(HBĐT) - Người đồng đội ở huyện bên hồ hởi nhắn tin: "Ông Hoàn ơi, xem bộ ảnh bà xã nhà tôi vừa đi du lịch ở huyện H mà thích quá. Homestay đẹp, nhìn ra đúng bến sông ngày xưa bọn mình đóng quân…”. Ôi bến Nứa trên con sông Lau, nơi tuổi trẻ ông đã từng qua. Mấy chục năm rồi, cái tên đó lại khiến ông xúc động.

 Đêm đó, ông thì thào: "Bà nó này, cuối tuần này tôi ngược núi có chút việc. Mấy anh em đồng đội cùng đi thôi… Mà dịp này cho cả thằng cháu nội nhà ta đi cùng…”…
Cu Minh lần đầu đi xa nên có vẻ  háo hức:
- Ông ơi, nơi sắp đến có bản làng, có núi đồi cao và sông suối phải không ạ?
- Ừ, nơi đấy còn là nơi mà đơn vị pháo cao xạ của ông đóng quân để giữ con đường huyết mạch hướng về đường Trường Sơn cháu à…
Một bản làng nhỏ sát bến sông, nơi có cây cầu phao nối đôi bờ. Sông chảy lặng lẽ hiền hòa như ôm ấp, bao bọc những ngọn núi, dãy đồi cạnh nó. Ngày đơn vị kéo quân về sông Lau, cả mấy chục con người sững sờ vì vẻ đẹp đôi bờ: hoa lau bạt ngàn nối nhau xuôi về phía hạ lưu; trắng phơ phất, khơi gợi điều yên ả của cuộc sống thôn dã. Nếu nhìn dòng sông, bến Nứa, bãi lau và nhịp sống nơi này và nghe gió vi vút thổi, không ai nói nơi đó đã, đang có cảnh chiến tranh, bom đạn. Phía thượng lưu, cũng có vài hố bom do đế quốc Mỹ ném vào tầm năm 1966; giờ xung quanh, cũng là nơi lau mọc trắng bờ. Bản K không đông lắm, khoảng hai chục nóc nhà. Khẩu đội pháo của ông nằm chếch phía xa, cách bến sông khoảng 500 m. Sau 2 ngày đào hào, ngụy trang súng pháo, ông và các chiến sĩ được phép ra sông tắm. Không ngờ sát phía những bụi duối um tùm lại có một quán nước nhỏ… Bà chủ quán nước và một cô gái tầm 17 tuổi. 2 bà cháu à. Bà Miên khoảng 60 tuổi, hàm răng đen giòn vì nhuộm, bỏm bẻm nhai trầu:
- Không biết bố con Len này đang ở chiến trường nào. Lâu rồi không có thư… Các cháu mà đã đến đây chắc sẽ căng như mấy năm trước nhỉ…
Qua trò chuyện, biết Len đang học lớp 10 trường huyện. Một cô gái khá xinh, da trắng hồng, áo màu nõn chuối, quần phin đen; tạm nghỉ mấy hôm vì trường đang tìm chỗ sơ tán mới. Phía bờ liếp, có đến 8-9 bó lau khô được bó, được tết khá cầu kỳ, đẹp mắt. Những bát nước chè xanh nóng hổi được đưa ra. Ôi chiều đông, nhấp ngụm nước chè ấm thấy tỉnh hẳn người. Bà kêu cháu gái mang đĩa bưởi ra. Bà rành rẽ: Đây là bà mời nhé. Không tiền nong gì, của nhà trồng được…
Những múi bưởi, tép đỏ hồng ngọt thanh được đưa ra. Nữ sinh cấp 3 khá kiệm lời, miệng lí nhí mời mấy anh lính trẻ. Các chiến sĩ phát hiện, tóc Len dài và dày, đen nhánh, cặp rất khéo bằng những chiếc cặp ba lá đã được quấn bằng những sợi len màu tím, màu xanh. Lính ta đi đâu là rộn ràng đến đó, nên sự e ấp của cô gái cũng dần vơi đi. Nhất là khi biết các chàng lính trẻ cũng từ các trường đại học Tổng hợp, Bách Khoa, Giao thông, Xây dựng, Mỹ thuật… nhập ngũ, khiến cô hồ hởi hẳn lên. Cô chả giấu diếm: Em chưa biết hồ Gươm, tàu điện, kem Tràng Tiền thế nào. Nếu em học sư phạm thì trường đó có gần trường các anh không? Đứa nào cũng mồm năm, miệng mười hứa hẹn, hết đạn bom, hòa bình sẽ về đây đưa em về Hà Nội thăm Lăng Bác, đi chơi công viên…
Mắt Len sáng lên,nhìn xa xăm về phía con đường dẫn về xuôi. Bà Miên thì hỏi han kỹ gia cảnh các chiến sĩ, chuyện gia đình… như từng quen, từng gặp. Bà bảo: Vào nhà bà mùa này, nếu thấy trước cổng có giàn bông Clăng đỏ ối, la đà bờ rào chính là nhà bà. Phía trái vườn là vườn bưởi trĩu quả… Tuần sau, tuần sau nữa… cánh lính nhà ta cũng có khá nhiều cơ hội để vào bản chơi: xin tre dựng lán trại, giúp khẩu đội 12 ly 7 của trung đội dân quân tập bắn máy bay tầm thấp, đào hào giao thông dẫn từ bờ sông lên bản…
Nhà bà Miên, em Len ngày nấu mấy nồi nước chè cũng hết. Có lần, ông bắt gặp em Len thút thít ở phía sau nhà: "Mấy năm nay, vẫn chưa nhận tin tức gì của bố. Bà và mẹ thì động viên nhau… Rằng chiến trường có lúc nào rảnh rang đâu mà thư từ”… 3 tháng ở bến Nứa, sông Lau trôi nhanh như ngọn gió. Hàng tuần, Len vẫn từ nơi sơ tán về thăm nhà. Ngày cả đơn vị chuyển quân, cả nhóm chỉ kịp chào bà Miên khi bà đang hướng dẫn cày, bừa cho cậu em của Len cánh đồng sát con đường cái. Bà sang sảng: "Bà thường dạy cho 2 chị em nó đấy. Bố đi chiến trường, biết lúc nào về. Phải biết cày bừa để làm ra hạt thóc, củ khoai chứ…”.  Bà lụi cụi chạy về nhà và mang cho họ những túi cam bưởi, khoai, ngô… "Hết chiến tranh các cháu về đây làm cầu bắc qua sông Lau nhé…”… Bà cười tươi mà mắt như có nước. "Chào bà, chào cả em Len…”. Tiếng chào, tiếng nói hòa vào trong gió. 
Đời quân ngũ của ông không dài, nhưng cũng từng đi qua bao vùng đất, gặp bao con người. Mỗi nơi, mỗi con người đều ghi trong ông bao kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng sông Lau, bến Nứa lại là điều thiêng liêng vì đó là gặp gỡ đẹp đầu đời trong thời  quân ngũ. Chính điều đó đã thôi thúc ông và đồng đội trở lại, có thể chỉ để gặp lại thoáng qua những con người, những ân tình ngày xưa. Mong được gặp lại họ, mong được đi lại bên bờ sông lặng gió mà bạt ngàn hoa lau cùng màu nước xanh biếc, hiền hòa…Sao lại thấy hồi hộp đến thế.


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục