(HBĐT) - Lại xôn xao những ngày tháng 6… Màu hoa phượng đã nhạt dần trên những vòm cây cuối phố. Và mưa giăng man mác trên những hàng cây sang mùa quả chín vàng cùng những hàng bàng, hàng lộc vừng mùa hoa rơi rụng. Những ngày nóng oi nồng, bức bách, xen lẫn những cơn mưa mát lành. Lòng bỗng thư thái, chợt nghe những câu văn tha thiết trong "Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng và lời bài hát "Tháng sáu trời mưa” vang trong không gian...
Bỗng nhận được chút quà quê: châu chấu "tôm bay” - món quà của lộc trời và những trái mận từ vườn quê nhà… Một làn gió mát lành chạy dọc trong tâm khảm, như thấy hiện lên trong mắt núi đồi, dòng sông tuổi nhỏ. Dẫu cơn mưa vừa tạnh nhưng lại tràn ngập trong không gian những ký ức thân yêu, những hạt mưa rơi không ngớt…
Có cảm giác như đang hứng trọn những ngọn gió mát lành từ cánh đồng làng trước mặt. Mưa giăng man mác trên những cánh đồng bãi rộng mênh mông đã gặt xong còn trơ những gốc rạ. Có cả chút gió thổi từ dòng sông trước mặt. Lúc này, đám trẻ trong xóm mới í ới gọi nhau. Đứa cầm chai thuỷ tinh, đứa mang giỏ bịt bằng những những miếng ni lông, được đục thủng một lỗ kèm những chiếc vợt dài tầm hơn 1m dàn hàng ngang trên những thửa ruộng lắp xắp nước. Chính lúc mưa to lại là điểm yếu của châu chấu. Cánh gặp mưa ít bay xa được. Đám trẻ vồ những con châu chấu cái, no căng bụng bám trên những thân rạ, cỏ lác hay những bụi cỏ ven bờ. Đứa vồ, đứa vợt kèm tiếng lội nước rào rào và tiếng cười nói. Nụ cười sáng trong mưa. Những con chấu mỡ, cánh dài bay khoẻ thường hay vượt qua "vùng truy bắt” dễ nhất. Những đứa trẻ nông thôn sau trận quần nhau với nước, rạ, cỏ lác, chân tím tái, nhiều vết xước nhưng lại vui cười khoe những "chiến tích” của mình. Đứa khoe: chai thuỷ tinh đã đầy; đứa lắc chiếc giỏ xào xạc tiếng đạp tanh tách của châu chấu vào thành giỏ; đứa giơ ống nứa dài, mở lối thở ở 2 bên ống đầy ắp những chú châu chấu béo ụ. Mồi cho mấy con chào mào, sáo núi đang chờ ăn ở nhà. Trong số đó có H, cậu bạn ấu thơ đúng là "siêu” nhất. Giỏ của nó bao giờ cũng nặng nhất. Nó cao, chân dài, khoẻ nên di chuyển rất linh hoạt. Trong khi đứa khác lội bập bõm từng bước nhát gừng thì nó cứ nhao lên, nhao xuống vồ, quét vợt. Mặc nước ròng ròng khuôn mặt, bết bát mớ tóc xoăn… nó say sưa như lần đầu làm công việc này.
Mưa cũng nhỏ dần… Những bước chân sáo nhảy dần về các lối nhỏ. Ở nhà, bà, mẹ đã đun sẵn nồi nước nóng rồi. Nào, đổ nước nóng vào chai, nhúng giỏ vào nồi nước, lọc xọc và đổ ra. Những con chấu chấu nguyên chân, cánh giờ đã vàng ruộm. Mọi người xúm vào cắt chân, bỏ cánh…Nhoáng một chút, giỏ "tôm bay” đã được làm sạch. Trưa nay, bên cạnh bát canh cá nấu khế cả nhà lại có thêm món châu chấu rang nước cà, nước măng chua, rắc chút lá chanh thái nhỏ. Cứ gọi là thơm nức nhà…
Món quà quê giờ không còn ở quê nữa, mà đã len lỏi vào các quán bia hơi, nhà hàng bình dân. Thỉnh thoảng nhìn đĩa châu chấu rang, ký ức tuổi thơ lại ùa về như mách bảo. Chỉ khác là, mấy đứa cháu họ hay bình thêm: Bây giờ đồng làng ngày càng ít hơn châu chấu, cua đồng. Ruộng đồng cũng thu hẹp dần. Dẫu thế, hàng xóm giờ cũng có thêm dịch vụ bắt châu chấu để đưa về "miền xuôi” rồi. Khi cánh đồng bãi xưa cũ không còn nhiều châu chấu, nhiều nhóm kéo ra tận mạn các huyện Mỹ Đức, Lạc Thuỷ để bắt…Dẫu được thưởng thức nhiều món ngon khác ở khắp miền quê, nhưng đĩa châu chấu chiều nay lại có một hương vị đặc biệt, đáng nhớ: hương vị của đồng quê, của tuổi thơ một thời chân trần lội ruộng cùng đám bạn bè. Có người giờ đang ở tận miền Trung, Tây Nguyên. Liệu còn nhớ chung hương vị dân dã ngày nào?
Bùi Huy
(HBĐT) - Một thoáng chiều quê. Người quê, có lẽ chẳng mấy ai quên được những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy... Trở về thăm mẹ buổi cuối tuần, làng quê thật yên bình, cánh cò trắng đang sải dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
(HBĐT) - Từ xưa đến nay, phố gầm cầu vẫn được coi là tụ điểm buôn bán ma tuý và dùng hàng trắng.
Năm ấy, xóm gầm cầu có hơn 30 nóc nhà đều nể Tư "râu” nhất. Gã là người duy nhất không nghiện ngập, không đánh lộn và rất ít nói, đến cả cái trò ở truồng tắm sông như những gã đàn ông ở đây Tư "râu” cũng khước từ. Hàng ngày, gã sống nhờ vào nghề bơm vá, sửa xe. Ai hỏi thì nói, chẳng gây thù, chuốc oán hay nhìn đểu ai. Nhưng có điều chẳng bao giờ thấy có con nghiện nào dám chôm chỉa đồ đạc của gã.
(HBĐT) - Từ một chàng tiều phu hiền lành, chân chất luôn được mọi người quý mến, nhưng sau khi được bổ nhiệm chức quan nho nhỏ ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”, Thạch phò mã bỗng "nảy nòi” ham mê tửu, sắc.
(HBĐT) - Nghe dự báo thời tiết 2 ngày cuối tuần miền Bắc có nắng nhẹ, nhiệt độ từ 21 - 270C, tôi đang thiết kế chuyến picnic đến những bản làng ven hồ cho bọn trẻ khám phá, trải nghiệm thì có tiếng điện thoại reo.