Truyện ngắn của Thúy Hằng
Chiều đông, bóng tối đến nhanh như sập cửa, Hoàng khật khừ đi về phía căn nhà nhỏ được bao bọc bởi cánh cổng lớn. Một tay cầm chai rượu nút lá chuối, một tay lẹo dẹo khép cánh cổng miệng nghêu ngao câu hát: "Trời lập đông chưa em/ Cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi/ Để mặc anh lang thang/ Ôm giá băng ngỡ thầm…”.
Ngỡ thầm hồ ly… tới hả! Nó chuồn rồi! Ở đấy mà mơ với mộng, mong với nhớ! Vừa nói Hận vừa lao tới giật phắt chai rượu từ tay chồng, đoạn đẩy Hoàng ngồi xuống chiếc chõng tre.
Chới với, Hoàng cất giọng lè nhè: Hát thôi mà, có gì căng!
- Gớm! Yêu đời nhỉ! Thôi, ông đi tắm rửa đi vào ăn cơm cho tôi nhờ.
- Ừ, đi thì đi! Tắm thì tắm! Trời lập đông chưa em…!
Hận chẳng thèm nhìn theo cái bóng dáng xiêu vẹo ấy mà quày quả vào bếp dọn cơm. Bữa cơm dành cho đôi vợ chồng đã trải qua hơn 50 mùa hoa cải với tiền sử bệnh gút, tim mạch, huyết áp, máu nhiễm mỡ... thật thanh đạm, chủ yếu là rau, quả vườn nhà. Ban đầu hơi khó ăn, nhưng lâu rồi cũng thành quen, họ quen với cả sự bình yên đến lặng người ở căn nhà nhỏ dưới chân núi Tráng này.
Vốn dĩ vợ chồng Hoàng - Hận sống ở phố. Gọi là phố vì đó là khu trung tâm của xã toàn nhà cao, cửa rộng, quán xá sầm uất. Căn nhà vợ chồng Hoàng ở tuy nhỏ nhưng cũng được chồng tới 3 tầng rưỡi, hơn hẳn 1 - 2 tầng so với những ngôi nhà của hàng xóm. Cuộc sống của gia đình Hoàng cũng vậy, có phần sang chảnh hơn so với những gia đình khác. Hận là người vợ tháo vát, biết cách vun vén nên nhà luôn có của ăn, của để. Sinh được mỗi cậu con trai nên Hận chăm chút, rèn rũa con từng li, từng tí. Mưa dầm thấm đất, Đức - cậu quý tử của dòng họ đã không phụ lòng ông bà, cha mẹ. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp loại ưu, chỉ vài tháng sau Đức đã được nhận vào làm việc ở Hạt Kiểm Lâm huyện. Một năm sau thì vợ chồng Hoàng, Hận cưới vợ cho con. Cuộc sống trong gia đình như vậy được xem là yên ả cho đến khi có biến.
Sóng gió đến từ người trụ cột gia đình là Hoàng. Có thể dùng câu "họa vô đơn chí” để miêu tả về những sóng gió mà Hoàng gặp phải trên con đường công danh, sự nghiệp. Từ khi được cất nhắc lên vị trí Phó Chủ tịch xã trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực: Văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục - thể thao; LĐ-TB&XH; xây dựng nông thôn mới, vì sự tiến bộ phụ nữ, trưởng ban quản lý chợ, quản lý dân cư trên địa bàn xã… Hoàng bận rộn hẳn. Đi sớm về khuya như cơm bữa, họa hoằn lắm mới có mặt ở nhà, Hận thấy ngờ ngợ nên thắc mắc: Làm Phó Chủ tịch mà xem ra bận hơn cả bác Hơn Chủ tịch nữa?
- Ừ thì công việc mà! Phụ trách văn xã thì làm gì có ngày nghỉ!
Ngẫm cũng đúng, thời buổi bây giờ đời sống người dân được nâng cao, hội hè, đình đám triền miên lại còn quan hệ ngoại giao cho đúng tầm, đúng vai nữa chứ, Hận chẳng hỏi thêm. Đến một ngày hàng xóm bàn ra tán vào chuyện Phó Chủ tịch Hoàng với cô Thơm, công chức văn hóa - xã hội kiêm thủ quỹ cứ kè kè như trời sinh một cặp Hận mới giật mình tra hỏi: Người ta nói vậy đấy, có hay không?
- Ơ hay! Đã bảo là vì công việc mà. Cứ đi cùng nhau là dính vào nhau đấy hả?
- Tôi chẳng biết dính hay không, nhưng ông mới được cất nhắc, cẩn trọng không thừa.
- Vâng! Tôi biết rồi, bà không phải dạy khôn.
Thấy vợ căn vặn vậy trong lòng có chút chột dạ, nhưng Hoàng giờ như rơi vào luồng xoáy ẩn sâu trong đôi mắt lá răm sắc lẹm của Thơm nên không thể thoát ra được. Vẫn ra khỏi nhà từ sáng sớm, trở về nhà khi trời tối mịt, nhiều hôm là nửa đêm.
Bỗng một ngày Hoàng ốm! Ban đầu thấy chóng mặt, buồn nôn, đêm đi vệ sinh thì té xỉu. Cũng may hàng xóm có cô y tá, Hận kịp thời gọi trợ giúp sơ cứu rồi đưa chồng đi cấp cứu nên không bị nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng qua đận ấy Hoàng suy sụp hẳn, cử chỉ, thần thái trở nên chậm chạm, ngây ngô. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng vẫn lén lấy rượu giải sầu.
Sau trận ốm Hoàng đi làm ở ủy ban được mấy tuần rồi nghỉ hẳn. Khi ông Phó Chủ tịch trở thành phó thường dân rồi thì mọi chuyện ì xèo mới nở bung. Khi ấy Hận mới biết chồng mình phải "về vườn” sớm là vì có dính líu tới cô Thơm (hồ ly) kia. Làm việc thiếu trách nhiệm gây nhầm lẫn trong việc chi trả chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo. Cũng may người dân khiếu kiện kịp thời, sau thanh tra Thơm cũng đã đền bù, khắc phục kịp thời nên không bị truy tố. Nhưng sau vụ ấy Thơm buộc phải thôi việc, nghe nói đã vào miền Nam sinh sống.
Đã mất tiền để hỗ trợ Thơm trong vụ đền bù tiền hỗ trợ cho người nghèo nhưng cuối cùng Hoàng vẫn bị quy là thiếu trách nhiệm trong công việc, thậm chí vi phạm đạo đức công vụ. Đúng thời điểm huyện tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (từ 3 xã thành 1). Thừa lãnh đạo xã nên Hoàng cũng lọt vào danh sách "về vườn” sớm.
Thấy chồng đổ gục trong nỗi ê chề, Hận quyết định để lại cơ ngơi nhà mặt phố cho con trai, còn hai vợ chồng già lui về chân núi Tráng ở ẩn. Dựng một ngôi nhà nhỏ giữa vườn cây trái, cách gian nhà chừng 30 m là hệ thống chuồng trại nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng được thiết kế hiện đại, có hầm biogas, máng ăn sạch sẽ, điện thắp sáng trưng. Sống giữa không gian yên ả, ăn sạch, uống sạch và không vướng bận thị phi, hai tâm hồn trở nên lắng lại. Thi thoảng Hoàng có làm vài ngụm rượu rồi hát nghêu ngao nhưng không phách lối và đặc biệt chẳng phiền đến ai. Biết vậy nên Hận cũng dịu lòng. Ngoài những phút tức tối theo bản năng bật lên những câu trách móc thì Hận vẫn là người vợ đảm đang, thảo hiền. Gạt hết mọi ưu phiền, họ yêu thương, chăm sóc nhau cùng giữ "bếp lửa hồng” dưới chân núi Tráng.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Tản văn của Văn Song