(HBĐT) - Vậy là chị cũng đã cùng nhóm ca khúc chính trị biểu diễn được 3 đêm ở thị trấn bên sông này. Đúng là nơi có những khán giả lý tưởng. Đêm đầu tiên khi chị hát xong một bài nổi tiếng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người xem vỗ tay thật dài, yêu cầu hát lại.

 Không phải đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng các thành viên bất ngờ bởi độ "hot” của khán giả. Vì tổng thể chương trình hay do nhóm có các giọng hát hay? Sự có mặt của nhóm ở thị trấn gần bến sông này không hề vô tình. Sắp tới, tại bến đò sẽ khai trương một cụm di tích lịch sử ghi lại những chiến công của bộ đội, thanh niên xung phong và Nhân dân trong những năm kháng chiến. Đây là nơi hội quân, nơi khởi đầu vận chuyển những chuyến hàng lương thực, thực phẩm phục vụ cho một chiến dịch lớn cách đây hàng chục năm và cũng là nơi trận địa pháo cao xạ bắn rơi nhiều máy bay F111, AD6 sau này. Cũng đã có nhiều máu đổ và hy sinh. Có trận địa pháo gần như không còn ai lành lặn. Ngày đó, thị trấn xơ xác, tan hoang vì bom Mỹ. Ngay hiện tại, gần mé cầu vẫn còn gần chục hố bom. Dần theo thời gian, cỏ, bèo tây mọc đầy.

Tối hôm trước, vẫn bộ trang phục quen thuộc: áo dài màu xanh nước biển, có họa tiết cây dừa, con đò, chị tha thiết với bài "Em vẫn đợi anh về”… Quả là lúc hát chị đã không kìm nèn được cảm xúc, nhất là khi được các bạn diễn hát bè đoạn: "Bình yên và chiến tranh… Mùa xuân và bão tố… Ngày mai hay quá khứ… Mãi mãi là bên anh”. Nước mắt long lanh bờ mi… Sáng nay chị dậy sớm hơn thường lệ. Mở cửa phòng, chị giật mình khi thấy người đàn ông mặc bộ quân phục, ngực đeo đầy các loại huân huy chương ngồi ở bậc thềm. Nay đâu phải ngày lễ, kỷ niệm lớn? Ông bối rối: "Tôi xin lỗi đã làm phiền chị! Bao năm rồi mới lại găp chị…”. Giờ bối rối lại chuyển sang cho chị. Mình đã gặp người này ở đâu? Nhìn kỹ ông: khuôn mặt khá khắc khổ với vết sẹo khá to ở má trái, hàng lông mày lưỡi mác rậm, thỉnh thoảng giật giật. Lúc ông cười, nụ cười ánh lên sự chân thật khiến người đối diện tin tưởng. Riêng đôi mắt thật khó nắm bắt: cả tin, ấm áp nhưng lại có chút ngây ngô…

- Sao bao năm chị mới trở lại nơi đây? Ngày đó, lúc chị và đội văn nghệ xung kích đến hát ở trận địa pháo cao xạ, chị mặc quân phục cơ mà. Đơn vị cũ nhắc đến chị suốt. Ngày nào tôi cũng hát bài chị từng hát…
- Ối… Chị thốt lên và thầm nghĩ chắc có sự nhầm lẫn gì  đây chăng? 
Vẫn tiếng người đàn ông như hoài niệm, như chia sẻ: 
- Hôm đấy vừa hát được 2 bài thì máy bay địch đến… Bom nổ… tiếng pháo gầm… Các chị bất đắc dĩ trở thành người tiếp đạn. Đêm đó, khi bình yên trở lại, các chị lại hát trong ánh trăng, ánh sao. Vì hôm sau các chị phải đi biểu diễn ở đơn vị khác…
- Bác ơi… Ngày đó cháu còn chưa đẻ cơ. Hay bác nhầm  với ai đó…
- Nhầm sao mà nhầm… Cô tưởng tôi hâm chắc. Giọng người đàn ông chợt đanh lại, rồi thầm thì: Các cô đâu chỉ đến một lần… Tôi nhớ cô hát "Nổi lửa lên em”, "Cô gái vót chông”, rồi như đêm qua, cô hát "Em vẫn đợi anh về”. Ánh mắt, dáng vóc của cô sao tôi quên được… Rồi cái tên cô nữa…
Thật bất ngờ, ông khóc tu tu như đứa trẻ. Chị hốt hoảng quá. Các cửa phòng bật mở. Anh trưởng nhóm vừa cất lời: Có chuyện gì thế Thanh Thuỳ thì từ ngoài đường, hai người phụ nữ một già một trung tuổi vừa ào đến.
- Ông ơi, ông đi đâu mà sớm thế? May có người nhìn thấy ông vào đây, không thì hôm nay hai mẹ con tôi biết tìm ở đâu… Tiếng người phụ nữ lớn tuổi.
Quay sang chị, bà khẽ khàng: Xin lỗi các anh chị nhé. Sáng ra đã đến làm phiền rồi. May mà chúng tôi đến kịp…
Người phụ nữ trẻ hơn (chắc là con gái) đến khoác tay ông: Về nhà đi bố… Đi đâu mà sớm thế. Mọi hôm mặt trời lên hẳn mới rời nhà đi mà… Nay các cháu ngoại đến nhà ông chơi đấy. Tiếng dìu dịu mà như có nước mắt.
Người đàn ông lớn tuổi vẫn trong dòng cảm xúc: Bố đã tìm được, bố đã tìm thấy, thế mà. Tiếng ông nghẹn ngào lẫn tiếng hức hức như đứa trẻ bị đòn oan…
Chị lờ mờ hiểu. Gia đình một cựu chiến binh… Lúc chia tay họ chị gặp riêng người con gái trao đổi vài điều. Trong đó, điều cốt lõi là biết được tên, lấy được số điện thoại và địa chỉ gia đình. Chị hứa hết đợt biểu diễn sẽ đến thăm gia đình… Chưa kịp đến thì ngay chiều hôm sau, trong khi chị và các thành viên đang tập lại một vài tiết mục cho đêm diễn cuối, người đàn ông tên Tụ, có vết sẹo lại đến và chừng 10 phút sau, người con gái của ông cũng đi xe máy tới. Rồi chị sụt sùi tâm sự: Cứ dịp nào trái gió trở trời, hay chuyển mùa bố em lại như người mộng du, với biết bao câu chuyện về những ngày trong quân ngũ. Cuốn vở chi chít những dòng chữ mà ông viết mấy năm trước giờ được ông thuộc lòng từng chữ. Từng câu chuyện về các trận đánh, về những người đồng đội, những bài hát, bài thơ thời trẻ ông hay hát, hay đọc. Câu chuyện về nữ ca sĩ quân đội Thanh Thuỳ nào đó được ông viết lại dài đến chục trang. Ông làm thơ, viết hò vè về thời quân ngũ. Rồi ông kể với vợ và con cháu không bao giờ là nhàm chán… Cuộc sống hiện tại của ông chỉ thuộc về quá khứ. Thương ông quá mà chả biết làm thế nào. Cũng đi viện nọ, viện kia đủ cả đấy chứ. Có điều, gia đình em yên tâm là cứ dịp nào có chuyện như rồi, ông vẫn ăn mặc đàng hoàng, không làm điều gì thái quá với ai…
Chị chẳng biết nói gì thêm với người con gái của ông, mà chỉ ái ngại nắm tay động viên, an ủi. Có mấy đĩa nhạc cầm theo, chị nhẹ nhàng: "Em có món quà tinh thần này gửi bác… Đây là đĩa nhạc tuyển chọn những bài ca đi cùng năm tháng, có cả giọng hát của nữ ca sĩ danh tiếng kia nữa… Biết đâu làm bác vui, dịu lại những nỗi niềm về ký ức…”. Bóng hai cha con họ khuất dần về phía mé đồi, vậy mà chị vẫn đứng đó thẫn thờ nhìn theo mãi. Mong bác ấy sớm bình phục…



Truyện ngắn của Bùi Huy


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục