Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 

Thuở bé, nghe bà nội kể ông tôi là dân trồng chè chính hiệu nên sao và pha chè ngon lắm. Ngày xưa, ông tham gia kháng chiến đi đánh thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ rồi bị thương. Khi vết thương đã bình phục, ông về qua đây nhìn thấy những cô gái trên nông trường chè mới thành lập, ông xin phép vào thu hoạch chè cùng họ. Thế rồi ông gặp một cô gái có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to tròn lấp lánh, ông đánh bạo hỏi tên. Cô ấy lặng im không nói gì, chỉ khẽ nhìn ông rồi bỏ sang một hàng chè khác. Ông cứ thế đi theo cô rồi hai người trở nên thân thiết lúc nào không hay.

Không hiểu sao khi nhìn vào mắt cô gái, ông không thể nào rời xa nơi đây được. Anh vệ quốc quân thấy lo lắng cho những đồi chè, những mẻ chè mới sao, nhất là cô gái có đôi mắt to tròn và hai bím tóc hồn nhiên.

Bố tôi và các chú được sinh ra trên nông trường này. Bà địu từng đứa con trên lưng đi hái chè, trong giấc mơ tuổi thơ là sắc chè xanh mát. Bố tôi và các chú biết bò, biết chạy lon ton, chơi trốn tìm giữa những hàng chè xanh mà ông bà tôi đã gieo duyên ngày nào. Khi mặt trận phía Nam vào giai đoạn quyết liệt nhất, họ đều lần lượt xin ông bà nhập ngũ. Lần nào ông bà cũng thương vì mấy anh em đều gan lì, từ bố tôi đến chú Nông, chú Trường, khi chưa thấy ông bà trả lời, ai cũng đứng tựa mãi ở cái cửa gỗ giận dỗi không chịu vào ăn cơm. Ông bà thấy các con đã quyết cũng vững lòng. Bà gói những nắm chè nhét trong bao lô. Có lần biên thư về, bố tôi bảo: Ở chiến trường làm gì có nước sôi, nhớ nhà quá lâu lâu lấy một vài cánh ra nhấp nháp lúc hành quân. Mùa mưa rừng, chè ẩm dai và nhạt, thương mẹ ngoài đấy đội nón lội bùn trên con đường đồi đất đỏ…

Ba anh em khoác ba lô lên đường khuất bóng sau đồi chè. Ngày toàn thắng, họ trở về trong khung ảnh có khói hương dẫn nẻo về nhà cũ, vườn xưa trong niềm tiếc thương của mọi người. Tôi lớn lên chỉ biết chạy theo mẹ. Mẹ luôn tay làm việc, không bao giờ thơ thẩn suy tư. Hình như nếu bà dừng lại nước mắt sẽ rơi, rơi đến khi cạn kiệt sức sống trong một con người.

Hài cốt của chú hai, chú ba đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, còn sự hy sinh của bố tôi vẫn là một dấu hỏi câm lặng. Những người đồng đội hiếm hoi còn sống sót trong trận đánh đều không tìm thấy thi thể ông. Mọi cuộc tìm kiếm, dò hỏi về danh sách tù binh đều vô vọng.

Tôi nhớ những buổi chiều, mẹ thường băm rau lợn ở ngoài sân. Bao giờ mẹ cũng ngồi hướng ra phía con đường mòn trước mặt. Ngày xưa, một lần bà nội bị rắn cắn, có cô công nhân trẻ của nông trường đưa bà về từ trạm xá. Khi ấy ông tôi vắng nhà, nhìn thấy mấy bó rau lang vứt ở sân, tiện có con dao, cái thớt, cô ấy ngồi xuống cái ghế nhỏ mà bố tôi đóng tranh thủ băm giúp bà. Khi ngẩng lên, cô ấy bắt gặp một chàng trai đứng tần ngần trước mặt. Bố mẹ ngỡ ngàng trong phút gặp mặt rồi đem lòng yêu thương nhau từ lúc nào.

Mẹ tôi ít nói, tính thẳng thắn nhưng rất mực yêu thương chồng con. Lúc mang thai tôi được bảy tháng thì bố tôi ra chiến trường. Cái gốc cây mít là nơi bố mẹ ngồi bên nhau. Bố thương mẹ con tôi, đẽo sẵn một con trâu bằng cành mít để sang năm Sửu tôi ra sẽ chơi cùng nó. Con trâu gỗ xù xì, có cặp sừng vểnh lên, cái như đang hóng tiếng chủ gọi. Nó lên nước bóng mồ hôi, tôi mang theo nó bên mình như một báu vật.

Mẹ tôi bất ngờ đi biệt tăm, chỉ để lại lá thư với vài dòng ngắn ngủi dặn bà cháu tôi hãy chờ tin của mẹ. Nhiều năm qua đi, thi thoảng mẹ vẫn biên thư về, mỗi lần một địa chỉ khác nhau. Có lẽ mẹ đang đi tìm cha?

Giờ đây, tôi đã thành một chàng trai vạm vỡ, ở đội sản xuất ai cũng quý mến, coi tôi như con, như cháu của cả tập thể này. Tôi nhận ra có một ánh mắt lạ thường nhìn trộm tôi, ánh mắt xuyên qua cả một rừng cười nói của các cô, các chú. Nguyệt mỏng mảnh như ánh trăng hắt lên đồi chè mà cũng mênh mang như đêm rằm…

Một hôm bà và cô Tâm gọi tôi sang nhà cái Nguyệt. Nguyệt cũng giống như tôi, sống dưới đôi cánh che chở của bà ngoại. Cô bé cao và gầy nhưng đôi mắt đen tròn, da trắng. Trên đường đi, cô Tâm nói với bà rằng con gái như Nguyệt sinh nở xong sẽ rất nở nang, xinh đẹp. Người làm cái nghề mai mối bao giờ cũng có đôi mắt tinh đời nhìn ra điều kín đáo của các cô gái.

Đêm trăng trước hôm cưới, đợi khi bà đã ngủ say, tôi lại lấy chiếc hộp gỗ ra ngắm nghía. Điều bất ngờ là ở đáy hộp còn một cái ngăn nhỏ. Tôi lấy mũi dao nhọn cậy ra, trong ngăn thứ hai ấy chứa một đôi hoa tai bằng vàng. Nhìn kỹ thì đó là đôi hoa tai của mẹ thường vẫn hay đeo. "Chẳng phải mẹ kể rằng bà đã từng đeo cho mẹ đôi hoa tai ấy hay sao?”- tôi tự nhủ.

Sáng hôm sau, giữa những tiếng cười nói của các cô chú ở nông trường, bà con xóm đồi, tôi lấy đôi hoa tai ấy từ trong túi ra đeo cho Nguyệt. Một thằng con trai như tôi dẫu chưa từng đi ra khỏi đồi chè nhưng sẽ che chở cho một cô gái rụt rè như đọt chuối non. Đúng lúc ấy bà tôi kêu lên:

- Không, không được đâu Trường ơi… nó là cái rớp đấy con ạ!

Tôi mặc kệ, ôm lấy Nguyệt trong sự ngỡ ngàng. Đúng lúc ấy mọi người náo loạn vì có ai đó đang gào lên phía chân dốc. Tôi dắt Nguyệt cùng chạy xuống xem. Một người đàn ông mặc quân phục cũ, tóc đã điểm bạc, vai khoác chiếc ba lô nhẹ tênh đang khó nhọc bước từng bước với một bên chân giả. Và phía xa hơn, bóng một người phụ nữ ngoại tứ tuần đang rón rén trở về. Họ đi từ phía hoàng hôn nhưng tôi lại ngỡ đó là bình minh phía cuộc đời mình. Một miền xanh của sắc chè kỳ diệu…


Các tin khác


Cát đen, cát vàng

(HBĐT) - Loay hoay tính đi tính lại, cuối cùng chàng tiều phu quyết định vay vốn để đầu tư mở bãi tập kết buôn bán cát, sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Những người bạn

(HBĐT) - Dù năm tháng học THPT trôi nhanh đến bất ngờ và vài thành viên nhóm "ngũ quái” năm nào đã cứng cứng tuổi nhưng họ vẫn bên nhau trong những sự kiện quan trọng của đời nhau. 2 nam, 3 nữ. Hồi đó, thấy họ thân nhau, bạn bè cùng trang lứa cứ đồn thổi là đôi nọ, đôi kia yêu nhau. Nhưng không hẳn như vậy. Trong số này, có 2 bạn nữ là Hiên và Hạ thuộc diện thoát ly làm "cô nuôi dạy hổ” - cách gọi của chúng nó về giáo viên mầm non. Còn 2 nam nhi: Thân và Thái làm đủ nghề để nuôi vợ con và giờ con cái cũng đã vào THPT, có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai người có tham gia một vài câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp liên quan đến nông thôn, nông dân, thỉnh thoảng tham gia đàn ca sáo nhị của phường bát âm xóm.

Tiếng hát

(HBĐT) - Vậy là chị cũng đã cùng nhóm ca khúc chính trị biểu diễn được 3 đêm ở thị trấn bên sông này. Đúng là nơi có những khán giả lý tưởng. Đêm đầu tiên khi chị hát xong một bài nổi tiếng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người xem vỗ tay thật dài, yêu cầu hát lại.

Chiều quê hương

(HBĐT) - Một thoáng chiều quê. Người quê, có lẽ chẳng mấy ai quên được những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy... Trở về thăm mẹ buổi cuối tuần, làng quê thật yên bình, cánh cò trắng đang sải dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.

Người lính năm xưa

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục