Người thầy nét nghĩa đầu tiên của danh từ này dành chỉ người được đào tạo có năng lực sư phạm.
Từ xa xưa câu nói: "Không thầy đố mày làm nên” là sự khẳng định về vai trò của người thầy. Đời của mỗi người ai cũng có thầy. Không ai có thể nhớ hết khuôn mặt, tên thầy của quãng đời đi học. Song, tình nghĩa trong lòng học trò nghĩ về người thầy vẫn mang ân tình và không quên.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là thể hiện truyền thống trọng thầy. Sự trọng thầy đã có hàng ngàn năm là giá trị của văn hiến của dân tộc.
Sự đúng mực, tròn bổn phận của người hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, biết trân trọng thầy là sự biểu thị của người công dân có giáo dục, có văn hóa giữ được nề nếp gia phong. Những con người ấy sẽ sống có nghĩa, có tín, thủy chung, rất mực trung thành với Tổ quốc. Sự học của mỗi người như những nấc thang trí thức mà mỗi người tùy theo hoàn cảnh và sức học của mình.
Có người ví làm thầy như bãi cát dài đỡ mình cho những con sóng, con sóng sau đưa đi con sóng trước. Làm thầy là làm người lữ hành, là người đưa đò. Khách sang sông ông lái đò lại về bến cũ một đời bạn hữu với trăng nước mênh mông.
Đất trời đang trải mấy phương
Nắng mưa, sương gió biết thương đời thầy.
Bao nhiêu giờ lên lớp là bấy nhiêu giáo án các thầy cô phải cặm cụi thâu đêm soạn bài, rồi đến kỳ kiểm tra, từng trồng bài tập, bài làm của học sinh, thầy cô lại chăm chỉ chấm, ghi những lời phê rõ ràng để học sinh tiếp thu.
Các thầy cô vùng cao Mai Châu, Đà Bắc cõng chữ lên non, tóc vờn gió núi, đầu đội mây trời, vận động học sinh đến lớp. Các thầy cô lại chăm sóc, tắm rửa, gội đầu cho học sinh.
Những thầy cô giáo tình nguyện đến Hòa Bình vào tháng 10/1959 vẫn mãi đinh ninh lời dạy khi Bác Hồ đến thăm đoàn giáo viên xung phong đi miền núi: "Các cháu đã xung phong cho đến nơi đến chốn”. Thế hệ các thầy cô thời kỳ ấy có người đã mất, đã già nay trên dưới 90 tuổi. Nghỉ hưu, người về quê, người ở lại Hòa Bình, số ở lại còn không nhiều. Tính đến nay thế hệ ấy lên Hòa Bình đã 63 năm rồi, tiếp sau để chi viện cho giáo dục miền núi nhiều lứa thầy cô lại tiết bước lên Hòa Bình. Từ Thanh Hóa, Nam Định họ lại về các xã vùng sâu, vùng cao trải bao khó khăn nhọc nhằn nhưng có ai lùi bước.
Bao nhiêu viên phấn đã mòn
Bao nhiêu giáo án đã sờn qua tay
Bây giờ tóc bạc như mây
Giữ gìn nhân cách cho đầy niềm vui.
Cuộc đời làm thầy không mong học trò trả ơn. Vì ơn thầy làm sao đếm được, chẳng tính được bằng tiền bạc lại không thể đánh đổi trao tay - Bác Hồ đã dạy "Làm thầy là người anh hùng vô danh”.
Hình ảnh người thầy bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng cần có những cử chỉ thân thiện, ánh mắt nụ cười của thầy cô sẽ thu hút học sinh mà dù có máy móc, dạy trực tuyến hay oline cũng không thể thiếu hình ảnh, bóng dáng người thầy.
Người thầy luôn đòi hỏi phải được thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong phong cách, thầy phải nghiêm túc, chan hòa và gần gũi với học trò.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, người thầy một đời dạy học vẫn luôn nghĩ đến các lớp học trò dù ở tuổi nào, cương vị nào hành trang vào đời vẫn lung linh hình ảnh người thầy với một tấm lòng biết ơn.
Tản văn của văn song