(HBDDT) - Những ngày tháng 7 này, anh - một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường K lại cùng đồng đội lên tàu xuôi Nam, đến nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) để quy tập những người con hy sinh bên ngoài Tổ quốc trở về "đất mẹ”. Biết bao ghi chép, thông tin tư liệu về bạn bè, đồng đội, cả người được trở về với cuộc sống đời thường, cả những người bạn đã ngã xuống chưa quy tập được, giờ đang ở đâu đó tại các nghĩa trang vùng biên được anh trân trọng lưu giữ…
Mỗi dòng chữ, mỗi tâm sự trên facebook của anh có nước mắt, niềm tin và những khao khát được trở thành hiện thực. Anh đưa lên trang cá nhân những hình ảnh, những con người đang hành trình việc nghĩa, mong làm dịu đi nỗi đau mất mát của những gia đình bạn bè, đồng đội nơi quê nhà. Có những bức ảnh, không gian nghĩa trang mênh mang và bầu trời trong xanh, nhiều mây trắng bay rợp… Có cảm giác như các anh hùng, liệt sĩ đang hiển linh nơi vùng trời nào, trên bầu trời cao xanh kia...
Đã rất nhiều tháng 7 hàng năm, người bạn cùng học phổ thông lại có chuyến cùng đồng đội ngược Hà Giang để dâng hương hoa ở nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên và thăm lại chiến trường xưa. Mỗi khi nhắc đến các địa danh như Thanh Thuỷ, điểm cao 1509, Hang Làng Lò, đài hương 468… bạn lại rưng rưng, mắt hướng về những cánh rừng, ngọn núi xa xăm trong tiềm thức. Tuổi đôi mươi của bạn gắn mình với tiếng pháo, tiếng súng, khói lửa, mùi đạn bom và mùi vụn đá vỡ. Chính bạn cũng là người từng hát cho đám bạn cũ nghe bài "Về đây đồng đội ơi” với tiếng lòng đồng vọng, tri ân. Nhiều đồng đội của bạn đã ngã xuống vì bình yên biên giới thân yêu.
Hôm nay, bạn đang có cuộc sống yên hàn bên vợ con, cháu… nhưng bạn bảo rằng: trái tim, lương tâm người sống trong cuộc sống hoà bình hôm nay không thể cho phép mình "đóng khung” với quá khứ, với đồng đội thân yêu… Vì thế, năm nào bạn cũng cùng mọi người lên biên giới, một sự thôi thúc nội tâm, không hề gượng ép... Nơi đấy, có nhiều đồng đội đang chờ anh... Bạn bảo: năm nào lên đó, mây trắng, trời xanh cũng ngang đầu. Màu của hòa bình, của khát vọng tràn ngập vùng biên...
Có bao giờ ai đó tự hỏi, bạn cùng lớp với mình có ai là con của những anh hùng liệt sĩ? Người bạn cũ thế hệ 6x kể rằng: lớp học của bạn thật đặc biệt, khi có 5 - 6 bạn có cha đã nằm xuống vào đúng năm 1968. Nghĩa là khi cha nằm xuống, các bạn cũng cũng mới 3 - 4 tuổi. Những đứa trẻ chỉ biết đến mẹ và biết rằng bố đi bộ đội đánh giặc ở miền Nam. Cả một tuổi thơ thiếu vắng cha, từ cấp I, cấp II, cấp III, rồi những bước ngoặt, dấu mốc quan trọng của đời người. Dẫu khó khăn, vất vả, nhưng ai cũng vững vàng học tập, rèn luyện. Có người trở thành giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Chưa thấy ai một lần than vãn, kêu ca điều gì.
Tháng 7 này, vô tình gặp lại nhau trong một "sự kiện” nhỏ. Cuộc trò chuyện có phần nghẹn ngào hơn mọi khi, khi họ hỏi nhau những câu chuyện liên quan đến nơi cha họ từng chiến đấu và ngã xuống. Có người sẽ vào thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, Khe Sanh, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Đường 9; có người vào huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) tìm đến ngọn núi dù chỉ mang một nắm đất về cho mẹ; có người vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và núi Bà Đen (Tây Ninh)...
Bạn bè không cần nói và hỏi han nhiều, chỉ có ánh mắt, bàn tay nắm bàn tay chia sẻ ân cần, cảm động đến tận đáy lòng. Mỗi dịp đó, ai cũng muốn làm điều gì đó để ấm lòng bạn bè... Bạn kể rằng: hôm đứng trên đỉnh Hòn Tàu (Duy Xuyên - Quảng Nam) nhìn về biển, nhìn các miền quê trù phú, yên bình đang phát triển hôm nay, bỗng thấy điều gì đó thật thiêng liêng, hiện hữu trong lòng: vùng đất này sao thấy gần gũi, thân thương đến thế! Nơi đó, người cha thân yêu đã nằm xuống. Mảnh đất này cũng là nguồn cảm hứng để một nhà thơ từng viết bài thơ về hạnh phúc gửi tặng nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý: "Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên”….
Cũng hành trình đó, bạn cũng từng bao lần đến dâng hương hoa tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú - thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam). Hòa vào dòng người đến nơi đây, càng có thêm những cảm nhận về Tổ quốc, về những chiến công cũng như những hy sinh thầm lặng của bao bà mẹ, bao người con vì hòa bình, độc lập tự do của "đất mẹ" thân yêu. Một ngày nắng và cũng thật nhiều mây trắng từ phía biển bay về…
Bùi Huy
(HBĐT) - Tôi có cuốn sổ mua từ hồi sinh viên vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, không dày lắm nhưng ghi mãi chưa hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.
(HBĐT) - Loay hoay tính đi tính lại, cuối cùng chàng tiều phu quyết định vay vốn để đầu tư mở bãi tập kết buôn bán cát, sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.
(HBĐT) - Dù năm tháng học THPT trôi nhanh đến bất ngờ và vài thành viên nhóm "ngũ quái” năm nào đã cứng cứng tuổi nhưng họ vẫn bên nhau trong những sự kiện quan trọng của đời nhau. 2 nam, 3 nữ. Hồi đó, thấy họ thân nhau, bạn bè cùng trang lứa cứ đồn thổi là đôi nọ, đôi kia yêu nhau. Nhưng không hẳn như vậy. Trong số này, có 2 bạn nữ là Hiên và Hạ thuộc diện thoát ly làm "cô nuôi dạy hổ” - cách gọi của chúng nó về giáo viên mầm non. Còn 2 nam nhi: Thân và Thái làm đủ nghề để nuôi vợ con và giờ con cái cũng đã vào THPT, có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai người có tham gia một vài câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp liên quan đến nông thôn, nông dân, thỉnh thoảng tham gia đàn ca sáo nhị của phường bát âm xóm.
(HBĐT) - Vậy là chị cũng đã cùng nhóm ca khúc chính trị biểu diễn được 3 đêm ở thị trấn bên sông này. Đúng là nơi có những khán giả lý tưởng. Đêm đầu tiên khi chị hát xong một bài nổi tiếng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người xem vỗ tay thật dài, yêu cầu hát lại.
(HBĐT) - Một thoáng chiều quê. Người quê, có lẽ chẳng mấy ai quên được những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy... Trở về thăm mẹ buổi cuối tuần, làng quê thật yên bình, cánh cò trắng đang sải dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương