(HBĐT) - Năm nào, gia đình chú Út ở ngoài thành phố cũng cho 2 đứa trẻ về thăm quê vào dịp hè. Vì thế, tuần này nhà ông Tưn đông vui, ồn ào hơn. Là con cả trong gia đình, ông được ông bà để lại cho mảnh vườn khá rộng dọc dưới chân đồi Châu Sơn, có địa thế đắc địa lắm. Trước đây ở quê, việc bố mẹ viết di chúc cho con cái là điều ít có, nên nghiễm nhiên ông có thể hưởng lợi toàn phần. Chú Út vô tư thôi, chỉ nêu ý kiến: Có nguồn gốc từ nông thôn, mở mắt ra là thấy núi đồi, rừng cây, sông suối, nên muốn bọn trẻ không thấy quá xa lạ với điều đó… Nên cả 2 đứa thích về quê để khám phá cây cỏ, thiên nhiên cũng không nằm ngoài ý tưởng đó. Với ông Tưn, trong một tuần lễ ông cũng dự định cho các cháu vào vườn rừng đặt bẫy chuột, thăm khu nuôi lợn bản địa phía núi và khu vườn chim bên bờ suối. Mùa này sao cò về nhiều thế…

Mấy chục năm nay, với bàn tay của các thành viên trong gia đình, khu vườn được quy hoạch khoa học, quy củ. Ngoài những cây trồng truyền thống ông còn đưa các giống cây mới về trồng trên cơ sở lai ghép tiên tiến. Cây phát triển và nhanh ra quả. Riêng trang trại chăn nuôi của ông đã sinh lời từ lâu nay… Nên khi các con vào đại học, điều kiện cho con ăn học được bảo đảm tốt. Hôm nọ có một đoàn khách từ phía thượng nguồn suối Chiều đi xuống ngang qua khu vườn nhà ông, có cả mấy khách nước ngoài. Nghe nói đoàn lữ hành đi điền dã thăm thú đồi núi, sông suối liên quan đến một dự án nào đó. Cô gái trẻ nhất trong đoàn ăn mặc khá bụi, có mái tóc nhuộm xanh phiên dịch cho đoàn nói đại loại như: Một vài "đại gia” đang đi ngắm nghía để xây dựng một số homestay phục vụ cho dự án du lịch vùng. Nơi đây có sông suối, hồ nước, thiên nhiên hoang dã và nhất là người bản địa còn giữ được nét bản sắc… nên du khách thích lắm. Cô xin số điện thoại của ông, sau đó có 3 người gọi cho ông. Họ muốn mua một phần đất làm nhà nghỉ cuối tuần… Họ nói thích thông thổ nơi đây, lại gần phố thị. Ông cũng mới nói qua cho cả nhà biết. Vợ ông vốn là người đơn giản nhưng cũng bộc lộ: "Tuỳ ông thôi, nhưng nhà chỉ có 2 anh em, làm thế nào thì làm đừng để thiên hạ họ nói mình tham lam. Đất này là do bố mẹ khai khẩn…”.

Với ông Tưn có nhiều chuyện để kể lắm. Tuy ở nông thôn nhưng cũng do được đi đây, đi đó nhiều nên nếp sinh hoạt của gia đình ông khác với mọi người xung quanh. Vợ ông vẫn ăn mặc như muôn bà vợ ở vùng sơn cước nhưng ông lại khác. Thời còn khá trẻ, tháng nào ông cũng xuống phố cắt tóc, gội sấy, phun keo đánh luống. Đám trai trẻ trong làng ngưỡng mộ mái tóc châu Âu của ông. Quần áo cũng theo mốt phố. 20 năm nay, ra khỏi nhà không lúc nào rời quả kính màu xanh lơ, khá đỏm dáng. Các bà cùng lứa nói xa gần: Bà Tưn mà không cảnh giác, gái phố nó xách mất ông ấy đi đấy. Bà cười giòn tan: Đố ai mang nổi ông 80 km ra khỏi dốc Bụt đấy. Ông cũng là người đầu tiên của xóm có con ti vi Sam Sung đen trắng để xem bóng đá thế giới, kèm theo đó là chiếc catsset Sanyo bãi của Nhật, nhưng mỗi lần nghe đĩa Tuấn Vũ, Hương Lan… cả xóm cứ gọi là lịm người luôn. Khi có ti vi màu, máy giặt, nồi cơm điện… ông cũng tiên phong. Ở thời điểm nào ông cũng thức thời hơn người. Xây nhà ngang, các con đều có phòng riêng, khá độc lập và có không gian cho riêng mình. Các công trình phụ cũng khá văn minh, tiện lợi. Duy chỉ có chi tiết: từ nơi để cái chổi rơm, hay khu giày dép đều được ông đặt tấm bảng nhắc nhở việc gọn gàng, ngăn nắp là khiến làng xóm bàn cãi. Ví dụ như: "Ai đến chơi để dép đúng nơi quy định”, hay "Lấy chỗ nào đặt đúng chỗ đó”… khiến ông cũng thành đề tài cho một số câu chuyện khi các ông bà ngồi uống trà, hút thuốc.

Sáng nay, trong bộ quần áo "quân khu” nhiều túi (vốn là sở thích của ông từ thời trẻ), ông khoác nỏ, dao phát đi vào vườn. Vừa vào mé vườn ông đã thấy 2 thằng bé nhà chú Út đang hì hụi đào dế. Tiếng thằng anh:

- Lúc sáng nghe chim hót nhiều quá, bọn cháu không ngủ nổi nên vào đây… Mà bác ơi, kia kìa, 2 con chim chào mào già kia rất không lạ với người, cứ sà xuống gần chỗ chúng cháu…

Ông tò mò bước nhẹ dưới hàng cây xoan, trên cành, 2 con chào mào có mào cao vút đẹp tuyệt đang chuyền cành. Ở chân chúng buộc 2 sợi dây bạch kim lấp lánh. Ôi con chim của 2 thằng con nhà ông. Chúng nuôi mấy năm, lớn nhanh, có điệu hót mê hồn. Để biểu lộ tình cảm và đánh dấu 2 con có bộ mã khác thường, ông đi đặt 2 dây bạch kim buộc khoanh vào chân để đánh dấu. Trong một lần bất cẩn, 2 con chim sổ lồng bay vút về phía núi… 2 thằng bé nhà ông bỏ cơm, khóc lóc mấy ngày vì tiếc. Vậy mà sau nhiều năm, chúng đã trở về đây. Ông huýt nhẹ tiếng sáo tiến đến gần, mong bắt được lại, không phải để nhốt chúng như mấy năm trước mà muốn tháo sợi dây bạch kim đó. Nhiều năm chắc sợi dây đó sẽ gây đau và làm hằn vào da thịt… Một cảm giác thật gần gũi dâng lên trong lòng ông. Ngày đó, chiều nào các con ông cũng đi vồ cào cào, châu chấu để bón cho chúng ăn. Ký ức của 2 thằng con ông cũng gợi cho ông thấy hình ảnh ông và chú Út năm nào. Cưỡi lưng trâu, bên mình lúc nào cũng đầy giắt ống đựng châu chấu để về chăm cho mấy con chào mào, sáo núi… Tuổi thơ nào cũng giống nhau ở sự hồn nhiên, yêu thương chim chóc thiên nhiên. Ừ, chắc chắn khu vườn của cha ông phải là khu vườn của tuổi thơ, ký ức chung của những người trong gia đình. Ngày mai chú Út đón bọn trẻ về thành phố rồi.


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Người vắng mặt ngày hội trường

(HBĐT) - Gần tháng nay, ban liên lạc lớp 10 nhóm họp để chuẩn bị các chương trình tham gia hội khóa, hội lớp. Cũng có mấy cốt cán thôi, nhưng ban có mở rộng để mọi người được tham gia, bàn bạc cho dân chủ. Thầy chủ nhiệm cũng già rồi, tuổi cao sức yếu như ngọn đèn trước gió, năm nay không tổ chức biết thế nào…

Mây trắng ngang đầu…

(HBDDT) - Những ngày tháng 7 này, anh - một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường K lại cùng đồng đội lên tàu xuôi Nam, đến nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) để quy tập những người con hy sinh bên ngoài Tổ quốc trở về "đất mẹ”. Biết bao ghi chép, thông tin tư liệu về bạn bè, đồng đội, cả người được trở về với cuộc sống đời thường, cả những người bạn đã ngã xuống chưa quy tập được, giờ đang ở đâu đó tại các nghĩa trang vùng biên được anh trân trọng lưu giữ…

“Công viên” tình nghĩa                                    

(HBĐT) - Ngày trước, khi ba tôi còn chạy tàu chở hàng, ông thường cho tôi theo và hay cập bến sông này để bốc dỡ hàng. Những lúc xong việc, khi người lớn còn bận ăn uống bù khú, tôi hay mượn chú Thức bảo vệ chiếc xe đạp Thống Nhất mà đạp vào các xóm chơi. Chiếc xe đạp khung nam rõ cao làm mông tôi cứ nhấp nhổm, đi xiêu vẹo như một con khỉ rạp xiếc. 

Chú bé bán lồng chim

(HBĐT) - Ngày cuối tuần, cho mấy đứa nhỏ về quê ngoại nên ông nằm rốn thêm chút nữa. Ôi trời, mấy hôm nay nắng to, bức bối. Nghe radio nói về khí hậu, thời tiết khắp nơi thay đổi, hồ đập cạn dần mà nản. Ông chợt nhớ những ngày hè tuổi nhỏ. Hồi đó, hè có nắng nóng nhưng không gay gắt như hiện nay. Đêm hè, những luồng gió thổi từ sông, hồ, phía núi, dọc con đường làng, len lỏi qua những hàng tre, làm cho không khí mát rượi, dễ chịu hẳn…

Mùa bắt… “tôm bay”

(HBĐT) - Lại xôn xao những ngày tháng 6… Màu hoa phượng đã nhạt dần trên những vòm cây cuối phố. Và mưa giăng man mác trên những hàng cây sang mùa quả chín vàng cùng những hàng bàng, hàng lộc vừng mùa hoa rơi rụng. Những ngày nóng oi nồng, bức bách, xen lẫn những cơn mưa mát lành. Lòng bỗng thư thái, chợt nghe những câu văn tha thiết trong "Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng và lời bài hát "Tháng sáu trời mưa” vang trong không gian...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục