(HBĐT) - Mấy chậu cây cảnh ở ban công đã nảy lộc. Mưa nhè nhẹ giăng man mác khắp trời; một vài tia nắng sớm hắt lên phía ban công dẫy nhà phía trước…
Đâu đó, phát ra những âm thanh thánh thót của một bản nhạc không lời, chậm rãi nhưng như thôi thúc, náo nức. Ờ, tháng chạp rồi. Những câu chữ trong "Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng vang lên trong tiềm thức. Chị bỗng thở dài khi nhìn vào trong nhà. Nơi đó, lúc nãy, chồng chị vừa hút thuốc lào vừa hằn gắt chuyện chia bôi đất đai của mấy anh em. Rõ ràng chị đã nói rõ: Ông bà nội chia cho bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, vợ chồng mình không nên đòi hỏi. Vả lại, nhà mình đây cũng có nhà, có cửa rồi; đâu phải lang thang cơ nhỡ. Nhưng anh ấy vẫn cương quyết: Công bằng, mười ngón tay, mười có máu; em không biết chứ, đất quê mình đang lên như diều đấy à. Chỗ đó, quy hoạch đô thị vùng ven thị trấn… Đang có giá… Rồi đùng đùng bỏ đi. Có thể là trà đá ngoài phố rồi đánh cờ, có thể ra bờ sông uống bia một mình say rồi về. Hâm, số sướng thế đấy, 2 đứa con lớn vật vưỡng mà chưa bao giờ biết mặt cô giáo chủ nhiệm chúng nó là ai. Còn chị, đủ việc, nội ngoại, phố xóm… Đã thế còn công việc làm ăn, kinh doanh. Mọi thứ cứ tăm tắp. Mấy ông bạn của chồng từng thốt lên: "Ông là được nhờ vợ đấy, cứ nằm khểnh mà hưởng”. Nói thế thôi, "của chồng công vợ” và ngược lại... Chị cũng chưa bao giờ làm mất thể diện của chồng. Ừ, đáng lẽ câu chuyện đất đai không nên nói ra ở thời điểm này…
Tiếng chuông cửa vang lên… Chị mở cửa… Đầu tiên là nụ cười trắng lóa trên khuôn mặt đen giòn, cùng tiếng nói như muốn hô vang:
- Chị Diệu Hân…
Ôi, đúng cậu em Đức Thái rồi, khuôn mặt đen đen, mái tóc xoăn ngắn cùng nụ cười tươi… Chị xúc động:
- Em về hôm nào? Sao không nói trước để chị ra bến xe đón…
- Em muốn chị bất ngờ, gặp chị… để em đưa món quà biển của mọi người cho chị, sau đó em còn đến thăm người bạn ở ngoại vi thành phố…
Đến lúc này, lòng chị như quên hết mọi chuyện, chỉ vang vọng trong ký ức câu chuyện của 1 năm về trước, nơi có tiếng sóng vỗ, biển cả cùng các chiến sĩ trên 1 hòn đảo tiền tiêu ở miền Trung. Chuyến thăm tặng quà của tập đoàn X. mà chị là thành viên thật là một kỷ niệm đẹp. Món quà mà đơn vị chuẩn bị cho chị đã được biến thành hàng, thành sản vật dành cho các chiến sĩ dịp Tết. Còn chị và nhóm ca khúc "Quê hương” lại còn dành cho đơn vị một chương trình có nhiều bài hát dân ca của 3 miền. Cho nên, lúc đầu, các chiến sĩ ở đảo cứ tưởng chị là một ca sĩ chứ không phải một nữ doanh nhân thành đạt vì chị có giọng hát trong, cao, giàu chất tự sự, nhất là khả năng "ăn” đèn sân khấu, cùng sự biểu diễn hết mình của chị nữa. Nửa ngày lênh đênh trên biển, gần trưa tàu cập cầu tàu. Say sóng lử đử, mệt vì nôn thốc nôn tháo, nhưng khi nhìn thấy hình ảnh các chiến sĩ trẻ ùa ra đón, khuân đồ, dìu các chị, các em ngược đảo, chị và các thành viên thấy khỏe luôn.
Lần đầu đến với đảo và chiến sĩ hải quân thật có nhiều cảm xúc. Trong hàng chục chiến sĩ trẻ, Đức Thái gây ấn tượng với chị bởi khuôn mặt lanh lợi và nụ cười sáng, nhất là sau đôi ba câu chuyện biết lại là đồng hương. Tất nhiên, địa chỉ, số nhà được trao đi, gửi lại. Chiều đó, trong khi các nam thành viên chuẩn bị sân khấu cho đêm diễn thì các thành viên nữ đi tới các khu ở của chiến sĩ. Tại đây, chị chép cho Đức Thái những bài hát về quê hương, biển đảo, cùng những bài dân ca… Đêm đó, tiết mục song ca ngẫu hứng của 2 chị em hóa ra lại là tiết mục "đinh” của chương trình… Một bài hát về thành phố biển quê hương, mang âm hưởng dân ca. Không biết có phải thấy quá tin cậy không mà Đức Thái bộc bạch những ước mơ, hoài bão như sau này ra quân sẽ đi học đại học một chuyên ngành mà cậu ấp ủ từ lâu; cùng đó là câu chuyện tình mới nhen với người bạn học thời THPT… Đêm ở đảo, một đêm thật dài, thật nhiều lời ca, tiếng hát. Chẳng ai muốn ngủ cả… Miền đất mới, lần đầu đến mà sao thấy gắn bó. Phải chăng bằng chính tình cảm, nhiệt huyết của những chiến sĩ trẻ, đã làm đảo "trẻ” lại, sôi động và đáng nhớ. Ngày chia tay, dù được biết đến là "nữ doanh nhân giàu lý trí” nhưng khi tàu rời cầu tàu, nhìn các chiến sĩ, cùng câu gửi gắm của các chiến sĩ: "Hẹn gặp lại…chị Diệu Hân”, chị đã bật khóc…
Cả tuần sau đó, không biết có phải say sóng hay nhớ đảo mà chị bần thần như xa cách điều gì thiêng liêng. Lúc đó, chị chỉ biết mở điện thoại và lướt từng bức ảnh một, lòng thầm nhắc: Chắc chắn sẽ trở lại hòn đảo đó, nơi được phủ viền bởi làn nước xanh, nơi những con sóng lao xao như biết chia sẻ cùng người đi biển. Và nay, khi Đức Thái trở lại… chị thấy mình thư thái và phấn chấn như ngày đó.
- Chị à… Mấy đứa cùng tiểu đội em viết chung một bức thư gửi chị… Mỗi đứa một khúc… Biết em được về phép, bọn nó lùng được cho chị con ốc biển khủng mà đẹp…
Đức Thái còn nói nhiều điều nữa, về những cơn gió chướng trên đảo chị chưa từng trải qua; tâm tư, tình cảm mấy cậu lính trẻ mới xa nhà… Cầm trên tay con ốc biển và đưa lên tai, chị như nghe thấy tiếng sóng, tiếng gió vi vu trong đó, thật kỳ thú. Cũng lúc đó, chồng chị trở về, khi nghe chị giới thiệu, anh à lên và vỗ vai cậu lính trẻ:
- Suốt một năm nay, anh toàn được nghe chị nói nhiều về các em, về đảo, nay mới gặp được… Nay ở lại uống với anh chén rượu nhé…
Giọng nói của anh đã khác, hồ hởi, không giống như lúc sáng nữa. Khi nghe nói, Đức Thái còn phải ra phía ngoại vị gặp bạn, cùng thời gian được nghỉ trong dịp này, anh chốt:
- Thôi để anh đưa đi… đang rảnh. Mà nhớ nhé…Tết này phải đến anh chơi để uống chén rượu xuân đấy…
Không thấy Đức Thái hứa hẹn điều gì cụ thể, nhưng với chị, đang cảm thấy một điều gì đẹp đẽ hiện lên trong lòng: Mỗi chuyến đi, mỗi vùng đất đã qua đều cho ta gặp những con người, những điều kỳ diệu của cuộc sống. Chắc chắn chị sẽ trở lại đảo. Nơi đó, chị sắp thực hiện một dự án trồng cây xanh, rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP…
Truyện ngắn của Bùi Huy
(HBĐT) - Chú Đức về thăm bản Tà Lèng... Tin đó nhanh như điện được loan khắp nơi trong bản. Chiếc xe "zíp” chạy loanh quanh một vòng chân đồi, qua mấy cây cầu bắc qua suối thì tạt vào ngõ nhà tôi. Đám trẻ xung quanh chạy túm tụm bu đông bu đỏ, y hệt cảnh chúng tôi háo hức sờ tay vào chiếc xe mô tô 3 bánh cách đây chừng 25 năm. 2 đứa con nhà tôi vui mừng, hãnh diện ra mặt vì có xe ô tô đến nhà mình, nhảy tót lên ngồi, nhún nhẩy trên nệm…
(HBĐT) - Ngày mai, ngày kia và có thể cả tuần sau, sau nữa sẽ tiếp tục là những chuỗi ngày bận rộn. Phải ăn, ngủ điều độ theo đúng quân lệnh để đảm bảo sức khỏe sẵn sàng tác chiến. Nghĩ vậy, nhưng tiếng kèn hiệu lệnh giờ đi ngủ của doanh trại đã vang lên từ lâu, Thiếu tá Lê Dũng vẫn không thể nào chợp mắt. Anh bật dậy mở toang cửa sổ để ngắm ánh trăng mờ ẩn sau lớp sương đêm dày đặc.
Truyện ngắn của Trần Phan
(HBĐT) - Anh X. không phải là bạn học cũ, chỉ mới quen thân tầm 5 - 6 năm qua các hoạt động thể thao, thiện nguyện, câu lạc bộ cùng sở thích… Nhưng chừng đó thời gian cũng đủ biết anh là người dễ chịu, chỉn chu, có quan điểm sống rõ ràng, thẳng thắn. Làm lao động tự do nên anh phải bươn chải để gồng gánh cả gia đình, nuôi con ăn học. Nhìn bề ngoài, anh là người từng trải, có nghị lực. Nhưng cũng có lần anh thở dài: "Làm ngoài, không có lương vất vả quá ông ạ. Tuy vậy, cũng rèn cho tôi tinh thần vượt khó”.
(HBĐT) - Xán ngồi như tượng trên tảng đá lớn, tay mân mê bông hoa dã quỳ vừa hái, đôi mắt nó buồn xo. Trường sập rồi. Sách vở cũng bị nước cuốn trôi rồi. Thầy giáo Lương cũng đã về xuôi. Đường sạt lở thế kia, sao thầy lên bản được. Mà chắc thầy cũng không lên nữa, vì thầy bảo quê thầy cũng bị lụt, nước ngập vào tận nhà. Xán lại nhìn về phía con dốc ngoằn ngoèo thẳng đứng trước mặt, đất, đá lổn nhổn chắn ngang một đoạn đường dài. Đang bần thần nghĩ ngợi, bỗng thấy dáng ai quen lắm thấp thoáng từ giữa con dốc xa xa. Xán chăm chăm nhìn về phía ấy.
(HBĐT) - Vừa vào nhà, ông Thân thấy vợ vội vàng đưa tay chùi mắt và nhìn lảng bâng quơ sang phía khác. Xung quanh, đứa cháu ngoại và mấy đứa trẻ vẫn râm ran trò chuyện. Còn tivi thì đang chiếu toàn cảnh vùng lũ miền Trung, với những hình ảnh chân thật về con người, cuộc sống vùng lũ bão, đang gượng dậy sau đau thương, mất mát…