(HBĐT) - Vậy là ông đã trở lại thành phố thuở hoa niên từng gắn bó. Một chút vui, một chút se se lòng khi đi qua những con phố, những dãy giảng đường, khu ký túc giờ đã đổi thay đến ngỡ ngàng… Những công dân ở đây đều xa lạ đối với ông. Sau khi làm xong thủ tục nhập học, bố con ông dành cả buổi chiều tìm về ngoại ô thành phố. Anh con cười trêu: "Nhà người yêu bố phải không? Sao bấy lâu nay bố chẳng kể cùng ai?”.


Ông vội lảng: "Đâu có, ân nhân của bố thì đúng hơn”. Mấy chục năm rồi còn gì, không biết ngôi nhà bên bờ ao sen, sát con đường nhiều gió dẫn về quê ông còn đó không? Từ ngày có đường cao  tốc, ông không còn phải đi con đường tỉnh lộ nối ra thành phố này nữa. Mẹ con cô Vụ liệu còn nhận ra ông và cuộc sống cô ấy thế nào rồi?… Chiều thu, gió nhẹ mát rười rượi. Thoảng trong gió như có hương sen, hương cốm phảng phất đâu đây…
Cái thời muốn mua vé ô tô về nghỉ hè, nghỉ Tết, cánh sinh viên đều được nhà trường cấp cho giấy giới thiệu. Có giấy rồi nhưng không thoát khỏi cảnh chen chân mua vé. Cũng vì cám cảnh chuyện đó, bà cô họ xa bán bách hoá tổng hợp huyện bên đã "nhượng” lại cho gia đình ông cái xe đạp Thống Nhất. Hôm nhận xe, ông thở dài ngao ngán. Bọn trẻ trong xóm gọi là "xe đạp cởi truồng” vì không phanh, không chuông, không gác đờ xen (chắn xích). Nhưng nghĩ mỗi tháng thong dong đạp xe về quê, không phải tướt mồ hôi trên những chuyến xe chật ních người cùng bao tải sắn, măng, săm đựng rượu, lắc lư từ quê về thành phố là mừng lắm rồi. 
Chiều đó, cậu sinh viên năm thứ 2 là ông đạp xe về trường. Nắng đầu hè thiêu đốt con đường có ít bóng cây. Buộc sau xe là một nửa bao tải khoai, sắn và ít măng rừng. Không hiểu sao, mọi hôm đi băng băng mà hôm đó đạp thấy nặng chình chịch. Rồi ông cũng lò dò đến được quán nước ven thành phố. Quán cô Vụ. Mấy tháng nay, lần nào trở về trường ông đều ghé qua nên chủ quán không còn lạ gì nữa. Ông nhớ lần đầu tiên, nước vối đá ngon mát quá ông làm luôn 2 cốc, vậy mà lúc trả tiền, cô Vụ (sau này hỏi tên mới biết) lắc đầu quầy quậy: "Lá vối nhà chỉ mất công nấu. Tôi lấy tiền 1 cốc thôi… Sinh viên từ nhà ra trường hả?”. 
Từ quen nên thân,  thậm chí có lần tiện đường ông còn chở Sen, con gái cả của cô Vụ vào khu nội trú sư phạm. Xe xấu, vậy mà bạn ấy vẫn vô tư chẳng lăn tăn điều gì. Câu chuyện nở như ngô rang… Sen diện quần lụa, áo phin trắng, tóc dài tết 2 bên buông dài rõ duyên. Ông nhớ mỗi lần có điều gì đó thú vị khi cười, Sen đều có thói quen che miệng, khuôn mặt ửng hồng…
Vừa dừng lại thì ông thấy xây xẩm mặt mày. Sau đó ông không biết gì nữa. Loáng thoáng bên tai tiếng của Sen với giọng điệu xót xa: "Chắc anh ấy bị cảm nắng rồi… Mẹ lấy cho con cái khăn mát”. Cốc nước chanh mát lịm khiến ông dần tỉnh. Trưa nay ăn quấy quá mấy khúc sắn luộc nên giờ chắc hạ đường huyết. Nằm tạm ở đầu hồi nhà, dù mệt nhưng ông thấy lòng vui lạ. Phảng phất trong gió khá nhiều hương vị quen thuộc: mùi hoa mướp, hoa sen và mùi cánh đồng lúa chín. 
Đi qua nhiều lần nhưng lần đầu tiên ông nhận ra, tiếng là thành phố nhưng khu nhà cô Vụ vẫn đậm chất thôn quê. Không hẳn xung quanh nhà là những giàn mướp, giàn hoa thiên lý xanh ngắt, lúc lỉu quả mà những đồ cô bày bán thập cẩm cũng rất thôn quê, dân dã. Những bó lá chè tươi, lá vối; mẹt lạc luộc, ổi chín hái từ vườn nhà; mấy lọ kẹo vừng, kẹo lạc và lọ quẩy do chính tay mấy chị em Sen làm.
Tiếng cô Vụ: "May quá, nhà này mùa nào thức ấy. Mấy đứa con cô đều biết tự tay làm bánh trái nên dịp Trung thu hay Tết nhà chẳng phải lo đồ bày bàn thờ. Chả phải xếp hàng dài cổ để có hộp mứt lèo tèo mấy miếng quất đâu”. Cô Vụ như "tổng chỉ huy”, người nhỏ gọn, săn chắc, dáng đi rất nhanh. Miệng nói tay làm. Tay rót nước, lấy đồ cho khách mà miệng vẫn không thôi giới thiệu các mặt hàng. Chồng cô lái xe lên miền ngược, năm về 2 lần nên 4 mẹ con cô tự bươn chải, lo đủ việc nội ngoại. Sen bảo: "Nhà vắng đàn ông cũng buồn. Em và mẹ phải lo đủ thứ. Từ việc sửa điện đóm, nước nôi tới việc phải tự bảo vệ khi đêm hôm”. Có phải vì thế tháng trước Sen từ bỏ bộ quần áo cũ kỹ, mặc bộ đồ ngắn đi học võ. Cô cười tươi: "Học để bảo vệ mẹ, các em và chính mình…”. Sang năm nữa cô ra trường, không biết có được làm gần mẹ và 2 em không. Tiếng là đi làm ăn xa, 2 năm nay bố cô chưa gửi đồng nào cho mẹ cả nên đêm đêm, sau khi dọn hàng vang lên tiếng lách cách chiếc máy khâu của Sen và tiếng mỡ sôi chảo bánh bán ngày mai. Mấy đứa em đã biết làm phụ mẹ…
Những năm tháng học đại học, nhiều lần khi không về quê, ông và mấy người bạn cũng đạp xe về phía ngoại ô. Món canh rau cải nấu cá rô đồng của Sen khiến mấy bạn khen không tiếc lời. Ai cũng mừng cho ông có người bạn gái tốt bụng. Nhưng thực ra hai người vẫn là những người bạn thân, dù đôi lần nhìn vào đôi mắt của Sen, ông đọc thấy đôi điều ẩn ý. Gần ngày ra trường, nhóm bạn ông tổ chức một cuộc liên hoan nhỏ ở nhà Sen. Tiếng ghi ta bập bềnh, tiếng hát  trữ tình vang lên như một lời chia tay với ngoại ô, với Sen. Hôm ấy, lần đầu ông uống hết chén rượu gạo quê, bối rối nói lời chia tay cô Vụ, chia tay Sen và chia tay những ngày êm đềm nhất của đời sinh viên…
Đúng là sau này, khi về quê, cuộc sống mưu sinh, gia đình, vợ con cũng đôi lúc khiến ông quên đi nhiều chuyện của quá khứ. Mấy chục năm ông mới trở lại thành phố 2 - 3 lần. Mà lần nào cũng kết hợp việc nọ việc kia, bận nhóm bạn này, nhóm bạn kia. Có lần bụng bảo dạ: ra thăm nhà cô Vụ và Sen… Nhưng những lời mời chào của bạn bè khiến ông chưa thể bứt đi được… Thế đó, dẫu có quên đi nhiều chuyện, nhưng sao ông không thể quên chuyện mỗi lần rời nhà cô, không cô Vụ thì Sen luôn treo vào xe ông lúc thì gói quẩy nóng rẫy, lúc gói cốm đầu vụ, hay có thể chỉ là chai nước chanh đường ngọt lịm. Toàn quà quê sao mà ấm lòng. Lần này ông trở lại, liệu có quá muộn???

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Mùa hoa ngâu

Thế là ông đã có dịp trở lại cư xá xưa sau nhiều năm ra trường. Mấy chục năm chứ có ít đâu. Ngày ra trường, cầm tấm bằng đại học trong tay với bao niềm khát vọng cho những chân trời mới, ông luôn ước ao được trở lại nơi này. Cuộc đời có muôn lối rẽ, nhưng bước ngoặt của thời chia xa thời sinh viên là một dấu mốc quan trọng. Có thể cả ông và ai đó, khá xa lạ với từ "thành đạt” nhưng với ông, những năm tháng sinh viên là quãng đời hoa mộng đẹp nhất, như một hành trang ăm ắp niềm vui, ấm áp theo suốt cuộc đời. Một thứ tài sản vô giá, như một bảo vật tinh thần đi theo cùng năm tháng, khó định nghĩa đầy đủ được. Dù sau này, cuộc đời nhiều sóng gió, va đập nhưng những điều đẹp đẽ đã như một điểm tựa, nâng đỡ ông vượt qua…

Người vắng mặt ngày hội trường

(HBĐT) - Gần tháng nay, ban liên lạc lớp 10 nhóm họp để chuẩn bị các chương trình tham gia hội khóa, hội lớp. Cũng có mấy cốt cán thôi, nhưng ban có mở rộng để mọi người được tham gia, bàn bạc cho dân chủ. Thầy chủ nhiệm cũng già rồi, tuổi cao sức yếu như ngọn đèn trước gió, năm nay không tổ chức biết thế nào…

Mây trắng ngang đầu…

(HBDDT) - Những ngày tháng 7 này, anh - một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường K lại cùng đồng đội lên tàu xuôi Nam, đến nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) để quy tập những người con hy sinh bên ngoài Tổ quốc trở về "đất mẹ”. Biết bao ghi chép, thông tin tư liệu về bạn bè, đồng đội, cả người được trở về với cuộc sống đời thường, cả những người bạn đã ngã xuống chưa quy tập được, giờ đang ở đâu đó tại các nghĩa trang vùng biên được anh trân trọng lưu giữ…

“Công viên” tình nghĩa                                    

(HBĐT) - Ngày trước, khi ba tôi còn chạy tàu chở hàng, ông thường cho tôi theo và hay cập bến sông này để bốc dỡ hàng. Những lúc xong việc, khi người lớn còn bận ăn uống bù khú, tôi hay mượn chú Thức bảo vệ chiếc xe đạp Thống Nhất mà đạp vào các xóm chơi. Chiếc xe đạp khung nam rõ cao làm mông tôi cứ nhấp nhổm, đi xiêu vẹo như một con khỉ rạp xiếc. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục