(HBĐT) - Nghe dự báo thời tiết 2 ngày cuối tuần miền Bắc có nắng nhẹ, nhiệt độ từ 21 - 270C, tôi đang thiết kế chuyến picnic đến những bản làng ven hồ cho bọn trẻ khám phá, trải nghiệm thì có tiếng điện thoại reo.


Là cậu Bân! Sau tiếng alo rổn rảng của tôi, cậu Bân liến thoắng: Chị à! Anh chị và các cháu có khỏe không? Lâu lắm không gặp hai bác và các cháu...
- Ờ thì cậu đi suốt, anh chị lại chỉ về được mỗi thứ Bảy, Chủ nhật nên khó gặp nhau. Mà nay cậu gọi cho chị có chuyện gì vậy?
Tôi sốt sắng ý muốn cậu ấy bớt con cà, con kê mà đi vào việc chính. Lần này chắc hiểu ý chị nên Bân không lan man nhiều mà thông báo luôn: Em gọi điện mời hai bác và các cháu Chủ nhật này về ăn cỗ, mừng cho hạnh phúc tụi em.
- Hả! Ăn cỗ! Mừng hạnh phúc? Cậu cưới, mà cưới ai, ở đâu? Tôi tuôn một tràng câu hỏi. Cậu Bân thủng thẳng: Thì bác cứ về khắc biết! Mà bác về sớm để còn đi đón dâu với em nhé! 
- Nhất trí! Tôi cúp máy quay sang thông báo với bọn trẻ. Khỏi phải nói đến sự háo hức trên gương mặt và động tác tay chân của hai đứa đang trong độ tuổi thích bay nhảy, thích trải nghiệm, khám phá. Còn tôi có chút bâng khuâng! Vui đấy nhưng vẫn thấy lo lo vì không biết cô gái ấy là người thế nào mà lại chịu gắn bó với cậu Bân. Vợ bỏ đi theo người đàn ông là chủ thầu xây dựng cây cầu treo bắc qua dòng qua suối Chẽo mấy năm trước. Vừa chán chường, vừa lo kiếm miếng cơm, manh áo nuôi mẹ già, con thơ, cậu Bân cũng đi biền biệt. Nghe nói đầu quân cho hết đám thợ nề này đến xưởng gò hàn khác. Tiền công thợ xây, thợ hàn thời buổi này cũng khá, nhưng ngặt nỗi cậu chàng cứ đa mang, nay xin nghỉ về ăn giỗ, mai đám cưới đứa em họ, ngày kia sinh nhật đứa bạn… khi trở lại luôn trong tình trạng say mèm, rồi ốm, nghỉ. Ngày công không đạt lại còn làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của người khác, nên thường chỉ 1 - 2 tháng cậu lại phải nhờ bạn bè kết nối tìm việc nơi khác. 
Sau đợt tai biến nhẹ, dì tôi yếu hẳn nên gọi cậu Bân về kiếm việc làm gần nhà còn tiện chăm mẹ, chăm con. Vừa hay có cậu bạn hồi tiểu học đầu tư mở xưởng gia công cơ khí, cậu Bân được đưa vào làm thợ chính. Những lúc rảnh rỗi Bân lân la sang nhà chú Vươn ở liền kề khu xưởng xin cốc nước chè xanh rồi ngồi đàm đạo. Hai chú cháu hợp nhau nên hễ có dịp ngồi với nhau là mạn đàm mọi thứ chuyện trên đời. Nói chuyện nhiều mới biết chú Vươn cũng lận đận, long đong lắm. Vợ mất sớm, một tay chú nuôi dạy 2 con gái. Vì gia cảnh nên học hành chẳng đâu đến đâu. Cô chị tên Vân học hết lớp 10 thì bươn trải đi làm thuê, 19 tuổi đã trở thành mẹ đơn thân. Con cứng cáp thả về cho ông trông nom rồi lại trở về thành phố kiếm sống. Cô thứ hai đang đi lao động ở Đài Loan, nhà thường chỉ có chú Vươn và đứa cháu ngoại lên 10. Thi thoảng mẹ nó về thăm, chu cấp tiền ăn ở, sinh hoạt cho hai ông cháu. Đợt dịch Covid-19 không có việc làm Vân về nhà ở riết. Cậu Bân cứ lân la trò chuyện rồi cả hai bén duyên lúc nào không hay. Từ đó Vân không ra thành phố nữa mà ở lại nhà mở tiệm cắt tóc, gội đầu, sơn sửa móng…
Đám cưới cậu Bân diễn ra vào một ngày đẹp trời. Cô dâu rực rỡ trong tà áo dài đỏ thắm, chú rể nâng tông màu, tạo sự đồng điệu bằng bộ vest đen, cà vạt đỏ. Đoàn rước dâu đi bộ qua chiếc cầu treo rồi đến con đường nội đồng ngợp ánh nắng. Hai bên đường sóng lúa non xanh mướt reo vui.
Dẫu là " rổ rá cạp lại”, nhưng vì đây là lần đầu Vân được làm cô dâu nên mọi nghi lễ, sính lễ ăn hỏi và cưới được chuẩn bị khá chu đáo, thậm chí nhỉnh hơn một số đám trong làng. Cũng bởi vậy mà ngay trong bữa tiệc cưới có không ít các "bà thím” buông ánh nhìn sắc lẹm kèm những cái bĩu môi dành cho cậu Bân: Đã nghèo còn sĩ. Mà cái con í (chỉ cô dâu) nào có ngoan hiền, không khéo lại "ba bảy hai mốt ngày” theo lốt con vợ cũ thằng Bân. Tôi nghe cũng thấy chút hoang mang, nhưng nhìn ánh mắt chân tình pha chút ngượng nghịu của cô dâu, chú rể tôi có lòng tin rằng cậu mợ ấy sẽ hạnh phúc. Dẫu không được đến "đầu bạc răng long” thì cũng được hơn nửa cuộc đời. Tôi nghĩ vậy vì cả hai đều có những khiếm khuyết, nghèo như nhau, long đong, lận đận như nhau. Vân thì mạnh mẽ, quyết đoán còn cậu Bân sức dài vai rộng đấy, nhưng cái đầu nảy số không lanh, ấm áp đấy nhưng hơi rụt rè, đặc biệt là không quyết đoán. Họ như hai mảnh ghép chập lại với nhau ở thế "cài răng lược”, vững quá đi chứ!
Hơn nữa tình yêu của họ còn được ủ tới 2 năm với bao nỗi trăn trở của Vân, vì vốn dĩ Vân là bạn khá thân của vợ cũ cậu Bân. Khi tình yêu của Vân và Bân mới nhen nhóm, cô vợ cũ cậu Bân chí chéo qua zalo rằng: "Cực chẳng đã tao mới bước khỏi căn nhà ấy, người đàn ông bất tài, vô dụng ấy mà mày còn định đâm đầu vào”. Nhưng vì tình yêu, vì sự cảm thông, chia sẻ Vân vẫn vững vàng tiến bước về phía Bân. Biết rõ gia cảnh cũng như tính nết của người mình sẽ lấy làm chồng nên việc tổ chức đám hỏi thế nào, đám cưới ra sao đều do Vân quyết định. Biết con rể phải vay mượn hoàn toàn để lo cho đám cưới, trong ngày lại mặt bố Vân trao tay hai vợ chồng cuốn sổ tiết kiệm Vân đã tích cóp cho ông dưỡng già giọng nghèn nghẹn: Bố nghèo nên chẳng giúp các con được gì và cũng không mong ước gì nhiều hơn. Chỉ mong hai con sống thật hạnh phúc để làm chỗ dựa tinh thần cho bố, bà thông gia và 2 đứa trẻ! Vân khóc, Bân cũng khóc rồi cùng nắm tay nhau, trao cho nhau cái nhìn ấm áp, cùng hướng về phía người cha biểu lộ sự hàm ơn: Chúng con xin hứa!
Sau lễ lại mặt ở nhà Vân, họ nắm tay nhau đi trên con đường làng trở về nhà, thi thoảng cùng ngước nhìn lên bầu trời ngắm trăng sao để dệt nên những giấc mơ đẹp.


Truyện ngắn của Lam Nguyệt

Các tin khác


Những miền biên viễn không xa

(HBĐT) - Cuối tháng 2, người bạn đồng nghiệp ở Hà Nội có lời mời hấp dẫn: "Có lên biên giới Hà Giang một chuyến không, sắp ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3/3 đấy”. Ra Tết, không khí xuân sắc còn tràn ngập mọi nẻo đường mà được đi về miền biên viễn còn gì thú vị bằng. Nhưng không phải cứ thích đều có thể lên đường. Dẫu không thể lên đúng dịp này, nhưng với Bộ đội Biên phòng, người dân vùng biên và biên giới đâu phải chưa từng đến, từng gặp. Ký ức đó luôn sống trong lòng, tươi mới và có sức sống mạnh mẽ…

“Tiết kiệm” chi phí

(HBĐT) - Nắm bắt được nhu cầu về vật liệu xây dựng ở vùng “rừng xanh, núi đỏ”, chàng tiều phu đã quyết định đầu tư xây dựng mỏ đá cung cấp cho các công trình trên địa bàn.

“Giọt hồng” phiêu du

(HBĐT) - Nghe tiếng va chạm của đồ dùng kim loại rồi tiếng trao đổi lào xào bên tai, Hạnh từ từ mở mắt. Một lần, 2 lần, 3 lần, rồi 4 lần Hạnh cố nhướng đôi mi dấp dính để mở to đôi mắt. Rướn cung mày để nhìn thẳng, Hạnh thấy bức trần nhà lạnh lẽo.

Những bông hoa ngày thường

(HBĐT) - Tháng giêng, tháng hai…thiên nhiên chiều lòng người. Đủ chút lạnh, đủ chút ấm áp vừa phải để mọi người thăm thú nơi này nơi nọ, cũng như bắt tay vào những công việc của năm mới bằng tâm thế rộn ràng, thư thái. Sáng nay, vào một ngày mưa bụi nhè nhẹ giăng man mác bến sông, hàng cây phố xá… người phụ nữ phố bên bắt đầu trồng mới những khóm hoa đầu năm bên vườn nhà. Mảnh vườn nhỏ xinh, dưới bàn tay khéo léo cũng như bằng niềm yêu thích hoa lá cây cỏ, vườn được dệt nên bằng nhiều màu sắc của các loại hoa xuân, quả xuân. Thật khéo chăm những bình quất từ những năm trước ra quả đúng dịp này, rồi xếp tạo hình thật bắt mắt ở ngay lối đi lại…

Lễ mừng thọ

(HBĐT) - Đầu năm nay, cùng với việc lên lịch vãn cảnh, thăm quan mấy ngôi chùa cổ có tiếng trong vùng, vợ chồng chị N.M còn tính việc mừng thượng thọ cho mẹ. Chị vốn nhanh nhảu nên đã nhắn một loạt tin trong nhóm zalo gia đình để xin ý kiến các cô chú, các thím về quy mô, tính chất của lễ mừng thọ. Đưa ý kiến ra như thế thôi nhưng chị lại quyết sớm, chốt nhanh như điện trước khi mọi người có ý kiến. Đại để chị cho rằng: Năm nay dịch Covid-19 tạm lắng, nên việc mừng thọ cho bà tuổi 80 có điều kiện để nâng cấp về lễ. Số người được mời có thể mở rộng hơn. Ngoài con, cháu, chắt của bà còn bạn bè thân thiết của chồng, của vợ cùng bạn của các cô, các chú, bạn cùng đơn vị, công ty. Rồi các bác bên nội, bên ngoại của mẹ. Chưa kể các đối tác làm ăn, hàng xóm lân bang…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục