(HBĐT ) - Nếu thức dậy và đi làm sớm qua công viên hay quảng trường, dễ dàng bắt gặp những người đang tập thiền, khí công. Nhưng sớm hơn nữa phải là những tiếng lách cách từ chiếc xe đẩy của chị bán xôi, bánh mỳ sáng; từ tiếng bay, thước của mấy bác thợ hồ. Những người dậy sớm cho ngày đến sớm, khiến nhanh hết tháng, hết năm.
Hẳn là, ai trong chúng ta cũng từng ngao ngán với mấy phút đợi một chuyến xe bus, thậm chí là mấy chục giây đợi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu xanh. Thời gian của sự chờ đợi, thời gian đón nhận dài hun hút, trong khi thời gian để xem một bộ phim hay, để làm một bài thi, hay bên người yêu dấu… lại nhanh vô cùng. Thời gian ta tiêu pha và nhận về hình như không cùng đại lượng. Vậy mà, giữa hai sự chông chênh, lệch pha đó vẫn là một nhịp sống.
Mỗi khi ngồi nhìn giọt cà phê tí tách, lại nhớ đến cái vòi nước cũng long tong chảy chậm chạp ở các khu tập thể thời bao cấp. Một thứ là sự níu giữ tinh chất, một thứ là sự cũ kĩ, lạc hậu, thiếu thốn. Ngày ấy, người ta đã quen với sự chờ đợi của việc xếp hàng những thùng gánh nước, xô chậu, rồi đâm ra có thời gian hỏi han, hiểu nhau mà thành thân tình. Ngày nay, những ly cà phê rang say đặc sánh níu từng giọt nước sôi để câu chuyện thêm sâu lắng. Có quán cà phê còn gắn một slogan dưới bảng biểu: hãy sống chậm lại, để sống chậm lại…
Ở phố là gấp gáp, ở phố cũng là ách tắc dầm dề ngập lụt. Nhanh hay chậm? Câu hỏi ấy có khi đốt xong một điếu thuốc, nhâm nhi một ly cà phê vẫn chưa thể có câu trả lời. Ở phố, chuyện gì cũng được cắt nghĩa không đầu, không cuối, bàn luận không thiếu không thừa. Người trải đời nhất cũng về đây ở, người ngu ngơ nhất cũng quanh quẩn ở đây, bàng cứ rụng lá, bụi cứ bị sự vội vã mưu sinh xới xáo lên thành một thứ bám víu mà như níu giữ thời gian…
Phố núi của tôi có một dòng sông vẫn giữ được đôi chút hoang dã thuở nào. Mùa lũ, những cành củi với trăm ngàn hình hài trôi về hạ lưu trong cơn bĩ cực của núi rừng. Người bạn già chiều nào cũng ra ngắm sông, kể cho tôi nghe những ký ức của rừng. Tôi nhận ra, phố tuy ồn ào mà cũng có nét hoang sơ. Từng tán bàng phủ bụi, từng phiến đá vỉa hè mòn nhẵn, những cột điện già nua, một mầm si bám lấy tường tróc lở… Người ta yêu phố như từng yêu cố hương, người ta neo mình vào phố để nhịp sống chậm vừa đủ để ngẫm xem một ngày qua có gì hay dở. Nhưng, cũng không ai quên đạp mạnh guồng quay của những bánh xe để gấp gáp kiếm bát cơm, manh áo, gói chè… về với mái nhà yên ấm của mình. Nghe trong phố có từng nhịp thở của người mua đồng nát gò lưng đạp xe, của em bé hồi hộp khi lần đầu được ông dắt qua đường, sự lặng thinh của người đi xa lâu ngày bâng khuâng khi trở về phố cũ, ngắm lại căn gác xưa… Ta đang gom nhặt thời gian hay phung phí tiêu pha, tất cả đều là những đại lượng muôn hình của cảm xúc. Bất chợt, một nụ cười thân quen, ta chưa nhận ra nhưng cũng nhẹ nhàng đáp lại bằng một sự thân thiện như thế. Biết đâu nhịp phố còn là đến chừng nào ta nhận ra nhau, ơi cố nhân…
Tản văn của Bùi Việt Phương
(HBĐT) - Khi nghe tin tôi đỗ một trường đại học khá danh tiếng ở Hà Nội, cả gia đình vui lắm. Bà ngoại cho người "ship” mấy con gà chạy bộ để bố mẹ tầm bổ cho tôi, vì dáng vẻ cò hương gầy nhẳng. Còn ông ngoại lại có vẻ trầm tư. Lên nhà ông thấy thế, tôi thắc mắc, bà ngoại tủm tỉm: "Không biết. Hỏi ông ấy”. Nhưng rồi bà cũng "bật mí”: "Cháu chuẩn bị vào ngôi trường mà trước đây ông mòn gót đến đó”.
(HBĐT) - Thời tiết chuyển mùa nhanh, nhưng vừa đủ cảm nhận. Đang mưa bão, rồi nắng nóng oi bức, bỗng đâu gió mùa phương Bắc đổ xuống kèm thèo mưa dông dài ngày và nhiệt độ giảm mạnh. Những cơn gió heo may ùa về lạnh se sắt đầu đông làm người ta xốn xang, mang theo nhiều tâm trạng thật lạ, cho ta cảm giác rất cần một tổ ấm để trú thân. Có việc ra ngoài vào những ngày gió mùa Đông Bắc, trong mỗi người đều cảm nhận gia đình cần thiết hơn. Giờ đã có gia đình, song những ngày đầu đông khi gió mùa về, biết bao ký ức lại tràn về trong lòng tôi.
(HBĐT) - Vẫn nhớ lần đó, đi tàu ngang qua vùng biển Đà Nẵng, một bạn đồng hành sau khi nhìn trời nhìn biển, khẽ nói đủ cho mọi người nghe: "Đúng là phục sát đất các thế hệ cha anh nhà mình… Thời chiến tranh khốc liệt, chỉ bằng thuyền, tàu cỡ nhỏ mà vận chuyển hàng trăm chuyến, chở vũ khí, khí tài vào Nam đánh giặc. Mà còn đêm hôm, chọn dịp có bão tố để đi, chưa kể tàu chiến, máy bay địch rình mò…"...
(HBĐT) - Tháng mười về, trời se se lạnh, heo may chùng chình trên tán lá vàng khiến người ta có cảm giác thời gian đang trôi chậm lại, vạn vật cũng chầm chậm nhẹ nhàng lướt qua. Đông đến khiến cho những đứa con xa quê nhớ quê nhà hơn bao giờ hết. Là nỗi nhớ những tháng mười năm xưa bên quê yêu dấu, nơi có bụi tre xào xạc lá rụng, tàu cau rơi xuống khô cong, những ruộng lúa nứt nẻ chỏng chơ gốc rạ…
(HBĐT) - Xóm của Tâm là một dãy nhà chạy dài ven con mương thủy lợi được khơi từ những năm 70 của thế kỷ trước. Dân xóm đa phần là những công nhân về hưu, nhà cửa đơn sơ nhưng gọn gàng, đường xóm sạch sẽ. Kể từ khi phía bên cánh đồng có mấy nhà máy, dân xóm xây thêm phòng trọ để cho thuê. Dân đông lên, nhà cửa nhiều hơn, xã bắc thêm cái cầu, chia thành hai xóm.