Tản văn của Bùi Việt Phương

Chẳng biết từ bao giờ, dưới khúc sông lặng sóng, miên man dòng xanh đã có xóm thuyền chài cư ngụ. Sau bao biến của dòng sông, xóm chài vẫn đó với những mẻ cá đầy, những con thuyền câu đêm rì rì tiếng động cơ rẽ sóng, tiếng trẻ bi bô tập nói… làm nên một thứ gì rất riêng để người đi xa sông Đà mỗi dịp trở về lại ngồi ngắm những chiếc nhà thuyền dưới ánh chiều lấp lánh trên mặt sông.

Sau khi dâng nước hồ thủy điện, đã có nhiều gia đình nuôi cá lồng hay làm quen với nghề chài lưới. Nhưng từ rất lâu, ở phía dưới đập xả lũ và sau này là cầu Hòa Bình đã có xóm chài nằm nép mình bên bờ sông qua bao năm tháng. Cách đây 20 năm, từ những con thuyền gỗ với vòm đan bằng cót, những chiếc thuyền neo lại mùa khô để đánh bắt cá và ẩn mình trong sương mù như trong một bức tranh thủy mặc. Mùa ấy nhìn dòng sông mỏng mảnh trong sương mai, con thuyền nhỏ như ngọn bút vẽ trên mặt sông. Những chiếc thuyền co cụm sẻ chia mồi lửa trong giá rét. Ấp iu ngọn lửa nơi mui thuyền giữa khói sương trong những đêm đông gợi nhớ "lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ” trong Phong Kiều dạ bạc.

Mùa mưa lũ, nước đỏ ngầu phù sa từ thượng nguồn đổ về làm xóm thuyền lao đao. Những cành củi nhỏ bập bềnh trên nước, người xóm chài chỉ việc vớt lên bờ phơi nắng là có cái để đun qua ngày. Cá sông Đà nhiều, nhất là loài cá măng mình dài, cá chép sông béo ngậy. Những người chài lưới sông Đà không ngại kiêng kị vẫn đưa thuyền ra cứu người bị rơi xuống sông.

Xóm nằm nép bên phía bờ sông ấy như chứng tích của bao biến thiên lịch sử. Từ khi người Pháp đặt tỉnh lỵ tại xã Hòa Bình, lấy luôn tên ấy làm tên gọi tỉnh thay cho tỉnh Mường, tỉnh Bờ cho đến khi ngăn sông, xây thủy điện rồi bỏ đò ngang, cầu phao xây cầu cứng. Giờ đây, xóm chài đã có những ngôi nhà nổi lợp tôn, thuyền bè kiên cố chống chịu nắng mưa và là nơi cư ngụ vững vàng cho những gia đình. Lũ trẻ được lên bờ đi học, những người dân chài thân thiện ngày ngày buông lưới bên dòng. Dường như, có một phần ký ức về những trận lũ lịch sử, về những lần ngăn sông để xây nên thủy điện, về những bãi phù sa giờ thành nương ngô xanh biếc vẫn được lưu giữ trong những bóng thuyền trầm mặc. Rồi những người ngồi ngắm sông sẽ già đi, những con thuyền sẽ đổi thay vóc dáng. Nhưng, xóm chài vẫn còn đó như một nét gì riêng lắm của thành phố bên sông này.


Các tin khác


Tháng mười hai

(HBĐT) - Tháng cuối cùng của một năm thật đặc biệt. Dẫu chưa phải là Tết, chưa là lúc gác lại cày cuốc hay nhấp trà, thưởng hoa nhưng vẫn khiến người ta sống chậm lại, một thoáng giật mình trước tuổi tác, trước năm tháng, trước điểm kết thúc của một vòng quay: Xuân sinh - hạ trưởng - thu liễm - đông tàng…

Mùa hoa cải vàng

(HBĐT) - Thấy ông Tun ngồi thẫn thờ bên bờ suối, xung quanh là vườn hoa cải vàng bát ngát, bà Tun buông lời hờ hững: "Họ đi tận đâu rồi, còn nhớ gì chăng?”. Mắt ông hơi vằn lên: "Lên ông bà nội ngoại rồi nhé. Nói thế, bọn trẻ nó cười cho”, rồi lại cúi xuống, tay thoăn thoắt vót mấy tên nỏ mà mắt như đang nhìn vô định đâu đâu. Đúng là phụ nữ, nhất là vợ toàn đoán đúng luồng suy nghĩ của chồng. Ông bất chợt ngước về phía núi xa và chợt thở dài. Trời ạ, nhìn vườn cải vàng ruộm, ong bay hàng đàn vi vu trong nắng, ông bỗng thấy bâng khuâng lạ, không hiểu nổi. Nhưng mà nói có trời, có đất, ông chẳng tư tình gì với người đấy cả, chỉ là mối quan hệ hàng xóm, láng giềng. Còn điều ông cảm chỉ là sự chia sẻ, tình người với người phụ nữ hiền hòa, hát hay và sống biết trên biết dưới thôi…

Nếp Nhà xưa

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Khói chiều đông

Tản văn của Văn Song

Hạnh phúc học trò…

(HBĐT)-Được đến trường học hành, trau dồi kiến thức, được gặp thầy cô, bạn bè để cùng xây lên những chân trời, khát vọng mới, đó là hạnh phúc thời học sinh, sinh viên. Nhưng  khi gặp được những người thầy, người cô - "người lái đò” thầm lặng tuyệt vời, thì hạnh phúc càng được nhân đôi… Mỗi đời người, có thể kể ra rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm, tình huống gắn bó với thầy cô. Cho dù, thời buổi 4.0, chuyển đổi số, cho dù trong cuộc sống vẫn còn chuyện này, chuyện nọ liên quan đến đến mảng "sáng tối” của ngành, của nghề, nhưng những hình ảnh đẹp đó không bao giờ phai mờ.

Phố...

(HBĐT ) - Nếu thức dậy và đi làm sớm qua công viên hay quảng trường, dễ dàng bắt gặp những người đang tập thiền, khí công. Nhưng sớm hơn nữa phải là những tiếng lách cách từ chiếc xe đẩy của chị bán xôi, bánh mỳ sáng; từ tiếng bay, thước của mấy bác thợ hồ. Những người dậy sớm cho ngày đến sớm, khiến nhanh hết tháng, hết năm. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục