Mạnh vừa bắt máy đã nghe tiếng mế Nụ cười trong điện thoại. Chỉ cần nghe tiếng cười ấy, anh đã hình dung ra hàm răng nhai trầu chắc đanh của mế. Bao năm rồi mà như thoáng vừa mới hôm qua khi trận lũ rừng ào về cuốn phăng tất cả những gì trên mặt đất. Bản làng đã nghèo nay chỉ còn lại đống bùn đất như thuở hồng hoang. Hình như đọc được ý nghĩ đó, mế Nụ nói lớn trong điện thoại:
- Con biết mế đang ngồi ở đâu gọi điện cho con không? Nhà mới đấy, không phải cái tảng đá chon von ngày xưa màn trời, chiếu đất đâu, thứ Bảy này về đi, về mừng cái khu chuồng bò mới của mế.
Chiếc xe đang lao rất nhanh trên con đường bê tông mới mà Mạnh vẫn thấy sốt ruột, rõ là phải đến rồi chứ. Đi lâu quá, cái gì cũng ngờ ngợ. Cậu Quang lái xe thì chốc chốc lại thắc mắc:
- Quái, dân miền núi mà giàu phết anh nhỉ, chả hiểu họ đi lao động xuất khẩu hay làm gì?
- Chú không thấy mấy cái vườn đều tường cao, rào thép gai, lại những khu chuồng kia à, tiền từ đấy chứ đâu. Nhưng anh chưa biết là sao họ lại có vốn.
Ngập ngừng một lát, Mạnh và Quang mới dám đánh tiếng hỏi thăm xem có ai trong nhà không?
- Ờ hay, cái anh nhà báo Thủ đô này, nhà mế mà còn không nhận ra sao?
Mế Nụ vừa mắng yêu vừa từ bậc thềm bước xuống nắm tay Mạnh kéo vào ngồi xuống bộ bàn ghế dưới mái hiên. Nước chè xanh mát rượi rót ra, xa cách bao tháng năm như gần lại:
- Đấy, con xem, được cái nhà thôi, đồ đạc chưa có gì hết, tại mế và các em đầu tư hết vào chuồng trại, có mỗi cái ti vi để theo dõi, học hỏi cách trồng trọt, chăn nuôi.
Mế Nụ chưa dứt lời, Quang đã láu táu đón lấy chén nước:
- Chỉ có trâu, bò, gà, lợn… nó đẻ được chứ đồ đạc không đẻ được mế nhỉ, dân thành phố chúng con gọi mua sắm là tiêu sản đấy.
- Đấy! (mế Nụ như nhớ ra điều gì, ánh mắt sáng lên), lại nói chuyện đẻ, mế đố hai đứa biết mế làm gì mà có được như hôm nay?
- Là mế trúng Vietlot à? – Quang ngoác miệng cười đắc ý
Mạnh vừa lườm vừa huých vào tay Quang, mế Nụ cười khà khà.
- Mế là người từ xưa đến nay chỉ biết nghe theo cán bộ, là nhờ cái Chỉ thị 40 của Đảng về tín dụng chính sách xã hội đó. Nhờ thế mà nhà mế và các gia đình trong làng đều được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thiếu mỗi cái vốn chứ đất rộng, bà con mình từ xưa đến nay lúc nào chả cần mẫn, phải thoát được nghèo chứ.
Quang và Mạnh đều "ồ” lên bất ngờ. Quên cả chén nước chè xanh mát, hai người đã theo chân mế Nụ ra chuồng bò từ bao giờ:
- Đấy nhé, các con nhìn xem, có tần ấy năm mà mế gây dựng được. Mà một khi đầu đã xuôi, đuôi sẽ lọt, làm ăn được tí là cái đầu nó thoáng ra, hai thằng em con nó cũng hào hứng cải tạo cái vườn đồi vay thêm vốn trồng cây có múi, đã thu hoạch được 3 năm rồi đấy.
Mạnh thắc mắc:
- Nhà mế là gia đình khó khăn, các em chịu khó nhưng các nhà khác họ chả lẽ đều đi vay vốn?
Mế Nụ giải thích:
- Các gia đình làm được cái này là nhờ có phong trào đấy, mế thì không biết nhiều nhưng thấy là phải có từ tỉnh, huyện, xã… Cán bộ về đây xuống thăm từng vườn, chuồng trại, động viên bà con, thấy họ quyết tâm chả lẽ nông dân lại dửng dưng. Làm giàu ai mà chả thích.
Ba người đang mải nói chuyện bỗng nghe tiếng gọi lớn từ phía cổng:
- Mế ơi, ai để xe chềnh ềnh trước cổng nhà mình thế này?
Mế Nụ reo lên:
- Sinh ơi mày còn nhớ anh Mạnh nhà báo ngày xưa dẫn đoàn thiện nguyện lên tặng quà làng mình sau trận lũ không? Xe anh Mạnh đó.
Mạnh vừa ngó ra đã thấy Sinh từ ca bin chiếc xe tải nhỏ bước xuống.
- Ôi anh Mạnh, hôm nay phải uống rượu với em đấy, dạo này em có cái xe thành ra đi tối ngày anh à!
Mạnh nắm chặt vai Sinh lắc lắc:
- Được, thằng này khá, đi tìm vợ hả!?
Sinh cười:
- Vợ thì… em chưa tìm được, nhưng bà con xã mình khấm khá lắm anh ạ. Nhu cầu vận chuyển vật tư phục vụ cây trồng, hàng hóa nhiều nên em quyết lấy thêm con xe này để chạy.
- Đấy! mế Nụ lườm Sinh rồi quay sang nói với Mạnh - thằng này có chịu lấy vợ để mế được bế cháu đâu, thèm lắm rồi, nhưng mà nó giờ là Bí thư Chi bộ xóm đấy, các bác ở xóm, ở xã bảo nó có học hành lại năng nổ hay giúp đỡ mọi người.
Sinh uống một hơi hết cốc chè xanh rồi ngẩng lên:
- Anh biết không, sống ở đất này bao năm loay hoay như người lạc đường ấy. Ngày xưa chỉ biết vào rừng bẫy chim, đào măng, quanh năm quần quật vẫn đói. Giờ chỉ cần một chủ trương từ trên xuống đến tỉnh, huyện, xã mình, vận dụng sát với thực tế là mình nhìn ra con đường thoát nghèo rất nhanh. Đấy anh xem, xe máy để ngoài cổng không lo mất, nhà nhà, người người lo làm ăn thì an ninh trật tự cũng tốt lên, chủ trương, chính sách nó hiện ra ngay trước mắt mình chứ đâu.
Mạnh như sực nhớ ra điều gì, vội nhìn tờ lịch treo trên tường:
- Hình như cũng sắp Đại hội Đảng bộ tỉnh rồi em nhỉ?
- Vâng anh, đại hội này vui lắm, bên những lá cờ phấp phới của các gia đình chào mừng sự kiện lớn ấy là tấm lòng bà con tin tưởng ở Đảng, ở chính quyền. Anh bảo người dân thì phải mắt thấy, tai nghe mới tin, từ vùng cao đến vùng thấp đều có chính sách rõ ràng tạo nên không khí mới sôi nổi ở tỉnh mình anh à!
- Đúng là - Mạnh ngập ngừng - lâu quá anh không về, mảnh đất này thay đổi thật. Anh ở Hà Nội mà vẫn nghe người ta nhắc đến nông sản Hòa Bình nhưng không ngờ, tỉnh mình, bà con mình năng động quá. Giàu lên mà vẫn xanh, sạch, đẹp, không có tệ nạn. Thảo nào, bạn bè cuối tuần cứ rủ đi phượt Hòa Bình.
Mế Nụ từ dưới bếp bước ra xua tay:
- Chúng mày không định vào ăn cơm à, hôm nay toàn thứ cây nhà, lá vườn nhé. Các con đi học có chữ nói nhiều quá, mế thì chỉ biết nói như một phép màu. Từ xưa đến nay các cụ bảo rồi: Ý Đảng, lòng dân, đánh Tây, đánh Nhật còn được, đánh giặc đói thì phải thắng chứ. Thôi cùng vui nào.
Tiếng cười của mế Nụ và những người con vang lên. Hình như ở đây, nhà nào cũng đầy ắp tiếng cười như thế…
Truyện ngắn của Bùi Huy