(HBĐT) - Nhớ hôm trước khi lên đây, anh Tổng Biên tập dặn: "Tôi được biết bà con trên Hòa Bình đồng thuận với các chính sách của tỉnh lắm, bảo ban nhau tạm ứng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để thi công đúng tiến độ. Người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường. Cậu phải tìm những tấm gương đi đầu gương mẫu để viết nhé. Tớ tin nếu cậu khai thác được sẽ có một bài "đinh" của số cuối năm đấy…”.
Về lại nơi đã từng gắn bó một thời, tôi bước trên những đoạn đường bê tông, qua những lớp học mới xây, qua trạm y tế và những ngôi nhà khang trang vang lên tiếng những bài hát mùa xuân gợi không khí Tết đã cận kề. Đi một vòng quanh làng, gặp ai cũng tươi cười: "Có gì đặc biệt đâu nhà báo, ở đây thấy người đảng viên gương mẫu, tiên phong làm trước là bà con tin tưởng làm theo”.
Hỏi thăm hàng xóm đến hai lần nhưng tôi không sao tin nổi khi đứng trước nhà ông Xuân. Ngôi nhà ba tầng bề thế, vườn cây và tiếng gà, lợn kêu vui tai, có con đường mới rộng rãi, thênh thang phía trước nhà. Ai tin nổi của ông Xuân nghèo đói khi xưa.
Ông Xuân niềm nở bắt tay đón tôi vào nhà. Mười năm gặp lại, nhìn ông chẳng già đi chút nào. Trên mái tóc mới thấp thoáng sợi bạc, dáng người săn chắc, da đỏ au như đồng đúc, giọng nói sang sảng. Vừa rót chén trà ngon mời tôi, ông vừa vui vẻ:
- Ngày đấy chú về là còn khó khăn trăm bề. Nào là đường sá xuống cấp, trường lớp tạm bợ, điện phập phù, trạm y tế lạc hậu… giờ là nông thôn mới rồi, mọi thứ đã thay đổi nên chú không nhận ra cũng phải.
Hỏi han qua lại đôi ba câu chuyện, ông Xuân đi thẳng vào vấn đề:
- Hôm qua chú điện bảo lên chơi, vợ chồng tôi đã nhốt gà, chuẩn bị ít cây nhà lá vườn. Sau những ngày dịch bệnh được kiểm soát, được gặp lại nhau mừng lắm. Nhưng tôi đoán chú lên đây còn vì công việc nữa đúng không?
- Chẳng giấu gì bác, em đã nắm được thông tin về việc địa phương ta đã được xây dựng hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh. Nhưng cụ thể thế nào thì em phải lên đây nghe các bác và bà con chia sẻ, tâm sự mới thấu tỏ được. Bên trong câu chuyện đó còn là niềm tin của dân với Đảng, với chính quyền cơ sở, còn là tấm lòng của người dân vì lợi ích chung, phải không bác?
Ông Xuân gật gù nhưng bất ngờ lên tiếng:
- Ấy, tôi phải dặn trước là chú hỏi gì tôi cũng kể, chú cứ viết để bà con mọi nơi đọc được phấn khởi cùng nhân rộng mô hình, viết để những người con đi xa quê biết mà thêm ấm lòng… nhưng mà chú đừng có nhắc đến tôi nhé. Tôi già rồi có làm được gì đâu…
Đang say sưa với câu chuyện từ ngày cán bộ trên tỉnh, trên huyện về đo đạc, lập dự án và triển khai thi công với trăm nỗi khó khăn, vướng mắc thì nghe tiếng ông Lành và bà Xoan oang oang ngoài cổng.
- Tưởng nhà báo về xuôi quên xóm núi rồi. Mà này, vào đúng nhà, hỏi đúng người rồi đấy nhé. Xóm này ai cũng quý chú, cũng có rượu ngon, gà đồi nhưng chỉ bác Xuân mới có thể đi đầu, thuyết phục được bà con làng mình.
Thế là, dẫu chủ nhà ngại ngần gạt đi, nhưng ông Lành vẫn kể một mạch về những năm tháng ông Xuân gương mẫu tự tháo dỡ cái bếp mới xây, lùi sân vườn vào sâu bên trong. Ban đầu, cả xóm còn băn khoăn không biết Nhà nước sẽ đền bù thế nào, bao giờ thì được nhận tiền… Ông Xuân ngồi nghe đến đây liền lên tiếng:
- Chú biết không, tôi tuyên truyền với bà con là: Chương trình nông thôn mới là cơ hội để quê hương mình thoát khỏi nghèo khó. Điện, đường, trường, trạm mở ra tương lai cho con cháu mình. Trước khi mở con đường của làng là phải "mở đường” trong tư duy, trong cách làm chú ạ!
Bà Xoan thêm vào:
- Như nhà tôi đây, ban đầu cũng thấy tiếc, mấy hàng bưởi đào đến kỳ thu hoạch nhưng nghe bác Xuân khuyên: Có đường mới sẽ đưa được nông sản ra thị trường, mới có thể kết nối với các tuyến đường. Em nghĩ hai đêm rồi tự nhủ: Nhà bác thiệt nhiều hơn mà bác dám quyết thì em cũng làm theo. Ngày xưa bác cầm súng ra chiến trường bảo vệ biên giới, giờ bác lại đầu tàu gương mẫu. Bà con yên tâm rồi…
Cuối năm, đồng đất quê Mường đã khấp khởi sức sống mùa xuân. Nhìn những con đường thẳng tắp, ruộng màu, ao cá hứa hẹn một năm mới với nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế. Nhưng qua câu chuyện ngày cuối năm, tôi vẫn có một thắc mắc. Liệu trong tình hình dịch bệnh, bà con có gặp khó khăn gì không?
Bỗng, chuông điện thoại của tôi vang lên. Bên kia có tiếng ai đó quen quen: "Sơn đấy à, tôi Quân đây. Bùi Văn Quân, xóm Chiềng Trong. Còn nhớ mình không?”.
- Nhớ chứ. Thế giờ cậu làm gì rồi, công việc tốt chứ?
- Tôi giờ bận lắm, bán nông sản ông à, biết ông lên nên mời ông ghé qua nhà chơi. Mà tôi cũng có việc cần nhờ ông tí.
Tôi chẳng lạ gì anh chàng này. Quân từng đi làm công nhân, phục vụ nhà hàng, sửa chữa xe máy… Cậu ta làm đủ thứ nghề nhưng chẳng đâu vào đâu, đã thế lại ham chơi. Đoán chắc lần này hắn lại đòi vay tiền hoặc than vãn, nhờ vả việc gì.
Vừa bước vào nhà đã thấy Quân ngồi trước chiếc laptop mới cóng. Thấy tôi, Quân đứng dậy pha trà mời khách. Sau đôi ba câu chuyện, anh nhờ tôi bổ túc cho ít kiến thức tin học. Tưởng Quân lại mải mê chơi game hay trò gì trên mạng, tôi nhẹ nhàng:
- Quân à, năm nay cũng đầu bốn, đuôi chơi vơi rồi, tu chí mà lấy vợ sinh con thôi chứ chơi bời game mãi cũng chả đâu vào đâu ông ạ!
- Ấy, ông nhầm rồi, tôi đang làm ăn đấy. Giờ nông sản của quê tôi bán trên các sàn Postmart.vn, Voso.vn rồi. Các cấp, ban, ngành đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử giúp nông dân thích ứng trước đại dịch Covid-19.
Tôi thật sự ngỡ ngàng, trong một ngày về lại mảnh đất này được biết bao nhiêu dự án, bao chương trình mới được triển khai. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống khiến bà con vô cùng phấn khởi.
Chia tay gia đình ông Xuân, ông Lành, bà Xoan và cậu bạn Quân… trong lòng tôi có một cảm xúc thật đặc biệt. Những người dân quê hiền hành, chất phác đã thay đổi tư duy, cùng đoàn kết, một lòng đồng thuận với chính quyền để xây dựng quê hương. Nắng xuân ấm áp đang trải khắp quê hương và lòng người vui đón một năm mới đầy hứa hẹn.
Truyện ngắn của bùi việt phương
(HBĐT) - Sau chuyến đi vùng cao trở về, bà M. thấy ông nhà mặt có vẻ không vui, thỉnh thoảng lại thấy quát con mèo Mun trên tầng 2, mà con Mun rõ ngoan và biết điều. Bà cười tủm tỉm, khẽ bước lên tầng… Ông đang đứng ở cửa sổ nhìn ra con đường hun hút gió mùa đông. Bà nhẹ nhàng: "Ông vào nhà đi, kẻo lạnh. Chắc giận tôi cứ liên miên vùng cao, vùng sâu chứ gì… Vào đây tôi kể cho nghe chuyện”. Ông xoa xoa bàn tay: "Có gì đâu bà, thời tiết thay đổi, khó ở chút chút. Mà bà đi lại cũng ít thôi, có tuổi rồi chứ không trẻ đâu. Trong nhóm còn nhiều người trẻ, khỏe. Cũng nên quan tâm đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ cho khoa học, còn phải làm lâu dài mà…”.
(HBĐT) - Tháng cuối cùng của một năm thật đặc biệt. Dẫu chưa phải là Tết, chưa là lúc gác lại cày cuốc hay nhấp trà, thưởng hoa nhưng vẫn khiến người ta sống chậm lại, một thoáng giật mình trước tuổi tác, trước năm tháng, trước điểm kết thúc của một vòng quay: Xuân sinh - hạ trưởng - thu liễm - đông tàng…
(HBĐT) - Thấy ông Tun ngồi thẫn thờ bên bờ suối, xung quanh là vườn hoa cải vàng bát ngát, bà Tun buông lời hờ hững: "Họ đi tận đâu rồi, còn nhớ gì chăng?”. Mắt ông hơi vằn lên: "Lên ông bà nội ngoại rồi nhé. Nói thế, bọn trẻ nó cười cho”, rồi lại cúi xuống, tay thoăn thoắt vót mấy tên nỏ mà mắt như đang nhìn vô định đâu đâu. Đúng là phụ nữ, nhất là vợ toàn đoán đúng luồng suy nghĩ của chồng. Ông bất chợt ngước về phía núi xa và chợt thở dài. Trời ạ, nhìn vườn cải vàng ruộm, ong bay hàng đàn vi vu trong nắng, ông bỗng thấy bâng khuâng lạ, không hiểu nổi. Nhưng mà nói có trời, có đất, ông chẳng tư tình gì với người đấy cả, chỉ là mối quan hệ hàng xóm, láng giềng. Còn điều ông cảm chỉ là sự chia sẻ, tình người với người phụ nữ hiền hòa, hát hay và sống biết trên biết dưới thôi…
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
(HBĐT)-Được đến trường học hành, trau dồi kiến thức, được gặp thầy cô, bạn bè để cùng xây lên những chân trời, khát vọng mới, đó là hạnh phúc thời học sinh, sinh viên. Nhưng khi gặp được những người thầy, người cô - "người lái đò” thầm lặng tuyệt vời, thì hạnh phúc càng được nhân đôi… Mỗi đời người, có thể kể ra rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm, tình huống gắn bó với thầy cô. Cho dù, thời buổi 4.0, chuyển đổi số, cho dù trong cuộc sống vẫn còn chuyện này, chuyện nọ liên quan đến đến mảng "sáng tối” của ngành, của nghề, nhưng những hình ảnh đẹp đó không bao giờ phai mờ.