(HBĐT) - Khi nghe tin tôi đỗ một trường đại học khá danh tiếng ở Hà Nội, cả gia đình vui lắm. Bà ngoại cho người "ship” mấy con gà chạy bộ để bố mẹ tầm bổ cho tôi, vì dáng vẻ cò hương gầy nhẳng. Còn ông ngoại lại có vẻ trầm tư. Lên nhà ông thấy thế, tôi thắc mắc, bà ngoại tủm tỉm: "Không biết. Hỏi ông ấy”. Nhưng rồi bà cũng "bật mí”: "Cháu chuẩn bị vào ngôi trường mà trước đây ông mòn gót đến đó”.


Ôi trời, lại chuyện tuổi trẻ của ông bà thì như kho tiểu thuyết ấy, biết bao giờ hết chuyện… Từ ngày tôi ra đời, biết nhận thức đã nghe mọi người trong nhà gọi ông là nhà "Hà Nội học” rồi. Nhiều lý do đấy, như cả ông bà đều có thời sinh viên lãng mạn và đẹp đẽ ở Hà Nội. Thời bao cấp đói khát mà vui. Theo lời bà kể, 2 người ở 2 vùng quê khác nhau, khăn gói về học. Ông gầy, thấp, được cái mắt sáng, thông minh và hiền. Nhưng ngày ấy, hồi đầu ông chưa biết và quen bà đâu. Năm thứ 2 đại học, ông bị nét quyến rũ của một nữ sinh Hà thành hớp hồn, nhà ở vùng hoa Ngọc Hồng danh tiếng. Người ấy học ở trường bên cạnh, hàng ngày cùng đi chung một tuyến xe điện. Nói là "gái Hà Nội” nhưng người ấy cũng là con nhà lao động, chuyên trồng hoa, trồng rau với các mặt hàng đặc sản như: Hoa lay ơn, hồng, loa kèn, húng Láng… Hoa và rau bốn mùa. Người bạn trồng hoa ấy tên Hương Hà (nghe cũng thấy có thiện cảm). Chắc cũng chưa thể gọi là tình yêu, dù bạn ấy rất quý mến ông. Hai người cũng từng rong ruổi trên con đường ngoại thành sang bên sông Hồng, lên cầu Long Biên ngắm mùa nước lũ; len lỏi dòng người đông đúc lên phố cổ; cùng nghe tiếng lá sấu rụng xào xạc mùa đông ở đường Phan Đình Phùng; ngắm bầy sâm cầm ở Hồ Tây, cùng thưởng thức que kem lạnh buốt chiều đông… Cô ấy mới là đời thứ 2 lập nghiệp ở đây nên vẫn có nét duyên quê. Năm nào cũng cùng bố mẹ về thăm họ hàng, quê hương vào những dịp Tết nhất, giỗ họ. Nên khi gặp nhau, làm quen, ông không thấy có khoảng cách nào. Nhưng khi cô ấy sinh ra ở đây, thì cũng là "cô gái Hà thành” rồi, mang nhiều đường nét, cốt cách nơi này. Thảo nào, ông hoài nhớ, trân trọng một quá khứ đẹp đẽ đó…

Ông đưa cho tôi một vài lá thư của người ấy (gửi cho ông hồi mới ra trường), cùng dòng địa chỉ trên tờ giấy đã úa vàng. Ông bảo: "Bà ngoại không giữ chắc đã mất mấy kỷ vật này sau nhiều lần chuyển nhà… Ra đó, đi tìm, nếu không gặp cũng như thay ông thăm lại phố xưa, nhà cũ. Họ giờ chắc đã lên chức bà rồi...”. Ngày đó của ông… Bao bận rong ruổi trên các con đường Hà Nội… Có lúc cô ấy nhí nhảnh đòi đèo một đoạn vì biết ông đã mệt, chàng sinh viên nhà quê ấy chả nhìn mãi đôi bím tóc lắc lư ngược chiều gió, rồi về nhớ vẩn vơ chiều ký túc. Gói xôi sáng cô dúi vào tay ông khi gặp ở bến tàu điện; cuốn sách hay cô chọn tặng ông ở hiệu sách Quốc Văn. Nhưng đó chưa phải tình yêu? Nhưng chắc chắn là sự quý mến, ấm áp tình bạn bè, vì Hương Hà cũng từng kể rất kỹ với người bạn ấy về gia đình, về những bước ngoặt trong gia đình cô ấy. Và ông cũng từng cùng nhóm bạn, đến chơi và giúp gia đình cô ấy thu hoạch mấy vụ hoa, vụ rau vào mỗi dịp trước Tết. Hồi đó, ai cũng tưởng ông tôi là con cháu gia đình vì tính hay lam, hay làm chăm chỉ, không nề hà việc gì… Vườn hoa nhà cô ấy đẹp lộng lẫy vào mùa thu hoạch. Thương lái đến cất không chê bất cứ bông lay ơn, bông hoa hồng nào… Lúc đứng giữa khu vườn nhiều màu sắc ấy, ông chả từng nghĩ, biết đâu, một ngày nào đó, khu đất bên bờ suối quê nhà chẳng thành những vườn hoa được ươm trồng từ đây.

Những năm tháng sinh viên, Tết nào, trên chiếc xe đạp cà tàng về quê, bao giờ chàng sinh viên quê núi cũng có bó hoa thập cẩm với lay ơn, cúc, hồng, vi-ô-lét, thược dược… Hồi đó quả là một sự xa xỉ, vì cả làng chỉ cắm hoa Tết từ những bông hải đường, hoa đồng thảo dân dã. Chặng đường mấy chục cây số chỉ lo nắng lên, hoa héo, nên được bọc, ngụy trang kỹ lưỡng. Không mấy ai biết, ngày Tết, hoa Hà Nội lại sáng trưng ban thờ gia đình. Cứ nhẹ nhàng và tuần tự cho hết những năm tháng sinh viên. Sau này, ông về quê tìm việc làm, "cô gái ấy” đi dạy ở một huyện ngoại thành… vẫn thư từ như những người bạn xưa cũ, cho đến ngày ông gặp lại bà ngoại bây giờ. Những sương khói mong manh một thời cũng dần tan trong ký ức khi con người phải đối diện thật với cuộc sống đời thường: Biên chế, thu nhập, con cái, mối quan hệ họ hàng… Cũng có lúc ông thở dài mỗi khi dịp Tết, được nhận các món quà từ Hà Nội (hoa, mứt, ô mai)… Bà ngoại lúc ấy cũng chẳng vừa. Bà dứt khoát: Cái gì đã qua, không nên níu kéo, nhất là đã có cuộc sống gia đình… Ông lui "ở ẩn”, nhưng mỗi dịp đi Hà Nội (bao giờ cũng phải cùng bà ngoại), ông bà tha về bao sách, tranh, đĩa nhạc về Hà Nội. Bà cũng hiểu lòng ông nên có lần bà ướm: "Sao anh không quay trở lại để xem họ sống thế nào? Em không có ý kiến gì đâu”. Ừ, phụ nữ họ nói vậy thôi, ông thở dài và lảng tránh cái nhìn của bà. Cũng mất mấy năm đầu ông mới vượt được nỗi hoài nhớ bâng quơ đó. Đúng là ông vẫn đang giấu bà về một lá thư (khi ông cưới bà được vài tháng), trong đó cô ấy trách ông: "đồ ngốc”. Cùng một khổ thơ mà đọc xong mọi chuyện vỡ òa, rõ ràng: Có khi nào trên đường đời tấp nập/ Ta vô tình đã đi lướt qua nhau/ Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất/ Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu. Tại tuổi trẻ nông nổi, hay tuổi trẻ dại khờ, thiếu nhạy cảm. Dù gì thì mọi chuyện cũng đã qua. Đó luôn là vùng ký ức đẹp để mỗi khi nhìn lại, nhớ về thấy được niềm vui và hạnh phúc. Tôi hiểu được tâm tư của ông, cùng nỗi phập phồng hồi hộp khi nghĩ về Hà Nội và con phố ông từng qua.

                                                              Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục