Truyện ngắn của Bùi Huy

Cô Lanh không thông báo, nhưng thông tin gia đình cô sắp chuyển về sống ở thị xã Vân Giang lại lan nhanh khắp vùng. Nghĩa là, gia đình cô tạm xa cái thị trấn Sơn Phong này sau gần 40 năm gắn bó. Theo như cách nói của cô: Gọi là tạm xa thôi, chứ đây vẫn mãi là quê hương chứ. Về Vân Giang, cũng là để nghỉ ngơi sau mấy chục năm công tác ở xứ này. Về đó, cũng là để cô trọn đạo hiếu làm con, chăm sóc các cụ cả 2 bên.

Ngày cô mới lập gia đình cùng chú Viễn, các bà bên nội, ngoại chẳng theo cô suốt còn gì, nhất là khi các con của cô còn bé dại… Tôi gọi là cô, vì cô là em họ bố tôi (bố cô Lanh là em ruột ông nội tôi). Nên hồi chú Viễn đi khảo sát địa chất ngang dọc các tỉnh Tây Bắc, bố mẹ tôi chả cắt cử anh chị em chúng tôi luân phiên đến ở cùng cô suốt. Chả biết cái tên Viễn có vận vào đời chú không, nhưng chuyện cô chú là vợ chồng nhưng xa nhau gần 20 năm là có thật. 2 đứa con chú lớn bằng gậy, bằng sào, nhưng thời gian được ở bên bố thật ít. Còn chú thì chẳng nhớ nổi nét chữ con mình, cũng như chưa một lần phải giặt, thay tã cho con lần nào. Hồi chưa lấy cô, chú Viễn như con diều không buộc dây, chao đảo, mất định hướng trong việc gia đình. Ngay cả việc 2 người quyết định cưới, chú cũng không phải là người quyết, dù 2 người yêu nhau từ thời cấp 3. Hồi đó, cô đi làm rồi, dịp hè cô đón xe tải lên Lào Cai. Hôm trước đi, tối mịt hôm sau cả chú về. Chả hiểu ai báo mà cả ông bà nội, ngoại đều có mặt ngay tắp lự. Cô dõng dạc: "Con là con gái, mà gái có thì… Nếu anh Viễn không cần đến cuộc hôn nhân này, thì trước mặt 2 bên phải có ý kiến chính thức. Con muốn yên ổn để công tác, chứ cứ năm này lùi năm khác…”. Chú Viễn chả nói câu nào mà gật đầu sái cổ. Một tuần sau là cưới… Đúng là khi "gái có chồng”, lời ong tiếng ve cũng bớt đi…

Dịp mới đến, bạn bè gần xa cứ là cứ dập dìu. Ngày đun mấy nồi nước chè xanh, bánh trái bày thả dàn. Hầu hết là những đồng nghiệp cũ, rồi hàng xóm. Mà hình như có cả bà Xuyến, hồi cô đến nhận việc đang làm hiệu trưởng; mấy bữa đầu toàn mời cô đến ăn cơm, vì sợ cô lạ nước lạ cái sẽ bỏ bữa. Còn bác Tân nói toàn câu ngắn, ít diễn giải nhưng chu đáo. Bác rủ mấy bác trong khu dành cả buổi đi lấy rơm, ngào bùn trát một số lỗ vách phòng ngủ. Con gái mà, để vách nhà thông thống thế không tiện. Nhiệt tình thế nên bị bác gái hiểu nhầm một dạo, vì nghĩ "tơ tưởng” cô giáo trẻ… Thời đó đơn sơ mà ấm tình. Mấy đứa con, mà có đến chục người được lần lượt chăm bế. Lên lớp lại "quẳng” cho cô chú nào nghỉ tiết. Mà gia đình nào cũng thế nên mọi chuyện cũng thấy bình thường. Tin nhau lắm… Chiều nay, cả nhà giật mình khi có khách mới. Chả phải ai xa lạ, thầy Phăng dạy thể dục chứ ai, đã thế lại đi cùng vợ - cô Ban hiền lành, nhỏ bé hay nhẫn nhịn năm nào. Năm tháng đã khiến thầy trầm lặng, lắng xuống nhiều hơn (dù hồi đó đã được mệnh danh là "lừ lừ tàu điện”). Còn cô Ban vừa bóc bưởi, vừa cười nói rộn ràng kể chuyện về các con… Nhìn hình ảnh hôm nay, chẳng ai dám nghĩ đến chuyện đã qua. Hồi đó, đám học sinh sợ thầy này lắm. Dữ đòn. Hồi cấp 2, thấy thầy ném cái thước "phi” trúng ngực một cậu bạn mà sợ; còn cái tát "tặng” cho đứa nào đang xếp hàng mà cười đùa, trêu trọc nhau thì nhớ đời. Thầy Phăng không phải người ở đây mà là con nuôi bà Ven ở xóm ven thị trấn. Chỉ nghe nói thầy không biết cha là ai, năm lên 10, mẹ đi lấy chồng ở miền Trung. Bơ vơ, may thế nào gặp được bà Ven cưu mang, nên có nhà có cửa, có gia đình như ai… Cũng là chuyện thầy Phăng "để mắt” đến cô Lanh quá mức bình thường nên đám chúng tôi mới để ý. Nhất là thời điểm, chú Viễn chưa chốt "trận chung kết”. Hồi đó, chúng tôi đến khổ vì phải giăng chung quanh cô để giữ cho chú Viễn. Có lần cô thì thào: "Hình như đêm qua có người đứng ngoài vườn. Tối nay mấy đứa đến ngủ cùng cô”. Nhưng chẳng thể đêm nào cũng đến, nên có chuyện "cây chuối rừng” (tên lũ trẻ đặt cho thầy Phăng) đột nhập. Cô dứt khoát: "Em đã có người yêu. Em không thể”. Nghe bảo, những nhà gần đó nghe tiếng lốp bốp trong nhà. Hôm sau, thầy Phăng không đến trường… Chỉ đến khi mấy tuần liền, mỗi chiều tối, cả khu tập thể thấy cô mặc quần cộc, múa côn gỗ vun vút, rồi đá song phi huỳnh huỵch mới thấy "vệ tinh Phăng” lánh dần. Sau này, chính cô lại là người se duyên cho "cây chuối rừng” với cô giáo trường bên. Mà câu chuyện này còn dài lắm, nhất là chuyện thầy Phăng hay nặng tay, nặng chân với vợ (mà cô ấy thì nhỏ bé, hiền lành nhất vùng). Chẳng biết cô Lanh đến đấu lý hay đấu võ với thầy mà từ đó thầy Phăng "hiền” hẳn. Chả thấy nổi nóng, nặng chân, nặng tay với ai nữa. Thảo nào, kỳ hè nào nhà cô cũng nhận được cơ man nào là cam, bưởi do cô Ban gửi đến (chắc là bày tỏ cám ơn đấy mà)…

Hồi cô còn trẻ, cô cứng cáp và mạnh mẽ lắm, cô chơi bóng đá, bóng chuyền và võ thuật như ai. Thời đó, cô giáo mà cắt tóc ngắn là hiếm. Nhưng chỉ sau một tuần chú Viễn ngược núi là cô "xuống tóc". Cô thẳng tưng: Ngắn thế này cho dễ gội đầu. Nhưng không vì thế mà cô bớt xinh đi. Cô có dáng một vận động viên bóng chuyền, nước da cô trắng mịn nên cô có nhiều người theo đuổi lắm. Ngoài cái "mác” cô giáo trường huyện, cô còn được nhiều người quý mến bởi vẻ mặn mà, nhiều sắc diện…

Câu chuyện của những người xung quanh cô Lanh và của cô Lanh ở thị trấn này dài lắm. Mà những người có tuổi thường hay sống bằng kỷ niệm hay sao ấy, bên ấm trà, chuyện cứ chảy từng hồi, tha thiết. Đám các cháu để ý mỗi khi nói đến chuyện xưa, chú Viễn cười hiền như nai rừng, còn cô Lanh, tuy nói cười giòn tan, nhưng đôi lúc trong đôi mắt lại có ngấn nước long lanh, ấm áp.


Các tin khác


Gió mùa Đông Bắc ùa về

(HBĐT) - Thời tiết chuyển mùa nhanh, nhưng vừa đủ cảm nhận. Đang mưa bão, rồi nắng nóng oi bức, bỗng đâu gió mùa phương Bắc đổ xuống kèm thèo mưa dông dài ngày và nhiệt độ giảm mạnh. Những cơn gió heo may ùa về lạnh se sắt đầu đông làm người ta xốn xang, mang theo nhiều tâm trạng thật lạ, cho ta cảm giác rất cần một tổ ấm để trú thân. Có việc ra ngoài vào những ngày gió mùa Đông Bắc, trong mỗi người đều cảm nhận gia đình cần thiết hơn. Giờ đã có gia đình, song những ngày đầu đông khi gió mùa về, biết bao ký ức lại tràn về trong lòng tôi.

Con đường huyền thoại trên biển xanh

(HBĐT) - Vẫn nhớ lần đó, đi tàu ngang qua vùng biển Đà Nẵng, một bạn đồng hành sau khi nhìn trời nhìn biển, khẽ nói đủ cho mọi người nghe: "Đúng là phục sát đất các thế hệ cha anh nhà mình… Thời chiến tranh khốc liệt, chỉ bằng thuyền, tàu cỡ nhỏ mà vận chuyển hàng trăm chuyến, chở vũ khí, khí tài vào Nam đánh giặc. Mà còn đêm hôm, chọn dịp có bão tố để đi, chưa kể tàu chiến, máy bay địch rình mò…"...

Tháng mười thương nhớ

(HBĐT) - Tháng mười về, trời se se lạnh, heo may chùng chình trên tán lá vàng khiến người ta có cảm giác thời gian đang trôi chậm lại, vạn vật cũng chầm chậm nhẹ nhàng lướt qua. Đông đến khiến cho những đứa con xa quê nhớ quê nhà hơn bao giờ hết. Là nỗi nhớ những tháng mười năm xưa bên quê yêu dấu, nơi có bụi tre xào xạc lá rụng, tàu cau rơi xuống khô cong, những ruộng lúa nứt nẻ chỏng chơ gốc rạ…

Tình làng nghĩa nhỏ

(HBĐT) - Xóm của Tâm là một dãy nhà chạy dài ven con mương thủy lợi được khơi từ những năm 70 của thế kỷ trước. Dân xóm đa phần là những công nhân về hưu, nhà cửa đơn sơ nhưng gọn gàng, đường xóm sạch sẽ. Kể từ khi phía bên cánh đồng có mấy nhà máy, dân xóm xây thêm phòng trọ để cho thuê. Dân đông lên, nhà cửa nhiều hơn, xã bắc thêm cái cầu, chia thành hai xóm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục