(HBĐT) - Dù năm tháng học THPT trôi nhanh đến bất ngờ và vài thành viên nhóm "ngũ quái” năm nào đã cứng cứng tuổi nhưng họ vẫn bên nhau trong những sự kiện quan trọng của đời nhau. 2 nam, 3 nữ. Hồi đó, thấy họ thân nhau, bạn bè cùng trang lứa cứ đồn thổi là đôi nọ, đôi kia yêu nhau. Nhưng không hẳn như vậy. Trong số này, có 2 bạn nữ là Hiên và Hạ thuộc diện thoát ly làm "cô nuôi dạy hổ” - cách gọi của chúng nó về giáo viên mầm non. Còn 2 nam nhi: Thân và Thái làm đủ nghề để nuôi vợ con và giờ con cái cũng đã vào THPT, có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai người có tham gia một vài câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp liên quan đến nông thôn, nông dân, thỉnh thoảng tham gia đàn ca sáo nhị của phường bát âm xóm.

Riêng với Lân thì lại cả một câu chuyện dài. Hồi học xong THPT, vì chuyện buồn gia đình nên ở nhà, sau đi học nghề trang điểm, giờ có cửa hàng cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu khá đắt khách ở thị trấn. Ngày trước cần gặp nhau thì đạp xe đến tụ tập ở nhà Lân. Giờ có zalo, facebook nên có gì cứ í ới trong đó là biết thông tin rồi. Ngày đó, nhà Lân ven con suối ở thị trấn. Mùa hè nước trong mát rượi. Ra suối tắm gội cũng là một điều thích thú của mấy bạn nữ. Dạo ôn thi tốt nghiệp, nhiều buổi, cả nhóm ra khu vườn sát suối để ôn bài. Mẹ của Lân, một nữ công nhân nông trường chè bên kia đồi bao giờ cũng có sẵn nồi chè đỗ đen để chiêu đãi các cháu. Hồi đó, các bạn ở nông thôn làm sao thường xuyên có cốc nước đỗ đen với viên đá lạnh ngắt thế này, nên việc có những cốc đỗ đen để uống giải nhiệt khiến cả đám vui và hào hứng lắm. "Các cháu ăn chè đi… Cố mà học và thi cho tốt” - Cô cười, nụ cười khuất sau vành nón cũ khiến ai cũng thấy ấm lòng. Lúc đó không ai biết, cô đang mang thai đứa con thứ 2 vào tháng thứ 7…
Lân nhắn trên zalo: "Con bé nhà tớ nó bỏ nhà đi rồi”… Sao lại thế? Tuần trước nữa vừa bảo khả năng năm nay cô bé đó cưới chồng, chàng rể là một sĩ quan quân đội đóng quân gần đó. Không hẹn mà gặp, trưa đó, cả nhóm đến bắt gặp chồng Lân đang tần ngần đứng ngoài ngõ. Người đàn ông có gương mặt hiền, trầm tĩnh và từng trải cũng là bạn chung của cả nhóm. Anh chỉ tay vào nhà: "Đang thút thít trong nhà kia kìa”. Sao thế, có chuyện gì? Bà kể xem nào. Lân nấc lên: Chuẩn bị lập gia đình nên vợ chồng mình quyết định cho nó biết sự thật: "Thực ra con chỉ là em gái của chị, chứ không phải đứa con đầu lòng của chị”. Nó xốc, nó bỏ đi rồi. Mẹ ơi, em ơi… Éo le thế, ngày trước, khi con bé còn nhỏ, nó cũng nghe hàng xóm đồn thổi là không phải "con mẹ Lân” mà là em ruột, khóc chạy về hỏi  bị Lân mắng át đi: "Ôi trời, phải tin người lớn chứ. Bọn trẻ ranh biết gì”. Giờ thì chính Lân lại nói ra sự thật đó. Lân bảo, giờ nó lớn rồi phải đối diện sự thật. Mà trước đó, chồng sắp cưới của nó cũng đã được cho biết trước. "Thế đoán giờ nó đi đâu không?”. "Cũng đoán ra… đến nhà mấy dì ở xã bên”. Giọng Lân buồn mà ráo hoảnh. Nếu không mạnh mẽ như thế làm sao có thể vượt qua đận đó.
Mẹ sinh em bé xong thì mất. Thêm có bé nữa là 4 chị em. Lân lớn nhất. Bố gần như quỵ ngã. Mấy lần bảo hay là cho ai hiếm muộn đi. Thời đó, gạo đong tem phiếu, thêm miệng ăn là cả vấn đề. Một suất lương của bố không thể đủ ăn cho 5 miệng ăn. Cũng may, vừa thi tốt nghiệp xong nên Lân tính: "Con không thi chuyên nghiệp nữa, nhà mình vườn rộng, không chết đói đâu mà lo bố”. Đúng là thời mà ai cũng biết câu "lấy ngắn nuôi dài” là như thế nào. Ngô, khoai, sắn, đỗ rồi gà lợn, đánh cá suối… Lân gần như xoay sở làm tất cả, miễn đủ gạo cho cả gia đình. Mái tóc dài tha thướt cắt ngắn ngủn, gọn gàng. Nước da trắng hồng dần đen sạm khỏe khoắn nhưng Lân vẫn động viên 2 em gái tuổi cập kê để tóc dài và nhất là đừng tính chuyện bỏ học để phụ chị, phụ bố. Chị không bao giờ đồng ý chuyện đó. Chỉ biết rằng, sau buổi học, chăm lo bế em cho tốt là được… Những ngày đó, hầu như ngày nào nhóm bạn cũng đến cùng Lân. Đúng mùa thu ngô, 2 bạn trai được dịp trổ tài thu hái và tẽ ngô. 2 bạn nữ cũng lần đầu được chăm em bé, cùng Lân lo tìm đường sữa, giặt tã lót. Lần đèo nhau đi xin sữa cho em bé giờ ai cũng nhớ. Có gia đình nuôi con nhỏ họ cho nhưng lại có người xì xào câu chuyện đám trẻ ranh mới lớn đã vội làm người lớn…
Hồi đó, câu chuyện của Lân được nhiều người biết. Nhiều chàng trai đến tuổi lấy vợ cũng tìm đến. Nhưng Lân chỉ chấp nhận người chồng hiện nay khi biết thông điệp của anh ấy: "Hoàn cảnh nào cũng có thể vượt qua, nếu biết chia sẻ cùng nhau”. Con bé ấy bỗng nhiên trở thành con cả của Lân khi nó 3 tuổi. Ngày cưới, nhìn anh ấy bế con bé đi chào mọi người, Lân tin rằng mình đã chọn đúng. Hai người bàn nhau phải cố gắng giấu kín mọi chuyện để em mình không có mặc cảm "mồ côi mẹ”. Mọi hồ sơ nhập học từ cấp 1 đến cấp 2 đều không được đưa đến tay nó. Rồi phải bàn thảo với các cô giáo chủ nhiệm… Lần lữa những năm tháng học THPT, rồi học chuyên nghiệp. Nó đã quen gọi "mẹ Lân” và các dì đến nỗi, những vấn đề liên quan đến hồ sơ cùng những lời đồn thổi không làm nó quan tâm. Nhưng lần này, nó lớn rồi, trước bước ngoặt cuộc đời nên Lân phải nói hết… Đây lá thư nó để lại: "Không phải con không biết, nhưng giờ phải đối diện điều bố mẹ nói ra lại là điều khó chấp nhận… Để con ra khỏi nhà mấy ngày…”. Cả nhóm bàn: chia nhau ra tìm, gặp, trò chuyện để giải tỏa cho nó. Gọi cả chồng sắp cưới của nó nữa. Nó lớn rồi, chắc không có chuyện gì không hay xảy ra đâu.


Truyện ngắn của Bùi Huy 

Các tin khác


Chiến công lặng lẽ

(HBĐT) - Từ xưa đến nay, phố gầm cầu vẫn được coi là tụ điểm buôn bán ma tuý và dùng hàng trắng. Năm ấy, xóm gầm cầu có hơn 30 nóc nhà đều nể Tư "râu” nhất. Gã là người duy nhất không nghiện ngập, không đánh lộn và rất ít nói, đến cả cái trò ở truồng tắm sông như những gã đàn ông ở đây Tư "râu” cũng khước từ. Hàng ngày, gã sống nhờ vào nghề bơm vá, sửa xe. Ai hỏi thì nói, chẳng gây thù, chuốc oán hay nhìn đểu ai. Nhưng có điều chẳng bao giờ thấy có con nghiện nào dám chôm chỉa đồ đạc của gã.

“Nước đổ lá khoai”

(HBĐT) - Từ một chàng tiều phu hiền lành, chân chất luôn được mọi người quý mến, nhưng sau khi được bổ nhiệm chức quan nho nhỏ ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”, Thạch phò mã bỗng "nảy nòi” ham mê tửu, sắc.

Hai mảnh ghép

(HBĐT) - Nghe dự báo thời tiết 2 ngày cuối tuần miền Bắc có nắng nhẹ, nhiệt độ từ 21 - 270C, tôi đang thiết kế chuyến picnic đến những bản làng ven hồ cho bọn trẻ khám phá, trải nghiệm thì có tiếng điện thoại reo.

Đi qua những cơn mưa

Sau hơn 3 năm cô tôi đi lấy chồng và ra ở riêng, lần đầu tiên bà nội đích thân đến thăm, dù ngay năm đầu tiên sau cưới cô đã sinh em bé. Chỉ có mẹ tôi và tôi được bà cho đi cùng. Cơn mưa đầu mùa khiến mọi người ướt như chuột lột. Gặp ngay chú Kiếm ở đầu ngõ, bà nội tôi sững lại đôi chút nhưng vẫn vuốt nước mưa tiến vào. Mẹ tôi nhìn chú ái ngại và thì thầm điều gì đó vào tai. Chú đỏ bừng mặt, bối rối gật đầu, bước vội vào màn mưa. Tóc, râu được cạo gọn gàng, mặc áo phông màu ghi nhạt rõ là lành. Mấy phút sau mưa tạnh nhanh đến bất ngờ. Trời hửng, cầu vồng rực rỡ phía bờ sông.

Đón bình minh

(HBĐT) - Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra giấc ngủ của mình như một cuốn nhật ký đã cũ kỹ và nhàu nát. Là vì, tôi đã ghi vào giấc mơ của mình tất cả những lo lắng, phiền muộn của một ngày qua đi. Ghi rồi xóa, gạch rồi lại viết, cứ thế chất chồng, đan mắc vào nhau để sáng thức dậy đầy mệt nhọc và uể oải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục