(HBĐT) - Xóm của Tâm là một dãy nhà chạy dài ven con mương thủy lợi được khơi từ những năm 70 của thế kỷ trước. Dân xóm đa phần là những công nhân về hưu, nhà cửa đơn sơ nhưng gọn gàng, đường xóm sạch sẽ. Kể từ khi phía bên cánh đồng có mấy nhà máy, dân xóm xây thêm phòng trọ để cho thuê. Dân đông lên, nhà cửa nhiều hơn, xã bắc thêm cái cầu, chia thành hai xóm.


Nhà Tâm ở ngay đầu xóm bên này, chỉ dăm bước chân qua cái cầu nhỏ là ra đến đường lớn. Từ nhỏ, anh cũng là đứa lành tính, ít giao du với người dân trong xóm. Lớn lên đi làm rồi lập gia đình, anh đi công tác, du lịch khắp nơi, nhưng lại ít khi vào xóm chơi với bà con. Có lần Hiền - vợ anh bảo: "Chắc trừ cái xóm này ra còn chỗ nào trên đất nước này chẳng có dấu chân anh nhỉ?”.
Ấy thế mà mấy bữa nay, Tâm thấy xóm có vẻ vắng lặng lạ thường, tiếng xe qua lại thưa hơn. Lúc ăn cơm trưa, thằng con khoe:
- Bố ơi, xóm trong kia có cái dây màu vàng giăng đẹp lắm, không ai chui qua được.
- Thôi ăn đi con, để bố ăn còn nghỉ đi làm, luyên thuyên - vợ Tâm nhắc con.
Tâm đang và cơm liền buông đũa, mặt thất thần: 
- Thôi chết, thế là trong ấy bị phong tỏa à? 
Thực ra, chuyện bị phong toả cũng chẳng có gì lạ giữa mùa dịch này. Nhưng ngày hôm qua, Tâm vô tình lướt facebook thấy một trang có đăng hình ảnh về xóm trong mà thật ái ngại. Từ ngày trường mầm non tạm đóng cửa, bố mẹ đi làm ca, lũ trẻ ở nhà tự trông nhau nô nghịch lấm lem nghĩ đến mà thương.
Tối đến, vừa gấp quần áo Hiền vừa buông một câu:
- Thế là hai nhà máy bên kia đóng cửa    rồi anh ạ.
- Dịch dã thế này thì công nhân phải nghỉ chứ biết sao? Để các ông, các bà đi làm có mà "toang” à?
Tâm buột miệng rồi chợt nhớ ra chính vợ anh cũng từng là một cô công nhân bên ấy. Những lần Hiền từ xóm trọ đạp xe qua đây, hai người để ý quen nhau, rồi nên duyên vợ chồng. Hình như mấy đêm nay Hiền khó ngủ, chắc cô chạnh lòng nghĩ đến những người bạn cùng làm. Tâm ngồi dậy, vén rèm cửa nhìn sang, nhà máy chỉ còn leo lét dàn đèn bảo vệ phía ngoài chứ không còn ánh đèn ca 3 trong các nhà xưởng như mọi đêm nữa.
 Mọi ngày, anh hay càu nhàu về nhóm công nhân tan ca về khuya. Đêm nay, không hiểu sao vắng ánh đèn ấy anh lại không thể nào ngủ được. Bên phòng, tiếng con bé Lan ho khe khẽ, chắc nó lại thích để nhiệt độ điều hòa quá thấp. Anh nhớ hồi nó mới 3 tuổi, nhân lúc bà nội không để ý, nó mon men ra mương nước rồi trượt chân té xuống. May sao, một người công nhân đi làm ca đêm về bắt gặp đã lao xuống cứu con bé và bị thương. Đến giờ, nếu có gặp lại anh cũng không thể nhớ được người đó. Ở đây người đến người đi luân phiên, chẳng mấy ai bám trụ được quá 3 năm. 
Bỗng dưng, Hiền quay sang hỏi chồng:
- Mai là 20 rồi anh nhỉ, nhanh thật.
Đúng là suýt nữa anh quên. Ngày mai là sinh nhật Hiền, cũng là ngày quen nhau. 
Sáng ra, đến cơ quan một lúc rồi Tâm lượn ra đường. Vừa dựng xe, bước vào tiệm vàng bạc đá quý ở thị trấn thì Tâm bị một gã chen lấn. Cái lưng lừng lững của gã như một con gấu làm Tâm liêu xiêu. Gã đứng chắn ngang trước mặt anh, miệng nói oang oang với chủ tiệm:
- Xem cái này hôm nay được bao nhiêu?
Chủ quán nhìn dây chuyền vàng trên tay gã mặt lạnh tanh:
- Mổ được ở đâu vậy? Đem chỗ khác, tao không "nuốt” được.
Gã to cao giọng tự tin:
- "Mổ” đâu mà "mổ”, người ta nhờ tao bán hộ đấy. Này, tao giờ làm ăn lương thiện rồi nhé. Thằng bạn trong khu cách ly nhờ bán hộ. Không có việc mà nhà nó túng quá.
- Thằng nào mà lại đi nhờ mày?
- Thằng Lộc cụt, phân xưởng III ấy.
- À - chủ quán có vẻ nhớ ra - Lộc cụt hai ngón tay, mặt có cái sẹo vì ngày xưa lao xuống mương cứu con bé gái đấy hả?
Tâm bàng hoàng quay sang nhìn hai người đàn ông như không tin vào tai mình. Đúng là Lộc, người cứu con gái anh tên Lộc. Tâm cứ thế lẩm bẩm trong miệng cho đến khi nhận ra gã cao to đã đút sợi dây chuyền vào túi phóng đi mới hớt hải chạy theo. Phải van nài mãi hắn mới chịu bán. Sau khi đút số tiền vào túi hắn còn quăng một câu mỉa mai:
- Giữa thời cô vít cô veo này mà còn có người lén lén lút lút mua vàng tặng bồ như ông cũng được đấy…
Nghĩ cũng cực, mua được đồ mà như mất của. Cơm tối xong. Tâm lặng lẽ đi nằm. Chưa bao giờ anh sợ trở về căn nhà đến thế. Hiền là người vợ nhu mì, ít nói nhưng bao giờ cũng nhận được ở chồng một sự tôn trọng. Hàng tháng có lương hay khoản tiền nào Tâm đều đưa cho vợ. Sáng ra, khi cho ví tiền vào túi quần, bao giờ anh cũng nhận ra chỗ mép ví hơi vênh lên bởi tối Hiền đã đặt vào ví anh một ít tiền, phòng khi chồng đi đâu gặp bạn gặp bè. 
Tâm nằm im vờ ngủ, Hiền nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh, một lúc sau mới cất tiếng nói với chồng:
- Anh nhớ hôm nay là ngày gì không?
Nghe từng lời Hiền nói, Tâm ấp úng:
- Ngày… ngày hôm nay à… à, nay là sinh nhật em nhỉ?
Hiền tinh nghịch bấm vào tay chồng: 
- Tưởng anh quên. Anh vẫn nhớ là được rồi. Em không đòi quà đâu nhé, em có việc này muốn bàn với anh.
Thấy vợ lảng sang việc khác, Tâm mừng thầm:
- Em nói đi? 
- Hay là vợ chồng mình để dành số tiền mua quà ấy cho việc khác. À, anh còn nhớ anh Lộc bị cụt hai ngón tay, người đã cứu con Lan nhà mình ngày trước không?
Tâm chợt nghĩ đến cái dây chuyền vẫn nằm trong ngăn cặp.
- Anh nhớ, nhà anh Lộc còn ở trong xóm sao em?
- Còn anh à. Hôm nay em gọi cho vợ anh ấy, thấy họ túng bấn quá. Chị ấy bảo bên công ty cũng khó khăn nên chỉ mới ứng được một phần lương cho công nhân. Giờ lại đang lúc bị phong tỏa nên chị không đi làm việc vặt kiếm thêm được. Chị ấy kể, có sợi dây chuyền từ ngày cưới sáng nay cũng phải nhờ người đem bán hộ… Mà… cái ông nào mua cũng có tâm, trả cao lắm anh à. Đúng là người tốt vẫn còn anh nhỉ?
Tâm lặng lẽ lấy sợi dây chuyền đặt vào   tay vợ:
- Ông ấy tốt là bởi có… vợ tốt đấy em à?
Hiền lườm yêu chồng rồi nép vào ngực Tâm. Anh cảm thấy ngoài kia như đang có tiếng bánh xe của những người trên đường. Một cơn gió thổi lao xao hàng cây bên xóm nhỏ…      

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 


Các tin khác


Gió heo may - nhớ mùa thu giải phóng Thủ đô

(HBĐT) - Thấm thoát đã 67 năm Thủ đô Hà Nội đã được giải phóng. Ngày đó, ngày 10/10/1954, gió heo may về, mùa thu tràn ngập Hà Nội trong cái nắng vàng tươi. Hà Nội tưng bừng màu đỏ cờ hoa. Năm cửa ô rộng mở đón chào đoàn quân từng ra đi vượt sông Hồng, để 9 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đoàn quân hào hứng trở về.

Thị xã ngày nào, thành phố hôm nay…

(HBĐT) - Người bạn từ phương Nam xa xôi thể hiện những dòng trạng thái trên Facebook với những tình cảm trân trọng về miền quê bên dòng sông Đà đang chuẩn bị chào đón tròn 30 năm từ ngày tái lập tỉnh. Bạn vui vì thành phố vẫn đang yên bình trong khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên toàn quốc. Thành phố hôm nay và thị xã ngày xưa… Bạn nhắc nhiều về những kỳ niệm thời ấu thơ, dù thành phố này không phải là nơi sinh ra, nhưng lại là nơi có nhiều kỷ niệm, dấu ấn về tình bạn, tình yêu, tình quê hương thắm thiết…

Nẻo sáng

Đêm đã tàn canh mà Thu không thể nào chợp mắt. Hết lăn qua, lăn lại, bóp, nắn hai cánh tay mỏi nhừ, mát xa mắt, bấm huyệt thái dương rồi lại đếm số từ một đến một trăm tới cả 5 lần vẫn không thể chìm vào giấc ngủ. Chẳng là tâm can Thu đang bị giằng xé bởi hai luồng cảm xúc: Một bên là sự thôi thúc của tình yêu, một bên là tiếng gọi của tình mẫu tử.

Trách nhiệm chung!

(HBĐT) - Hoàn thành xong bài thể dục dưỡng sinh, ăn sáng, ông Bình vừa giở tờ báo để cập nhật thông tin thì nhà có khách. Là ông Đông, tổ trưởng tổ dân phố:

Những mùa trăng…

(HBĐT) - Tiếng đứa con gái của anh vang lên bên tai như một sự đánh thức về một điều gì đó tưởng như quá xa vời: "Trung thu năm nay… mà chẳng thấy bố ỏ ê gì. Con cứ chờ mãi, chờ mãi dài cổ ra”. Tiếng bà nội vọng từ ngoài vườn: "Thì mẹ cháu chẳng đã mua bánh, hoa quả về rồi đó thôi. Em con đã có đèn ông sao còn gì”. Vẫn tiếng đứa con gái nhõng nhẽo, kéo dài giọng: "Bố phải có quà riêng chứ. Gì thì gì con năm nay đã được chọn vào lớp chọn "xịn” của trường. Thành tích đó thưởng dịp Trung thu là đúng rồi”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục