Bảo tàng Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn lưu giữ hàng trăm bức ảnh, hiện vật về những năm tháng sôi động trên công trình thế kỷ; biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô(cũ)

Người bạn đồng nghiệp từ Hà Nội lên TP Hòa Bình vào đúng dịp cuối thu, man mác trong chiều tối sông Đà yên bình, lãng mạn. Hít thở gió sông Đà, nhìn về Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang bừng sáng, bạn khẽ cất lời: "Một đêm trăng lên thấp thoáng/ Tôi nghe tiếng Balalaica/ Lặng nghe khúc hát Vonga/ Bồng bềnh trên sóng nước sông Đà/ Tưởng như thiên nga chắp cánh/ Khi nghe tiếng Balalaica/ Bạch Dương ru hát xa vời…”. Giọng nam trầm, hơi khàn, có chút phiêu lãng nhưng nhạc cảm cao. Phía góc trời xa, ánh trăng đầu tháng ẩn hiện…

Không ngờ chỉ một vài câu hát trong bài "Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà” (nhạc An Thuyên, lời thơ Quang Huy) lại khơi gợi bao điều cho nhóm bạn ngồi quây quần bên bờ sông Đà. Biết bao kỷ niệm ùa về. Với bài hát này, có người bạn kể rằng: Hồi đó, ti vi chưa phổ biến trong đời sống cộng đồng nên tiếng hát cô công nhân Hoài Thương của Nhà máy cơ khí Hà Đông (trong nhóm ca khúc chính trị thanh niên Hà Sơn Bình) trở nên nổi tiếng hơn qua Đài Tiếng nói Việt Nam (trong liên hoan thanh niên toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh đầu những năm 80 của thế kỷ trước). Rồi sau đó, hình ảnh nữ ca sĩ nghiệp dư với mái tóc dài hát trên công trình thủy điện Hòa Bình được nhiều bạn trẻ thế hệ 6X, 7X nhớ mãi. Thời đó, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Hoài Thương và "Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà” được phát đi, phát lại nhiều lần. Mỗi lần cô tham gia liên hoan, hội diễn, bài hát được coi như một "sứ giả” từ công trường thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trên sông Đà… Quê hương Hòa Bình, tâm hồn Nga và tình cảm Việt - Xô được chuyển tải đến bao người qua lời ca, điệu nhạc đi cùng năm tháng. Sau này, nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng giọng ca cao vút, trong sáng và tha thiết đó vẫn được nhiều người nhớ mãi…

Tiếng đàn Balalaica - một nhạc cụ dân gian với âm thanh dìu dặt, thanh khiết đậm chất Nga bỗng nhiên khơi gợi cả một bầu trời ký ức. Làm sao có thể quên những năm 70, 80 của thế kỷ trước…, cạnh thị xã nhỏ xinh sừng sững một công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trên sông Đà. Công trình vĩ đại, biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô. Đã có hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư Nga và gia đình họ đồng cam, cộng khổ cùng hàng chục vạn kỹ sư, công nhân Việt Nam làm nên huyền thoại "dòng sông ánh sáng”. Nhiều cái tên vẫn được bao thế hệ kỹ sư, công nhân Việt Nam nhắc đến như: Moixaeev, Bagachenko…

Bao năm rồi, tình cảm với đất nước, con người, nghệ thuật nước Nga vẫn trong sáng, lung linh trong lòng mỗi người. Nhiều người hiện sinh sống ở TP Hòa Bình vẫn không quên những giờ đi ca, những buổi liên hoan ca nhạc ở nhà hát Mùa hè, nhà hát Mùa đông; giao lưu bóng chuyền, bóng rổ cùng những người bạn Nga. Được nghe họ hát, được nghe họ tấu lên những bản nhạc dân gian qua cây đàn Balalaica… Nhiều cựu học sinh chuyên Nga (trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) vẫn còn nhớ những buổi giao lưu văn nghệ, tọa đàm cùng học sinh Nga. Vào Bảo tàng Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn đó hàng trăm bức ảnh ghi dấu một thời người Việt, người Nga miệt mài với công trình. Bức thư thế kỷ bằng tiếng Nga và tiếng Việt gửi thế hệ mai sau vẫn còn đó… khiến bao người háo hức chờ đón.

Tại Đài tưởng niệm những người ngã xuống trên công trình thủy điện nghi ngút hương trầm, khiến lòng bồi hồi xúc động khi đọc tên những người con của Liên bang Xô Viết bên những cái tên Việt Nam. 168 người, trong đó có 11 người con của Liên bang Xô Viết ngã xuống trên công trình thủy điện. "Không ai bị quên lãng và không điều gì bị lãng quên”, ý thơ của một thi sĩ Nga vang lên đâu đây, hòa vào tiếng gió, tiếng sóng nước sông Đà… Thời gian có thể làm người ta quên đi chuyện gì đó, nhưng có chuyện, thời gian lại làm giàu thêm, bồi đắp thêm những hồi ức, kỷ niệm đẹp. Bên dòng sông Đà lung linh ánh điện, những gương mặt bạn bè, những câu hát Nga cùng giai điệu Balalaica Nga còn vang vọng mãi...

Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Chiếc áo màu xanh

(HBĐT) - Sau 30 năm, lớp đại học của ông mới có cuộc tề tựu đông đủ thế này. Gần 40 bạn bè từng có những năm tháng sinh viên thiếu thốn đủ đường nhưng lãng mạn, êm đềm lại tề tựu bên nhau. Hồi đó ai cũng trẻ trung, khuôn mặt tươi hồng, nay là những trung niên tóc muối tiêu nhưng không kém phần sôi nổi, tếu táo. Thật cảm ơn anh Dũng, lớp trưởng. Mọi lần lớp cũng có gặp mặt, cũng có cuộc nọ cuộc kia nhờ zalo, facebook… kết nối, nhưng tính chất nhỏ lẻ. Lần này anh lùng được cả một vài người bạn ở tận tít vùng Tây Nam, cực Bắc về dự hội lớp. Đây là nhóm bạn "một đi nhưng chưa từng trở lại”... Thế mới tài.

Từ một lời nói đùa

(HBĐT) - Kỷ niệm 20 năm ngày cưới, Hà mời bạn bè, hàng xóm ra nhà hàng lớn nhất thành phố. Hà tếu táo với bạn bè: "Vẫn tín nhiệm… thì lại thêm nhiệm kỳ”.

Vị khách “đặc biệt”

(HBĐT) - Ngày cuối tuần, quán XX đông hơn ngày thường. Tầng 1, tầng 2 kín bàn. Chủ quán mặt tươi như hoa vì quán đắt khách. Còn nhóm các cháu bưng bê phục vụ thì tất tả, ai đấy mồ hôi nhễ nhại. Tuy vậy, các cháu vẫn động viên nhau: "Khách đông thế này, đến kỳ nhận lương thế nào anh chủ quán cũng thưởng thêm. Bọn mình cố gắng để khách đến ăn thấy vui, thoải mái, ngon miệng…”.

Mùa thu đón ánh nắng dịu êm

Tản văn của văn song

Thay đổi góc nhìn!

(HBĐT) - Chú đi đâu mà thất thểu thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục