Bà nhìn đơn giản thế thôi, chứ cũng "vật vã” bao lần với thư từ, nhật ký thời sinh viên của ông. Ông thì nghĩ: chuyện đã qua, chỉ là ký ức đẹp, không ảnh hưởng gì đến hiện tại nên các kỷ vật ông cũng không cất giấu kỹ, nhưng bà thì khác (phụ nữ mà). Vì thế, hòm kỷ vật ấy cũng bị bà lật tung lên khiến ông phải tìm cách "sơ tán”… Mà đó là chuyện hồi hai người đến với nhau. Chứ từ hồi có 2 mặt con, nỗi lo cơm áo gạo tiền chiếm hết thời gian, chẳng lúc nào mà mơ mộng lãng mạn. Cũng chỉ có lúc giao mùa, khi gió heo may thổi, ông lại nhớ quá những cơn gió ngoại ô mang theo hương lúa, hương cốm thổi ngang khu ký túc xá sinh viên năm nào. Mà cánh đồng lúa ngoại ô sao tốt và vàng đến thế. Mỗi chiều, cả nhóm choai choai năm thứ nhất, bất chấp bụi bặm lặn lộn đi bộ ra phía ngoại ô. Gọi là đi bộ tập thể thao, hay gọi là "giải ngố” cũng được. Ruộng lúa, ao hồ mùa gặt thật tuyệt đẹp. Cả nhóm "chém” về những ước mơ vô bờ, chẳng bao giờ chạm đến và cũng chẳng bao giờ thực hiện nổi. Phút bốc đồng của tuổi trẻ mà. Cả tuần đầu nhập học, không ngủ nổi vì ánh điện thành phố, vì không quen nằm giường tầng. Đêm, tiếng xe chạy đổ đất trên công trường sát ký túc xá. Tiếng đứa nào ngủ mơ ú ớ gọi mẹ…
Thằng Phúc ở Hải Phòng, cây hài của lớp, luôn được gọi là chuyên gia hát xuyên tạc, nhưng nghe nó nói, nó hát, đố ai nhịn được cười. Toàn những câu hát vui vẻ, ngồ ngộ chứ chẳng hàm ý gì. Nó có mái tóc cắt bốc nhất lớp (trong khi trào lưu lúc đó là để dài, đánh luống giữa). Nó thủng thẳng: "U tôi bảo, nhà khó khăn, cắt trụi thế cho đỡ tiền cắt tóc, đỡ xà phòng gội…”. Mẹ nó chỉ bán buôn nhỏ lẻ ở chợ xép nên việc nuôi cả nhà 10 miệng ăn là khó đấy. Nhưng nó là đứa biết điều lắm. Cái đợt anh lớp trưởng, quê Bắc Kạn ốm, nó là trưởng nhóm đưa cơm cho anh. Năm thứ 3 học căng mà anh ốm (nghe bảo bị ngã nước, ảnh hưởng do hồi hè đi đào đãi vàng ở non cao). Nhà ở xa, chẳng ai biết mà đến chăm, lũ "chíp” này thay nhau đi lại. Mượn mấy anh lớp trước 2 chiếc xe mất chắn bùn, đạp xe 20 km cả đi lẫn về. Xuất cơm 4 thằng, giờ chia thành 5. Phiếu cơm anh lớp trưởng đã được gán cho cô Vân bán căng tin rồi, không thì lấy đâu tiền mà thuốc thang, viện phí. Mệt thế. Ăn một suất đã đói, giờ chia sẻ chắc không có cảm giác đói nữa - thằng Phúc thủng thẳng than, thế nhưng nó là đứa đầu tiên đề xuất việc "chia lửa” với anh lớp trưởng.
Nửa tháng thay nhau vào nội thành đưa cơm nước cho anh ấy, thấy thêm tình đồng môn, bạn bè. Anh rưng rưng: "Chúng mày cứ kệ tao. Ra làm cái bánh mỳ là xong...”. Nói thế, nhưng thấy anh ngốn ngấu chan chan xúc xúc khay cơm sinh viên có rau muống xào và đậu phụ kho mặn chát… biết là anh đói lắm. Lúc mấy đứa đạp xe về ký túc xá thì nhập nhoạng tối. Con đường hun hút gió thổi. Dòng người hối hả đi, đèn đường lấp loáng, hàng quán xập xình nhạc ngoại quốc. Con đường với những cây sấu già trăm tuổi đang mùa sấu rụng, chín thơm. Ôi trời, xe xịt lốp rồi. Vét túi cả 4 thằng còn 10 nghìn đồng. Bác vá xe bên gốc sấu già phố cũ gằn giọng: "Đưa đây xem nào?”. Thủng to, 2 miếng vá đấy. Xe cà tàng trở chứng… Bây giờ, mọi lời phán của bác đều là nỗi kinh khủng. Đường từ đây về trường gần 10 km, dắt kiểu gì đây. Nhìn cung cách bác ấy làm trông thật lành nghề. Rồi cả có tiếng thở dài đánh sượt của bác nữa: "Quê ở những đâu”. Cả lũ tranh nhau trả lời. Hóa ra có đứa gần quê bác này. "Đời thứ 2 là phố thị rồi”. Rồi bác buông thõng: "Xong”. Đón chiếc xe đã bơm căng, thằng Phúc lúng túng trình bày, bác gạt phắt: "Miếng vá hết 15 nghìn đồng. Nếu lúc nào có thì qua đây trả cho tôi”. Cả lũ thở phào. Tưởng đi toi ổ bánh mỳ tối nay. Con đường xa thành gần. Làn gió từ bờ sông thổi tới như mơn man, chia sẻ, thổi thông thốc sau lưng…
Ôi những đứa bạn… Thằng Phúc sau này bỗng dưng "nổi tiếng” về vụ dám đánh nhau với mấy "đầu gấu” ngoài phố để bảo vệ nhóm bạn gái cùng lớp khi bị sàm sỡ. Mất cái răng cửa… Nhưng nó cười như được mùa. Đúng là "hiệp sĩ” nửa mùa… Ra trường trăm người, trăm nẻo đường, trăm số phận. Các bạn tỏa về mọi miền quê. Thằng Phúc lại trở thành một thầy giáo. Đó là điều bất ngờ lớn nhất của cả lớp… Nó cũng có 2 cậu con trai. Thằng lớn đang học đại học ở Hải Phòng. Còn thằng thứ 2, nghe nói cũng nhập học ở Thủ đô năm học này… Đường đời nhiều ngã rẽ, nhưng cũng nhiều dòng sông hội tụ. Biết đâu lại gặp bạn bè ngay từ bàn nhập học, đón chào các tân sinh viên… Biết đâu gặp lại anh lớp trưởng chững chạc trên một đường phố nào đấy trong gió heo may. Bạn bè nam nữ ríu rít gặp và chia nhau nắm cốm đầu mùa thơm lừng. Dù món cốm ấy, chỉ trong câu chuyện về ẩm thực ở xứ kinh kỳ này của đám bạn năm nào.