Chiều nay, sau buổi cày vỡ ruộng trên cánh đồng sau đồi để chuẩn bị cho vụ khoai tây mới, anh Mỳ lại lụi cụi ngược đỉnh đồi để nhìn về khu Trạm Y tế, nơi Hân đang làm việc. Nắng chiều nhạt nhòa trên dòng sông và hoàng hôn buông dần phía núi, nhưng phía Trạm xa xa vẫn có những bóng người đi lại, đi lại, dáng tất bật. Mấy tháng nay, dịch bệnh rộ chỗ này, chỗ khác nên Hân bận tối ngày, dạo này đang chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm cho mấy xóm ở mạn Thung Sơn. Người lao động từ miền Nam về nhiều nên chuyện xóm nọ, bản kia nghi các ca mắc mới không còn là điều hiếm hoi.
Anh căng mắt nhìn, nhưng trong bóng áo trắng, xanh bảo hộ loang loáng kia, ai là Hân? Anh bỗng muốn có một cái ống nhòm để thấy Hân dù chỉ trong chốc lát, nhất là lúc cô làm công tác chuyên môn thường ngày. Anh khẽ thở dài: Nếu không có dịch bùng phát, chắc đã có một đám cưới giản dị diễn ra mà anh và Hân là nhân vật chính. Giờ gọi Hân là bạn gái cũng đúng, mà vợ sắp cưới cũng chẳng sai vì gia đình hai bên đã hẹn ngày, tháng cưới. Đúng là chỉ thiếu tờ đăng ký và một đám cưới diễn ra nữa là 2 người có thể chung một mái ấm… Nhưng mọi chuyện đành gác lại. Đàn lợn chờ cưới ở góc vườn hàng ngày đòi ăn inh ỏi, càng khiến lòng chộn rộn và rối bời. Mấy tháng nay, ngày 2 lần anh lại lên đồi chỉ để nhìn sang phía ấy và mọi thông tin về nhau cũng chỉ biết qua liên lạc điện thoại. May còn Zalo, Facebook nhắn tin, gọi video để thấy nhau, hiểu công việc của nhau… không thì chắc chết mất. Thấy anh thất thần, buồn buồn, mẹ anh xót. Vốn mau nước mắt, có lúc bà tấm tức: "Khổ thân con, khổ thân cái Hân… Nếu không vì dịch, thì mọi chuyện đã êm xuôi”. Bố anh gắt: Bà hay nhỉ, chuyện bình thường… Nay không cưới thì ra Tết cưới. Có sao đâu. Ông bên nhà chẳng chia sẻ là chủ yếu phải động viên chúng để cùng nhau vượt qua đận này còn gì”. Biết thế nhưng tội chúng nó quá. Cái Hân đâu còn trẻ… Anh lặng bước ra khu vườn bưởi chuẩn bị thu hoạch. Bất chợt nhớ mùi tóc thơm hương bưởi của Hân hôm nào…
Gia đình, mà nhất là anh quen biết cô cũng là một một cơ duyên may mắn trong đời. Anh nhớ lần đầu gặp cô trong tình huống khá oái ăm. Bố anh đi rừng bị ong đốt. Mặt sưng húp. Mà anh lúc đó đi làm ở tận Vinh - Nghệ An. Bắt xe về đến nhà cũng nửa đêm, anh nhoáng nhoàng vượt đồi, dốc lên Trạm Y tế. Thế nào mà hôm đó, đúng phiên cô trực. Hình ảnh đầu tiên chính là cô đang cho bố anh uống thuốc và cặp nhiệt độ. Mẹ anh chắc mệt quá, ngủ li bì, ngáy rền vang bên chiếc giường bên cạnh, đã hai đêm thức trắng cùng ông còn gì… Một cô gái khá xinh với làn da trắng mịn. Nhưng ấn tượng nhất chính là mái tóc dày, được búi kiểu của người có tuổi chứ không buông lơi điệu đà như các cô gái khác. Cùng đó là giọng nói ấm nhẹ nhưng rõ ràng. Lúc đó, anh chỉ lúng búng: "Cám ơn cô, tôi giờ mới về được. Đi làm ăn xa… Tình trạng bố tôi có ổn không?”. "Không vấn đề gì đâu anh… Nếu khó khăn chúng tôi đã đưa lên tuyến trên. Vấn đề là bác được chăm sóc kịp thời”. Một tuần chăm sóc bố tại Trạm cảm thấy trôi nhanh quá, nhưng anh cũng kịp xin số điện thoại và biết được nơi cô sinh sống. Nơi ấy có một dòng suối rất trong và mát. Sau một tuần bố anh xuất viện, cả nhà bất ngờ (còn anh sững sờ) khi thấy cô tìm đến nhà. Cô nói: Vì mới mua được thuốc bổ trợ sức khỏe cho bác nên cô mang đến, gọi là chút tấm lòng. Năng đi năng lại nên thân. Anh cũng đã cất công vượt đồi núi vào thăm gia đình cô mấy lần. Gia đình cô cũng hoàn cảnh. Mẹ mất sớm, cô cùng bố chèo chống chăm nuôi, lo ăn học cho các em. Giờ mấy em đã thành gậy, thành sào. Có em đã lập gia đình… vậy mà cô vẫn lừng chừng chuyện gia đình. Hàng xóm kể, không phải cô ấy thiếu người theo đuổi vì chiều tối nào cô không trực, đều có các anh đến ngồi đồng, uống trà, hút thuốc lá thuốc lào đến tận đêm… Rồi đến lúc anh đã có cơ hội nói điều ấp ủ. Cô giản dị: Nếu anh xác định vậy… nhưng anh cũng phải hiểu cho công việc của em đấy. Đêm hôm, mưa rét, cứ có người bệnh là chúng em phải lên đường. Anh cũng nên ở lại quê nhà… làm ăn chỗ quê mình đâu thiếu cơ hội thu nhập… Rồi hai người bàn đến chuyện sẽ trồng cam, bưởi ở đâu; nuôi lợn bản địa ở khe núi nào. Lần nào lên huyện, lên tỉnh tập huấn, cô đều kéo anh đi, cũng là dịp để anh đến các hiệu sách tìm mua các tài liệu liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi và cũng để anh xóa dần mặc cảm… "nông dân yêu người có biên chế, có lương”. Cả xóm bảo anh tốt số, lấy được cô gái ngoan, thùy mị, chịu thương chịu khó. Rồi họ còn bảo, cô ấy cũng may mắn khi lấy được anh, khỏe mạnh, gia đình cơ bản…
"Teng…Teng”… có tin nhắn zalo, anh đọc, người nóng bừng như lên cơn sốt: "Có phải anh đứng ở mé đỉnh đồi không? Em đang đứng trên sân thượng Trạm Y tế đây…”. Một bóng áo trắng xa xa, bàn tay vẫy vẫy. Anh nhún người lên vẫy vẫy, lòng nôn nao… "Teng…Teng” tiếp tin nhắn của cô "Anh nhớ lên nhà lấy bưởi làm mâm ngũ quả nhé. Cây ở trái vườn gần suối ấy. Quả to, đẹp lắm… Nhớ động viên bố mẹ giúp em nhé. Chắc trước Tết bọn em được thay ca…”. Nhắn vội mấy dòng liên quan đến sức khỏe, công việc… anh lại xuôi dốc về nhà. Kìa, đã có mấy chị, mấy bà từ phía đồi xuống; lưng địu những bó lá dong, ai đấy đều rôm rả cười đùa. Trong gió ấm cuối đông, anh thấy như có hương bưởi thoảng đâu đây. Với anh, mùa xuân đã đến kể từ khi anh quen Hân, cô gái ở xóm bên kia núi. Ngày mai nắng ấm sẽ về.
Truyện ngắn của Bùi Huy