(HBĐT) - Thấy ông Tun ngồi thẫn thờ bên bờ suối, xung quanh là vườn hoa cải vàng bát ngát, bà Tun buông lời hờ hững: "Họ đi tận đâu rồi, còn nhớ gì chăng?”. Mắt ông hơi vằn lên: "Lên ông bà nội ngoại rồi nhé. Nói thế, bọn trẻ nó cười cho”, rồi lại cúi xuống, tay thoăn thoắt vót mấy tên nỏ mà mắt như đang nhìn vô định đâu đâu. Đúng là phụ nữ, nhất là vợ toàn đoán đúng luồng suy nghĩ của chồng. Ông bất chợt ngước về phía núi xa và chợt thở dài. Trời ạ, nhìn vườn cải vàng ruộm, ong bay hàng đàn vi vu trong nắng, ông bỗng thấy bâng khuâng lạ, không hiểu nổi. Nhưng mà nói có trời, có đất, ông chẳng tư tình gì với người đấy cả, chỉ là mối quan hệ hàng xóm, láng giềng. Còn điều ông cảm chỉ là sự chia sẻ, tình người với người phụ nữ hiền hòa, hát hay và sống biết trên biết dưới thôi…

Ông Tun nhìn bề ngoài hơi thô cục, vai gù gù, người rắn chắc nhưng bù lại có nhiều tài lẻ. Nhìn dàn bẫy chuột ông làm đẹp mê tơi, đường nét đẹp tinh xảo. Còn mấy diễn viên đội văn nghệ xóm chỉ muốn cầm cây sáo do ông làm. Đẹp vàng óng, thổi lên những âm thanh vui tai, có hồn. Còn nghe ông thổi sáo vào đêm trăng hay kéo nhị ở phường bát âm chào ngày lễ cơm mới, cả xóm chỉ thấy rộn ràng, muốn hát theo… Bà Tun, dáng hơi sồ sề, người thâm thấp nên càng thấy ngắn. Gần 10 năm nay tạm được gọi là ly nông, ly hương. Có mối bán thuốc nam gia truyền nên cắm chốt miết ở mạn miền biển. Được cái mát tay, bốc thuốc đâu là bệnh nhân đó phải tạ lễ. Nên ham, cả năm về nhà 2 lần là cùng. Mọi chuyện chăm cháu, chăm ông… đều giao cho ông Tun. Tầm tuổi này, trẻ chưa qua, già chưa tới nên ông cũng thấy hẫng hụt. Các con có cuộc sống chúng nó, vợ chồng con cái ăn cùng mâm nhưng đâu biết tiếng thở dài trong ông nó trầm sâu đến mức nào. Cho nên xóm bản có dạo thấy ông đầu tóc rối bù, râu ria tùm lum chả buồn cạo, hay ngồi uống rượu một mình bên bờ suối. Có dạo, tóc lại cắt trọc, thỉnh thoảng phóng xe máy về thị trấn mua sắm. Mặc bộ quần áo thể thao chơi bóng chuyền mềm, ông di chuyển còn nhanh hơn cả thanh niên… Xóm làng người thì chia sẻ, người thì kháy thế này "thà mồ côi vợ còn hơn, chứ sống thế…”. Nên có dạo giữa đêm thanh vắng, vi vu tiếng sáo diều với những âm thanh khá buồn, đơn lẻ… Đứa con gái lấy chồng làng bên, hết góp ý với vợ chồng anh chị nên quan tâm đến bố hơn vẫn phải gọi điện cho mẹ. Bà gắt ỏm tỏi trong máy: "Mẹ bận lắm… Để mẹ thuê người đến đỡ đần việc nhà, việc đồng áng cho bố. Đến Tết mẹ về. Mà bảo anh chuyển thuốc xuống cho mẹ. Thế nhé!”.

Rồi một ngày đẹp trời, cô Nhã, tầm 40 tuổi đến lập nghiệp ở cuối xóm. Cùng đi có đứa con gái khoảng 8 tuổi. Nhà cô dưới phố, nghe nói trót đa mang với một công tử con nhà giàu, dẻo mỏ nên lỡ dở. Đúng là trời cũng công bằng, chả lấy hết của ai cái gì. Gặp chuyện thân nữ một mình nuôi con, nhưng cô Nhã lại có gương mặt sáng, luôn biết cười. Về sống ở thôn quê mà cô ăn vận vẫn như ngoài phố. Mỗi khi xóm làng cưới xin, lễ hội, cô Nhã luôn nổi bật bởi biết trang điểm và biết cách ăn mặc. Đã thế cô còn có giọng hát khá hay, cao, trong và có nhạc cảm. Cô bảo cô thích nhạc trẻ. Nhưng sau hôm vào thuê khu đất nhà ông Tun để trồng hoa, rau chất lượng cao, bất chợt cô nghe ông đang dạy hát dân ca cho đội văn nghệ, thay đổi hẳn nhãn quan âm nhạc. Cô ngẩn người, cứ lúng ta lúng túng mãi mới dám đề xuất ý muốn tham gia đội văn nghệ và tập hát dân ca cùng ông. Ông Tun thấy có người say văn nghệ, nên cũng chả suy tính gì nhiều. Mới nghe cô hát thử một hai câu mà ông đã gật gù, quyết luôn. Có hồn, có tình, nhất là giọng hát trong veo như tiếng suối rừng thì còn gì bằng. Mái tóc dài mượt, bộ trang phục dân tộc, bài dân ca quê hương… cộng cùng tiếng sáo, tiếng nhị của ông, chắc chắn sẽ là tiết mục đinh của hội diễn.

Từ ngày cô Nhã đến trồng hoa, trồng rau ở khu đất ven suối, ông Tun cũng hay đến khu đất vườn nhà bên cạnh. Ban đầu, ông nhờ cô ấy truyền đạt kinh nghiệm thâm canh, sau đó lại thấy mở mang nhiều điều từ cô ấy. Cô Nhã cũng từng đi nhiều, biết nhiều và có ý chí quyết tâm. Chỉ có lần nghe cô hơi tâm trạng: "Không ai ôm mãi chuyện buồn để sống. Phải hướng về phía trước mà anh… Nhưng đôi khi, là phận gái nên cũng phải gồng gánh, cương lên mà sống”. Nhưng cô cười giòn tan luôn sau đó: "Em còn phải là chỗ dựa vững chắc cho con em nữa chứ”. Rồi cô chuyển chủ đề sang đàn ca sáo nhị, dân ca. Khu vườn hôm đó như được trang điểm bằng tiếng cười, tiếng nói rộn ràng cùng điểm xuyết những câu hát giao duyên, tình tứ. Phía xa xa, luống hoa cẩm chướng đỏ đầu tiên cũng đã đơm bông rực rỡ. Còn nắng vàng hanh hao mùa đông như muốn chan khắp khu vườn, dòng suối và những ai dưới mặt đất thứ ánh sáng hiếm hoi, ấm áp đó.

Hôm đó, lần đầu hai người đối ẩm và hát đối dân ca đến vãn chiều… Mấy người làm công cho cô cũng ngẩn cả người, quên cả thu hoạch mấy vạt rau đặc sản đầu vụ. Họ bình, họ vỗ tay, họ cũng hòa vào từng câu hát… Câu chuyện đó ở phố phường sôi động thì chả ai quan tâm, nhưng nơi thôn dã lại là câu chuyện lạ lùng, đầy câu hỏi, và bay tới tận miền biển xa. Bà Tun hối hả về, quay quả tra nã vợ chồng con trai, con gái và quay sang căn vặn ông. "Chỗ đất đó, tôi đâu có ý cho thuê hay cho bán. Ông nói với người ta trả luôn cho tôi”. Lần đó, sau 10 năm, bà Tun ở nhà đúng 3 ngày. Dành một ngày xuống thị trấn làm tóc, mua sắm (tất nhiên phải là ông đèo đi). Một ngày lượn đi, lượn lại mấy chục lần khu đất trồng hoa, trồng rau. Các con can mẹ: "Cứ để cô Nhã thu hết lứa đã chứ. Mẹ làm thế, khổ người ta”. Tiếng ông gầm trong cổ họng: "Bà đừng đi quá xa… Quan hệ trong sáng, bình thường…”. Bà khóc như đứa trẻ bị đòn oan, nức nở từng hồi. Mẹ thì khóc mà con gái, con dâu lại cười mỉm thì thầm: "Mẹ mà không về chăm bố, lúc "quá mù ra mưa” thì hối không kịp. Mà bố và cô ấy chỉ văn hóa văn nghệ thôi mà…”.

Cuối mùa đông năm đó, nắng ít hơn, đôi khi có mấy đợt không khí lạnh buốt tận óc. Cô Nhã cũng ít nói hơn, huy động nhân công thu hoạch hoa, rau, tất toán hợp đồng cùng ông Tun, duy mấy vạt rau cải đã hơi già, cô để lại cho ông làm dưa muối. Gặp ông cô lí nhí: "Em đã tìm được chỗ trồng rau mới rồi. Cách đây không xa”. Rồi cô hướng ánh mắt buồn về phía núi xa. Vườn cải cô để lại, ông cũng không buồn hái nữa. Một ngày nắng bật lên, hoa cải trổ vàng, từng đợt như đánh thức lòng người về biến chuyển của mùa và thời gian, cùng những con người đã từng gặp trong đời. Mấy lần ông đứng bên này, cứ tần ngần định lội sang, nhưng lòng như chùng lại. Câu hát giao duyên ngày nào do ai hát phía rìa xóm cứ văng vẳng, tha thiết trong không gian. Liệu cô Nhã có còn trở lại để tham gia đội văn nghệ? Sắp đến mùa diễn, mùa lễ hội rồi.

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục