Cả tuần nay, gia đình ông bà Thành vui lắm… Cháu trai "đích tôn” vào lớp 1. Trước ngày khai giảng, ông bà tranh phần bố mẹ nó đèo cháu đi mua đồ: quần áo đẹp, cặp, bút, sách… Hơi vất vả nhưng bà Thành cười tươi như hoa. Rồi về kể "thành tích” với vợ chồng con trai. Hiểu tấm lòng bố mẹ, 2 vợ chồng trẻ cũng hùa vào bình phẩm, trao đổi… Việc "cậu cả” vào lớp 1 cứ như ngày ông hay thằng con lớn vào đại học ấy. Ý nghĩa và bâng khuâng thật. Như một mốc quan trọng của đời người…

Thằng cu Tý cứ bật nhạc bài hát "Ngày đầu tiên đi học” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Âm thanh vui tươi, náo nức và giàu cảm xúc trong lời ca, khiến cả nhà có thêm khí thế. Rồi bà Thành kể "tội” thằng con, bố cu Tý ấy. Ôi trời, không được tự tin và quyết tâm như cháu "đích tôn" đâu. Nó cứ khăng khăng đòi ở nhà. Vào lớp một lúc là tu tu ôm cặp chạy ra cổng khiến cô phải đuổi theo… Vậy mà được mấy bữa là quen lớp, quen cô… Đúng như lời bài hát ấy. Còn cháu nội của bà thì không thế. Nó háo hức, dễ làm quen và hòa nhập nhanh…

Điều kiện bây giờ cũng khác xưa. Khác một trời một vực. Để cho "ngày đầu tiên đi học” hôm nay các cháu không thiếu thốn thứ gì. Ông bà lo cũng đủ, chưa kể bố mẹ chúng nó. Chứ trước đây… Ngay ông nội thằng cu Tý thôi, nếu không quyết tâm làm sao có ngày hôm nay. Đi học làm gì biết đến cụm từ "ăn sáng”. Bữa chính còn thấy đói, lấy đâu bữa phụ. Con đường đến trường suốt từ cấp I đến cấp III (tên thường gọi ngày ấy) đâu được như bây giờ. Cụ nội kể rằng: ông phải dậy từ 5h30 để đi bộ, vượt dốc đồi đến lớp. Ngày mưa bùn lầy ngập mắt cá, ngã quần áo lấm bết, nhưng sách vở thì phải khô ráo. Ông cháu ham học và có ý chí thế rồi cũng vào đại học. Mặc bộ quần áo lỗi mốt về Thủ đô học cũng không khiến ông tự ti trước chúng bạn. "Ngày đầu tiên đi học” từ cấp I đến cấp III không có ai đưa đón. Thậm chí ngày vào đại học cũng chỉ có cậu bạn thân đi cùng. Người nhà đi cùng thêm tốn kém mà (thời tem, phiếu bao cấp). Cũng chẳng nghĩ nhiều, cũng chẳng tủi thân vì mọi người đều thế. Qua mấy năm đại học gian khó, tưởng có lúc bỏ cuộc vì gia cảnh khó khăn, nhưng ông nội đã vượt qua, ra trường, có việc làm, nghề nghiệp ổn định, gây dựng cuộc sống.

Tấm gương đó, các con cháu phải học tập để mà phấn đấu. Bà Thành hay nhắc, hay kể với con trai, con gái… và cháu nội như thế. Ừ, mà cậu con của ông bà cũng tiếp nối được truyền thống hiếu học của bố mẹ. Học sinh tiên tiến, học sinh giỏi suốt nhiều năm học. Đỗ vào trường đại học danh tiếng ngày xưa bố từng học, cũng đang học cao học… Thế còn gì bằng. Nên có lần bà Thành tỷ tê với cu Tý: Cháu chẳng học đâu xa, học ông nội và bố cũng đủ, khiến ông Thành và cậu con cả cười hả hê, khoái chí…

Ôi, ngày đầu tiên đi học… đi theo mỗi cuộc đời con người. Với cu Tý, hành trình vào lớp 1 có tình cảm, sự dõi theo ấm áp, cùng sự chuẩn bị mọi mặt về vật chất, tinh thần của cả gia đình. Nên ánh mắt cu cậu thật sáng, thật long lanh, hòa cùng câu hát từ máy thu hình, dù ngày đến trường chả khóc lóc gì: "Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc/ Mẹ dỗ dành yêu thương/ Ngày đầu tiên đi học/ Em mắt ướt nhạt nhòa/ Cô vỗ về an ủi/ Chao ôi! Sao thiết tha”…


Bùi Huy


Các tin khác


Tình đồng đội

(HBDT) - Ông Bình ngồi ở bậc thềm mái hiên, đôi mắt đăm đăm nhìn về cuối con ngõ dài có cây bưởi già còn sót lại một vài quả cuối mùa. Hình như ông có ý chờ đợi ai thì phải. Nhấp ngụm trà xanh vàng sánh, ông đặt cái bát nhỏ xuống cạnh tách trà màu cánh dán rồi lại thẫn thờ. Ở một góc sân, mẹ con đàn gà mon men đến quanh mẹt đậu đen mà bà Thân, vợ ông phơi. Cạnh bờ giếng, chú mèo mướp mắt ngó nghiêng, mải mê đuổi theo đôi cánh bướm đang vẽ vòng quanh mấy bông mướp vàng thoảng thơm hương mật.

Những “đứa trẻ” ngày nay…

(HBĐT) - Mấy bữa nay, gia đình nhà chị Hân vui như mở hội, vì cậu trai cả thi đỗ vào lớp 10 một trường THPT danh giá trên địa bàn. Bõ bao công đèn sách. Con cái học hành, đỗ đạt thế ai chả mừng, hoa tươi, tin nhắn nhận không xuể.

Chuyện đời thường: Khói thuốc… vô tình

(HBĐT) - Anh M. tìm khắp các ngách trong phòng, miệng lẩm bẩm: Trời ạ, "nó” đâu nhỉ… Mọi hôm để ở gầm bàn uống nước mà. Cả cái gạt tàn bằng gốm sứ cao cấp nữa… Không thấy, anh gọi vống lên: Mẹ nó đâu nhỉ, có thấy cái "Ba-zô-ka” của tôi đâu không? Chị vợ đang giặt quần áo ngoài sân nói vọng vào: "Anh ra chỗ sau nhà mà hỏi”. Bực quá, anh lập cập ra phía sau. Ai lại dúi nó vào đống bàn ghế cũ thế này, thật chẳng ra thể thống gì nữa cả. "Sao em lại quá đáng thế, vứt cái "sướng” của người ta chổng trơ thế mà được à?".

Những mùa hoa thành phố bên sông Đà

(HBĐT) - Cách đây không lâu, có dịp qua một thành phố của nước bạn với nhiều cây xanh và hoa. Trong đêm, ánh điện như cộng hưởng làm rực rỡ thêm màu vàng tinh khiết của cây Hạnh Ngân. Một lữ khách cùng đi trầm trồ, chia sẻ: "Đúng là đặc biệt. Cây hoa đó gần như biểu tượng của thành phố này”. Đúng là đẹp lộng lẫy, huy hoàng, tô điểm cho đường phố, cảnh quan xung quanh. Du khách thay nhau đứng tạo dáng với nền vàng huyền ảo đó. Bất chợt dậy lên ý nghĩ: Thành phố nào ở nước mình có loài hoa như là biểu tượng? Và thành phố bên sông Đà có cây gì, hoa gì là đặc trưng?

Đèn đỏ… mà biết nói năng

(HBĐT) - Ném bịch cái túi xuống bàn, bác NN nói như bộc bạch lòng mình:-Thành phố mình… có đèn đỏ thêm sang, đẳng cấp hơn thời còn là thị xã… Nhưng sao có nhiều chuyện xung quanh cái đèn đỏ này lắm. Bà con mình phần lớn là chấp hành nhưng một số người… Không thể hiểu nổi. Lúc nãy, đang thong dong qua đường vì phần làn đường mình đèn xanh, thế mà suýt bị một chú "chíp con” vượt đèn đỏ, tạt qua mặt. Suýt ngã… Đã thế còn quay lại cười cười… như thách đố.

Tiếng vọng

Truyện ngắn của Bùi Huy

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục