Truyện ngắn của Bùi Huy

Chị đã chẳng định nói lại câu chuyện này nếu như Như Thiếu, một bạn học cùng quê, cùng học THPT năm nào không dăm ba bận gọi điện và có lần đến gặp trực tiếp có liên quan đến cuộc sống gia đình anh ta. À mà phải gọi Như Thiếu là tác giả nhiều triển vọng chứ không phải không có danh phận gì, hay chỉ nhõn cái tên Thiếu như ngày nào. Chị nhớ đêm gặp lại Thiếu, khi cùng nhóm bạn sáng tác đi dự đêm "Ga la mùa thu vàng” tại sân khấu ngoài trời ở một resort miền sơn cước.

Đêm đó, dự khán một phần nhỏ là du khách ở một vài tỉnh lân cận, còn lại là các tác giả tham gia trại sáng tác của bộ H. Cũng gần trăm con người chứ ít đâu. Ở hầu hết các lĩnh vực, trẻ có già có, trung trung tuổi cũng có. Tới một tiết mục ca nhạc, chị giật mình, suýt ngã nhào vào hàng ghế trước. Ai như "lão” Thiếu bạn học cùng trường năm xưa (thậm chí còn viết thư tán tỉnh một lúc mấy cô trong trường, trong đó có cả cô bạn thân của chị). Còn ai vào đấy nữa, thấp nhỏ thó, có quả đầu "bút thép - bóng nhựa” đình đám, tóc lơ thơ. Mà kỳ nhất là nụ cười của "lão”. Hồi đó, đang tuổi trẻ, nhìn cái gì cũng muốn phải lấp lánh, đẹp, hoàn hảo, nên khi thấy hàm răng vàng xỉn đen lỗ chỗ, chị đã giật mình đánh rụp một cái… Thất vọng. Vậy mà đêm nay, trên sân khấu, Thiếu đang so lại dây đàn. Nghe đôi lời phi lộ, thì đây là sáng tác mới nhạc và lời của Như Thiếu. Đại loại một bài hát với những ca từ sáng choang, lấp lánh ca ngợi vẻ đẹp của khu du lịch danh tiếng này. Theo như lời anh ta: Muốn đề nghị resort này lấy đây là bài "Resort ca”. Để mỗi khi khách qua đây đều nên nghe, nên thưởng thức. Nhưng mà giọng hát thì khê khê, khè khè, khàn khàn… sao anh ta không nhờ mấy tác giả nữ mỗi lần đi hát karaoke, ai cũng tưởng là chuyên nghiệp. Đến đoạn cao trào, anh nấc lên, nghẹn mấy lần. May những tràng pháo tay của các đồng nghiệp cũng cứu nguy cho anh ta ở những đoạn cuối. Chị thấy buồn buồn, lặng lẽ rời khu vực gần khán đài và lùi về phía cuối cùng. Nơi có các căng tin di động đang bán cà phê. Chị nhìn vào màn sáng lung linh ở phía hồ nước và chợt bật cười: Nếu ngày đó, nếu anh Như Thiếu "tỉnh” ra, đừng gửi thư tay đến 4 cô gái khá đẹp của trường cùng đợt và biết rằng họ là bạn từ thời mẫu giáo thì chắc không có màn kịch 4 cô gái cùng gặp để nhận lời yêu của Như Thiếu. 4 bức thư đều ngào ngạt nước hoa và trên cùng một loại giấy pơ-luya hồng mỏng, có hình bông hoa hồng in chìm vào trong; cùng một màu chữ mực tím (để ngầm nói về lòng chung thủy ư?). Bày tỏ tình cảm tha thiết, mùi mẫn, không khác nhau dù chỉ là dấu phẩy (mà cũng phục đấy, chép mỗi thư đầy đặn 4 trang). Lê - cô bạn thân của chị được phân công ra gặp trước ở phía sau sân trường. Khi Như Thiếu vừa nói xong câu: "Mình sẽ rất hạnh phúc khi có bạn” thì ba bạn kia cùng đến. Họ "nức nở” với Thiếu: Bạn phải chọn tớ chứ, thì Thiếu tái dại khuôn mặt, lẩy bẩy bước đi về phía lớp. Cả lũ được một trận cười nắc nẻ và cổ động viên duy nhất chính là chị… Vậy mà sau mấy chục năm lại gặp Như Thiếu ở đây. Những đám lá khô, xơ xác từ góc vườn xô dạt quẩn đến chỗ chị ngồi. Có bước chân phía sau, cùng tiếng nói lào khào:

- Chương trình đang đến các tiết mục "đinh” sao Huệ lại bỏ ra đây?

- Cám ơn cậu đã nhận ra mình. Mình thấy mệt mệt nên ra đây uống cốc nước thôi.

Như Thiếu nhìn xoáy vào đôi mắt chị: Hôm xem danh sách các tác giả dự trại, mình đã đoán ra là bạn. Vì bạn có cái họ không giống ai - kèm tiếng cười khùng khục, khoái trá. Chị liếc nhìn: Vẫn hàm răng ngày đó, nhưng nay một chiếc đã được bọc vàng sáng óng. Chị suýt không kìm được một tràng cười. Chị nhận lời đi dạo một chút chỉ vì lý do duy nhất, là bạn cùng trường năm nào, nên chị biết thêm về những năm tháng lăn lộn gắn bó "duyên tình” với nghệ thuật của Như Thiếu. Nghe Thiếu kể, đã có mấy tập thơ nhạc in chung; có mấy trường gần cơ quan đã đặt bài Thiếu viết "trường ca”. Hôm nọ mới làm mấy cái đĩa CD, thu chính giọng tác giả. Nghe thế, chị suýt phì cười, may kìm được. Rồi Như Thiếu lúc lắc cái đầu: Hình như mình bị "trời đày” hay sao mà còn bị ngoặc cả vào hội họa và kịch ngắn nữa. Chị đưa đẩy: Đa tài thế thì lấy hết "đất sống” của bọn tôi còn gì. Nghe thế, Như Thiếu phân trần: Có khi mình định tổ chức 1 đêm thơ nhạc. Bạn dẫn chương trình nhé…

Ôi, chị kêu lên thành tiếng. Sao có thể thế được. Chị chuyển hướng thăm hỏi chuyện gia đình, như vớ được cọc, anh như thấy được có người chia sẻ:

- Mình không may mắn chuyện gia đình. Có đến mấy vịt giời. Vợ làm tự do không tương xứng danh phận của mình. Mà mình là con trai trưởng. Độc đinh. Mỗi lần về họp họ, các bác nói xa nói gần mà tụt hết cảm hứng sáng tác…

Về thành phố, cuộc sống, công việc cuốn hút, chị cũng dần quên chuyện về Như Thiếu. Nhưng đôi ba lần, chị nhận được cú điện thoại mời dự đêm nhạc này, đêm thơ nọ ở một số trường học mà anh ta đăng đàn. Chị chối. Công việc, rồi gia đình bận ngập đầu, đâu rảnh để theo trường thăng hoa của anh ta. Nhưng một sáng, "lão” ấy đã đến tận cơ quan tìm chị. Có vẻ hớt hải lắm:

- Bạn ơi… nhà mình đang có biến… Con bé út ốm nặng. Bạn cho tôi vay ít tiền nhé…

Chị hơi bất ngờ vì một người không thân thiết hỏi vay tiền, nhưng khi nghe kể vợ anh ta đang không biết xoay sở ra sao để cho con ra thành phố chữa bệnh. Bán cả lứa lợn giống mà vẫn kiểu muối bỏ biển… Chị buột miệng: Thế thu nhập của ông đâu, chả lẽ không giúp được gì cho vợ con. Lương ông cũng cao chứ?

Như Thiếu nói như hụt hơi: "3 năm nay tôi có về nhà đâu. Bận lắm, bao việc. Hết dự án này đến công trình nọ… tiền bạc đổ vào đấy hết mà. Mà ở quê, có tiêu pha gì đâu”… Chả buồn nghe nhưng chị vẫn đai thêm: "Thế con lớn vào đại học chưa, còn con út học lớp 4 à”? Tiếng nhạt hoét bên tai: Cũng nghe nói đã xong tốt nghiệp THPT, chả biết thi được trường nào không hay giống mẹ nó ruộng ruộng đồi đồi. Còn con út hình như lớp 6 rồi…

Đưa chút tiền cho Như Thiếu mà lòng chị nặng trĩu, hoang hoải. Sao mà có người cha lại dửng dưng với cuộc sống của những người thân thiết của mình như vậy. Trước mặt chị là hàng cây đang mùa lá đổ. Lớp lớp rơi xuống những chiếc lá khô gầy xơ xác và bị gió cuốn xô dạt cuối con đường.


Các tin khác


Thị xã ngày nào, thành phố hôm nay…

(HBĐT) - Người bạn từ phương Nam xa xôi thể hiện những dòng trạng thái trên Facebook với những tình cảm trân trọng về miền quê bên dòng sông Đà đang chuẩn bị chào đón tròn 30 năm từ ngày tái lập tỉnh. Bạn vui vì thành phố vẫn đang yên bình trong khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên toàn quốc. Thành phố hôm nay và thị xã ngày xưa… Bạn nhắc nhiều về những kỳ niệm thời ấu thơ, dù thành phố này không phải là nơi sinh ra, nhưng lại là nơi có nhiều kỷ niệm, dấu ấn về tình bạn, tình yêu, tình quê hương thắm thiết…

Nẻo sáng

Đêm đã tàn canh mà Thu không thể nào chợp mắt. Hết lăn qua, lăn lại, bóp, nắn hai cánh tay mỏi nhừ, mát xa mắt, bấm huyệt thái dương rồi lại đếm số từ một đến một trăm tới cả 5 lần vẫn không thể chìm vào giấc ngủ. Chẳng là tâm can Thu đang bị giằng xé bởi hai luồng cảm xúc: Một bên là sự thôi thúc của tình yêu, một bên là tiếng gọi của tình mẫu tử.

Trách nhiệm chung!

(HBĐT) - Hoàn thành xong bài thể dục dưỡng sinh, ăn sáng, ông Bình vừa giở tờ báo để cập nhật thông tin thì nhà có khách. Là ông Đông, tổ trưởng tổ dân phố:

Những mùa trăng…

(HBĐT) - Tiếng đứa con gái của anh vang lên bên tai như một sự đánh thức về một điều gì đó tưởng như quá xa vời: "Trung thu năm nay… mà chẳng thấy bố ỏ ê gì. Con cứ chờ mãi, chờ mãi dài cổ ra”. Tiếng bà nội vọng từ ngoài vườn: "Thì mẹ cháu chẳng đã mua bánh, hoa quả về rồi đó thôi. Em con đã có đèn ông sao còn gì”. Vẫn tiếng đứa con gái nhõng nhẽo, kéo dài giọng: "Bố phải có quà riêng chứ. Gì thì gì con năm nay đã được chọn vào lớp chọn "xịn” của trường. Thành tích đó thưởng dịp Trung thu là đúng rồi”. 

Hoài vọng vầng trăng thu

(HBĐT) - Trong nhịp thời gian từ hạ sang thu, giao cảm giữa con người với thiên nhiên thì thu là mùa của yêu thương, mùa để lại trong lòng người những kỷ niệm đẹp. Mùa thu đã bắt đầu trái ngọt/Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa.(Tố Hữu)

Gió thổi vườn xưa

(HBĐT) - Hồi mới chớm thu, gió thổi vờn nhẹ hơn trên những tầng lá biếc khu vườn bên đồi. Nhưng mấy đêm nay, gió cứ ào ạt thổi mãi không thôi. Tàu lá chuối khô sau nhà cứ ràn rạt âm thanh, rồi những bẹ cau không cầm cự nổi rơi bay chấp chới. Lũ trẻ nhà bên sang xin để lấy làm đồ kéo nhau trên đường. Trước thì chả cho đâu, còn làm quạt, làm mo nắm cơm đi nương, đi rừng. Giờ không ai dùng, đi đâu cũng có cạp lồng rồi. Nước uống cũng chẳng dùng ống bương đựng như xưa, chai nhựa nước khoáng đầy ngoài đại lý. Bọn trẻ bây giờ sướng thật, cái gì cũng tiện dụng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục