(HBĐT) - Một thoáng chiều quê. Người quê, có lẽ chẳng mấy ai quên được những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy... Trở về thăm mẹ buổi cuối tuần, làng quê thật yên bình, cánh cò trắng đang sải dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.
Hình ảnh những đứa trẻ mục đồng ngồi trên lưng trâu căng bụng to kềnh chậm rãi về chuồng, nhưng cái ao đầu làng đã níu chân chúng lại. Ao làng là sân chơi của trẻ quê vào mỗi trưa hè nắng gắt, vào mỗi chiều trâu bò no bụng. Dòng nước nằm giữa hai quả đồi trong veo, tôi không thể nào quên trong ký ức tuổi thơ…. Mạch nguồn của ao làng ấy nuôi dưỡng bao tâm hồn thơ trẻ, trở thành ký ức của những người con xa quê, nhưng giờ thì quy hoạch phát triển đã lấp đầy, đàn trâu cũng đã vắng bóng với tuổi thơ mà là những cỗ máy cày, bừa công nghiệp… Ráng chiều nhuộm tím hoàng hôn để người con gái lấy chồng xa về quê mẹ mà se thắt nỗi niềm, và thẫn thờ nhìn bóng mình đổ dài trên lối nhỏ đợi hoàng hôn để được chìm đắm vào phút giây chính mình. Ôi, có cảm giác nào chơi vơi hơn khi ta ngợp trong ráng chiều gợi bao nhung nhớ. Không gian như chìm trong yên lặng. Cánh đồng lúa xanh rì bình yên đến nao lòng. Tiếng côn trùng đã rụt rè hẹn hò, nỉ non, bao niềm tâm sự, mâm cơm đạm bạc mỗi chiều tắt nắng…
Thời gian như ngưng đọng. Niềm quê chợt sống dậy trong tâm thức của mỗi con người khi vẫn đang sống trên không gian quê hay thị thành. Đó là lúc tuổi thơ đến với ta với bao nhung nhớ, diệu kỳ. Ta gom góp nhớ nhung lại và gọi đó là ngày cũ. Ngày cũ thì bao giờ cũng chỉ có niềm yêu. Cho dù đó là những ngày cơm độn khoai, sắn. Cha, mẹ đi làm đồng đội mưa, đội cả sấm chớp khi cơn mưa vội vã để về nhà khi nhá nhem tối, con trâu đã nằm yên trong chuồng bình thản nhai cỏ như bỏ ngoài tai bao chuyện thế sự. Và cánh diều cũng đã chịu nằm yên sau những lần nhởn nhơ cùng mây gió mang niềm vui cho bầu trời và những tâm hồn thơ trẻ. Tôi vẫn biết hoài niệm bao giờ cũng đẹp nên lòng tôi thường trở về với ký ức trong thương nhớ.
Người không từng gắn bó với quê có lẽ không thể nào cảm nhận được những điều dung dị mà khiến người nhà quê nhớ đến nao lòng ấy. Tất cả đã lặng lẽ ngủ yên trong miền ký ức nhưng sẽ thức giấc khi được gọi tên. Bởi niềm nhớ nhung của chiều quê trong dĩ vãng đã chạm khắc trong tim một dấu hằn ngọt ngào khó nhạt phai. Mai này, ta tìm trong mớ ký ức linh tinh ấy để chắp nối lại thành kỷ niệm và gọi thành tên cho hoài niệm, nhớ chiều quê… Tôi thường tung tăng trong miền ký ức về những buổi chiều quê như thế để nhặt nhạnh nhớ nhung, cho lòng thêm đầy ắp những niềm yêu. Chiều quê trong tôi đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của một thời mà ai trong đời cũng có. Tôi vẫn thường bâng khuâng khi nhớ về những buổi chiều xưa cũ… Tôi ru mình vào thế giới riêng huyền ảo của hoàng hôn bởi những thứ giản đơn giống như lời hát ru của mẹ. Nó dịu dàng thế nhưng ru say lòng tôi đến độ yêu thương. Tôi vẫn thế, cứ thế, hoài niệm về những bóng chiều trên mảnh đất quê hương.
Bùi Chiều
Xã Cao Dương (Lương Sơn)
(HBĐT) - Nghe dự báo thời tiết 2 ngày cuối tuần miền Bắc có nắng nhẹ, nhiệt độ từ 21 - 270C, tôi đang thiết kế chuyến picnic đến những bản làng ven hồ cho bọn trẻ khám phá, trải nghiệm thì có tiếng điện thoại reo.
Sau hơn 3 năm cô tôi đi lấy chồng và ra ở riêng, lần đầu tiên bà nội đích thân đến thăm, dù ngay năm đầu tiên sau cưới cô đã sinh em bé. Chỉ có mẹ tôi và tôi được bà cho đi cùng. Cơn mưa đầu mùa khiến mọi người ướt như chuột lột. Gặp ngay chú Kiếm ở đầu ngõ, bà nội tôi sững lại đôi chút nhưng vẫn vuốt nước mưa tiến vào. Mẹ tôi nhìn chú ái ngại và thì thầm điều gì đó vào tai. Chú đỏ bừng mặt, bối rối gật đầu, bước vội vào màn mưa. Tóc, râu được cạo gọn gàng, mặc áo phông màu ghi nhạt rõ là lành. Mấy phút sau mưa tạnh nhanh đến bất ngờ. Trời hửng, cầu vồng rực rỡ phía bờ sông.
(HBĐT) - Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra giấc ngủ của mình như một cuốn nhật ký đã cũ kỹ và nhàu nát. Là vì, tôi đã ghi vào giấc mơ của mình tất cả những lo lắng, phiền muộn của một ngày qua đi. Ghi rồi xóa, gạch rồi lại viết, cứ thế chất chồng, đan mắc vào nhau để sáng thức dậy đầy mệt nhọc và uể oải.
(HBĐT) - Cuối tháng 2, người bạn đồng nghiệp ở Hà Nội có lời mời hấp dẫn: "Có lên biên giới Hà Giang một chuyến không, sắp ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3/3 đấy”. Ra Tết, không khí xuân sắc còn tràn ngập mọi nẻo đường mà được đi về miền biên viễn còn gì thú vị bằng. Nhưng không phải cứ thích đều có thể lên đường. Dẫu không thể lên đúng dịp này, nhưng với Bộ đội Biên phòng, người dân vùng biên và biên giới đâu phải chưa từng đến, từng gặp. Ký ức đó luôn sống trong lòng, tươi mới và có sức sống mạnh mẽ…