Xuân là một đứa lốp bốp, cao lớn. Lúc làm thì hùng hục như trâu bò, đất bắn lên cả đầu bám vào tóc, hôm sau vẫn thấy đỏ quạch. Nhưng bất thần nó lại lăn đùng ra ốm sốt đến cả tuần lễ.
Tôi gọi điện, không thể tin được khi chỉ thấy vang lên tiếng ghi âm sẵn của tổng đài: "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách...”. Bình thường cái "cục gạch” của nó mở 24/24h. Ngày trước, chính tôi là người cho nó cái sim điện thoại ấy.
Ngày ấy, sau tuần đầu tiên nó bảo tôi:
- Chú ơi (ngày đó nó vẫn còn gọi tôi là chú) có nhiều cô gọi điện đến, hỏi cháu là ai mà dùng số này, hỏi chú đi đâu?
- Cứ bảo em chỉ là người mua lại số này, không biết của ai. Chấm hết.
Tháng sau tôi về nó lại trách:
- Chú ơi, cháu thử rồi, hơn 10 cô kia thì không gọi nữa nhưng còn 3 cô dai lắm, hỏi đi hỏi lại. Lúc cháu bận làm cỏ với gánh phân xanh thì nhắn tin. Lúc cháu đi tắm thì cứ nháy máy.
- Ôi, chắc được dăm bữa, nửa tháng họ chán ấy mà. Em cứ dùng, đừng bỏ số này nhé.
Chẳng hiểu sao ngày đó tôi vẫn muốn đẩy cho nó cái tội nợ ấy, vẫn muốn hóng những người đẹp chạy theo mình trong sự tuyệt vọng. Một hôm, khi tôi đã chằng buộc đồ đạc lên xe, chuẩn bị xuống Hà Nội, nó đi ngang qua:
- Các cô ấy vẫn không tin, bảo cháu là ai? Cháu nghe lời chú dặn tự nhận là em gái chú. Các cô ấy bảo xem gia phả nhà chú rồi. Chú là độc nhất, lấy đâu ra em gái.
Mẹ giục tôi lấy xe xuống tìm cái Xuân. Tôi đi, tháng Giêng thấy đất quê còn rộng lắm, các dự án du lịch hình như vẫn còn mải "đánh bắt” tận đẩu đâu mà chưa về đến đây. Tôi hỏi thăm, người ta chỉ. Người biết, người không, nhưng rốt cuộc: "Xuân á, chết từ năm ngoái rồi, trên đồi ấy”; "Xuân à, đúng rồi, trắng, to, bỏ chồng vì nghiện, theo con gái ra Hà Nội lâu rồi”; "Xuân à? À, nhà nó gọi là con Sơn. Không đẻ được con trai nên gọi là Sơn, về nhà vẫn gọi là Sơn đó, đi đâu nó tự phịa ra là Xuân cho điệu thôi…”. Tôi đến ù cả hai tai, sao ở đây lắm xuân thế? Xuân già, xuân trẻ, xuân thật, xuân giả, nhưng cái Xuân mà tôi tìm nó đơn giản lắm mà.
Mấy thằng con trai đang làm vườn bắt đầu tỏ thái độ, chắc họ nghĩ tôi là thằng đi tán gái, kiểu trai làng quyết giữ gái làng. Đi miết theo hướng mẹ chỉ thế nào tôi lại gặp sông. Tôi dừng xe lấy điện thoại ra chụp, cảnh đẹp mê hồn, sương khói bảng lảng trên mấy nhà nơi xóm núi ven sông. Nhưng làm sao tìm được cái Xuân? Ở cuối đường, chỗ có con đò vừa sang sông, một người chả rõ trai hay gái đang ngồi câu, lù lù một đống. Thôi thì, như câu ngạn ngữ nào đó tôi đã đọc hay có khi tôi lại là người nghĩ ra, nói rằng đã đi đến cuối đường thì dù gặp người hay con bò, cái cây cũng đành phải hỏi:
- Bác gì ơi, cho hỏi quanh đây có cô bé nào tên Xuân người cao cao, trắng trắng, hiền lành không bác (hai từ hiền lành là tôi chữa lại sau những lần hỏi thăm toàn dùng từ ngố ngố để tả về Xuân).
Người ấy hất cái nón ra, hất cả cái mũ áo chùm đầu rồi nhìn tôi mặt méo xệch.
- Cháu, à em đây chứ còn con Xuân nào nữa.
- Dạo này lại có hứng đi câu cơ đấy, không ai thuê nữa à? (tôi vẫn hay đùa ác kiểu như thế).
- Em đến chết với cái sim điện thoại của anh. Em không dám ở nhà nữa. Có người dọa lên tận đây giết em, băm xác, vứt xuống sông cho cá ăn luôn.
- Sao thế?
- Tưởng đã lâu rồi thì thôi, ai ngờ hôm qua có một chị gọi vào số em hỏi anh đâu, hỏi em là ai, tên gì, nhà ở chỗ nào? Em nói rồi lúc sau chị ấy gọi lại, bảo biết rõ em là ai, cho em một cơ hội, một là nói thật, hai là sẽ cho em biết "lễ độ”. Em bảo em chỉ là người làm thuê cho nhà anh theo thời vụ. Nhưng chị ấy vẫn không tin, rồi hỏi em có hoặc không? Em… chót lỡ mồm.
- Nhưng có hoặc không cái gì chứ? Tôi gắt.
- Hỏi em có phải là vợ anh Thắng nhà ở Phú Lương không? Chỉ cần nói "có” thì chị ấy sẽ buông tha. Em bảo "có”… thế là chị ấy dọa giết em. Em sợ quá tắt máy, không dám ở nhà, toàn ra đây, mặc kín mít. Tắt máy thì lại chả có ai gọi đi làm cả.
- Thế câu được con cá nào chưa? Tôi lảng sang chuyện khác cho đỡ ngượng vì tự dưng thấy sao bây giờ mặt Xuân xinh hơn xưa, có duyên và luôn ửng hồng chứ không còn trắng bềnh bệch nữa.
- Làm gì có dây cước và lưỡi câu đâu anh, là em cắm cái cây trúc xuống sông cho đỡ buồn thôi, mà anh tìm em có việc gì?
Tôi không nói là mẹ tôi bảo tìm Xuân về để làm cỏ nữa. Tự dưng tôi thấy thương đôi bàn tay trắng và tròn, cái dáng cao tròn trịa, khuôn mặt hiền của Xuân. Tháng Giêng, xanh mướt một màu tươi mới của đồng bãi, núi đồi, dường như lòng người còn trẻ lại hơn cả cỏ cây. Tôi cứ cầm tay Xuân mà ngồi bên em như thế, mặc cho cái mặt em đờ đẫn ra rồi tự ửng hồng lên liếc nhìn tôi đầy ngượng ngịu khi nghe tôi bảo: "Người ta hỏi thế là phải, mà em trả lời thế cũng chả sai…”.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương