(HBĐT)-Được đến trường học hành, trau dồi kiến thức, được gặp thầy cô, bạn bè để cùng xây lên những chân trời, khát vọng mới, đó là hạnh phúc thời học sinh, sinh viên. Nhưng khi gặp được những người thầy, người cô - "người lái đò” thầm lặng tuyệt vời, thì hạnh phúc càng được nhân đôi… Mỗi đời người, có thể kể ra rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm, tình huống gắn bó với thầy cô. Cho dù, thời buổi 4.0, chuyển đổi số, cho dù trong cuộc sống vẫn còn chuyện này, chuyện nọ liên quan đến đến mảng "sáng tối” của ngành, của nghề, nhưng những hình ảnh đẹp đó không bao giờ phai mờ.
Trong miền ký ức không nhiều về lớp vỡ lòng bên dòng suối nhỏ những năm đầu thập kỷ 70 của thế XX, bác M. không thể quên hình ảnh về thầy giáo già trong bộ đồ gụ giản dị mỗi lần lên lớp. Đi 4 - 5 km đường đồi núi để được đến lớp, nên một lớp học đơn sơ (bàn là ghế băng và ghế ngồi là ghế gỗ nhỏ, dùng để ngồi ăn cơm ở các gia đình)… cũng không làm giảm nhiệt tình học hành của các bạn cùng lớp. Ấn tượng về thầy chính là sự nhỏ nhẹ, hiền từ, mực thước. Toàn lũ lau nhau 6 - 7 - 8 tuổi khó bảo, nhưng thầy vẫn kiên trì rèn các em từng con chữ. Ấn tượng nữa là chữ thầy đẹp lắm, kiểu "rồng bay, phượng múa”. Nhìn những con chữ trên bảng của "ông giáo già”, cả lớp say mê "vẽ” theo bằng những mẩu bút chì nham nhở, ngắn tũn. Bác M. nhớ mãi lần bị ốm, vì mệt ngủ luôn ở lớp, trong mơ màng có cảm giác thầy chạm nhẹ bàn tay vào trán, kiểu như kiểm tra nhiệt độ, rồi nâng nhẹ đầu để lấy cuốn tập viết. Tối đó, dù mệt, bác vẫn ngồi miệt mài viết theo dòng chữ mực đỏ, đẹp mà thầy đã viết mẫu… Chỉ có mấy tháng học để "tốt nghiệp” lớp vỡ lòng và vào lớp 1, nhưng kỷ niệm về thầy thật khó quên. Sau này, tốt nghiệp nhiều trường lớp, cấp học…nhưng những ngày xưa thân ái ấy mãi ấm trong lòng và như một hành trang hạnh phúc của đời người. Tiếc là không giữ được cuốn tập viết hồi đó, có những dòng chữ của người thầy giáo già…
Còn cháu K. học lớp 12 lại rất nhớ về cô giáo hồi mẫu giáo và tiểu học trường làng. Ở nông thôn nên các cô cũng vất vả hơn, nhưng chưa một lần thấy cô to tiếng với bé nào. Nhiều hôm mưa gió, chiều tối mịt mà có bạn chưa ai đến đón, thế là cô lại lóc cóc đạp xe đưa học trò về nhà. Lúc cô về, xóm làng đã lên đèn. Ngày 20/11, hoa cho cô chỉ là những cành hoa được hái ven đồi, ven rừng thế mà đẹp ấm áp lạ… Sau này, khi không còn ở thôn xóm, K. vẫn nhớ mãi lớp học nhỏ dưới dãy tre làng đó, cùng hình ảnh cô giáo chủ nhiệm năm lớp 5 hiền lành, giản dị đèo học trò về trung tâm xã để tham dự một cuộc giao lưu văn nghệ - thể thao. Hay chuyện cô đi "lùng” gia đình bạn nào đó không cho con trở lại lớp. Sau năm lần bảy lượt… bạn ấy cũng đã đi học trở lại. Không ồn ào, không nhiều những giỏ hoa đẹp, nhưng chắc chắn trong tâm hồn tuổi thơ có một hình ảnh đẹp, lung linh…
Còn chị H. lại nhớ về những năm tháng học đại học. Thời bao cấp, nhà nghèo, chưa bao giờ dám mơ tấm áo mới. Mấy năm đại học chả bao giờ được ăn một bát phở (may là còn được Nhà nước cấp gạo nuôi). Nên chị xúc động lắm chuyện thầy chủ nhiệm đi lùng giáo trình cũ để cho chị học; vận động các đồng nghiệp mua tặng chị chiếc áo (để chị mặc hôm bảo vệ luận văn tốt nghiệp). Còn cô hướng dẫn luận văn thì (nói đến chuyện này chị lại muốn rơi nước mắt)… 6 - 7 tháng giúp chị từng chút một, chăm chút cho chị từng trang luận văn, đọc sửa thâu đêm, rồi nhờ người chép giúp chị. Hồi đó, mấy ai có điều kiện đánh máy và in ấn. Dịp đó, mỗi lần về quê, chị chỉ có lạng chè, nải chuối biếu cô. Nhận lạng chè nhưng cô lại dúi vào tay trò một gói to quà quê của cô (nào lạc, cân gạo, gói bánh…). Cô mắng át: "Sinh viên như các em làm gì đã làm ra tiền mà bày vẽ quà cáp… Cứ bảo vệ cho tốt đã nhé”. Nói chuyện ở thời điểm này chắc có người cho là chuyện "cổ tích”. Thực tế còn nhiều câu chuyện cổ tích như thế. Cuộc đời này đẹp và đáng yêu cũng vì những câu chuyện đó.
Bùi Huy
(HBĐT) - Sau hàng loạt sai phạm của chàng rể quý, để giữ nghiêm phép nước, phụ vương đành phải hạ chỉ buộc thôi việc trả Thạch Sanh về địa phương. Đang một thời oai phong, tiền hô, hậu ủng, trở về vùng rừng sâu, núi thẳm, chàng tiều phu thực sự nuối tiếc và hẫng hụt. Nhưng cũng còn may, trước khi "hạ cánh bất đắc dĩ”, Thạch Sanh cũng vớt vát được kha khá bổng lộc.
(HBĐT) - Khi nghe tin tôi đỗ một trường đại học khá danh tiếng ở Hà Nội, cả gia đình vui lắm. Bà ngoại cho người "ship” mấy con gà chạy bộ để bố mẹ tầm bổ cho tôi, vì dáng vẻ cò hương gầy nhẳng. Còn ông ngoại lại có vẻ trầm tư. Lên nhà ông thấy thế, tôi thắc mắc, bà ngoại tủm tỉm: "Không biết. Hỏi ông ấy”. Nhưng rồi bà cũng "bật mí”: "Cháu chuẩn bị vào ngôi trường mà trước đây ông mòn gót đến đó”.
(HBĐT) - Thời tiết chuyển mùa nhanh, nhưng vừa đủ cảm nhận. Đang mưa bão, rồi nắng nóng oi bức, bỗng đâu gió mùa phương Bắc đổ xuống kèm thèo mưa dông dài ngày và nhiệt độ giảm mạnh. Những cơn gió heo may ùa về lạnh se sắt đầu đông làm người ta xốn xang, mang theo nhiều tâm trạng thật lạ, cho ta cảm giác rất cần một tổ ấm để trú thân. Có việc ra ngoài vào những ngày gió mùa Đông Bắc, trong mỗi người đều cảm nhận gia đình cần thiết hơn. Giờ đã có gia đình, song những ngày đầu đông khi gió mùa về, biết bao ký ức lại tràn về trong lòng tôi.
(HBĐT) - Vẫn nhớ lần đó, đi tàu ngang qua vùng biển Đà Nẵng, một bạn đồng hành sau khi nhìn trời nhìn biển, khẽ nói đủ cho mọi người nghe: "Đúng là phục sát đất các thế hệ cha anh nhà mình… Thời chiến tranh khốc liệt, chỉ bằng thuyền, tàu cỡ nhỏ mà vận chuyển hàng trăm chuyến, chở vũ khí, khí tài vào Nam đánh giặc. Mà còn đêm hôm, chọn dịp có bão tố để đi, chưa kể tàu chiến, máy bay địch rình mò…"...
(HBĐT) - Tháng mười về, trời se se lạnh, heo may chùng chình trên tán lá vàng khiến người ta có cảm giác thời gian đang trôi chậm lại, vạn vật cũng chầm chậm nhẹ nhàng lướt qua. Đông đến khiến cho những đứa con xa quê nhớ quê nhà hơn bao giờ hết. Là nỗi nhớ những tháng mười năm xưa bên quê yêu dấu, nơi có bụi tre xào xạc lá rụng, tàu cau rơi xuống khô cong, những ruộng lúa nứt nẻ chỏng chơ gốc rạ…