Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 


Cái giếng nước sau vườn nhà bà Nụ quanh năm phủ đầy lá khô. Từng lớp, từng lớp trút xuống như kí ức của một người có tuổi. Mỗi năm cứ vào đêm trăng ấy bà sẽ tắm gội bằng nước lá thơm, mặc bộ quần áo mới và ra giếng lấy nước về đặt lên bàn thờ cùng nén hương trầm thơm.

Năm ấy, từ lúc ra Giêng đến giờ không có một cơn mưa nào, ngay cả nước ở Mó Khoóng cũng chảy ri rỉ. Đêm đến, trẻ con khóc vật vã vì ngứa ngáy. Mặt trời nhô lên dọi nắng gay gắt vào đôi mắt trũng sâu của những người già.

Một tối, khi cả nhà cùng ngồi bên bếp lửa, Nụ nghe cha bảo mấy hôm trước đi rừng thấy có vết bánh xe ở gần gò Mốc. Mẹ vừa cời than, vừa nói bâng quơ:

- Rồi ra chiến trường hết thôi.

- Nếu còn trẻ, tôi lại xin đi - bố cô đáp.

Bố của Nụ từng bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Giờ mỗi lần trái gió, trở trời vết thương lại đau nhức. Cả nhà im lặng. Nụ nhớ hồi bé, cũng bên bếp lửa này từng nghe kể chuyện cổ về con rắn thiêng nằm đầu quay về hướng Bắc. Chỗ gò Mốc chính là cái mào của nó, phần đuôi rắn quặt về hướng Tây chính là chỗ các xóm Dệu, xóm Dạo… Ngày xửa, ngày xưa không ai biết nó từ đâu đến bắt dê, bò, trẻ con. Một lần, nó bị trúng một mũi tên của chàng dũng sĩ nên chạy về đây nằm quằn quại. Nó không chết mà nhập vào đất nên chàng dũng sĩ không thể giết nó được. Dân đi nứa, đi củi không dám qua gò Mốc mà phải vòng qua mấy xóm dưới vì sợ động đến "ngài”. Khi "ngài” được yên ổn thì nước ở Mó Khoóng sẽ đầy ắp. Nếu ai phạm phải đất ở gò Mốc dù chỉ một dấu chân thì năm ấy sẽ hạn hán.

Thế nên khi có những vết xe bánh xích dưới gò Mốc làm ai cũng lo lắng. Một hôm, trong lúc vào rừng hái dâu, Nụ phát hiện ra nhiều cành vừa bị bẻ. Nhìn cách bẻ cành, cô đoán không phải do người dân đi rừng bẻ cành làm nêu nhận hay cắm để che bẫy thú. Bộ đội, đúng rồi, bộ đội bẻ lá để ngụy trang cho xe, Nụ thốt lên một mình. Từ nhỏ, dù hay được nghe người lớn kể nhưng cô cũng lại chưa bao giờ được gặp họ. Đang mải suy nghĩ bỗng Nụ nhìn thấy một vệt cỏ bị nhàu nát như thể vừa có con thú nào chạy qua. Tim đập mạnh nhưng Nụ vẫn không giấu được sự tò mò. Tay cầm dao, Nụ rón rén từng bước theo vết trượt. Trước mặt cô lúc này là một cái hủm nhỏ. Còn nhớ ngày bé, Nụ đã thấy trâu bò bị sa chân xuống đây rất nhiều. Như có một sự mách bảo, ngước nhìn ánh nắng còn dọi qua kẽ lá, Nụ bám dây rừng men xuống. Trước mặt cô, một người mặc quân phục đang nằm với vẻ đau đớn. Nghe tiếng động, người đó nén đau đưa vội tay xuống thắt lưng định tìm bao súng. Cô vội lên tiếng: "Bộ đội ơi!”. Người này có vẻ đỡ lo lắng.

- Bộ đội bị sao đấy?

- Tôi, tôi…

Nhìn xuống bắp chân anh ta, Nụ nhận ra người này vừa bị rắn cắn chưa lâu. Cô nhớ ra mấy hạt đậu lào mang theo bên mình. Lát sau, thấy anh bộ đội đã qua cơn nguy kịch, cô chặt đoạn ống nứa cho anh uống nước. Lúc này anh đã tỉnh táo hơn nên đề nghị:

- Thế này nhé, cô cầm vật này chạy về đưa cho ông Bản trưởng xóm, ông ấy sẽ biết cách báo cho đồng đội của tôi. Nhờ cô…

Nghe nhắc đến "trưởng xóm”, Nụ suýt nữa bật cười nhưng lúc này cô vội chạy về thật nhanh. Sau khi báo cho bố biết, cô lại chạy đi lo cho mấy nong tằm và đàn lợn. Đến đêm, khi đi ngủ cô mới nhớ ra trong cái ớp nhỏ đeo bên hông lúc chiều còn một ngôi sao mà anh đã đưa cho cô cầm về như một vật làm tin. "Cái anh này thật thà, dễ tin người…”, Nụ cứ nghĩ đến điều đó rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Một hôm, đang hái dâu trên đồi, Nụ thấy từ dưới chân dốc, bố cô dẫn theo mấy chú bộ đội, Nụ đã thấy lạ. Từ xa, cô chỉ thấy ông Bản và họ đi vào phía gốc cây nhội. Nụ vội men theo những thửa ruộng bậc thanh để về nhà. Khi cô về đến nơi đã thấy cả ba người đang đào đất, những lớp đất mới được xới ẩm ướt như thể đang có mạch nước dưới đó. Một trong ba người đó là anh bộ đội hôm nọ. Lúc này cô mới để ý kĩ thấy anh trắng trẻo, thư sinh chứ không dày dạn mưa nắng, mình đồng da sắt như trong suy nghĩ của mình.

Hôm sau, lại có thêm một tốp bộ đội tìm đến nhà cô. Trong bếp, cốp xôi đồ tỏa hương nghi ngút, bên cạnh là nồi nước để pha chè xanh, người trong xóm ra vào tíu tít. Bà nội vừa cời than vừa vọng ra sân hỏi mẹ cô:

- Đã thấy mạch nước chưa mẹ nó?

- Chưa bà ạ, nhưng nhà con với các chú ấy bảo nó chỉ ở quanh đây thôi…

Bà nội vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa than thở:

- Từ bé đến giờ tôi chưa thấy ai xem bản đồ để đào giếng như cái nhà anh Tuấn ấy cả.

Mẹ nói vọng vào:

- Chú ấy là sinh viên Tổng hợp, là người Hà Nội giỏi lắm đấy bà ạ. Các chú ấy bảo cái gì khoa học cũng giải thích được.

Bà không nói gì nữa, lặng lẽ vào nhà thắp hương. Đêm ấy, khi trăng lên tỏ, mạch nước xuất hiện ra trong tiếng hò reo của mọi người. Hoá ra, mạch nước chẳng đâu xa mà ngay trong chính khu vườn này.

Đúng lúc ấy, các anh bộ đội nhận được tin phải tập hợp để sớm mai hành quân gấp vào chiến trường. Nụ chẳng kịp nói gì nhiều với Tuấn. Cô đưa cho anh ngôi sao gói trong chiếc khăn thổ cẩm, ánh mắt như một vì sao lấp lánh. Tuấn cầm chiếc khăn, họ cảm nhận được bàn tay nhau nóng hổi.

Rồi những đợt oanh tạc của máy bay Mỹ ra miền Bắc, cả nước cùng ra trận. Chiến tranh qua đi, từng ngày, từng tháng, từng năm đều có những người lính trở về. Nụ đã lên tỉnh học, cô tìm đọc từng tờ báo, từng mẩu tin nhưng không hề thấy phiên hiệu của đơn vị nào đóng quân ở thôn Gò Mốc năm ấy. Những gì còn đọng lại chỉ là hình ảnh anh bộ đội thư sinh với tấm bản đồ đã tìm ra mạch nước ngầm này.

Hàng năm, cứ đến đêm trăng ấy, Nụ lại ra lấy nước đặt lên bàn thờ để ngóng vọng về những người lính đã mãi mãi sống trong lòng dân như một huyền thoại đầy hào sảng…


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục