điện ảnh. Thư sẽ được theo đuổi giấc mơ trở thành diễn viên của mình. Vậy mà nó lại chẳng thấy vui chút nào. Chắc chắn ba cũng đang không vui. Mà ba cũng kỳ cục thật cơ. Làm diễn viên thì có gì không tốt. Nếu sợ vì phải đóng cặp với người khác giới mà ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình thì sau này Thư sẽ tìm một người bạn đời đủ hiểu và thông cảm cho nghề của mình. Thế là được rồi. Vậy mà ba cứ làm quá lên. Trước đây, Thư cũng thích làm cô giáo như mẹ vậy. Nhưng lớn lên, Thư lại thích trở thành diễn viên. Nó sẽ được sống bằng nhiều cuộc đời, nhiều tính cách khác nhau…

- Ơ kìa! Sao giờ này con còn ngồi đó? Không vào ôn bài đi?

Mẹ Thư đi chợ về, thấy con gái ngồi thẫn thờ bên hiên nhà thì giục vậy. Đặt chiếc làn nhựa với đủ thứ rau dưa, thịt, cá xuống bậc thềm, mẹ ngồi xuống bên cạnh Thư, nhìn con gái nhỏ nhẹ:

- Thực ra mẹ cũng rất mong con sẽ học sư phạm. Mẹ biết, con thích một cuộc sống đa dạng, thích trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều tính cách qua việc hóa thân vào các nhân vật… Thực ra, làm giáo viên cũng không hề tẻ nhạt, cũng phải hóa thân, cũng có những thử thách đó con. Bởi khi đứng lớp, con phải tiếp xúc với rất nhiều học sinh, mà mỗi em lại có những tính cách khác nhau. Có em ngoan nhưng cũng không ít những em cá biệt, nghịch ngợm. Con muốn học sinh của mình chịu học, thuần tính thì phải hiểu được chúng, sống với suy nghĩ của chúng. Những lúc như vậy, cũng cần con phải hóa thân, phải nhập vai đấy. Đó là sân khấu cuộc đời, nó còn thật hơn cả sân khấu con diễn qua ống kính. Nó đòi hỏi con phải cẩn thận suy xét, phải "diễn” bằng cả cái tâm của mình và không được phép sai sót. Nói chung, làm giáo viên cũng vui lắm. Nhưng nếu con muốn học để trở thành diễn viên, mẹ cũng sẽ không phản đối. Mẹ tôn trọng quyết định của con. Làm gì cũng phải xuất phát từ sự yêu thích, đam mê mới tận tâm với nghề được. Khi con yêu thích, con sẽ làm tốt được vai trò của mình. Còn không thì… Ba con giận vậy thôi nhưng mẹ biết, cuối cùng thì kiểu gì ba cũng đồng ý. Chỉ tại ba lo cho con, muốn con có một cuộc sống bình yên, ổn định, ít thị phi. Thôi, đừng nghĩ nhiều nữa. Trước hết, hãy lo tập trung ôn thi thật tốt chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới đã con nhé.

Thư chăm chú nhìn mẹ, lắng nghe từng lời mẹ nói. Mẹ bao giờ cũng vậy, luôn biết cách giữ im lặng những lúc mọi người căng thẳng, nóng giận và tìm cách nói phải trái, khuyên nhủ sau. Có thể, mẹ đã nói gì đó với ba cũng nên.

- Vâng. Để con phơi nốt chỗ quần áo đã.

Thư đứng dậy, tâm hồn bỗng nhẹ bẫng. Nó không còn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu như lúc sáng nữa. Ánh nắng chan hòa, nhảy nhót khắp nơi. Nắng trải vàng mặt sân. Nắng tràn cả trên đôi mắt Thư sóng sánh. Có thể mẹ nói đúng, làm giáo viên cũng có những điều thú vị. Trong nhiều tình huống, giáo viên cũng phải hóa thân, cũng nhập vai để "diễn”. Nhưng vai diễn đó không được diễn đi diễn lại nhiều lần nếu chưa đạt mà người diễn phải hết sức cẩn thận và diễn bằng cái tâm chân thành nhất. Vai diễn đó không có ai bắt bẻ, dò xét phải thế này, thế kia, nhưng tự lương tâm của người diễn sẽ định lượng đúng sai, những điều nên và không nên. Thư thích thú nghĩ đến điều mẹ nói, cuộc đời chúng ta chính là một sân khấu lớn, trong sân khấu này, đòi hỏi mỗi người diễn phải tinh tế, nhanh nhạy tự điều chỉnh hành vi, thái độ, lối sống của mình sao cho phù hợp, hài hòa với mọi người xung quanh và với cộng đồng mà không hề có một kịch bản cho trước.

Trong bữa cơm tối, ba không nhắc gì đến chuyện Thư theo học ngành nghề gì nữa. Ba chỉ bảo Thư nên biết cách sắp xếp thời gian học hành, nghỉ ngơi cho hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Thư nhìn ba, rụt rè:

- Ba, con sẽ đăng ký thi 2 trường, cả sư phạm và điện ảnh. Sau này, nếu đậu trường nào con sẽ học trường đó.

Ba nhìn Thư gật đầu:

- Con học trường nào cũng được, theo ngành nghề nào cũng được, ba không quản. Miễn là con yêu nghề, sống đúng là chính mình và lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc.

Thư thấy mẹ tủm tỉm cười nhìn hai ba con nó.


Trương Thị Thúy

Các tin khác


Những “đứa trẻ” ngày nay…

(HBĐT) - Mấy bữa nay, gia đình nhà chị Hân vui như mở hội, vì cậu trai cả thi đỗ vào lớp 10 một trường THPT danh giá trên địa bàn. Bõ bao công đèn sách. Con cái học hành, đỗ đạt thế ai chả mừng, hoa tươi, tin nhắn nhận không xuể.

Chuyện đời thường: Khói thuốc… vô tình

(HBĐT) - Anh M. tìm khắp các ngách trong phòng, miệng lẩm bẩm: Trời ạ, "nó” đâu nhỉ… Mọi hôm để ở gầm bàn uống nước mà. Cả cái gạt tàn bằng gốm sứ cao cấp nữa… Không thấy, anh gọi vống lên: Mẹ nó đâu nhỉ, có thấy cái "Ba-zô-ka” của tôi đâu không? Chị vợ đang giặt quần áo ngoài sân nói vọng vào: "Anh ra chỗ sau nhà mà hỏi”. Bực quá, anh lập cập ra phía sau. Ai lại dúi nó vào đống bàn ghế cũ thế này, thật chẳng ra thể thống gì nữa cả. "Sao em lại quá đáng thế, vứt cái "sướng” của người ta chổng trơ thế mà được à?".

Những mùa hoa thành phố bên sông Đà

(HBĐT) - Cách đây không lâu, có dịp qua một thành phố của nước bạn với nhiều cây xanh và hoa. Trong đêm, ánh điện như cộng hưởng làm rực rỡ thêm màu vàng tinh khiết của cây Hạnh Ngân. Một lữ khách cùng đi trầm trồ, chia sẻ: "Đúng là đặc biệt. Cây hoa đó gần như biểu tượng của thành phố này”. Đúng là đẹp lộng lẫy, huy hoàng, tô điểm cho đường phố, cảnh quan xung quanh. Du khách thay nhau đứng tạo dáng với nền vàng huyền ảo đó. Bất chợt dậy lên ý nghĩ: Thành phố nào ở nước mình có loài hoa như là biểu tượng? Và thành phố bên sông Đà có cây gì, hoa gì là đặc trưng?

Đèn đỏ… mà biết nói năng

(HBĐT) - Ném bịch cái túi xuống bàn, bác NN nói như bộc bạch lòng mình:-Thành phố mình… có đèn đỏ thêm sang, đẳng cấp hơn thời còn là thị xã… Nhưng sao có nhiều chuyện xung quanh cái đèn đỏ này lắm. Bà con mình phần lớn là chấp hành nhưng một số người… Không thể hiểu nổi. Lúc nãy, đang thong dong qua đường vì phần làn đường mình đèn xanh, thế mà suýt bị một chú "chíp con” vượt đèn đỏ, tạt qua mặt. Suýt ngã… Đã thế còn quay lại cười cười… như thách đố.

Tiếng vọng

Truyện ngắn của Bùi Huy

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục